Đầu tháng 6.2023, trong Trại sáng tác văn học tại Đà Lạt, Hội nhà văn Tp.HCM có tọa đàm Trí tuệ nhân tạo có thay thế được sự sáng tạo của nhà văn trong thời đại 4.0?. Chuyên đề này gợi trong tôi một suy nghĩ tương tự với nhà báo.Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) liệu có ảnh hưởng tác động gì với nghề báo nhất là việc đi săn tìm thông tin, tư liệu, đề tài cho một bài viết.
1.Nhà báo cần có chân chạy
Năm 1981, Trường Tuyên huấn Trung ương làm Thẻ nhà báo cho tất cả học viên Lớp đại học báo chí khóa 3. Thẻ có thời hạn từ 12.11.1981 đến cuối tháng 12.1985. Cầm thẻ mân mê, tôi cứ tự đùa là vượt cấp vì tôi chỉ đang học, chứ chưa có một ngày làm báo. Nhưng rồi, sau đó những chuyến đi thực tập ở báo Sài Gòn Giải Phóng,Vũng Tàu - Côn Đảo, tôi bắt đầu thâm nhập thực tế như một phóng viên thực thụ. Tôi xuống nhà máy sản xuất xe đạp, tôi băng đồng, lội ruộng ở Thủ Đức, Hóc Môn. Tôi lăn lộn từ Cảng dịch vụ dầu khí Vũng Tàu đến Côn Đảo, vùng đất một thời được mệnh danh là Địa ngục trần gian. Sau những chuyến đi đó không lâu, tôi lại theo ô tô khách đi ba ngày hai đêm để tham dự 30 năm chiến thắng điện biên phủ, rồi chạy lên Hà Giang đang trong tầm pháo giặc...
Từ những chuyến đi tôi gom góp, thu thập được nhiều tư liệu, thông tin sát sườn để tạo ra các bài báo. Những năm đấy, tin bài tôi phải viết tay- chứ không có máy đánh chữ để gõ. Ảnh chụp xong đưa ra tiệm rửa, hai ba ngày sau mới có hình. Bài ảnh cho vào một bao thư, chạy ra bưu điện gửi, mất khoảng tuần lễ. Việc “đăng nguội” bài vở hồi ấy vốn là chuyện thường ngày.
Xen kẽ những chuyến đi thực tập, về lại trường, học, trao dồi thêm lý luận viết báo song tôi vẫn cố tranh thủ tìm thời gian để tiếp tục chân chạy. Tôi vốn từ Xí nghiệp Sắt Tráng Men thi đậu vào trường báo chí nên chẳng có chút nghề lận lưng. Vì thế, tôi hiểu mình phải cố vừa học vừa “cày” để ráng theo kịp bạn bè cùng khóa. Dựa vào mối quen với vài phóng viên báo đài Hà Nội, cứ có dịp là tôi lại bám đuôi các anh chị ấy để đi thực tế. Đi gần gần, như dự Cuộc họp mặt thanh niên ba thủ đô Phnôm Pênh- Viêng Chăn- Hà Nội tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội hay xa hơn như Nhà máy sửa chữa ô tô lớn cách Hà Nội 50 km, nơi từng bị B52 đánh bom hủy diệt vào cuối năm 1972. Vào mùa lũ sông Đà, tôi cố tìm cách đến Công trường thủy điện Hòa Bình để hòa mình trong Chiến dịch 150 ngày đêm chống lũ...
Ông bà ta đã đúc kết Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Còn tôi qua những chuyến đi bắt đầu cảm nhận ra rằng làm báo đi một ngày đàng nếu chịu khó quan sát, lắng nghe thì sẽ hốt một sàng thông tin cùng kinh nghiệm nghề nghiệp. Một nhà báo có thể hoạt động ở những lĩnh vực khác nhau song nếu chỉ ngồi một chỗ thì khó mà ra tin bài. Nhà báo phải có chân chạy!
Chạy “từ trong ra ngoài” : Về Na Hang – Tuyên Quang cùng đồng nghiệp lướt trên hồ Thủy điện (ảnh trái). Đến Dubai tò mò vào khu trượt tuyết trong nhà đầu tiên ở Trung Đông lớn thứ ba thế giới.( Ảnh TL)
2. Viết, có nghĩa là đi và yêu thích chân thành
Trong đời làm báo của mình, tôi cũng đôi lần gặp trắc trở vì cái “phốt” sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa. Thậm chí có lần đang là Trưởng ban làm hồ sơ kết nạp Đảng, không được mà còn bị bên trên yêu cầu cách chức, hạ lương và đưa tôi rời khỏi ngành nội dung, chuyển sang làm trị sự. Nhưng Ban biên tập đã xem xét, kiến nghị cho giữ tôi lại làm phóng viên. Thế là tôi lại có được tiếp 7 năm chân chạy, trước khi trở lại làm trưởng ban như cũ. Ngẫm lại cũng là may vì ra trường về Tuổi Trẻ, tôi làm phóng viên đâu được hơn nửa năm là đã bước vào biên tập, quản lý. Với tôi nếu đã làm phóng viên mà chỉ có vài tháng thì không đủ bề dầy kinh nghiệm cho việc viết lách.
Những năm 1990 trong giới phóng viên, gần như ai cũng xem chuyện đi đây đi đó là chuyện bình thường tất yếu. Nhiều phóng viên thời ấy rất thích lăn lộn với cơ sở, viết một bài gì đấy cho xứng đáng là một người bạn viết của người đọc, chứ không phải xách xe đi “lượm” văn bản, về xào lại thành tin, “ăn’ vô dễ ngán. Một số bạn còn xem chuyện chạy tác ngiệp gần, xa là điều thiết thân, là niềm vui, thậm chí là hạnh phúc của nghề.
Trong báo Tuổi Trẻ hồi ấy, tới giờ tôi vẫn nhớ một vài phóng viên trẻ cùng trong mảng Thanh Niên – Giáo Dục, nhờ “biết cách chạy mà sớm định hình ngòi bút. Như cô sinh viên báo chí Trương Bảo Châu khi về báo tập việc cứ lóng nga lóng ngóng, loay hoay chuyện viết bài. Nhưng rồi chỉ sau một thời gian đeo bám, cùng ăn, cùng ở với sinh viên trong chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè, sau phát triển thành Mùa hè xanh thì đã vững ngòi bút, chắc tay nghề. Cũng từ chuyện bám, lăn lộn cùng chiến dịch, Trương Bảo Châu đã được UBND TP.HCM tặng bằng khen và trở thành một trong những gương mặt điển hình thanh niên tiên tiến thành phố năm 1988.
Còn Cù Mai Công lại là một phóng viên chuyên chạy khắp đường phố Sài Gòn về đêm. Lúc 0 giờ, anh chàng đạp xe đến một con hẽm ở quận 8 để mua héroin (làm chứng cứ cho bài viết). Rồi có đêm cuối tuần, anh chàng lại mò vào vũ trường hay ra đường nhập vào đám quái xế đang diễu hành...Để rồi sau những bài viết ít sợ đụng hàng, 6 tập sách Sài Gòn by night lần lượt ra đời làm nên một tên tuổi Cù Mai Công lắng đọng trong lòng bạn đọc...
Thế hệ như hai bạn phóng viên này thì việc đi thực tế là chuyện bình thường. Trong một bài báo sau này, nhớ lại chuyện lăn lộn hiện trường, Trương Bảo Châu cho rằng: Viết, có nghĩa là đi và yêu thích chân thành
3. 4.0 rồi tới AI : giảm chạy ?
Cuộc Cách mạng kỹ thuật số diễn ra trong khoảng cuối thế kỷ 20 đến đầu thế kỷ 21. Dạo ấy, ngồi cà phê, một số phóng viên thường bảo nhau, thời buổi 4.0 này, thu nhận, phản ánh thông tin cần phải nhanh. Đưa tin, bài cần tốc độ và tốc độ. Nhận thức này bao trùm trong suy nghĩ của đội ngũ làm báo lúc bấy giờ.
Tại một lớp bồi dưỡng của Hội Nhà báo Tp.HCM, một nữ phóng viên trẻ phát biểu như tâm sự: Bây giờ bước vào nghề báo không chỉ học cách viết tin bài mà còn phải nắm bắt, trau dồi công nghệ. Một bạn khác bổ sung: Tin tức giờ xuất hiện rất nhanh, thậm chí tính bằng phút sau khi xảy ra sự việc, sự kiện. Việc lan truyền thông tin giữa các trang, báo điện tử cũng nhanh không kém. Đúng là các dạng thông tin trên internet đã và đang tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ trong hoạt động báo chí. Nhưng liệu điều đó có ảnh hưởng đến chân chạy của một phóng viên không? Trao đổi,tìm hiểu từ một số trưởng ban, thư ký tòa soạn đương thời của vài tờ báo, dù có thể chưa đầy đủ và chuẩn xác lắm, song đã giúp tôi có câu trả lời.
Chuyện phóng viên ôm máy tính, bấm điện thoại, dạo mạng xã hội là khá phổ biến. Chạy xuống cơ sở, đi dự hội nghị nếu có thì thao tác rất nhanh. Tùy lĩnh vực, nếu được tòa soạn cử đi làm phóng sự, thì phải đi, nhưng ít có trường hợp “ăn dầm nằm dề”, “lăn lê bò toài” tại cơ sở như trước. Chưa kể dịch Covid bùng nổ, phong cách làm việc tại chỗ, từ xa càng thêm phát triển. Một phóng viên còn cho rằng : Cách chấm, tăng nhuận bút theo view cũng tác động đến việc chọn tin bài hấp dẫn, sốt dẽo. Chạy viết phóng sự mất nhiều thời gian mà không dễ kiếm view.Trong khi ngồi tại chỗ, săn tìm tin tức trên mạng có khi lại được nhiều tin nóng hấp dẫn và được nhiều view hơn.
Trong thời đại AI đang dần phổ biến, tôi có trở lại Thái Lan. Quen máu nghề nhiệp, tôi cũng rảo bước nhiều nơi và tìm xem có gì mới lạ hơn trước để có thể viết bài. Vào xem xiếc rắn thấy hay, lạ và thót tim nên cũng ghi chép, chụp ảnh. Tôi còn dự tính tan buổi diễn, nhờ cô hướng dẫn viên dắt xuống trò chuyện thêm với các anh chàng huấn luyện rắn.
Trong lúc chờ đợi, tôi thử vào Google gõ chữ “Xiếc rắn” để tìm hiểu thêm. Trời ơi bao nhiêu bài viết, clip về loại hình này tràn ngập. Hình ảnh đi kèm các bài viết chắc chắn là đẹp hơn các ảnh chụp từ điện thoại di động của tôi. Thế là tôi bỏ cuộc. Về Việt Nam, kể lại chuyện này, một anh bạn cười lăn. Anh nói, nếu anh đăng ký vào AI, hỏi về Xiếc rắn thì sẽ có nhiều thông tin chi tiết hơn nữa. Như các loài rắn gì, thời gian huấn luyện bao lâu, rắn đã được hút hết nọc độc ra chưa .v.v..
Chỉ một chuyện Xiếc Rắn thôi mà làm tôi băn khoăn. Với AI, nhiều thông tin về cá nhân, sự việc, địa danh... đều được cung cấp cụ thể. Thế thì làm báo thời AI có cần phải làm chân chạy như ngày trước không? Ngẫm đi, ngẫm lại tôi thấy rằng làm báo vẫn phải cần chân chạy. Có xuống hiện trường, cọ xát thực tế, mới dễ phát hiện vấn đề, chi tiết ấn tượng, mới có cảm xúc trong câu chữ bài viết, mới xác định rõ chủ đề cho từng bài viết. Những người làm báo mà ít lăn lộn thì cũng dễ bỏ nghề - ra đi dễ dàng hơn người khác... AI rồi chỉ là một thư viện khổng lồ cung cấp nhiều tư liệu ban đầu cho người viết thôi.
Nghĩ là nghĩ thế nhưng tôi vẫn không tự tin về nhận định của mình. Tôi đã chắc chắn đúng chưa?
L.Đ.T
(nguồn: Đặc san 21.6.2023 của Hội Nhà báo TP.HCM)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|