TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định Cuối tuần ở tiệm sách Kính Vạn Hoa

Cuối tuần ở tiệm sách Kính Vạn Hoa

Mục lục
Cuối tuần ở tiệm sách Kính Vạn Hoa
* Cuối tuần ở tiệm sách Kính Vạn Hoa
* Bật mí về những “bí mật” của tác giả Kính Vạn Hoa
Tất cả các trang


Cập nhật lúc 08:02, Chủ Nhật, 16/09/2012 (GMT+7)

Trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng từng đào tạo ra nhiều lớp học trò tài năng trong nhiều lĩnh vực; trong đó có nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Nguyễn Nhật Ánh (11C năm 1973), Lê Minh Quốc (lớp 12 năm 1976) đang là những cây bút sung sức và thuộc loại Best Seller ở TP. Hồ Chí Minh với hàng loạt tác phẩm sáng tác, từ văn xuôi, thơ cho đến biên khảo, nghiên cứu…

images807675_nha_sach
Độc giả chờ ký tặng sách tại tiệm sách Kính Vạn Hoa ngày 9-9 vừa qua.

Trong dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Phan Châu Trinh, hai tác giả đã cho ra mắt các tác phẩm mới của mình tại TP. Hồ Chí Minh thu hút khá đông bạn đọc đến xin chữ ký…

http://www.leminhquoc.vn/lmq/the-loai-khac/bien-khao/1025-nguyen-nhat-anh-hoang-tu-be-trong-the-gioi-tuoi-tho.html

http://www.leminhquoc.vn/lmq/tac-pham-du-luan/nhan-dinh/1042-vai-hinh-anh-ra-mat-sach-ngay-992012.html


 


Chủ nhật, 9-9, tôi ghé tiệm sách Kính Vạn Hoa của Ánh, nhân dịp các anh ký tặng độc giả các tác phẩm mới xuất bản. Với Ánh là hai tạp văn Người Quảng đi ăn mì QuảngSương khói quê nhà. Còn Quốc, đó là cuốn sách vừa biên soạn: Nguyễn Nhật Ánh - Hoàng tử bé trong thế giới tuổi thơ và tái bản cuốn biên khảo Người Quảng Nam….

Con phố Lương Hữu Khánh ở quận 1 TP. Hồ Chí Minh, xưa chỉ là con hẻm nhỏ bên nách đường Bùi Thị Xuân vắng lặng. Từ ngày vợ chồng Ánh về đây mua căn nhà mở quán ăn Đo Đo, rồi thuê thêm mấy căn liền kề nữa mở rộng thành nhà hàng các món ăn Quảng, mở tiệm bán tương cà mắm muối và tiệm sách Kính Vạn Hoa thì nó trở nên sinh động hẳn lên. Nhất là những hôm Ánh và các bạn văn ra mắt sách mới, ký tặng bạn đọc. Có lần các bạn đọc nhỏ tuổi (và cả lớn tuổi) xếp hàng dài đến vài trăm mét, ra tận đường Bùi Thị Xuân và Nguyễn Đình Chiểu. Chị Tiếng Thu, vợ Ánh và là người quản lý “quần thể quán Đo Đo” kể, những lúc như vậy phải ra báo cáo trước với công an phường để họ thông cảm…

Chủ nhật vừa qua là một ngày như vậy. Từ 6 giờ sáng khi chúng tôi đến uống cà-phê, đã thấy hàng chục bạn đọc đến mua sách, trong đó có nhiều người lớn tuổi. Có nhiều em ở tận Tây Ninh, Củ Chi, Bình Chánh đi xe máy đến thật sớm. Lại có thêm các bạn văn Đỗ Hồng Ngọc, Nguyễn Thiên Tân, Trần Phá Nhạc và ca sĩ Ánh Tuyết đến chung vui. Hai nhà xuất bản Kim Đồng và Trẻ cử nhân viên mang lẵng hoa đến chúc mừng. Nhà văn Thiên Tân chở theo con trai vừa du học ở Mỹ về và em phải chống nạng vì mới bị xe tông, đến để gặp được chú Ánh, chú Quốc… Chương trình ký tặng sách dự định bắt đầu từ 8 giờ 30, nhưng chị Tiếng Thu yêu cầu làm từ 7 giờ 30 vì “không nên để các em chờ lâu quá…”. Mà đâu phải chỉ có các em. Một vị Quảng Nam dân ở tận Củ Chi chen vào trước, mang theo những cuốn sách cũ cả Ánh và Quốc xuất bản cách nay hơn 20 năm để nhờ ký dùm, vì “dễ chi tui gặp được mấy anh!”. Một chị người Bến Tre “lấy chồng Quảng” vì mê những câu chuyện của Ánh viết về quán Đo Đo ngày xưa trong truyện của anh, đã “bỏ chồng ở nhà”, một mình đến xin chữ ký của Ánh và Quốc… Có một em mang theo bài thi môn văn lớp 10 của mình viết về đề tài “thần tượng” Nguyễn Nhật Ánh đến để tặng tác giả…

Vài tờ báo, nhân dịp này đã cử phóng viên đến phỏng vấn Lê Minh Quốc về tác phẩm “Hoàng Tử Bé…” và kinh nghiệm làm sách của anh. Tôi nghe được vài đoạn: “Nhà báo, nhà văn trước hết cũng cần là một nhà nghiên cứu. Anh ta cần đọc thật nhiều, có phương pháp làm tư liệu, phương pháp ghi chép… và nhờ đó anh sẽ có vốn cho các công trình dài hơi…”; hoặc “ Trong văn học hiện đại, các nhà làm văn học sử sau này sẽ không thể không nhắc tới sự kiện Kính Vạn Hoa ra đời đều đặn mỗi tuần một cuốn vào ngày thứ sáu với một loạt các kỷ lục khác: nhiều tập nhất (54 tập), số bản in cao nhất (hơn 1 triệu bản), nhiều nhân vật nhất (hơn 200), được ký tặng bạn đọc nhiều nhất: hơn 1.000 lần từ Nam ra Bắc…”.

Những con số mà Quốc dẫn ra ấy nói lên điều gì? Một lần tôi nhớ Ánh có nói, đại ý: Điểm mạnh của văn chương là khả năng thẩm thấu, góp phần mài sắc một cách vô hình các khái niệm đạo đức nơi người đọc, biết dị ứng với cái xấu, đặc biệt là ở những bạn đọc nhỏ tuổi… Đọc lại những cuốn sách của Ánh, mà tôi được tặng, mới thấy anh trung thành với ý tưởng đó. Kể cả các tạp văn trong hai cuốn sách vừa in đã được mua và xin chữ ký của rất đông bạn đọc sáng ngày 9-9 tại tiệm Kính Vạn Hoa, cái nhìn tinh tế, giàu cảm xúc và những liên tưởng bất ngờ trong văn của Ánh cũng chất chở theo triết lý cầm bút của anh…

Nhưng trên nữa, trong buổi sáng chủ nhật ở Kính Vạn Hoa, mà cả Quốc và Ánh đều phải dừng tay nhiều lần trong bữa ăn trưa ở Đo Đo để ký tặng những bạn đọc tới trễ, tôi nghĩ rằng chính sức viết, chính sự lao động không ngừng nghỉ của các nhà văn xứ Quảng ở đất Sài Gòn này, cũng là một kỷ lục khác đã được bạn đọc đón nhận và hoan hỉ.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(nguồn: http://baodanang.vn/channel/5433/201209/Cuoi-tuan-o-tiem-sach-Kinh-Van-Hoa-2192319/)


Bật mí về những “bí mật” của tác giả Kính Vạn Hoa

“Sau khi đọc xong quyển sách Quốc viết về anh Ánh, tôi ngạc nhiên vì không ngờ lâu nay mình ở chung với một người tài năng và đáng yêu quá"– vợ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã thủ thỉ với nhà thơ Lê Minh Quốc như thế, sau khi  cuốn “Nguyễn Nhật Ánh - Hoàng tử bé trong thế giới tuổi thơ” ra mắt.

1. Một ngày đầu tháng 9, tiệm sách Kính Vạn Hoa ở đường Lương Hữu Khánh, quận 1, TP Hồ Chí Minh chật kín đoàn người rồng rắn xếp hàng. Bên trong, nhà thơ Lê Minh Quốc và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mướt mồ hôi ký tặng độc giả. Có chuyện gì thế nhỉ? Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lại ra sách mới? Không, mà là ông bạn quý hóa của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - nhà thơ Lê Minh Quốc ra sách mới.

 

hinhRRR

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng sách cho bạn đọc trong buổi ra mắt cuốn “Nguyễn Nhật Ánh - Hoàng tử bé trong thế giới tuổi thơ” do nhà thơ Lê Minh Quốc (người ngồi kế bên) thực hiện.

Lâu nay, người ta chỉ biết nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mỗi lần anh ra sách là y như rằng lại “tạo nên cơn sốt dễ chịu cho lứa tuổi hoa niên”, mùa best-selling lại bắt đầu. Cuộc sống của nhà văn ra sao, hành trình văn chương của anh như thế nào, bạn đọc chỉ biết sơ sài qua những bài báo khi ngắn khi dài. Bởi vậy, lần đầu tiên nhà văn mình yêu mến đi vào sách, bạn đọc tò mò và háo hức vô cùng. Đặc biệt, cuốn sách lại do ông bạn thân, bạn rượu đồng hương xứ Quảng là nhà thơ Lê Minh Quốc thực hiện. Nhiều bí mật đã được bật mí bằng lời văn hóm hỉnh, đôi khi rất cà rỡn.

Thời còn học trung học, trước năm 1975, Nguyễn Nhật Ánh và bạn bè lập ra “thi văn đoàn” để tập tành sáng tác. “Các “mầm non văn nghệ” đều tự đặt bút danh rất “hoành tráng”. Nếu nhà thơ Nguyễn Thái Dương ký Nguyễn Mặt Trời, Huỳnh Như Phương ký Lê Hồ Phủ, Lê Minh Quốc ký Thiên Bất Hủ, Phạm Sỹ Sáu ký Ngỵ Xuân Sơn… thì Nguyễn Nhật Ánh ký bút danh mướt rượt: Hoài Mộng Diễm Thư! Có thể hiểu là “mơ màng sách hay”. Bút danh này như “vận” vào cuộc đời của một nhà văn có sách bán chạy nhất hiện nay” – nhà thơ Lê Minh Quốc viết.  Và văn của Hoài Mộng Diễm Thư lúc còn học lớp đệ ngũ (lớp 8 hiện nay) khiến nhà thơ Đỗ Trung Quân tá hỏa: “Không ai chú ý đến hắn, 01 thằng bé thu mình trong ngõ hẻm tranh tối, tranh sáng, người hắn đen đúa vàng khè như màu đất, hắn mặc một chiếc quần độc nhất trước kia màu xanh lơ nhưng đã ngả sang màu vàng vì lớp gió bụi của thời gian, và 01 chiếc áo ngắn tay tiệp màu vàng rách te tua tuy có vá nhiều chỗ nhưng thô sơ, vụng về không che nổi cái bụng xanh lè của hắn…”. Mới đọc một đoạn trong truyện ngắn “Kiếp sống không tình thương”, nhà thơ họ Đỗ đã muốn “toát mồ hôi hột và tóe đom đóm mắt” vì vô vàn màu sắc được mô tả mà không biết màu nào là màu chủ đạo? Ông thẳng thừng: “Nếu là thầy dạy văn, chắc chắn tôi chỉ có thể hạ bút đỏ với lời phê văn vụng, ý nghèo”.

Hồi còn đi Thanh niên xung phong, Nguyễn Nhật Ánh được bến đến là một tay bình luận viên bóng đá siêu hạng, chuyên tường thuật các trận đấu … tưởng tượng. Sau giờ cuôc đất, vét kênh, để xua tan đi mệt mỏi cho đồng đội, Ánh pha trò ngay trong giờ giải lao.  Lê Minh Quốc kể: “Thế là ngồi một mình trên bờ kênh, mắt dõi theo … những đám mây, anh thao thao: Chúng tôi đang ở  phút 15 của hiệp nhất. Bây giờ Thoa trợ lý đang kiểm soát bóng. Bóng đang chập chờn trước khung thành. Anh khéo léo lách qua hai chiếc áo đỏ dẫn bóng vào vùng cấm địa. Chung khờ ra truy cản nhưng vì quá … khờ nên anh đã để cho Thoa trợ lý chuyền bóng cho Thanh căng - tin… Người nghe vỗ tay, bàn tán, xuýt xoa cứ như thật, cứ như nghe qua radio hay màn ảnh nhỏ”. Đây chính là điều làm nên Chu Đình Ngạn - tay bình luận bóng đá hấp dẫn trên báo Sài Gòn Giải Phóng sau này.

Chân dung khá hoàn chỉnh về nhà văn của tuổi thơ được dựng bằng những mảnh ghép mà mỗi mảnh ghép là một sự kiện, bước ngoặt gắn với cuộc đời anh: từ  “Quê nhà và tác phầm đầu tay”, “Một thời “Đầu xuân ra sông giặt áo””,  đến Nguyễn Nhật Ánh tập tành làm thơ, viết Kính Vạn Hoa rồi trở thành chuyên gia tư vấn tâm lý tình cảm tuổi hồng trong “Anh Bồ Câu trò chuyện với tình yêu”, bình luận viên bóng đá vô cùng tài tình và duyên dáng, trở thành nhà văn best-selling, lập quán Đo Đo… Ngoài ra, nhà thơ Lê Minh Quốc còn dày công biên soạn một niên biểu khá đầy đủ và công phu về Nguyễn Nhật Ánh.

Lê Minh Quốc chia sẻ: “Từ 20 năm trước, với tư cách là một nhà báo mảng văn hóa - văn nghệ, tôi đã để ý đến hiện tượng Nguyễn Nhật Ánh nên bắt đầu quá trình sưu tập bất cứ tư liệu, bài báo, hình ảnh nào liên quan đến tác giả Kính Vạn Hoa. Đến khi NXB Kim Đồng đặt hàng tôi viết cuốn sách về Nguyễn Nhật Ánh - cuốn sách đầu tiên viết về tiểu sử lẫn sự nghiệp của một cây bút đương đại thuộc thế hệ trưởng thành sau năm 1975 cho bộ sách “Nhà văn của em” …thì tôi viết rất nhanh, hoàn thành trong vòng 1 tuần”.

“Không phải vì chơi thân với Ánh mà tôi viết sách tâng bốc bạn mình. Tình cảm yêu mến của bạn đọc, hiệu ứng xã hội, các kỷ lục từ những cuốn sách đã chứng minh tài năng của Ánh và không ai có thể phủ nhận. Tôi buộc phải viết vì tôi ngưỡng mộ và quý trọng tài năng của một người bạn, một đồng nghiệp như thế”. Nhà thơ kể: “Hôm rồi gặp vợ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ở quán Đo Đo. Chị nhìn tôi chằm chằm, khuôn mặt rất hình sự.  Lúc lâu sau chị mới thủ thỉ với tôi: "Sau khi đọc xong quyển sách Quốc viết về anh Ánh, tôi ngạc nhiên vì không ngờ lâu nay mình ở chung với một người tài năng và đáng yêu quá". Hóa ra là vậy, hú hồn!”.

2. “Trời! Cái sức lao động của anh mới khủng khiếp! Khối lượng tác phẩm đã in của anh nếu xếp lại thành một chồng thì đến nay đã cao xấp xỉ chiều cao 1 mét 60 của anh”. Bút lực và tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh khiến ông bạn thân Lê Minh Quốc phải thốt lên như thế.

Rất nhiều người, kể cả giới nghiên cứu luôn tự hỏi: Điều gì làm nên “ma lực” Nguyễn Nhật Ánh? Ma lực ấy hút hồn từ “người 9 tuổi đến 99 tuổi”. Trong dòng văn học thiếu nhi và tuổi mới lớn của Việt Nam, Nguyễn Nhật Ánh như ông hoàng, một mình một cõi. Có nhà văn nào đó suỵt mồm nói gở: “Không may ông Ánh chết, lũ trẻ đào đâu ra người viết cho chúng đọc!”.

Lê Minh Quốc đã thử nêu ra những “lá bùa” mà “nhà ảo thuật” Nguyễn Nhật Ánh đã sử dụng:  “Thứ nhất, vốn từ và cách hành văn của Ánh rất giàu có và trong sáng, không có gì là “lên gân” ở đây. Thứ hai, Ánh là nhà văn mang tâm hồn nhà giáo. Các em thiếu nhi như trang giấy trắng, chưa tự nhận thức được đầy đủ  nên nhà văn không thể lột trần sự việc và để chúng chọn lọc được. Riêng Ánh biết cách chọn lọc những chi tiết, câu chuyện phù hợp để hướng thiện cho chúng một cách nhẹ nhàng, giáo dục mà như không giáo dục. Văn của anh vừa thỏa mãn hai yếu tố là giáo dục và giải trí nên phụ huynh thường rất yên tâm khi cho con họ đọc. Thứ ba, đó là chất hóm hỉnh, hài hước trong câu thoại, chi tiết, tình huống gây cười trong tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh. Đó là một thủ pháp rất có nghề lôi cuốn đông đảo bạn đọc mọi lứa tuổi.”

Một “lá bùa” nữa đó chính là những kỷ niệm thời hoa niên. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh quan niệm: “Tuổi thơ đối với tôi là một thế giới đầy ám ảnh. Tôi luôn luôn bắt gặp mình thổn thức khi nhớ về những ngày thơ ấu. Ấy là khi tôi nhận ra mình đã ở quá xa sân ga tuổi nhỏ. Và tôi viết những cuốn sách để kéo chúng gần lại”. Nhưng nhà văn nay đã xấp xỉ cái tuổi lục tuần, lại lấy những kỷ niệm ngày xửa ngày xưa làm chất liệu thì làm sao tạo nên những trang sách được thế hệ trẻ hiện nay chào đón nồng nhiệt đến vậy? Đọc sách Nguyễn Nhật Ánh, dễ dàng nhận thấy tình cảm, cách ăn nói, sinh hoạt của nhân vật rất phù hợp với thế hệ 9x, 10x hiện nay. Lê Minh Quốc hiểu:  anh chàng mang bút danh Hoài Mộng Diễm Thư ngày nào có một đầu óc rất thực tế, có nhiều “mánh” bắt mạch “lũ nhóc @”.  Nguyễn Nhật Ánh không ngần ngại ôm cặp lân la vào học lớp ban đêm dành cho những trẻ em cơ nhỡ, thất học. Anh hồn nhiên chơi đùa, trò chuyện với các em như những người bạn. Trong con người Nguyễn Nhật Ánh thực sự đang tồn tại một đứa trẻ con như nhà văn từng thừa nhận. Một chuyện mà khi kể lại, nhà thơ Lê Minh Quốc còn cười như nắc nẻ: “Có lần mấy anh em tụi tôi “đột kích” vào giờ học văn tụi học sinh lớp 7 ở một trường trong thành phố . Nhưng ngồi chưa ấm chỗ thì mấy đứa học trò và cô giáo đã phát hiện ra ông ngồi cuối dãy là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Vậy là cả lớp nhao nhao, ầm ĩ cả lên, từ cô giáo đến học trò bao vây Ánh để xin chữ ký. Mấy anh em nhà báo tụi tôi nhìn nhau mà hoảng quá. Tức tụi trẻ con không đứa nào đếm xỉa đến mình nên vọt lẹ luôn”.

Để chọn cái tên “Nguyễn Nhật Ánh – Hoàng tử bé trong thế giới tuổi thơ” đặt cho cuốn sách, nhà thơ Lê Minh Quốc bảo anh phải đánh vật cả buổi chiều, vắt óc vạch ra hơn 50 cái tên gắn với tên sách của Nguyễn Nhật Ánh.  Cuối cùng, nhà thơ đã đưa tên bạn mình đi kèm tên tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Pháp Antoine de Saint-Exupery.  “Hoàng tử bé” từ một hành tinh khác đến, mang trái tim yêu thương đến vạn vật và con người. Nguyễn Nhật Ánh cũng vậy. Bằng những trang sách, anh chở yêu thương và câu chuyện trong trẻo đầy bản thiện đến với  trẻ thơ và tất cả chúng ta”.

 

QUỲNH NGA

                                                                             (nguồn: báo Văn nghệ Công an, số 184 (284) ngày 17-9-2012).

 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com