Nhà báo Lưu Đình Triều
Hai lần … Mẹ
Hai mươi năm đầu của cuộc đời, tôi chưa được một lần gọi “Mẹ”. Rất nhiều, thật rất nhiều, thời niên thiếu tôi đã ném những ánh mắt ghen tị vào bạn bè, khi họ hạnh phúc trong vòng tay chăm sóc của mẹ. 10 tuổi, tôi đã đứng trước gương, dùng kéo cắt ngắn đi những sợi lông mi. Người ta nói lông mi dài dễ “mít ướt”. Mà hồi ấy, tôi hay khóc, khóc không thành lời, mỗi khi chạnh lòng, tủi thân vì sao mình không có mẹ (lẫn ba). May mà những lần ấy, tôi chóng được an ủi, vỗ về, bởi vòng tay của ngoại.
Sau này, lớn lên, tôi mới được biết rằng, trước ngày chia đôi đất nước, ngoại tôi đã lận lội xuống tận rừng U Minh, “tha” tôi, 10 tháng và chị tôi hơn 2 tuổi, về Biên Hòa nuôi. Còn ba mẹ tôi lên tàu tập kết với lời hẹn hai năm sẽ về. Cho đến giờ, tôi vẫn không hình dung ra nổi, những tháng ngày ấy, bà tôi chật vật, vất vả đến dường nào, khi tái nhập lần thứ hai vai trò làm mẹ với hai đứa cháu nhỏ. Sau này, thỉnh thoảng bà chỉ nhắc lại với ai đó một cách âu yếm về tôi: cái thằng này, hồi nhỏ quậy lắm. Tắm nó trong thau, nó không chịu yên. Có lần nó đạp lên lọi ngón tay của bà. Cái ngón tay trỏ ấy, hàng chục năm sau, còn mang nguyên đường dáng của một đoạn thẳng bị cong ở giữa. Lớn, lập gia đình rồi có con, đôi lúc tôi lại băn khoăn tự hỏi, ngoại làm sao tay xách, nách mang hai đứa bé, mỗi khi chúng khóc la, bệnh tật? Tôi chỉ có thể tự trả lời câu hỏi bằng một lời đáp chung chung: với tấm lòng của người mẹ, ngoại tôi đã vượt qua những vất vả, khó khăn của một người đàn bà đơn côi sống cùng hai đứa bé.
Ông tôi mất đã lâu. Vừa nuôi nấng chúng tôi, bà vừa phải sớm hôm “lặn lội thân cò”. Lúc thì xuống miền Tây, mua khô, mua cá… về bán lại. Lúc thì lên chợ Gò Dầu, mua nhang, dầu Miên, xà bông … về bỏ mối, kiếm ít đồng tiền lời nuôi cháu. Những ngày bà chạy chợ, hai chúng tôi chỉ ăn uống qua ngày dựa vào sự đùm bọc của cậu, dì, bà con lối xóm. Người ta nói, trông chờ đến sốt ruột là con trông chờ mẹ đi chợ về. Còn tôi và chị tôi, có những đêm ngày trông bà, còn da diết hơn những đứa trẻ khác trông mẹ đi chợ về: có những đêm mưa, hai chị dem nằm cuộn tròn, lấy mền phủ kín đầu, trong ngôi nhà vắng lặng, vì sợ ma. Chị tôi chưa đủ lớn, nhưng cũng phải ra vẻ bảo mẫu, vỗ về thằng em, khi nó cứ thút thít, “Chị ơi, sao ngoại lâu về vậy?”.
Đi qua những đêm mưa trống trải, đi qua những ngày nắng luông tuồng vì vắng bà, rồi chúng tôi cũng lớn lên và cũng được cắp sách đến trường như bao đứa trẻ đồng trang lứa khac. Bây giờ, nhiều bậc cha mẹ hay thở than về gánh nặng học phí của con mình. Bà tôi ngày ấy thì sao nhỉ? Tôi cố nhớ và tự hỏi. Dường như bà chẳng hề thở than về chuyện tiền sách, tiền vở … Lắm khi, đầu niên học, bà chỉ lặng lẽ ngồi vuốt từng tờ bạc cho phẳng phiu, đưa chúng tôi chạy mua đỡ vài quyền tập, với lời an ủi: “Từ từ, ngoại đi bán hàng có tiền sẽ mua đủ tập cho cho hai đứa”. Ngoại tôi là người ít học. Có lẽ vì thế mà bà cảm nhận sâu sắc sự thua thiệt của người kém chữ. Không chỉ dạy được cho cháu, bà động viên: "Tụi con ráng học, để sau này còn làm thầy giáo. Tụi con lười học, sau lại phải đi làm cu li, chạy chợ như ngoại khổ lắm". Một lần tình cờ giở tập tôi ra, thấy con số ba và lời phê cô giáo “lười, không chịu làm bài cẩn thận”, bà nổi giận, quất tôi mấy chổi lông gà, rồi sau đó bà ôm cháu mà khóc … Cái ngày chị tôi bước chân vào sư phạm, tôi vào đại học, bà không nén được nổi mừng vui, gặp ai bà cũng nói ngay: "Con H. nó sắp thành cô giáo, còn thằng Tr. đã là sinh viên, đời tôi thế là mãn nguyện rồi".
Bà đã còn mãn nguyện hơn, khi sau ngày giải phóng, ba mẹ tôi từ Bắc trở về. Lúc ấy bà chỉ nói gọn lỏn như không: “Giờ xong phần tao rồi, tao giao hai đứa nhỏ (chúng tôi đã lớn mà bà vẫn coi là hai đứa nhỏ) cho tụi bây đó!”. Giọng bà nhẹ tênh, tựa lời câu hát “Như là nghìn gian khổ, chưa hề đi qua…”. Ngày gặp lại mẹ, tôi ngỡ mình sẽ khóc như những ngày xưa đã khóc vì nỗi khát khao về mẹ. Nhưng lạ thay, tôi chỉ biết ôm chầm lấy mẹ và .. cười. Những giọt nước mắt lăn trên má, những giọt nước mắt chảy ngược vào tim, dường như tích tụ lại và chỉ òa vỡ vào cái buổi chiều tối ở Hà Nội, tôi nghe tin ngoại đã qua đời.
Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ mà thôi... Với riêng tôi, đời có những hai mẹ. Tôi không muốn cân phân so sánh, nhưng trong tận dáy sâu lòng mình, ngoại vẫn là người mẹ mà tôi trao gởi nhiều yêu thương tha thiết nhất. Đôi khi giữa dòng đời cuồng động tuôn chảy, bất chợt nhìn thấy trên đường một người đàn bà nào đó, da mặt nhăn nheo, áo quần lam lũ, dáng đi tất tả đến khổ sở, là tôi lại chạnh lòng nhớ về ngoại. Nhớ với nỗi day dứt tiếc nuối, mình chưa kịp một lần mua được một bữa cá thác lác về nấu tô canh cải bẹ xanh để ngoại ăn cho đã miệng !
LƯU ĐÌNH TRIỀU
(nguồn: Bật một que diêm của Lưu Đình Triều)
(Từ trái qua phải: Nhạc sĩ Vũ Hoàng, nhà thơ Nguyễn Thái Dương, Lê Minh Quốc, nhà báo Lưu Đình Triều, Nguyễn Minh Nhựt)
Xin một vé đi làm người lớn
Chịu đọc và đọc một mạch tác phẩm mới nhất của Nguyễn Nhật Ánh, nghĩa là tôi đã chấp nhận xin một vé để đi cùng tuổi thơ. Đi cùng, bởi vì ở tuổi trung niên, thú thật tôi không nhớ nổi - đầy đủ và chi tiết - mình đã nghĩ gì, làm gì ở tuổi thơ. Phải ăn theo tuổi thơ của cu Mùi, nhân vật chính trong truyện, và có đối chứng thực tiễn của cu Rơm, con tôi đang bước vào tuổi lên 7.
Tuổi thơ luôn có cả một ngân hàng trò chơi nghịch ngợm. Bắn súng, đánh nhau ư? Thường quá! Còn bé tí, mới 8 tuổi, cu Mùi đã chơi trò vợ chồng, cha con. Nó và đám bạn còn phá nát một mảnh vườn để đi tìm kho báu…. Cu Rơm chẳng kém, cũng đã từng tạo ấn tượng mạnh khi cho mấy chú cá vàng trong chậu “ăn” luôn mấy đĩa CD nhạc … Những nhà cách mạng bé con này thường hay trở chứng. Chúng luôn tìm kiếm những thay đổi và không muốn làm con vẹt nhai đi nhai lại mọi điều cũ xì. Như một ngày nào đó, hứng chí lên chúng đã đổi cách gọi đi ngủ thành đi chợ, cái cặp thành cái giếng. Chúng không chấp nhận 2x4 dứt khoát phải là 8…. Thậm chí cu Rơm còn biến cả cái bộ sa lông mây thành một ngôi nhà của người tiền sử.
Trẻ con làm tất cả điều ấy một cách hồn nhiên, tự tin là do chúng có óc tưởng tượng phong phú và lại tiếp cận thế giới theo cách của chúng (mà người lớn không thể nào hiểu hết). Nguyễn Nhật Ánh “phán” thế! Không mới! Song tôi “bị” chia sẻ một cách thấm thía nhận xét đó từ những dòng viết của anh. Trong đời sống hàng ngày, mỗi khi cu Rơm làm điều gì “bất thường”, tôi hay lên tiếng la rầy, cấm cản. Đôi khi,tôi hành xử y chang như Nguyễn Nhật Ánh viết: "Con à, hồi bằng tuổi con,bao giờ ba cũng…". Nghĩa là tôi cố bịa chuyện hồi nhỏ của mình để mong rút ra một bài học giáo dục nào đó cho cu Rơm. Tôi đã giải quyết những mong muốn ngây thơ, trong sáng của trẻ thơ bằng cách nhìn, nếp nghĩ có phần thực dụng của người lớn…
Quyển sách với hơn 200 trang viết về các góc cạnh của trẻ thơ , cũng có thể xem là một bản tham luận về “Trẻ em như một thế giới”, như cách nói của tác giả. Người lớn đi vào thế giới tuổi thơ để được dịp soi rọi lại cách làm người lớn của mình. Thế giới đó được thể hiện khá dí dỏm, thú vị. Đôi lúc nó khiến người đọc bật cười thành tiếng trước một câu viết hay một sự so sánh nào đó giữa người lớn và trẻ em. Cười đó rồi tự vấn đó :mình đã hiểu hết trẻ thơ chưa và có biết cách chấp nhận những điều chúng nghĩ , chúng làm chưa?
Nếu chưa thì đúng “buồn ơi là sầu”! Và …cho tôi xin một vé đi (học) làm người lớn “ cùng Nguyễn Nhật Ánh vậy!.
Lưu Đình Triều
Trao Nhau Những Đóa Hồng
Trong tận cùng sâu thẳm của những trái tim đã đập nhịp cho tình yêu, ít nhiều đều chứa chất hình bóng kỷ niệm. Vui có, buồn có. Hạnh phúc dâng trào mà ray rức cũng khôn nguôi. Đôi lúc kỷ niệm ùa về, hay vì một nguyên cớ tình cờ nào đó, ta lại muốn bộc bạch, muốn kể cho ai đấy nghe chuyện tình của mình, để được chia sẻ hoặc để vơi bớt lòng ta ... Và khi chuyện kể được ... đăng báo, thì nó lại hàm chứa ý nghĩa: của một sự bày tỏ, trần tình thêm và thậm chí một lời xin lỗi muộn màng gởi đến "người ấy"...
Phải chăng vì thế mà ngay khi vừa mới ra đời, mục "Chuyện tình tự kể" trên báo Tuổi Trẻ đã nhận tới tấp những bài viết gởi về. Người trẻ chiếm số đông đã đành mà ngay cả những người đã lên "chức" ông, chức "bà" cũng không thiếu. Bao chàng, nàng độc thân còn vấn vương tình cũ là đã quá rõ, song cũng khó cắt nghĩa về những ông cha bà mẹ, tự nhận đã êm ấm gia đình, mà vẫn nhiệt tình tự kể.
Người kể để đạt nguyện vọng của mình. Còn người nghe được gì? Có thêm chút mơ mộng từ những chuyện tình nhẹ nhàng, thú vị? Thích thú khi bắt gặp chút tình mình qua chuyện tình người? ... Thật khó lý giải đầy đủ. Chỉ biết rằng không ít bạn đọc đã gửi thư, gọi điện đến tòa soạn tâm sự.
Tập sách với những bài viết cũ - vì đã đăng báo, song vẫn còn rất mới cho nhiều người, không có dịp theo dõi thường xuyên. Và ngay cả với những ai đã đọc qua đầy đủ, như tôi - ít ra là mỗi bài hai lần, trước và sau khi lên báo, giờ ngồi đọc lại vẫn cảm thấy có nhiều điều thú vị. Sự tập hợp sắp xếp có hệ thống những lãng mạn, nhẹ nhàng, những thơ dại tình đầu, những nguyên cớ chia tay, những được và mất ... xem ra cũng mang lại một ý nghĩa nào đó trong cuộc sống mỗi người. Từng con tim đều có lý lẽ riêng của nó. Tất cả sự sao chép hay "khuôn mẫu hóa" tình cảm đều khó thực hiện. Dẫu là vậy, nhưng riêng với những người đang yêu hay sắp yêu, một sự chiêm nghiệm về hạnh phúc - khổ đau xem ra cũng không thừa, nhất là trước khi họ đi đến một quyết định sau cùng.
Người đời thường hay dùng hình tượng hoa hồng để nói tình yêu. Bạn đang cầm trên tay một bó hoa hồng nhiều sắc màu. Xin hãy tận hưởng nét đẹp của những nụ hoa và cùng chia sẻ sự nhức nhối thi vị có từ những cành gai nhọn.
Lưu Đình Triều
(Báo Tuổi Trẻ)
KTS NGUYỄN VĂN TẤT - Hơi thở nhiệt đới
Tìm duyên trong không gian sống
Vẫn là sách với 28 bài viết ,nhưng cách lộ diện của Hơi thở nhiệt đới của KTS Nguyễn Văn Tất như khuyến khích người đọc khoan đọc mà lật nhanh từng trang để xem.
Xem gì? - Xem các bức ảnh tôn lên vẽ đẹp của thiên nhiên. Đôi cánh chuồn chuồn mỏng manh gợi cảm trên cành lá. Một thân cây già xù xì vẫn còn đó nét uy nghi trên phố. Một góc hồ tĩnh lặng, đến nên thơ…Rồi xem cả những đường nét thiên nhiên thứ hai của con người - những tác phẩm kiến trúc! Chùa Cầu Hội An thực và ảo ghép nhau qua mặt gương nước trông cũng rất … tường thành La mã. Giữa resort sang trọng, mái nhà tranh nhỏ bé nhìn ra biển lớn gợi nhớ làng quê gần gũi…
Xem ! Xem! Xem để “ngộ” ra những nét duyên đang tồn tại trong không gian sống quanh ta mà nhiều khi ta không ngó ngàng tới. Và khi cảm xúc nhìn đã tràn đầy thì chính là lúc ta quay lại tìm nét duyên từ những câu chữ.
“…Tuổi trung học, trưa hè oi ả, đưa cơm cho Cha làm ruộng. Tôi biết yêu bóng mát làm ra từ tàn cây và nắng.Yêu ngọn gió, yêu những khoảng không của đất trời hòa quyện, tôi yêu màu từ đó…”. Hầu hết những bài viết trong Hơi thở nhiệt đới đều được thể hiện cô đọng, gần gũi và đẫm chất nghề nghiệp của tác giả như thế. Đó có lẽ cũng là một cách kéo người đọc gần lại, dễ cảm nhận và chia sẻ cùng tác giả những góc nhìn về kiến trúc.Ở đó có câu chuyện thật gần với ta trong từng ngày sống. Chuyện Ở đâu ngôi nhà- người bạn ? Ngôi nhà ra sao, như thế nào mới thật sự là ngôi nhà của mình? Rồi từ nhà bước ra cổng lại có ngay Xóm Hẻm, Chuyện vĩa hè, Những nỗi niềm con phố… Tất tần tật, những câu chuyện thật gần cho đến chuyện hơi “ xa” như Kiến trúc và không gian đô thị, Kiến trúc với văn hóa chợ, Mơ về thành phố hiện đại, thì chuyện nào cũng… “có chuyện” để mà ngẫm nghĩ…
Khép sách lại, ngẫm thêm….Dù dùng câu chữ hay hình ảnh chăng nữa, tác giả vẫn đau đáu với nghề qua việc định hướng kiếm tìm cái đẹp- cái duyên trong không gian đời sống … Cái đẹp- cái duyên đó cũng chẳng xa lạ gì với người ngoại đạo, nên lời tựa sách trở thành lời gởi gắm của tác giả,được gói gọn trong bốn từ Vài dòng chia sẻ…
LƯU ĐÌNH TRIỀU
Xanh mãi...xanh
Biết Nghĩa ,dễ chừng đã 10 năm.Cậu học trò ,cán bộ đòan trường Hùng Vương...Sinh viên,hội viên,chủ nhiệm CLB Phóng viên trè Nhà văn hóa Thanh niên...Cộng tác viên,phóng viên báo Tuổi Trè.Những bước chân đi lên cùng ngòi bút,khá xông xáo trong nhiều lĩnh vực:đời sống thanh niên ,thể thao âm nhạc ,điện ành,du lịch.Thỉnh thỏang giữa nhịp đi rock ấy,tôi lại nhìn thấy những quàng lặng khoan thai,từ những càm xúc trong sáng dịu dàng mà nhóm phóng viên Nhịp Sống Trẻ hồi ấy bàn mãi mới đặt được cái tên:Tùy bút Xanh.
Biết vậy,nhưng vẫn bất ngờ ,khi nhận từ tay Nghĩa tập bản thảo với trang đầu có ba chữ Tùy bút Xanh uốn lượn .Bất ngờ hơn-kèm theo chút thú vị ,khi phát hiện Nghĩa đã trài những cảm xúc hồn nhiên của mình trên trang báo từ năm 14 tuổi.Cái mạch nguồn càm xúc được khơi thông từ ấy cứ dào dạt chảy theo năm tháng.Này là tình cảm dành cho mẹ cha,thầy cô ,bè bạn ,trường lớp.Kia là những trăn trỡ cùng màu đất đỏ quê hương,cùng biển nước mênh mông miền Tây Nam bộ,cùng cơn hạn hán đang bao trùm một phần trái đất . Nọ là những xẽ chia,đồng cảm xuyên biên giới với bạn bè cùng trang lứa ở Hàn Quốc,Hà Lan ,Nhật Bản...Xem ra ,ở mọi lúc mọi nơi dây thần kinh cảm xúc của Nghĩa luôn sẵn sàng ở tư thế rung và động.
Một bất ngờ khác nữa là chuyện Trung Nghĩa đã và đang lam thi sĩ. Thơ hay,dỡ cỡ nào ,chẳng dám luận bàn. Trong mắt tôi,Nghĩa vẫn đang viết tiếp Tùy bút xanh bằngng những câu chữ nghe vần điệu hơn.Thế thôi!
Nhớ thời học làm báo ở Hà Nội,có người thầy -người đàn anh trong nghề đã cảnh báo đám sinh viên chúng tôi rằng:càng làm báo lâu,cùng với ngòi bút càng chỉnh chu.bài bản sẽ là sự dễ khô cạn,chai cằn trong cảm xúc với đời ,với người. Phải cố gắng nuôi dưỡng và giữ lấy những cảm xúc hồn nhiên,trong sáng-những cảm xúc xanh..Đó cũng là một cách giữ cho ngòi bút trè –truyền cảm lâu dài trong lòng người đọc.
Trung Nghĩa ,giờ đã là một cái tên khá quen thuộc trong làng báo và người đọc.Theo năm tháng ,cùng công việc Nghĩa phài lăn lộn trường đời khá nhiều.Vậy thì cần san xẽ với Nghĩa lời của người thầy năm xưa..Đó là ý nghĩ sau cùng trong tôi khi khép lại tập bản thảo của Nghĩa./.
LƯU ĐÌNH TRIỀU
CÙ MAI CÔNG - Sau đêm lại thấy bình minh
TTO - Có người bảo: phải chăng hơi… “bị” tham (tập 1 phát hành hết sạch)? Cù Mai Công cười: “Đã đi thì đi cho trọn cuộc rong ruổi trong đêm”. Có người lo: đề tài không mới, e nhàm. Cù Mai Công khẳng định: “Trong cũ có mới, xin hãy đọc”.
Đọc. Gặp lại những lối sống, cảnh đời mê muội cùng đêm: dật dờ, vật vã cùng cái chết trắng; trụy lạc, trồi hụp trong vòng tay các ả giang hồ; rồi những kiểu chơi quái dị… Cũ đấy, song có khác trong con người sự việc…
Đọc. Chợt nhận ra bao bóng dáng mới: những bạn trẻ cặm cụi mưu sinh trong khi thành phố yên giấc; từng nhóm “bồ câu trắng” bay vút, chở che sự bình yên cho những đêm thành phố an bình; các nhóm trẻ tung chăn, vươn mình rèn luyện sức khỏe khi đêm vừa tàn… À thì ra trong đêm vẫn tồn tại lối sống đẹp cho mình và cho người.
Đọc. Cảm nhận rằng tác giả muốn qua tập 2 này hoàn chỉnh hơn bức tranh toàn cảnh Sài Gòn về đêm. Hòa mình cùng đêm không chỉ bóng tối, mà còn những điểm sáng rất thực. Dẫu đứng từ bóng tối hay ánh sáng, thì trong tâm nguyện Cù Mai Công vẫn ngời lên ước muốn: sau đen vẫn là bình minh. Một qui luật bình thường của cuộc sống, song không phải với ai và lúc nào cũng có được trong đời – nhất là ở một thành phố nhiều cơ hội đi lên mà cũng không ít cạm bẫy kéo con người ngã xuống.
LƯU ĐÌNH TRIỀU
MAI SÔNG BÉ, Đường dài một nẻo…
Mai Sông Bé sắp ra thơ!
Tin nghe được làm tôi ngạc nhiên. Ngạc nhiên đến sửng sốt.
Quen, chơi với Mai Bé (tên thân mật bạn bè hay gọi) dễ gần 20 năm. Chừng ấy thời gian, đọng xuyên suốt trong tôi hình ảnh một nhà báo say mê, đau đáu với nghề. Nhớ thuở nào, Mai Bé làm báo Đồng Nai, rướn thêm chân cộng tác viên Tuổi Trẻ. Có những tối, tôi ngồi ở tòa soạn, chờ tin anh.Chuyện thời sự mới xảy ra ở Đồng Nai, Mai Bé viết nhanh, gửi liền cho nóng hổi. Trở thành « quan báo » - Giám đốc Đài phát thanh truyền hình, Chủ tịch Hội nhà báo tỉnh Đồng Nai, anh vẫn say nghề. Nhiều năm liền, nhà đài do anh cầm chịch, liên tục đoạt giải báo chí. Chẳng đâu xa, mới năm rồi, Giải báo chí quốc gia, lĩnh vực truyền hình chỉ một giải A, thì rơi ngay vào Đài phát thanh- truyền hình Đồng Nai.
Mê mải với nghề, với thế sự, Mai Bé tẩn mẩn ra vài tập sách đậm chất nghề. Như lúc Iraq đang là điểm nóng, được dịp sang đấy, về, anh cho ra đời tập sách Trong vòng vây Baghdad ....
Vậy mà giờ đây, Mai Bé lại rẽ sang đường khác - đường thơ. Nghe lạ ! Nghe mà bắt tò mò ! Cầm được bản thảo tập thơ lục bát của Mai Sông Bé, tôi háo hức đọc, xem thử nhà báo mà làm thơ sẽ lãng mạn kiểu gì ?
Á à... Thơ thì cứ thơ ! Nhưng cái hồn, cái chất vẫn là báo !
Thỉnh thoảng gặp nhau, ngồi tán gẫu, những câu chuyện « làm mồi » của Mai Bé vẫn là chuyện thế sự. Từ chuyện quốc gia, thế giới cho đến chuyện lề đường, xóm chợ... có tất tần tật. Cái máu nghề báo trong Mai Bé là thế. Đi vào thơ ca, vẫn thế.
Ai thân quen với Mai Bé lâu, đều cảm một điều , anh là người rất lập trường. Đôi khi còn bị chọc là « bôn sệt ». Cho nên chẳng lạ khi đọc hai câu thơ mang tính kim chỉ nam của anh: Lý tưởng nguyện mãi tôn thờ/ Tổ quốc là những vần thơ tuyệt vời. Trong tập thơ gần 200 trang, những bài viết về Tổ quốc, quê hương, về lý tưởng, lối sống vẫn chan đầy. Những câu thơ lục bát về Thăng Long, sông Hồng, về Đồng Nai, Cổ Loa... là những tâm tình chất chứa thương yêu của Mai Bé dành cho đất nước và cụ thể là những vùng đất nơi anh đã sống, đã ngang qua. Trong dòng đời trôi chảy cùng Mai Bé, luôn có bóng dáng những người dân bình thương cùng bao cuộc mưu sinh nhọc nhằn mà một nhà báo như anh không thể thờ ơ.
Cám ơn gương mặt đồng bào/ Mang hồn Tổ quốc, tầm cao con người... Anh ngợi ca. Anh cũng không quên chia sẻ: Rác ơi đừng giả làm rơi./Chị tôi bật khóc ở nơi cuối đường... Thậm chí xót xa : Năm trăm cũng gọi là tiền/ Mồ hôi nỗi nhục đi liền khổ đau/Tiền lẻ từ những bó rau/ Lề đường bị đuổi, gánh vào hẻm con...
Vào vị trí nhà thơ, khác nhà báo, là Mai Bé có thể nói về cái tôi của mình. Đầu tiên là những ngưởi ruột thịt: bà tôi, mẹ tôi, vợ tôi và người tôi yêu.Với những bài thơ dạng này, những câu thơ bắt đầu chuyển giọng, da diết hơn. Tôi thích những câu thơ Mai Bé viết về bà: Bãi bồi đi suốt một thời/ Nét duyên con gái đã vơi hồi nào...Nếu mai bà sẽ về trời/ Răng đen mất dấu cuộc đời kém duyên/ Hàng cau sót lại đứng nghiêng/ Hoa không còn rụng trong miền tâm linh....
Nhiều năm gần gũi với Mai Bé, tôi ít nghe anh nói chuyện tình. Tập thơ này giúp tôi hiểu thêm bạn mình ở một góc cạnh mới. Ngoài đời, vợ anh- chị Nguyệt, tôi biết và có bao lần anh kể, anh nhắc. Nhưng ...Nguyệt ơi ! Em rất cao sang/ Kể từ dạo ấy, đa mang nỗi niềm ... Chiều nay ngồi ngắm mưa rơi/ Phải chăng đôi mắt bầu trời là em ... thì cách diễn tả khá lạ với tôi. Còn những cô gái (nói « những » không biết có quá không?) đi qua đời Mai Bé từ dạo xa lắc xa lơ thì tôi chịu- chẳng biết gì. Giờ mới được biết chút chút. Rằng : Thơ tình anh gởi cho em/Trái tim gởi nắng gió bay qua cầu... Tàu qua mấy chuyến vẫy tay/ Ta làm chiếc bóng có hai hình người... Mắt em đọng mấy giọt mưa/Hình như chim nhỏ buổi trưa khóc thầm...
Đọc thơ Mai Bé, có lẽ tôi sẽ vui hơn, mừng cho bạn mình có thêm nghề tay trái. «Có lẽ » đó đã không là «có thể ». Bởi trong một số bài thơ cuối tập, đọc sao cứ thấy nhói lòng. Vì nói theo ngôn ngữ dân gian, Mai Bé muốn «về vườn » ...Đang ngồi ở chốn quan trường/ Nhìn qua ngó lại thấy thương phận mình...Từ quan có đáng ngập ngừng/Một khi đã quyết xin đừng khuyên can... Mai Bé không chơi ý, chơi chữ cùng thơ. Anh làm thật. Từ thông tin bạn bè, tôi biết anh đã gửi ...Đơn xin từ chức vài lời...
Nhẩm tính. Mai Bé cũng còn phải năm, bảy năm nữa mới đến tuổi. Thế sao bạn vội sớm từ giã cuộc chơi ? Dù sao chăng nữa, tôi tự an ủi, thì Mai Bé vẫn
Cuộc đời cầm bút nghiệp duyên
Sẽ theo đuổi mãi lời nguyền năm xưa...
Giấy trắng mực đen. Hứa rồi đó nghen. Mai Bé ơi !
LƯU ĐÌNH TRIỀU
< Lùi | Tiếp theo > |
---|