“Lên 8 là tuổi thích hợp với những hòn bi lăn trên mặt đất, cánh diều bay vút giữa trời cao... Thế nhưng với Ngô Đình Đức, 8 tuổi là những bước chân đi rong trên đường phố, trong xóm chợ, ở các bến xe với tập vé số cầm tay...”.
Đó là đoạn mở đầu bài viết Ngô Đình Đức: “Không thể sống mà không có niềm tin”, Tuổi Trẻ 4-7-1989. Thời điểm ấy, tôi làm phóng viên Tổ Lối Sống, hay viết về các bạn trẻ sáng tạo trong học tập, lao động hoặc có hoàn cảnh khó khăn cơ cực nhưng vẫn vượt khó, vươn lên... Một lần đi tác nghiệp ở Bình Thạnh nghe anh cán bộ Đoàn kể sơ qua về trường hợp của Đức, tôi cảm thấy bức xúc, ray rứt với một số phận khá hẩm hiu. Và tôi đã quyết định đi tìm Đức dù chưa biết chính xác chỗ trú ngụ của em.
8 tuổi Đức sống với bà nội. Ngày ngày cậu bé phải lang thang trên khắp các đường phố, xóm chợ, bến xe để bán vé số, kiếm sống. Cha đã có gia đình riêng, còn mẹ , Đức vẫn chưa biết là ai. 11 tuổi, bà mất, Đức về ở với cha. Dù vậy, cậu bé vẫn phải làm đủ loại việc: phụ bán phở, bánh cuốn, vác gạo, xách nước thuê... 16 tuổi, Đức lại sống một mình. 3 giờ 30 sáng mỗi ngày, trong lúc mọi người còn yên giấc Đức đã lui cui đạp xe ba bánh đi nhận và bỏ mối nước đá. Một chiều mưa, tôi lần mò tìm đến “tư gia” của Đức. Đó là cái bô rác cũ nằm dưới lô nhà chung cư Thanh Đa ở quận Bình Thạnh, có diện tích khoảng 2m2 . Tất cả tài sản trong nhà đều lồ lộ: một bếp điện, vài cái xoong, một cái bàn nhỏ, một miếng vạt giường dựng đứng để đêm xuống được ngả ra nền làm giường ngủ...
Dù hoàn cảnh sống, mưu sinh như thế nhưng ròng rả 8 năm Đức vẫn cắp sách đến trường và lên lớp đều đặn. Đức là một trong hai học sinh tiên tiến của lớp 10A4 Trường Phổ thông trung học Thanh Đa và lại còn cáng đáng công tác Đoàn của lớp. Quả là đáng phục. Tuy nhiên, để tránh tô hồng một chiều, tôi cố công tìm hiểu thêm. Những lần rủ rỉ rù rì sau đó, cùng với việc Đức đồng ý cho tôi mượn quyển nhật ký, bức chân dung của Đức hiện ra đầy đủ hơn.
Là học sinh tiên tiến, nhưng Đức từng bị điểm 0 môn lý vì không thuộc bài. Thời gian bươn chải kiếm sống khiến Đức lắm lúc bị trễ học và nhiều lần ngủ gục trong lớp. Việc sớm lăn vào đời không cho phép Đức sống hồn nhiên với lứa tuổi của mình. Ngôi trường, lớp học cùng bạn bè là thế giới, là phút giây cho Đức hòa nhập sống gấp, sống vội cùng những tâm trạng lứa tuổi. Vì vậy Đức hay tán chuyện nhiều và lắm lúc bị thầy cô phê bình. Sinh hoạt vui vẻ như bao bạn cùng lớp, nhưng về đêm, lắm khi Đức cũng mặc cảm về cảnh đời của mình, nên ôm mặt khóc thầm hoặc ra ngoài đi lang thang trong mưa. Thậm chí có lúc Đức định buông bỏ nổ lực đeo bám việc học. Nhưng rồi, như những dòng viết trong nhật ký, nhờ sự giúp đỡ chân tình của bà con lối xóm, của những thầy cô, bạn bè thấu hiểu Đức đã tạo sức đẩy cho Đức định tâm lại. Và Đức tự động viên: “Ta vẫn cứ mơ, cứ tin đời sẽ tốt hơn, vì không thể sống mà không có niềm tin. Hãy cố yêu đời mà sống!... Không thể tụt sâu vào vực thẳm, phải cố ngoi lên...”. Đức viết câu này xem ra đã già hơn tuổi 16!
Sau khi báo đăng, những tấm lòng bạn đọc ở khắp nơi đã tìm đến với Đức... Vài gia đình muốn nhận em làm con nuôi, đón về ở chung nhà, lo cho học hành... Nhiều bạn đọc lại đóng góp vật chất để báo Tuổi Trẻ thành lập quỹ học bổng dài hạn trao hằng tháng cho đến khi Đức tốt nghiệp lớp 12. Hồi ấy Đức có cảm giác như sống trong mơ, vì mức học bổng 300.000 đồng/tháng đủ đảm bảo tối thiểu cho cuộc sống lúc bấy giờ. Riêng tôi, cũng cảm thấy yên tâm Đức đã có điều kiện để ngoi lên. Dòng đời lặng lẽ trôi. Để rồi 16 năm sau - 2005, Đức lại xuất hiện trong bài viết Báo Tuổi Trẻ: bước ngoặt cuộc đời tôi của phóng viên Hoàng Hương. Tít bài báo là lời khẳng định của Đức.
Qua đó, tôi được biết, Đức đã tốt nghiệp đại học, đang là kỹ sư phụ trách mảng quy hoạch ở Phòng Quản lý đô thị quận 7; đã có một gia đình nhỏ đầy ắp tiếng cười trong căn nhà khang trang với khu vườn xanh mát. Một chi tiết làm tôi mừng rỡ: Đức đã tìm gặp được mẹ. Tôi liền liên lạc, chúc mừng nhân vật của mình đã ngoi lên quá tốt. Tháng 6 /2009, trong dịp tôi ra mắt tập sách Bật một que diêm (với trên 80 nhân vật, trong đó có Ngô Đình Đức), em đã dắt vợ cùng con đến chúc mừng. Và chuyện đó trở thành niềm vui, nỗi xúc động của người viết. Chỉ tiếc khi ấy tôi quá bận rộn, không có thời gian để hỏi thêm về cuộc sống, sinh hoạt của Đức.
Giửa thời covid dễ chia xa, một chiều tháng 11.2021 tại NXB Tổng hợp TP HCM, tôi được gặp ThS Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế vi mạch ICDREC (ĐH Quốc gia TPHCM). Trò chuyện một lúc, bất ngờ anh hỏi: dạo này có còn gặp Ngô Đình Đức không? - Tình cờ có gặp trực tiếp vài lần, còn thỉnh thoảng gặp nhau trên face book. Nhưng sao anh hỏi thế? - Lúc ấy là sinh viên mới ra trường, nghe chuyện về Ngô Đình Đức từ bài viết cùa anh, tôi rất xúc động, nhưng chỉ có thể giúp đỡ bằng cách nhận Đức vào học miễn phí lớp dạy kèm toán của tôi. Lâu rồi chẳng gặp lại Đức. Không biết lúc này em ra sao? Thích thú với thông tin này cùng phản xạ tự nhiên của nhà báo, tôi đã liên lạc ngay với Đức… Để rồi chỉ vài ngày sau, trong một quán nhỏ tại Phú Nhuận đã diễn ra cuộc hôi ngộ hiếm có giữa 3 người có liên quan đến bài viết cách nay hơn 32 năm: phóng viên - nhân vật- người tham gia trợ giúp nhân vật.
Cuộc hội ngộ không chỉ ôn cố mà còn kết hợp tri tân. Vẫn cách nói chuyện cởi mở và lanh lợi như ngày nào, Đức kể thêm vài chuyện ngoi lên sau bài viết: Cuối năm lớp 12, thi đại học chỉ đậu hệ B, phải đóng học phí là 800.000đ. Không có tiền đóng nên Đức quyết định đi làm phụ hồ để sống qua ngày, rồi năm sau thi lại. Sau đó, thi đổ ngành Xây dựng - đại học Bách Khoa hệ chính quy nhưng Đức xin chuyển qua hệ tại chức, để học buổi tối, còn ngày đi làm "kỹ sư đụng" (đụng gì làm nấy) ở một Cty Tư vấn Xây dựng tổng hợp. Đã là kỹ sư, song Đức còn tự học thêm Cử nhân hành chính, rồi Thạc sĩ hành chính... Sau một thời gian công tác trong cơ quan quản lý nhà nước nay Đức đã nghỉ việc và mở công ty tư nhân. Gia đình Đức hiện có 4 thành viên mà tên ghép lại ra cụm từ nghe rất lắng đọng tình người: Hiền - Đức - Nhân - Tâm. Trong đó con trai Ngô Đình Tâm, 20 tuổi đang học năm 2 đại học Bách Khoa; con gái Ngô Hiền Nhân, 17 tuổi, đang học lớp 12 trường Marie Curie...
Tôi và thầy Hoàng không hẹn mà cùng buông lời chúc mừng Ngô Đình Đức. 32 năm là một quảng thời gian dài với bất cứ đời người nào. Vậy mà từ hoàn cảnh cơ cực, nghiệt ngã, Đức vẫn kiên trì từng bước một để ngoi lên và đã phát triển, ổn định trong cuộc sống. Với một người viết báo, đây cũng là hạnh phúc nghề nghiệp, khi nhìn thấy nhân vật của mình đã có bước ngoặc sau bài viết và trưởng thành theo năm tháng. Ngẫm lại sau chừng ấy năm mà nhân vật và người viết vẫn còn gắn kết với nhau thì đó có thể xem là duyên kỳ ngộ chăng?
Tận đáy lòng mình, tôi mong rằng nhân vật 32 năm trước cùng tổ ấm Hiền - Đức - Nhân - Tâm vẫn tiếp tục ổn định và siết chặt tay nhau vững bước đi lên - chứ không là ngoi lên nữa.
L.Đ.T
(nguồn: Ấn phẩm HỘI NHÀ BÁO XUÂN 2022)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|