Xin một vé đi làm người lớn
Chịu đọc và đọc một mạch tác phẩm mới nhất của Nguyễn Nhật Ánh, nghĩa là tôi đã chấp nhận xin một vé để đi cùng tuổi thơ. Đi cùng, bởi vì ở tuổi trung niên, thú thật tôi không nhớ nổi - đầy đủ và chi tiết - mình đã nghĩ gì, làm gì ở tuổi thơ. Phải ăn theo tuổi thơ của cu Mùi, nhân vật chính trong truyện, và có đối chứng thực tiễn của cu Rơm, con tôi đang bước vào tuổi lên 7.
Tuổi thơ luôn có cả một ngân hàng trò chơi nghịch ngợm. Bắn súng, đánh nhau ư? Thường quá! Còn bé tí, mới 8 tuổi, cu Mùi đã chơi trò vợ chồng, cha con. Nó và đám bạn còn phá nát một mảnh vườn để đi tìm kho báu…. Cu Rơm chẳng kém, cũng đã từng tạo ấn tượng mạnh khi cho mấy chú cá vàng trong chậu “ăn” luôn mấy đĩa CD nhạc … Những nhà cách mạng bé con này thường hay trở chứng. Chúng luôn tìm kiếm những thay đổi và không muốn làm con vẹt nhai đi nhai lại mọi điều cũ xì. Như một ngày nào đó, hứng chí lên chúng đã đổi cách gọi đi ngủ thành đi chợ, cái cặp thành cái giếng. Chúng không chấp nhận 2x4 dứt khoát phải là 8…. Thậm chí cu Rơm còn biến cả cái bộ sa lông mây thành một ngôi nhà của người tiền sử.
Trẻ con làm tất cả điều ấy một cách hồn nhiên, tự tin là do chúng có óc tưởng tượng phong phú và lại tiếp cận thế giới theo cách của chúng (mà người lớn không thể nào hiểu hết). Nguyễn Nhật Ánh “phán” thế! Không mới! Song tôi “bị” chia sẻ một cách thấm thía nhận xét đó từ những dòng viết của anh. Trong đời sống hàng ngày, mỗi khi cu Rơm làm điều gì “bất thường”, tôi hay lên tiếng la rầy, cấm cản. Đôi khi,tôi hành xử y chang như Nguyễn Nhật Ánh viết: "Con à, hồi bằng tuổi con,bao giờ ba cũng…". Nghĩa là tôi cố bịa chuyện hồi nhỏ của mình để mong rút ra một bài học giáo dục nào đó cho cu Rơm. Tôi đã giải quyết những mong muốn ngây thơ, trong sáng của trẻ thơ bằng cách nhìn, nếp nghĩ có phần thực dụng của người lớn…
Quyển sách với hơn 200 trang viết về các góc cạnh của trẻ thơ , cũng có thể xem là một bản tham luận về “Trẻ em như một thế giới”, như cách nói của tác giả. Người lớn đi vào thế giới tuổi thơ để được dịp soi rọi lại cách làm người lớn của mình. Thế giới đó được thể hiện khá dí dỏm, thú vị. Đôi lúc nó khiến người đọc bật cười thành tiếng trước một câu viết hay một sự so sánh nào đó giữa người lớn và trẻ em. Cười đó rồi tự vấn đó :mình đã hiểu hết trẻ thơ chưa và có biết cách chấp nhận những điều chúng nghĩ , chúng làm chưa?
Nếu chưa thì đúng “buồn ơi là sầu”! Và …cho tôi xin một vé đi (học) làm người lớn “ cùng Nguyễn Nhật Ánh vậy!.
Lưu Đình Triều
< Lùi | Tiếp theo > |
---|