http://www.leminhquoc.vn/lmq/tho/tap-tho/732-toi-chay-theo-tho.html
Là chạy về nơi đâu ?
Chỉ riêng trong lồng ngực
Vớ vẩn thơ dày vò
Đành chạy vào tiềm thức
Nghe gà gáy ó o
Làm sao tôi lẫn trốn
Tước trang giấy hư vô ?
9.XI.1995- 20.V.2001
Tập thơ này, tôi in vào năm 2003; bìa 1 là hình tôi, chụp khoảng thập niên 1960 tại Đà Nẵng; bìa 4 là thủ bút bài thơ Thơ ơi do chính tay tôi viết. Tập thơ được sự đón nhận nồng nhiệt của bạn thơ và người yêu thơ. Nay tôi chọn lại chừng mươi bài post lại như ghi dấu một kỷ niệm của ngày tuổi trẻ. Ngày làm thơ không biết mệt. Phải không Thơ?
VIII.2012
LÊ MINH QUỐC
Nhanh nữa với thơ
Trang sách khép lại rồi mà câu thơ như còn đi mãi. Người thơ tự nhận mình chạy theo thơ, nhưng cả tập sách là một cuộc chiêm nghiệm thú vị cho người đọc, Lê Minh Quốc đẩy cảm xúc của mình vào những câu chữ mộc mạc bình thường, không lòe loẹt. Do vậy, lời thơ trong sáng mà tứ thơ ý vị. Khách yêu thơ, khi bắt gặp những dong tâm sự ấy, lại thấy mình nhẹ nhõm trong lòng, sẽ yêu cái tiếng chim và hình bóng của nhà thơ, trong giữa chừng trang viết: tôi quét sân nhặt lại bóng trăng soi; gìn giữ tiếng chim reo gieo mơ hồ trên trái đất; tìm kiếm lại thời gian đã mất; cho đỡ buồn.. (Tìm giữa trang thơ).
Và chính anh tự họa mình trong bước chạy theo thơ, qua những vần thơ nói về thơ. Sẽ ít có trường hợp trong một tập thơ, tác giả dành đến 15 bài để nói về thơ. Đó không phải là một động tác trùng lặp. Mà tác giả đau đáu với thơ, đến nỗi: chọn chữ cho thơ, như chọn vợ gả chồng; chọn giống chọn dòng; suy đi tính lại… (Chọn chữ). những gì ta đang cầm trên tay chỉ là khoảnh khắc hội ngộ trong thơ. Lê Minh Quốc có nhiều khoảnh khắc ấy, đó là khi Sẽ có một ngày người đàn bà đến vỗ vai chàng: “Ta cần ân ái với mi để sinh một đứa con”; lúc ấy chàng nhìn về phía hoàng hôn; mỉm cười với dòng sông; soi mặt vào bóng nước… (Nghĩ về thơ). Lạ hơn, tự ví với thơ, như một kẻ ngoại tình - lòng dũng cảm hay sự nhìn nhận khác thường về đổi mới: đã từng vỗ về nhau; bây giờ ngoại tình với người phụ nữ lạ; chợt nhớ nhà; đêm rất dài là đêm sẽ đi qua… (Thi pháp).
Càng đọc, thấy dường như trong cuộc “chạy theo và hội ngộ” với thơ ấy, Lê Minh quốc có đôi lần dừng lại. Ấy là những khi nhà thơ tranh thủ đối mặt với đời thường, gập mình trên những dòng ray rứt về nghề: tôi đã vay năm ngón tay và cả một bàn tay; để vỗ về niềm vui trong chốc lát; tôi đã vay tiếng khóc; chẳng lẽ trả em bằng những nụ cười?... (Vay mượn). Và thảng hoặc bên cạnh những nhịp thơ, tứ thơ rất mới ấy lại bắt gặp đôi bài lục bát có duyên: áo người thục nữ đang phơi, bỗng đâu gió thổi lên trời xa xăm; bến sông giữa một trưa câm; mặt trời đứng bóng tôi cầm bóng tôi… như quãng lặng giữa khi tiết tấu đang gấp gáp. Do vậy, cung đường chạy theo thơ của Lê Minh Quốc vẫn giữ được tự nhiên và phong vị cũng không thừa. Chỉ tiếc nhà thơ vốn hay đùa, đưa tên mình ra để vẫy gọi chút chơi. Nhưng, khách yêu thơ sau khi khép sách, hẳn sẽ còn thấy người và thơ rong ruổi mãi không dừng.
LAM ĐIỀN
(nguồn: Báo Tuổi Trẻ 19.2.2003)
Trên giá sách của chúng tôi
“Tôi chạy theo thơ” - Thơ của Lê Minh Quốc, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Trẻ 2003.
Với “Tôi chạy theo thơ”, Lê Minh Quốc đã có một cuộc chơi sang với thơ. Bởi lẽ anh đã dám dành hẳn một tập sách đẹp, dày hơn 150 trang chỉ để tâm sự cho thỏa cùng với thơ, và lý giải việc anh đã tìm đến với thơ và gắn bó với thơ không rời. Trong cuộc chạy của mình, Thơ trong nỗi lòng của Lê Minh Quốc đã trở thành một nhân vật trữ tình để anh bộc bạch tâm tư, đôi khi bỗ bã, tếu táo theo kiểu những người bạn chí thiết lâu ngày mới gặp được nhau: “Với tâm thế của một người nông dân vất vả / một nắng hai sương / tôi bước vào văn chương / cắm mặt xuống trang viết / lấy tâm trạng nối mạng Internet / cày ra thơ / ù ù bên tai như ngọn gió hư vô / thổi nhòe nét chữ” (Thay lời tựa). Dễ nhận thấy rằng Lê Minh Quốc không dụng tâm nhiều vào câu chữ, mà cốt lý giải tâm trạng của mình khi bước vào cuộc chạy cùng thơ: Nhiều lúc không biết làm gì cả / nằm đơn độc như con cá / bị ném lên bờ / cá thèm nước còn tôi thèm thơ / thơ trốn biệt biết tìm đâu?” (Chống lại chính mình). Trong những trang viết của mình, Lê Minh Quốc cũng bày tỏ nỗi niềm đau đáu trước trách nhiệm của một thi sĩ - công dân, đó là mong góp được "dăm bảy trang thơ / vắt kiệt trên cánh đồng chữ nghĩa” để góp ích cho cuộc đời này.
Lê Minh Quốc viết nhiều. Anh đã xuất bản 8 tập thơ, 7 tập truyện, 9 tập phóng sự, bút ký cùng các thể loại khác. Song có thể nhận thấy anh dành khá nhiều tâm huyết cho tập sách lần này, tập “Tôi chạy theo thơ”.
Hải Anh
(nguồn: báo Văn Nghệ Trẻ 16/3/2003)
Đi tìm hồn thơ
Đã có nhiều nhà thơ suy nghĩ về thơ bằng chính những… bài thơ. Khi đó, nhà thơ không còn đắm chìm trong cảm xúc, mà với ý thức phản tỉnh – có đôi khi nhà thơ đã hoài nghi về công việc của mình.
Nhà thơ Lê Minh Quốc với tập thơ thứ 8: Tôi chạy theo thơ (NXB Trẻ – 2003) như chiêm nghiệm về thiên chức nhà thơ khi anh viết hơn 20 bài thơ về công việc làm thơ. Chàng lú lẫn tham dự một trò chơi / không bắt đầu và không kết thúc (trang 13). Anh chạy theo thơ để truy tìm ý nghĩa đích thực của thơ: Chữ của thơ muôn thuở vẫn mơ hồ / chọn rồi lại xóa / chợt ngoảnh lại thấy thời gian biến hóa / ròng ròng mồ hôi / thân xác rã rời / chọn chữ chưa xong mà sắp hết một đời (trang 33).
Một câu ngạn ngữ phương Tây: “Theo tình - tình chạy, chạy tình - tình theo”, công việc làm thơ đôi khi cũng giống vậy chăng? Chạy đuổi theo thơ, nhưng không bắt gặp hồn thơ mà chỉ gặp “xác chữ”. Ngoảnh mặt với thơ, hồn thơ lại đứng sau những con chữ. Khi Lê Minh Quốc không chạy theo thơ mà chạy theo chiều ngược lại, anh đã bắt gặp thơ: Hiền như hạt gạo / Là em trong đời / Điên hơn cơn bão / Cũng là em thôi (trang 119). Nhà thơ Tô Đông Pha đã từng viết về công việc làm thơ: Cố ý trồng hoa, hoa chẳng mọc. Vô tình tiếp liễu, liễu xanh om. Phải chăng những bài thơ hay có một phần nhờ sự “vô tình” đó?
Với ý thức phản tỉnh, không chỉ chạy theo cảm xúc, Lê Minh Quốc chắc sẽ làm thơ… vất vả hơn trước, nhưng cũng nhờ vậy anh sẽ có những bài thơ hay hơn.
Đoàn Thạch Biền
(nguồn: báo Người lao động 19.2.2003)
Lê Minh Quốc và cuộc tình không dứt với nàng Thơ
Xông xáo và tung hoành trên các lĩnh vực văn xuôi, phê bình, viết báo... nhưng thơ ca có lẽ là nơi Lê Minh Quốc đam mê và dành nhiều tâm huyết nhất. Anh sáng tác khá đều đặn. Tôi chạy theo thơ do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành là tập thơ mới nhất của anh.
Bàng bạc trong Tôi chạy theo thơ và các tập thơ khác của Lê Minh Quốc là tâm thế bất an của kẻ phiêu du trên con đường tìm kiếm thi ca và tình yêu, những thứ mơ hồ, mong manh nhất. Những con chữ đã dày vò, hành hạ Minh Quốc đến khốn khổ, nhưng cũng chỉ nó mới đem lại cho anh niềm vui đích thực và lâu bền nhất.
Trước Tôi chạy theo thơ, Lê Minh Quốc từng có nhiều tập thơ tạo được ấn tượng với người đọc. Tôi vẽ mặt tôi (1994) thể hiện khá rõ ý thức cá nhân và nhu cầu bộc lộ mình một cách chân thật nhất. Còn trong Yêu em, Đà Nẵng (1999), anh lại thể hiện tình yêu quê hương da diết và nỗi nhớ khắc khoải, day dứt khôn nguôi của người con xa xứ.
Từng coi thơ là lẽ sống đời mình, Lê Minh Quốc viết: "Chỉ có thơ là gia tài lớn nhất" và xưng tụng: Thơ hữu hình như gió/ Đi đến đâu về đâu/ Không một ai biết rõ/ Ngoài mầm lá xanh non/ Ngoài những đêm mất ngủ/ Ngoài mắt biếc môi ngon/ Cũng giống như em đến/ Trong giây phút tình cờ/ Anh giật mình trẻ lại/ Ú ớ mơ ra thơ.
Đặt vào thơ tất cả những buồn vui, đam mê của một con người chân thành và nồng nhiệt, Lê Minh Quốc say sưa và băn khoăn: Tôi viết ngàn sau ai còn nhớ/ Câu thơ hun hút giữa vô cùng (Chịu chơi), Mai kia tôi vắng mặt trời/ trên trần gian/ giữa cõi thu vàng/ Có còn ai nhắc Lê Minh Quốc/ Còn để lại dăm bảy trang thơ/ Hắn đi giữa đời như một kẻ ngu mê/ Vắt kiệt sức trên cánh đồng chữ nghĩa (Quốc ơi).
(Theo Văn Hóa)
nguồn:
http://vnexpress.net/gl/van-hoa/guong-mat-nghe-sy/2003/03/3b9c5927
Lê Minh Quốc và tập thơ Tôi chạy theo thơ
Giữa thời buổi in thơ không dễ bán - chủ yếu là để có tác phẩm trình làng và tặng bạn bè, thế mà nhà thơ Lê Minh Quốc vừa phát hành một tập thơ khá nặng ký do Hội Nhà văn TP.HCM hỗ trợ vốn, NXB Trẻ xuất bản đầu năm 2003.
Tôi nói “khá nặng ký” vì tập thơ gồm tới 91 bài, một số lượng thơ đồ sộ cho một tập thơ thông thường chỉ khoảng 50-60 bài.
Đọc hết 91 bài trong tập thơ Tôi chạy theo thơ của Lê Minh Quốc, tôi nghiệm ra một điều đây không chỉ là một cách chơi chữ của tác giả, hay một cuộc chạy rong mà là một cuộc chạy thật sự với đủ mọi vất vả, khó nhọc, hao tốn mồ hôi năng lượng của một người vào đường chạy nghiêm túc. Văn chương là một cuộc chơi tưởng chừng ai cũng chơi được, nhưng nếu ai không nghiêm túc với nó thì sẽ bỏ cuộc và không bao giờ được hưởng thứ hạnh phúc “đổ mồ hôi” của người về đến đích.
Lê Minh Quốc đã chạy theo thơ và nói rất nhiều điều trong thơ, từ kỷ niệm một thời tuổi nhỏ, lớn lên đi học, đi bộ đội, thời sinh viên, thời yêu nhau, thời trăm công ngàn việc để sống và viết. Những chuyện rất nhỏ, rất đời thường đến “đau đầu”, triết lý trước cuộc sống, Nhưng tôi yêu quý nhất chuyện trong thơ Quốc là chuyện vui, buồn rất hồn nhiên của một người luôn thiết tha với cuộc sống, luôn bàng hoàng những diễn biến bất ngờ mà nhà thơ… phải chạy mới cảm thấy mình không dừng lại.
Lê Minh Quốc chạy theo thơ không chỉ để chạy chơi mà chạy và nói theo cách của mình. Và cách nói đó là của chúng ta vì nó rất giống mỗi người, rất giống mỗi hoàn cảnh và rất giống cuộc sống.
Do đó, nếu ta vừa chạy mà cầm theo tập thơ Tôi chạy theo thơ của Lê Minh Quốc thì nếu đường chạy có vất vả, đổ nhiều mồ hôi thì cũng khá thú vị khi vừa chạy vừa… đọc thơ Lê Minh Quốc.
Từ Kế Tường
(nguồn: Báo C.A TP.HCM thứ bảy 1.3.2003)
Lê Minh Quốc và hành trình đến với thơ ca
Tôi biết Quốc đã từ lâu nhưng gặp gỡ không nhiều để có thể hiểu được anh trong đời. Và tôi cũng không được đọc của Quốc nhiều để hiểu hết được anh trong văn chương. Nhưng tôi luôn luôn kính trọng sự lao động và một khối lượng công việc đồ sộ mà anh đã làm được. Trong thời gian qua, hầu như cứ vài ngày, vài tuần lại thấy một cuốn sách mới của tác giả Lê Minh Quốc ra đời. Mừng cho bạn và tôi thầm nghĩ, chắc rằng anh đã làm việc như một người tù khổ sai - tự nguyện.
Quốc làm thơ, làm báo, viết văn xuôi, khảo cứu, phê bình… xông xáo và tung hoành trong nhiều lĩnh vực, nhưng có lẽ thơ ca là nơi Quốc đam mê và dành nhiều tâm huyết nhất. Đặc biệt là khi tập thơ Tôi vẽ mặt tôi (1994) ra đời thì bức chân dung của nhà thơ Lê Minh Quốc đã tạo được một ấn tượng rõ nét nơi người đọc. Với tập thơ này Quốc đã có một phong cách, một tiếng nói riêng. Ý thức cá nhân và nhu cầu được bộc lộ mình một cách thành thật nhất được thể hiện khá rõ. Tập Yêu em, Đà Nẵng (1999) lại tập trung vào một chủ đề khác. Đó là tình yêu da diết, sâu đậm đối với mảnh đất quê hương - nơi mình đã sinh ra và lớn lên đầy kỷ niệm ngọt ngào. Đó cũng là nỗi khắc khoải, là niềm day dứt khôn nguôi của người con xa xứ. Quê hương – nơi có mẹ, có em, có tuổi học trò với Sân trường kỷ niệm, là bến đỗ bình yên nhất trong cuộc đời phiêu bạt của chàng thi sĩ đa cảm này.
Trong những ngày đầu xuân năm 2003, Lê Minh Quốc lại “trình làng” tập thơ mới: Tôi chạy theo thơ (Hội nhà văn TP.HCM - NXB Trẻ). Vẫn biết cuộc chạy maratông cùng nàng thơ của Quốc chưa có hồi kết thúc. Nhưng ở chặng đường này chúng ta đã có thể hình dung một cách tương đối đầy đủ chân dung tinh thần của nhà thơ Lê Minh Quốc - một con người sống hết mình, sống trọn vẹn cho thơ. Hàng loạt bài trong tập thơ này đau đáu một nỗi niềm đối với thơ ca.
Những con chữ nhảy múa, quay cuồng trong thơ anh như một sự ám ảnh, như một trò chơi của số phận và nhiều lúc như là “giời đầy”. Những câu thơ dày vò, hành hạ người thơ này đến khốn khổ, nhưng cũng kỳ lạ thay, chỉ có nó mới đem đến cho anh những niềm vui đích thực và lâu bền nhất.
Rất nhiều lần ta gặp trong thơ Quốc những lời xưng tụng về ý nghĩa của thơ ca đối với cuộc đời anh: “Hắn thấy mình vừa chạm được hoàng hôn / Chỉ có thơ là gia tài lớn nhất” (Thơ gửi nàng thơ); “Chàng lú lẫn tham dự một trò chơi / Không bắt đầu và không kết thúc” (Nghĩ về thơ). Không thể lý giải nổi và cũng chẳng ai có thể biết thơ anh đến từ đâu. Chỉ biết rằng có lần anh đã tìm thấy một câu trả lời thật dễ thương: “Thơ hữu hình như gió / Đi đến đâu về đâu / Không một ai biết rõ / Ngoài mầm lá xanh non / Ngoài những đêm mất ngủ / Ngoài mắt biếc môi ngon / Cũng giống như em đến / Trong giây phút tình cờ / Anh giật mình trẻ lại / Ú ớ mớ ra thơ…”
Bàng bạc trong suốt tập thơ này là tâm thế bất an của một người phiêu du trên con đường đi tìm kiếm thơ ca và tình yêu - những thứ mơ hồ nhất, mong manh nhất mà cũng bền chắc nhất của cuộc đời này. Thơ ca và tình yêu là hai điểm sáng, hai nốt nhấn quan trọng nhất trong hành trình - sáng - tạo thơ của Lê Minh Quốc. Anh đã đặt vào đó tất cả những buồn vui, những đam mê, của một con người chân thành và nồng nhiệt.
Lúc sinh thời tác giả của Truyện Kiều đã từng băn khoăn rằng không biết 300 năm sau nữa có còn ai khóc mình nữa không? Quốc cũng mang trong mình một nỗi ám ảnh giống như tiền nhân: “Tôi viết ngàn sau ai còn nhớ / Câu thơ hun hút giữa vô cùng?” (Chịu chơi); “Mai kia tôi vắng mặt / trên trần gian / giữa cõi thu vàng / Có còn ai nhắc Lê Minh Quốc / Còn để lại dăm bảy trang thơ / Hắn đi giữa đời như một kẻ ngủ mê / Vắt kiệt sức trên cánh đồng chữ nghĩa”. (Quốc ơi)
Những câu hỏi ấy đành để ngỏ, chỉ biết rằng bây giờ, ngày hôm nay, những người bạn, những người yêu thơ luôn tìm thấy trong các bài thơ của Quốc rất nhiều sự chia sẻ, đồng điệu và đồng cảm trong tâm hồn. Và có lẽ một điều quan trọng nữa chúng ta cảm nhận được ở Quốc đó là, với anh thơ ca vừa như là một trò chơi lại vừa là một lẽ sống ở đời.
Lưu Khánh Thơ
(nguồn: báo Văn Hóa số 869 ra ngày 16-19.3.2003)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|