BÁO CHÍ Thư mục Lưu Đình Triều LƯU ĐÌNH TRIỀU: 34 mùa Xuân đến sớm từ tấm lòng bạn đọc

LƯU ĐÌNH TRIỀU: 34 mùa Xuân đến sớm từ tấm lòng bạn đọc

3181413774_6028541520490598_3785989911877944458_n
"Em ơi mùa xuân đến rồi đó
Dang rộng vòng tay đón cuộc đời"...
Lời bài hát của nhạc sĩ Trần Chung bất ngờ vọng lên trong đầu, khi tôi nhìn thấy những ánh mắt rạng rỡ của 62 tân sinh viên Phú Yên trong buổi nhận học bỗng Tiếp sức đến trường chiều 3.2.2022. Năm cũ đang dần qua, với các tân sinh viên có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, học bổng 15 triệu đồng dù không lớn lắm nhưng như  là một lời động viên, một cú hích tiếp sức cho các bạn kiên trì dấn tới trong mùa Xuân mới. Riêng tôi, khi tham dự Lễ trao học bổng, đã xúc động vì gặp lại những hình ảnh thân quen của một thời gắn bó cùng chương trình Vì ngày mai phát triển -báo Tuổi Trẻ.
Nhớ những năm cuối thập kỷ 1980, chưa có những hoạt động sau mặt báo, nhất là hoạt động xã hội, từ thiện. Anh em báo Tuổi Trẻ dù biết có nhiều học sinh, sinh viên học giỏi mà gia cảnh rất khó khăn nhưng cũng chưa biết cách nào tiếp sức hỗ trợ. Bất ngờ một hôm tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống tìm đến Tuổi Trẻ. Anh cho biết một số Việt kiều tại Úc gửi tiền để nhờ trao học bổng cho các em đang học lớp cuối cấp THPT là học sinh xuất sắc, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đề nghị của anh Nguyễn Thiện Tống trở thành một sự gặp gỡ thật tâm đắc với Tuổi Trẻ. Học bổng của Hội khoa học kỹ thuật gia Việt Nam tại Úc cấp cho học sinh lớp 12 trong TP Hồ Chí Minh là tựa đề của một thông báo đăng trên Tuổi Trẻ ngày 18 tháng 10/1988. Lúc đấy ít ai nghĩ rằng những thông tin ngắn gọn nầy sẽ mở đầu cho một cuộc hành trình dài hàng chục năm mang tên Vì Ngày Mai Phát triển (VNMPT).
Chương trình đầu tiên  rất khiêm tốn, mỗi học bổng có trị giá tương đương 40kg gạo/tháng, trong 9 tháng, nhưng đã trở thành một “cú hích” tiếp sức cho các sinh viên. Hồi ấy, trong bài viết Tất cả 12 “dòng sông đều chảy”, tôi đã ghi nhận nỗ lực của 2 nữ, 10 nam sinh viên này: các bạn đều cố gắng cựa quậy, vươn lên khắc phục những khó khăn, thiếu thốn trong học tập. Nói theo một bộ phim truyền hình Úc đang chiếu lúc ấy, dù ngáng trở, chướng ngại của cuộc đời thế nào chăng nữa, thì cả 12 dòng sông đều chảy.
 Từ mục đích đề ra ban đầu là bảo trợ các tài năng trẻ ở TP.HCM, sau hai năm những vòng sóng của VNMPT đã lan xa. Từ chương trình tặng học bổng cho 50 SV các trường ĐH Huế, đến bảo trợ 100 học sinh Tây nguyên… Những hình thức VNMPT ngày một đa dạng, nhiều dấu ấn hơn. Như xây những ngôi trường mới tận vùng rừng núi Kỳ Sơn (Nghệ An), ở cộng đồng người dân tộc Raglay (Ninh Hải, Ninh Thuận); trợ vốn cho thầy cô giáo vùng sâu, vùng xa... Nội dung, đối tượng, quy mô của các chương trình cũng ngày càng phát triển.  Nào là Học trò giỏi hiếu thảo, Tiếp sức đến trường, rồi Chung một ước mơ, Vươn lên tầm cao,Vượt khó học giỏi, Ngăn dòng bỏ học, Tiếp sức nhà nông cho con đến trường v.v.
 Công khai- minh bạch- đúng chuẩn! Đó là những yêu cầu nghiêm ngặt trong việc xét chọn trao học bổng. Dù Tuổi Trẻ lúc ấy chẳng khá giả gì nhưng một đồng nhận tài trợ là một đồng trao đến người thụ hưởng, tất cả chi phí tổ chức báo tự chi trả. Để đảm bảo đúng chuẩn, anh em phóng viên được huy động khá hùng hậu để đi xác minh những hồ sơ dự tuyển. Ở chương trình lần 16, Ban tổ chức đã thử cộng đoạn đường mà các phóng viên lặn lội tìm kiếm 52 học sinh nhận học bổng: hơn 10.000km, bằng 1/4 độ dài đường xích đạo. Chúng tôi về miền Tây, băng đồng lội ruộng, vừa đi vừa hỏi, tìm đến những mái nhà không số phố không tên. Đến, để xót xa cho những cảnh đời trẻ vất vã, cắm mặt xuống bùn, dưỡng nuôi con chữ. Chúng tôi lên Tây Nguyên, vào bản ra suối, bần thần nhìn những cô cậu học trò gầy gò đen lẻm, vừa cặm cụi làm rẩy vừa chăm chỉ học hành. Lên, để một lần nghe vui đó mà buồn đó, khi em H’Lai M’Lô – một học sinh người dân tộc giỏi nhất huyện Krông bông-Đắc Lắc bộc bạch: “Được cái học bổng, lòng M‘Lô vui. Như... được đi chợ ». Ôi, 13 năm rồi M’Lô được đi phố chợ chỉ có một lần ...
 Theo cảm nhận của tôi, thoạt đầu hoạt động sau mặt báo này chỉ nhằm một mục đích duy nhất để giúp các bạn trẻ vượt khó, đeo bám việc học. Nhưng theo thời gian nó đã khởi động thành một dòng chảy âm thầm mạnh mẽ, tuôn ngấm trong biết bao cảnh đời học sinh nghèo khó. Dẫu tuổi nhỏ nhưng nỗ lực và ý chí không nhỏ, các bạn học bằng mọi giá, kể cả vừa làm mướn vừa học, quên đi cái đói mà học…  Dòng chảy này lại góp phần tuyên truyền sâu rộng cho một hoạt động nhân văn, tình nghĩa trong lòng người đọc. Rất, rất nhiều bạn đọc tùy điều kiện đã đóng góp vào các quỹ học bổng, thắp sáng tương lai cho hàng chục ngàn bạn trẻ hiếu học. Điều bất ngờ đối với tôi, là có những bạn sinh viên nhận học bổng, khi tốt nghiệp đại học, vừa có việc làm thì đã trích ngay tiền lương ít ỏi góp vào Gia đình VNMPT, giúp đỡ các đàn em đi sau.
 Với cánh phóng viên chúng tôi, những chuyến đi, cũng đã tạo một cú hích về mặt nghiệp vụ. Chúng tôi vừa có thêm vốn kiến thức thực tế về vùng miền, vừa có cách viết gương người tốt việc tốt có phần khác trước. Không chỉ toàn nêu chuyện hay, chuyện hồng. Trong bài viết, có ánh sáng chói ngời từ ý chí học tập và có cả bóng tối nghèo khó còn đang lảng vảng, phủ che cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của các cô cậu học trò. Với Ban biên tập, cứ mỗi chương trình lại phải vạch ra kế hoạch tuyên truyền, bao nhiêu số báo, bao nhiêu trang mà vẫn sinh động tươi mới không mòn cũ.
 Trong hoạt động ngoài mặt báo thời 4.0 hiện nay, có rất nhiều tờ báo giấy và điện tử, cơ quan truyền thông đã làm những hoạt động xã hội rất sinh động, hiệu quả. Dẫu sao chương trình VNMPT vẫn có chút tự hào là tờ báo mò mẫm mở đường cho một hoạt động đầy tính nhân văn trong cộng đồng. 34 năm trôi qua, VNMPT vẫn đứng vững và tiếp tục chìa vòng tay của bạn đọc hướng đến các trò giỏi, hiếu học. Lại mượn lời bài hát của nhạc sĩ Trần Chung: "Nghe em mùa xuân nói gì đó/ Xúc động lòng ta trước cuộc đời!".
L.Đ.T

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com