BÁO CHÍ Thư mục Lưu Đình Triều LƯU ĐÌNH TRIỀU: Nhà báo thời 4.0 - tốc độ và chỗ đứng

LƯU ĐÌNH TRIỀU: Nhà báo thời 4.0 - tốc độ và chỗ đứng

 

 

 

Untitledlam_bao_40

Nhà báo Lưu Đình Triều cùng các tăng ni, phật tử cộng tác viên trao đổi nghiệp vụ trong một Khóa tập huấn thông tin báo chí của báo Giác Ngộ TP.HCM. Ảnh tư liệu

Nội dung là vua, công nghệ là nữ hoàng !

Nhận định trên không biết xuất hiện trong làng báo từ lúc nào, nhưng lần đầu tiên tôi nghe được là từ một Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí nâng cao. Người phát biểu, một phóng viên trẻ khi trao đổi về chuyện làm báo trong thời buổi cách mạng công nghiệp lần thứ tư - cách mạng 4.0, đã nhắc đến nhận định trên. Thế là cả lớp hào hứng phân tích rồi so sánh vua và nữ hoàng, ai hơn ai...

Gần đây khi anh em trong làng nói về những trắc trở cùng cơ hội cho báo chí trướcsau đại dịch COVID-19, tôi lại chợt nhớ về nhận định trên. Hồi ấy, với vai trò là thầy, tôi đã nói nửa đùa, nửa hàm ý thật: trong lịch sử, có vua rồi mới có nữ hoàng! Sau đó, như bao lần đứng lớp, tôi khuyến khích các bạn đông nghiệp trẻ thoải mái nói suy nghĩ của họ. Trong nghề báo, là người đi trước nhưng không phải lúc nào tôi cũng tiếp cận, nắm bắt đầy đủ tình hình thời cuộc, dòng chảy nhịp sống hiện tại hơn những người đi sau. Nhất là ở thời đại 4.0, thông tin trên internet bùng nổ, các dạng thông tin đã và đang tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ trong hoạt động báo chí. Vì vậy, tôi rất muốn nghe, muốn biết ý kiến của các đồng nghiệp đang tác nghiệp thời nay. Được lời như cởi tấm lòng, một số bạn đã mạnh dạn nói lên suy nghĩ của mình.

Với em bây giờ làm báo là phải tốc độ! Một nữ phóng viên nhìn bề ngoải chẳng có chút gì là ...vận động viên trên đường đua đã vào đề như thế. Các bản tin, câu chuyện xuất hiện rất nhanh, thậm chí tính bằng phút sau khi xảy ra sự việc, sự kiện. Đã thế, một thông tin xuất hiện trên báo điện tử này, trang điện tử kia thì chẳng mấy chốc nó lại xuất hiện trên các báo, trang điện tử khác. Có khi nó được cập nhật thêm tình tiết, chi tiết mới hơn. Cái nhanh đấy từ công nghệ mà ra. Do đó, theo em, để thích ứng với thời đại nữ hoàng, tụi em cần tăng tốc nắm bắt và chuyển tải thông tin. Phải tốc độ, tốc độ !

Lại có ý kiến bổ sung thêm: Tụi em bây giờ gần như ít cầm tới tờ báo giấy. Sáng ra lướt mạng, nắm bắt thông tin rất nhanh. Chưa kể, trên báo online có khá nhiều sản phẩm báo chí đa phương tiện (multimedia). Đọc các thông tin ngắn gọn có  hình ảnh minh họa với màu sắc sinh động (Information Graphic) vẫn thú vị hơn là thông tin với ảnh minh họa đơn thuần. Đó là chưa nói tới thời gian gần đây xuất hiện kiểu bài báo đa phương tiện (E- magazines) với chữ viết, ảnh, video, ảnh động, file âm thanh, các yếu tố đồ họa... Có được cuộc chuyển mình mạnh mẽ về nghề nghiệp qua phương thức và cách thức làm, theo em chính là nhờ có bàn tay nữ vương đỡ đần (cười). Do vậy, tụi em bây giờ bước vào nghề báo không chỉ học cách viết tin bài mà còn phải nắm bắt, trau dồi công nghệ. Nhớ, khi mới thực tập làm phóng viên, em đã tự nhủ mình phải tập sử dụng thành thạo máy tính bảng, điện thoại di động có kết nối internet, để có thể tác nghiệp, viết tin bài, gửi hình ảnh về cơ quan một cách nhanh nhất.

Làm đậm đà thêm chuyện công nghệ, tốc độ, một phóng viên tự khai báo mới vào nghề, buông ra lời bình: Theo em, hiện nay báo chí không thể thắng mạng xã hội về tốc độ đưa tin. Giờ thì gần như ai ai cũng đều có thể sử dụng điện thoại thông minh để chụp ảnh, quay video clip một sự kiện mà tình cờ họ chứng kiến, rồi truyền tải ngay lên Facebook, Zalo... Những trang mạng xã hội này có lượng người đọc lớn, tính tương tác cao và hoạt động, cập nhật chuyện đời sống “từ đầu đường đến xó chợ”gần như 24/24 giờ. Chúng ta dễ bị rớt lại phía sau nếu không tìm ra được cách ứng phó...

Cả lớp lặng im, suy nghĩ. Tôi tranh thủ vặn lại cậu phóng viên vừa phát biểu: Em nói đến mạng xã hội như có lợi thế với những câu chuyện “ từ đầu đường đến xó chợ”, thế còn với những sự kiện, hoạt động chính trị, kinh tế thì sao? – Em nghĩ đó là lợi thế của chúng ta. – Trong cái gọi là lợi thế đó, em có quyền viết sai lệch, viết không chính xác?- Theo em, dù 4.0 hay hơn chăng nữa thì báo chí vần cần giữ chuẩn mực truyền thống là tính chính xác, đảm bảo sự trung thực của thông tin.

Tôi hướng sang nói với cả lớp: Chuẩn mực mà bạn ấy vừa nói, theo tôi chính là ưu thế của báo chí. Còn mạng xã hội, dù mức độ lan truyền và tương tác với người đọc có ưu thế nhưng lại hay bị một khuyết điểm - yếu điểm rất quan trọng là sự không chính xác trong thông tin. Chưa kể các tin tức giả (fake news) đang ngày càng phát tán rộng rãi. Đã có những cá nhân được cơ quan chức năng mời lên làm việc, bị phạt tiền vì những thông tin ảo, những nội dung phát trực tiếp (live stream) sai lệch trên mạng. Chính vì khuyết điểm đó, nhiều bạn đọc xem thông tin trên mạng xã hội chỉ để biết, rồi dò la tìm hiểu thêm qua báo chí chính thống, chứ không xem đó như là một nguồn tin đáng tin cậy. Ngay cả những chuyện “ từ đầu đường đến xó chợ”, chuyện dân sinh, mạng xã hội khai thác nhanh nhưng lớt phớt, thiếu cặn kẽ, không đầy đủ nên không đáp ứng được nhu cầu của người đọc.

Chính vì vậy, trong thời 4.0, các cơ quan báo chí cũng thường tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ... nhằm nâng cao tay nghề cho các cộng tác viên, góp phần nâng chất, mở rộng mạng lưới săn tìm, khai thác nguồn tin nóng, cạnh tranh với mạng xã hội. Phóng viên hay cộng tác viên gì đếu có thể sử dụng công nghệ để livestream ngay tại hiện trường, giúp độc giả tiếp cận ngay tức thời thông tin. Mặc khác, báo chí lại có lợi thế hơn qua những bài phóng sự, điều tra, cung cấp cho người đọc câu chuyện với đầy đủ sự thật, có sức thuyết phục cao. Ngay cả những bài viết về chân dung của những con người bình thường có hành động cao đẹp, nếu biết khai thác cũng tạo sự quan tâm và thu hút người đọc.

Vì vậy, theo tôi trong cuộc chạy đua thông tin giữa báo chí và mạng xã hội, cần xem đích đến cuối cùng chính là chỗ đứng trong lòng người đọc.

Trở lai chuyện vua và nữ hoàng, tôi cho rằng không nên so sánh ai hơn ai mà nên gắn kết, “se duyên” bền chặt giữa hai người. Thời buổi này, vua đi chậm quá, dễ lạc điệu. Nữ hoàng tiếp sức tốc độ cho vua để đưa thông tin sớm đến với người đọc. Thời 4.0, tốc độ là yếu tố cần thiết và quan trọng. Nhưng chỉ nhanh không thì chưa đủ. Người đọc sẽ tiếp nhận tác phẩm của chúng ta theo kiểu gió thoảng mây trôi, nếu nội dung nhạt nhẽo, chẳng có gì đáng để biết, để nhớ. Vua đi nhanh, đến nhanh mà không có tiếng nói riêng, cũng không mang theo hơi thở của đời sống xã hội thì sẽ không có chỗ đứng trong lòng người đọc.  

Kết thúc cuộc trao đổi của Lớp học, tôi nhắc lại một nhận định tuy xưa cũ nhưng vẫn còn giá trị trong ngày hôm nay: bài viết được đông đảo bạn đọc biết đến, yêu thích thì đó là niềm hạnh phúc của người làm báo!  

BOX 

Phóng viên lăn lộn cùng thực tế, tìm kiếm những thông tin mới lạ, khai thác sâu tư liệu...sẽ tạo ra những bài viết riêng mà mạng xã hội khó cạnh tranh nổi.                

Như trên Tuổi Trẻ ngày 14.5.2022, người viết Chí Công đã có phóng sự về cây bao báp khổng lồ hơn 100 tuổi trên đỉnh núi Lầu Ba (còn gọi đồi Ngũ Hổ ở TP Hà Tiên - Kiên Giang). Đây là loài cây lạ của Châu Phi có chiều cao từ 5-20m và có thể chứa tới 120.000 lít nước trong “bụng” để chống chọi với những đợt hạn hán khắc nghiệt. Loài cây này có ở vài tỉnh thành Việt Nam đã lâu nhưng ít được biết dến. Do vậy, tuy không phải là bài điều tra chống tiêu cực hay vụ án tình tiền gì nhưng phóng sự Kỳ lạ bao báp cổ thụ trên đỉnh núi ở Hà Tiên vẫn tạo sự tò mò, thu hút với nhiều bạn đọc.

 

L.Đ.T

 

(nguồn: Ấn phẩm đặc biệt của Hội Nhà báo TP.HCM kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam - 21.6.2022)

 


Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com