BÁO CHÍ Thư mục Lưu Đình Triều LƯU ĐÌNH TRIỀU: Ước mơ ơi sao lại đi cùng cái chết!

LƯU ĐÌNH TRIỀU: Ước mơ ơi sao lại đi cùng cái chết!

IMG20221120125151_1

Đã từng đi xuyên 18 thành phố châu Âu, nhưng tôi chưa một lần đặt chân đến Anh. Tháng 11 này, xem như tôi đã được đến Anh dù chỉ là một "chuyến đi quá giang" cùng nhà báo Đào Duy Bình, qua tập sách Hành trình tử thần - Ghi chép từ nước Anh.

"Đi" đến London, bất ngờ nhất là khi dạo trên đường Kingsland, tôi phát hiện ra một dãy nhà hàng bán món ăn Việt như Miền Tây 1, Tây Đô, Bún Bún Bún, Sông Quê, Viet Grill... Nhiều người Việt làm việc trong các nhà hàng này. Người có giấy tờ, người không tờ giấy lận lưng. Có tình trạng đó, vì nước Anh có 80.000 người Việt sinh sống thì đến 20.000 người sống bất hợp pháp (số liệu năm 2018).

Theo chân chạy của nhà báo Đào Duy Bình, tôi được "gặp" một số người Việt đã an cư lạc nghiệp ở Anh. Từ chú Ba Tân, ông Lương Sơn Thành qua Anh từ 1975, 1980 cho đến bà Quỳnh Giao, vợ chồng anh Sơn - chị Cúc... qua từ thập niên 1990. Tất cả đều nhập quốc tịch Anh, có cuộc sống tương đối ổn định. Tôi cũng "gặp" những đồng bào ta chưa và có khi là mãi mãi không an cư lạc nghiệp được.

"Không đi Anh là lạc hậu", câu nói và cũng là lý do thôi thúc anh Phạm Đình Khiêm ở Quảng Bình dấn bước ra đi. Rồi anh cũng đến được vùng đất mơ ước, trồng cần sa kiếm kha khá tiền và 2010 thì kết thúc hành trình, vì bị trục xuất do sinh sống bất hợp pháp.

Cũng như anh Khiêm, nhiều đồng bào ta sang Anh sống bất hợp pháp, trốn chui trốn nhủi làm đủ chuyện để mưu sinh từ rửa chén, bốc vác, làm nail cho đến trồng cần sa, đi ăn cắp điện... Nhiều người sống "vô hình" không có quốc tịch đến 10 năm, 20 năm mà vẫn chưa thoát khỏi bi kịch cuộc đời.

Thế nhưng, dù sao chăng nữa, họ cũng đã may mắn hơn những người bước chân đi mà chẳng bao giờ đến miền đất mơ ước, như 39 người Việt tử nạn trong container trên đất Anh tháng 10-2019. "Ba mươi chín linh hồn đông lạnh/ Nước Anh bàng hoàng, quê nhà đau đớn..." (thơ Nguyễn Thế Kỷ).

Không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đã rúng động về "nấm mồ tập thể" ngay tại một quốc gia văn minh hiện đại, giữa thế kỷ 21. Một cuộc điều tra liên quốc gia, xuyên biên giới được mở ra đều dẫn đến nạn buôn người. Những đường dây buôn người đã móc nối nhiều người Việt, hứa hẹn những chuyến đi đến thiên đường, với tiền cống nộp cả chục ngàn bảng Anh...

Thiên đường đâu chẳng thấy, chuyến đi của 39 người Việt (từ 15 đến 44 tuổi) chỉ toàn gặp khốn khổ, hiểm nguy, tủi nhục và cuối cùng kết thúc bằng cái chết. Kèm theo đó là những đau thương, ly tán, mất mát cho gia đình.

12 năm thai nghén ghi chép, cùng 4 lần qua Anh và nhiều chuyến đi tìm về các gia đình nạn nhân ở quê nhà, nhà báo Đào Duy Bình đã giúp tôi hiểu thêm bao chuyện hậu trường phía sau những cái chết. Như chuyện của Phạm Thị Trà My.
Trà My là một cô gái sinh ra và lớn lên ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Cô quyết tâm đến Anh với mong muốn tìm việc làm, kiếm tiền thay đổi cuộc đời và giúp đỡ gia đình. Nhà cô đã cầm cố tài sản để có được gần 1 tỉ đồng lo cho chuyến đi.

Cùng một nhóm người Việt, Trà My vượt biên sang Trung Quốc, rồi sang Pháp. Trước khi chui vào container, My điện về báo cho mẹ yên tâm là cô đã đến Anh. Để rồi sau đó, từ trong container, cô nhắn những dòng tin rất thật:

"...Con đường đi nước ngoài không thành rồi mẹ ơi. Con thương bố mẹ nhiều lắm! Con chết vì không thở được...". Người mẹ ở quê nhà khi nhận dòng tin này đã ngất xỉu. Quả là đau đớn tột cùng.
Trong thế giới hội nhập hôm nay, chẳng ai có thể chê trách những người mang ước mơ ra nước ngoài lập nghiệp, làm giàu. Nhưng để đạt được ước mơ đó, bằng cuộc sống chui nhủi, bất hợp pháp, bằng hành trình tử thần thì quả là cái giá đắng cay.

Khép lại "chuyến đi quá giang" cùng tác giả Duy Bình, trong tôi vẫn đọng lại sự bồi hồi, xúc động về những lời cuối cùng nhắn gửi vợ con của người chồng trẻ 25 tuổi Nguyễn Thọ Tuấn: "Tuấn đây, anh xin lỗi. Anh không chăm sóc mẹ con em được nữa. Anh xin lỗi. Anh không thở được. Tất cả là lỗi của anh. Anh phải đi rồi".
Anh xin lỗi... Anh xin lỗi... Tất cả là lỗi của anh... Lời tự thán muộn màng từ một ước mơ. Đầy cay đắng và uất nghẹn!

Sáng 1-12-2-22, tác giả Đào Duy Bình sẽ có cuộc giao lưu và trò chuyện với độc giả tại Đường sách TP.HCM xung quanh câu chuyện về những thân phận người Việt ở nước Anh cũng như quá trình viết cuốn sách của anh.
Nhà báo Dương Thành Truyền cùng vợ chồng anh Trần Văn Sử - chị Lê Thị Mỹ Lệ, chủ nhà hàng Miền Tây ở London, nhân vật trong Hành trình tử thần - Ghi chép từ nước Anh sẽ có mặt để giao lưu với bạn đọc.
LƯU ĐÌNH TRIỀU
(nguồn: Báo Tuổi Trẻ ngày 19.11.2022)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com