Mùa Xuân ai đi hái hoa
Mà em đi lo viết báo...
Nhại lời bài hát của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý một chút để nhắc nhớ tâm trạng của nhiều nhà báo mỗi khi Tết sắp về cùng mùa xuân đang đến. Bất kể anh là cộng tác viên, phóng viên, biên tập viên hay thư ký tòa soạn, Ban biên tập…, việc viết báo xuân thường là một niềm vui, sở thích, sự sung sướng khó định danh.
Không biết chuẩn bị đón Tết Mậu Ngọ 1918, tờ Nam Phong lần đầu phát hành giai phẩm Xuân, chuẩn bị mất bao lâu? Còn bây giờ như thành lệ: thường trước Tết khỏang 100 ngày, nhiều tờ báo lại rục rịch lo báo xuân. Như đón chào Xuân Kỷ Hợi - tháng 2.2019, một số tờ báo đã rao bảng giá quảng cáo từ tháng 11.2018. Tất nhiên cùng việc mời gọi các doanh nghiệp giới thiệu, sản phẩm quảng bá thương hiệu, bộ phận làm nội dung cũng khởi động. Những cây viết bắt đầu động não đề tài.
Viết gì? Viết như thế nào? Hai câu hỏi cũ lắm rồi, nhưng xem ra vẫn cứ luôn lay động lòng người viết trước mỗi số báo xuân.
Nhớ cách nay hơn 20 năm- báo Xuân Tuổi Trẻ 1985 đã có một chuyên đề Đi thăm và nghe kể chuyện đường Trường Sơn. Chuyên đề gồm một bài ký đi thăm lại con đường lịch sử dịp cuối năm của phóng viên, cùng với những ghi chép, hồi ức từ vài nhà văn đã gắn bó với Trường Sơn. Và đặc biệt có câu chuyện kể kèm ảnh của nhà lãnh đạo Võ Văn Kiệt, khi ông đi trên con đường này năm 1983. Chuyên đề dài hơn hai trang báo khổ lớn, đọc hơi mệt, lại đi cùng một số thông tin cũ. nhưng vẫn được nhiều người đọc trẻ thích. Vì sao? Vì chuyện về một con đường lịch sử nổi tiếng vẫn có nhiều điều bạn trẻ chưa biết, lại cung cấp một số thông tin mới của thời hiện tại. Hơn nữa, những người viết kể cả vị lãnh đạo đã khéo viết, khéo thuật chuyện…
Tết thường là dịp để bao người con đất Việt nhớ về lịch sử, truyền thống, ôn chuyện xưa. Những đề tài loại này, đến giờ vẫn được khai thác nhiều trên báo xuân. Để “đứng” được, các bài viết rất cần những sự kiện, câu chuyện độc đáo, thuộc ‘hàng hiếm” càng tốt và phải cập nhật thông tin mới. Xuyên suốt mấy thập kỷ, những câu chuyện kể về các sự kiện, nhân vật có hành động, tấm lòng gắn liền với một giai đoạn đặc biệt của đất nước cũng hay được kể trên báo xuân. Mới đây hai năm thôi, chuyện về một gia đình đã ủng hộ nhà nước 5.147 lượng vàng ngay sau cuộc cách mạng 1945, được thuật lại sống động trên báo Xuân Tiền Phong: Bác Hồ với gia đình ông Trịnh Văn Bộ.
Đôi khi người viết lục lọi, tìm kiếm vết tích của quá khứ, để hòa trộn cùng hiện thực hôm nay, tạo ra bài báo xuân là lạ, thú vị. Những kỳ nữ Boléro thế hệ mới (Pháp Luật TPHCM 2017), Tiếng gà gáy trên đại lộ Nguyễn Huệ (Phụ Nữ TP.HCM 2018) là những minh chứng... Chất cổ truyền của Tết còn gắn liền với 12 con giáp. Cho nên báo xuân rơi vào giáp nào thì ít nhiều cũng có một vài bài viết về chuyện giáp đó. Những năm chẵn 5,10, 15… hay những giáp trùng tên cách nay cả 100 năm, luôn là tiền đề để nhắc nhớ các sự kiện liên quan. Nhà báo nhặt nhạnh được chuyện gì hay, đáng nhắc lại là có thể úm- ba- la ra bài báo xuân. Như Tết Mậu Tuất 2018, có người đã viết bài về Bản hùng ca Bạch Đằng giang, một trận đánh để đời của dân tộc ta vào năm Mậu Tuất 938.
Tết không chỉ là dịp “ôn cố” mà còn “tri tân”. Do đó các vấn đề, câu chuyện cho hành trình năm mới hay được khai thác và đặt ở những trang đầu. Các bài viết loại này thường là “hàng riêng” của các phóng viên nghị trường kết hợp với các chuyên gia. Đôi khi có xã luận của ban biên tập đi kèm. Nhưng dù người viết là ai chăng nữa thì cũng phải lưu tâm đến đặc trưng của báo xuân: chữ nghĩa, tít tựa được trau chuốt mềm mại hoặc bay bổng; cách viết biểu cảm, dễ thu hút người đọc. Như nói chuyện làm ăn cho năm mới, các báo Xuân 2017 có: Mùa vàng khởi nghiệp (Thanh Niên), Nội lực Việt (Tiền Phong), Thời của nông nghiệp thông minh (Sài Gòn Giải Phóng), Việt Nam - “con hổ” kinh tế đang vươn mình (Cảnh sát Toàn Cầu)…
Câu chuyện của Bàn tròn @ này thật ra sẽ dễ thực hiện hơn nếu được đăng ở báo Xuân 2015 hay 2019… Nhưng nó lại đăng trên một tờ báo Xuân của thành phố (Tuổi Trẻ) vào năm 2003. Thế mới đúng là phóng tầm nhìn đi xa!
Hàng ngày, trên báo dày đặc những thông tin thời sự nóng bỏng ở các lĩnh vực. Với báo xuân, chuyện thời sự được chắt lọc, tinh chế lại cho phù hợp với hương xuân. Xem chừng, trừ chuyện đâm chém, giết chóc không hợp lắm với Tết, còn lại mảng nào cũng được nhiều nhà báo khai thác. Từ trong nước đến quốc tề. từ giáo dục, y tế đến văn hóa- giải trí, thể dục - thể thao. Lât lại những trang báo của vài năm gần đây, sẽ thấy ngay đề tài báo xuân rất đa dạng, trải khắp các lĩnh vực. Điều khiến người viết trăn trở là đề tài mình chọn có lạ, độc đáo hay không.
Bài báo xuân đầu tiên của người viết này xuất hiện cách nay 35 năm. Đó là bất ngờ lớn với một kẻ đang tập tễnh bước chân vào nghề báo. Bài đăng báo xuân chắc phải là bài báo hay, “nặng ký” của một nhà báo lâu năm - nghĩ là vậy. Nào ngờ, chuyện về một đôi vợ chồng trẻ trên công trường nơi vùng đồi núi xa xôi hẻo lánh ở phía Bắc, lại được lọt vào vào mắt xanh của một Tòa soạn báo xuân ở phía Nam. Sau này thường xuyên đọc báo Tết, mới hiểu hơn về việc chọn nhân vật làm đề tài báo xuân. Ngẫm nhớ lại bài viết xuân đầu tiên của mình: À thì ra bài được chọn vì đây là một cặp vợ chồng “lạ”- cùng lái cần trục KT5 (hơi hiếm lúc ấy), lại làm việc ở một nơi đặc biệt - công trình thủy điện Sông Đà, để xây dựng một nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á.
Chuyện về các cá nhân, tập thể có tính điển hình, đột phá…, báo xuân nào cũng đều có. Không chỉ một mà là nhiều lần hơn. Góc cạnh đề tài rất đa dạng. Soi lại báo xuân những năm gần đây thì thấy rõ điều đó. Chỉ cần liếc qua những tựa bài Người đầu tiên thâm nhập mê cung của các thần linh, Nông dân trăm tỷ, Lộc “xích lô”: lái xe đường dài đến LHP Venice, Trọng tài Việt Nam hai lần điều hành ở Olympic…, người đọc đã thấy tò mò, phải đọc liền bài viết, để rõ nhân vật đó là ai, “chiến tích” như thế nào. Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra, một số người viết chọn đề tài, kết nối với những biến đổi, cái mới để thích nghi với thời thế. Từ Chuyện mốt của phụ nữ miền Tây (thông tin chiếc áo bà ba hình như chỉ còn trong phim ảnh), đến Yêu nước theo kiểu đẹp (sáng tạo những sản phẩm làm đẹp made in Việt Nam và cổ súy dùng hàng Việt Nam), rồi Hành trình kiếm triệu đô của Startup 9X (sự bứt phá của một chàng trai 26 tuổi để làm chủ một công ty ứng dụng chia sẻ công nghệ ẩm thực, được định giá trên 2 triệu đô)… Đề tài trên báo xuân đúng là phong phú!
“Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già” (Vũ Đình Liên). Ngẫm lại, ở một khía cạnh nào đó, những người thích viết báo xuân cũng tợ Ông đồ già. Cứ chờ hoa mai, hoa đào sắp nở, là lại ngồi vào bàn viết. Những bài viết Tết cứ như là những câu chuyện tâm hồn, chuyện trái tim sinh động, hấp dẫn. Và tác giả viết như để góp chút sắc màu,hương vị - như lá, như hoa giữa trời Xuân.
BOX
Khi có báo mạng, ngày Tết đến, gõ Google người đọc sẽ có hàng loạt báo Xuân Online từ Nam chí Bắc. Thông thường, hầu như tuyệt đại đa số bài trên báo xuân (giấy) được đưa lại trên Xuân Online. Nhưng do đặc tính Online, nên ngoài những bài viết đậm mùi vị Xuân, lại có thêm những bài viết nhanh, nặng tính thời sự về những hoạt động đáng chú ý trong dịp Tết.
Sau này, một số báo đã làm báo xuân điện tử như một sản phẩm độc lập, một trang riêng trên giao diện. Sản phẩm này chú ý đến việc giao lưu, tương tác với bạn đọc bằng những cuộc thi vui, nhẹ nhàng hoặc có mục để bạn đọc viết, như Tùy bút mùa Xuân.
Muốn tham gia viết bài cho Xuân Online, có lẽ người viết nên nhận thêm vai bạn đọc, để dễ “ hội nhập” hơn?
L.Đ.T
< Lùi | Tiếp theo > |
---|