Lưu Đình Triều là một nhà báo tên tuổi, từng giữ chức Tổng thư ký tòa soạn Báo Tuổi trẻ. Khi đặt bút viết về nhân vật, nhà báo, nhà văn Lưu Đình Triều không tô hồng sự vật, sự việc mà đi sâu vào những góc khuất để phản ánh đầy đủ, trung thực nhất. Thành công trong nghề nghiệp của ông ngoài sự cố gắng của bản thân, không thể không nhắc đến sự ảnh hưởng từ phẩm chất, đạo đức chính trị của người cha - cố nhà báo, nhà văn Lưu Quý Kỳ.
Đôi nét về nhà báo, nhà văn Lưu Đình Triều
Sinh ra trong một gia đình có cha mẹ là cán bộ cách mạng đi tập kết năm 1954, Lưu Đình Triều cùng chị của ông được gửi lại cho bà ngoại nuôi dưỡng. Năm 1972, khi đang học Đại học Luật, ông bị “tổng động viên” vào lính. Sau ngày giải phóng, gặp lại ba xong, ông đi học tập cải tạo như bao sĩ quan chế độ cũ khác. Trở về, ông làm nhân viên ở Sở Công nghiệp TP.HCM, Xí nghiệp Sắt tráng men. Vài năm sau đó, ông dự thi vào đại học báo chí và trúng tuyển ra Hà Nội học.
Từ năm 1984, Lưu Đình Triều công tác tại báo Tuổi Trẻ cho đến nay ở các vị trí phóng viên, trưởng ban, thư ký tòa soạn, tổng thư ký tòa soạn... Trong nghề báo, ông từng được phân công đi tác nghiệp khắp các vùng miền trong nước và cả ở nước ngoài. Ông đã xuất bản hai tập sách: Bật một que diêm (2009) và Tổ quốc không có nơi xa (2011).
Con đường theo đuổi đam mê nghiệp viết báo
Từ nhỏ, ông đã mê làm báo tường. Trước 1975, ông có tập tành viết báo gửi nhiều nơi nhưng không được đăng. Ông cũng rất ham thích đọc sách, báo. 21 năm trời đất nước chia đôi (1954 – 1975), cũng là 21 năm trời gia đình ông bị chia cách. Hòa bình lập lại, ông mới được nhìn thấy cha của mình – nhà báo Lưu Quý Kỳ bằng xương bằng thịt. Để rồi, có một ngày trong tháng 2/1976, sau khi học tập cải tạo về, ông được cha hỏi thích làm nghề gì? Chẳng chút do dự, ông trả lời: “Con thích được làm báo như ba.” – “Vì sao con thích?” – “Con mê đọc báo và hay viết báo tường.” Cha ông lắc đầu và nói bằng giọng khá nghiêm khắc: “Nghề báo không đơn giản chút nào. Làm báo phải dám lăn lộn để có vốn sống, có thực tế. Phải có nhận thức, biết cái nào đúng, cái nào sai. Con chưa có những điều ấy.” Kết thúc cuộc trò chuyện, ngày hôm sau, Lưu Đình Triều xin đi làm công nhân ở sở công nghiệp.
Đầu 1979, qua đọc báo, Lưu Đình Triều tự đăng ký thi và trúng tuyển lớp đại học báo chí khóa 3, Trường Tuyên huấn Trung ương I. Ông chia sẻ, thời gian đầu, ông phải chịu nhiều lời gièm pha khiến mình mặc cảm. Cùng học với Lưu Đình Triều lúc đó có ba phóng viên của Báo Tuổi trẻ là Phạm Văn Nhứt, Đặng Thanh Triều và Lê Kim Phi.
Năm 1981, Báo Tuổi trẻ phát triển ra phía Bắc, Lưu Đình Triều được các anh chị cùng khoá tạo điều kiện công tác ở đây. Thời gian này, ông tham gia đưa tin bài về Hội nghị Thanh niên ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.
Trước khi trở thành phóng viên chính thức của Tuổi trẻ (tháng 6-1984), ông đã trải qua một thời gian thực tập ở báo Sài Gòn giải phóng, Báo Vũng Tàu - Côn Đảo.
Ngày trở về với đôi dòng cảm xúc về Khoa Báo chí thời ấy – bây giờ
“Thu Hà Nội, một sáng tháng 10/2014… Những cựu học viên ở miền Nam bước xuống xe, ngỡ ngàng. Trường Tuyên huấn Trung ương ngày nào, giờ là Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đã “lột xác” hẳn. Khang trang, hiện đại mà vẫn giữ được khung cảnh trữ tình với những hàng cây cao, rợp bóng, thoáng mát. Thế là đã tròn 30 năm kể từ ngày các học viên Đại học Báo chí khoá 3 rời trường và nay lần đầu tiên họp lớp cả nước” – Đó là đôi dòng chia sẻ của tác giả Lưu Đình Triều ngày trở về trường Báo họp lớp, trước sự kiện kỉ niệm 55 năm Khoa Báo chí – Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Ông bồi hồi kể lại những chuyện từ xưa ấy, đúng 35 năm trước, cũng Hà Nội mùa thu, khoảng 200 phóng viên, cán bộ, bộ đội,.. đã vượt qua kì thi tuyển, tựu về trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện báo chí và Tuyên truyền) với mác “học viên Đại học Báo chí khoá 3”. Những năm đó, chỉ duy nhất trường Tuyên huấn Trung ương mới có “đặc sản” đào tạo báo chí, dạy và học nghề báo một cách bài bản. Được tiếp cận, truyền lửa nghề từ một số nhà báo, nhà nghiên cứu báo chí tên tuổi thời ấy như: Hoàng Tùng, Thanh Đạm, Thép Mới, Lưu Quý Kỳ, Trần Lâm, Đào Tùng, Hữu Thọ,… với nhà báo Lưu Đình Triều, đó là điều vô cùng may mắn. Ông viết: “Có một cách “dạy” mà tôi rất thấm đó là yêu cầu học viên đọc tài liệu tham khảo, sách báo gần như bắt buộc. Riết thành nếp, giờ rảnh là chạy xuống thư viện đọc báo và mượn sách văn học về phòng đọc. Chưa kể xuyên suốt 5 năm, lối sống thanh tịnh của học viên trường Đảng cứ ngấm dần, ngấm dần..”
Trở về sau hơn 30 năm – quãng thời gian trải dài gần phân nửa đời người, bạn học cùng khoá với nhà báo Lưu Đình Triều đa phần đều đã đầu bạc muối tiêu, cũng có những người đã bỏ lớp, rời xa bạn bè vĩnh viễn. Thời gian trôi nhưng lòng người vẫn ở lại, kỉ niệm về thuở xưa cũ vẫn hiện hữu như thước phim quay chậm, như mới ngày hôm qua: “Nhìn ngắm toà nhà 5 tầng – nơi trú ngụ của hàng trăm học viên thời ấy, dù đã bạc phếch màu vôi, lốm đốm vết ố, nứt đang được sửa chữa, nhưng tôi gần như gặp lại…tôi – của – ngày – xưa – cũ. Ngày xưa ấy, có một gã trai khăn gói từ Xí nghiệp Sắt tráng men – Tp. Hồ Chí Minh ra đây, vào toà nhà ấy thường trú, tập tành chữ nghĩa báo chí”.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền đang ngày một đi lên, phát triển vững vàng, trở thành "cái nôi" đào tạo ra nhiều thế hệ các phóng viên, biên tập viên làm việc ở nhiều các cơ quan báo chí lớn nhỏ trên cả nước. Hàng năm, cứ lớp lớp học viên cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay, Học viện lại tiếp tục dang tay chào đón những tân sinh viên tràn đầy nhiệt huyết cùng đam mê làm báo. Tuy nhiên, những cựu sinh viên từ thuở xa xưa ấy, như nhà báo Lưu Đình Triều cùng rất nhiều, rất nhiều những học viên khác sẽ còn in đậm dấu ấn tại "ngôi nhà" này.
Nguyễn Phương Anh - TTĐC K38
< Lùi | Tiếp theo > |
---|