BÁO CHÍ Thư mục Lưu Đình Triều LƯU ĐÌNH TRIỀU: CUỘC HỌP CỘNG TÁC VIÊN BÁO TUỔI TRẺ ĐẦU TIÊN TRÊN ĐẤT BẮC

LƯU ĐÌNH TRIỀU: CUỘC HỌP CỘNG TÁC VIÊN BÁO TUỔI TRẺ ĐẦU TIÊN TRÊN ĐẤT BẮC

DSC_8428LLU_DINH_TRIEU

Các thể loại tin và hướng dẫn cách viết tin báo chí, phỏng vấn báo chí ngày 11.4.2019 tại báo Giác Ngộ (TP.HCM). Nhà báo Lưu Đình Triều, nguyên Trưởng ban Văn hóa – Văn nghệ, nguyên Trợ lý Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ.

 

Năm 1983, đời sống cực kỳ khó khăn. Dù là thủ đô, Hà Nội cũng thiếu thốn đủ bề. Chuyện hội hè, ăn uống theo kiểu nhóm bạn thuộc loại khó hiếm. Muốn uống cốc bia hơi, từng người phải sắp hàng mua phiếu và mỗi lần chỉ được 2 cốc là tối đa. Rượu phổ biến là “quốc lủi”- rượu đế nấu chui. Rượu Làng Vân cùng rượu Tây, đa phần là Vodka, bán theo tem phiếu và phải có... tiêu chuẩn. Quán xá thì lèo tèo, chật hẹp. Số nhà hàng có thể đếm trên đầu ngón tay và đòi hỏi túi tiền phải rủng rỉnh... Tình cảnh đó làm anh Phạm Văn Nhứt - Hai Nhứt phải đau đầu, khi nhận lệnh từ Tổng biên tập Võ Như Lanh (vừa ra Hà Nội học cao cấp chính trị): tổ chức cuộc họp cộng tác viên báo Tuổi Trẻ ở Hà Nội.

Thời đó mở văn phòng đại diện hoặc cử phóng viên ra thường trú thủ đô là chuyện khó mơ thấy nổi với một tờ báo cấp 3 vừa nhỏ, vừa hạn hẹp tài chính như Tuổi Trẻ. Tuy nhiên từ năm 1979, lại có đến ba phóng viên Tuổi Trẻ ra “nằm vùng” ở đất Bắc, do được cử đi học lớp đại học báo chí tại trường Tuyên huấn T.Ư (trường duy nhất có đào tạo đại học báo chí thời ấy). Đó là anh  Phạm Văn Nhứt (nhóm trưởng), Đặng Thanh Triều và Lê Kim Phi. Học là chính nhưng khi cơ quan  có yêu cầu, nhóm vẫn phải lo việc tổ chức thông tin thời sự trên địa bàn miền Bắc; đồng thời mời gọi anh em nhà báo, nhà văn tham gia viết bài gửi cho Tuổi Trẻ.

Tôi lúc đó đang học cùng anh Nhứt và cũng được anh khuyến khích viết cho Tuổi Trẻ. Sau một số bài viết  được đăng, đến  năm 1982, khi được phân công theo Cuộc gặp gỡ  thanh niên thủ đô 3 nước Việt - Lào - Campuchia và đi viết bài kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, tôi mới dám tự xếp mình là... cộng tác viên của Tuổi Trẻ.

Gọi là tự xếp cộng tác viên vì lúc đó, Tuổi Trẻ chưa có chế độ cộng tác viên gì cả. Ai viết được cái gì thì gửi vào, nếu tin bài được đăng, báo sẽ chờ có cán bộ nào từ Sài Gòn ra Hà Nội công tác, nhờ mang dùm  nhuận bút ra. Thế thôi.

Có lẽ cái đầu tổ chức của anh Hai Nhứt phải động não mất nhiều đêm mới giải được bài toán họp mặt thân mật cộng tác viên, sao cho vừa đông đủ, vừa có ăn uống vui vẻ và vừa với số tiền eo hẹp mà báo khoán cho... Cuối cùng anh kêu tôi: Triều thưa với bà già (ba tôi đã mất trước đó một năm) xin cho báo Tuổi Trẻ mượn nhà để họp cộng tác viên. Số là ba má tôi tập kết ra Hà Nội và được bố trí ở tầng dưới của một biệt thự cũ ngay mặt tiền đường Điên Biên Phủ, quận Ba Đình. Nhà có hai phòng - mỗi phòng khoảng 25 m2, kèm theo một nhà tắm, một nhà bếp và bên trên có một căn gác. Sân vườn thì rộng rãi thoải mái có nhà vệ sinh bên ngoài, rất thuận lợi… Má tôi lúc đó rất có cảm tình với tờ báo cho thằng con cộng tác, nên gật đầu cái rụp. Má chỉ yêu cầu làm trong nhà cho... kín đáo và không nói năng ồn ào, sợ bà con khu phố dị nghị...

Trước giờ họp mặt, Đặng Thanh Triều và tôi chạy về thu dọn sạch bàn ghế, giường, vật dụng linh tinh trong phòng ngoài, dời ra hành lang, rồi trải hai chiếc chiếu xuống sàn nhà, chuẩn bị sẵn chén đũa cùng ít ly uống rượu. Anh Hai Nhứt đạp xe chở Kim Phi lòng vòng ra một vài chợ “trong và ngoài luồng” để mua đậu phộng rang, chả lụa, nem chua, bánh mì cùng vài chai Vodka Ba Lan, Hungary...

3 giờ rưởi chiều một số cộng tác viên đã có mặt: Phạm Quang Đẫu, Đỗ Quang Đán, Đỗ Trung Lai, Hoàng Hải (đã mất), Đỗ Hóa (đã mất) ... Tất cả hơn chục người ngồi xếp bằng dưới đất. Ai đến sớm thì may mắn có chỗ dựa là bức tường.

Anh Võ Như Lanh  nói ngắn cảm ơn sự cộng tác của các nhà văn nhà báo, đồng thời gợi ra một câu hỏi nhỏ - nhưng quá lớn so với điều kiện hồi ấy: làm sao gửi nhanh thông tin thời sự về tòa soạn? Sở dĩ phải đề cập đến tiến độ tin bài thời sự vì việc “đăng nguội” bài vở về các tỉnh thành ở đất Bắc là chuyện thường ngày. “Nguội” vì hồi ấy chỉ một đường gửi duy nhất là bưu điện, mất khoảng tuần lễ. Điện thoại bàn chưa nhiều, chỉ cơ quan và một số nhà quan chức mới có. Muốn liên lạc điện thoại đường dài phải ra bưu điện đăng ký chờ. Máy ảnh riêng vốn không dễ có mà ảnh chụp xong, tìm nơi in tráng, cũng mất hai, ba ngày mới có...

Khi các ly rượu nâng lên cũng là lúc các lời hiến kế xuất hiện rôm rã. Có anh thì hứa sẽ tranh thủ phương tiện của cơ quan mình để làm ảnh, gửi bài nhanh cho Tuổi Trẻ. Có anh đề nghị nên kết nối, nhờ vã một số cơ quan báo chí lớn như Thông Tấn xã, Nhân Dân để gửi tin bài theo đường chuyển công văn của họ. Cũng có ý là cần phải có đầu mối liên lạc, thu nhận bài vở ngay tại Hà Nội v.v..

Câu chuyện liên quan đến tiến độ bài vở rồi cũng xong, để nhanh chóng chuyển đổi qua những tâm tình, trao đổi đời thường như Hà Nội mùa thu thì tuyệt vời, nhưng hè thì khiếp quá. Vào chỗ mát ngồi mà tay chân cứ rịn rịn mồ hôi.- Thế  mới đúng là oi đấy…Đầu tháng trước, tôi mới đem bán ít tem gạo, xà phòng để đi ăn phở Bát Đàn cho biết; nhưng tới nơi thấy cảnh  xếp hàng dài ra tận đường, chờ lâu quá  phải bỏ đi thôi… Dù mồi nhắm hạn chế, nhưng nhờ vía rượu Tây nên cuộc trao đổi vẫn rôm rả. Má tôi ở phòng trong, thỉnh thoảng ngoắc tôi vào: Mấy anh em nói chuyện nhỏ nhỏ thôi, kẻo bác Hồng - hàng xóm bên kia tường, lại phê bình. Có lúc bà phải chạy ra, vừa khép cửa sổ vừa nói: Phải đóng lại các cháu à để bên kia nhìn qua, thấy thì chết…

Nhưng cao trào vẫn chưa tới đỉnh điểm. Nó thật sự bùng nổ, khi anh bạn Đỗ Hóa vừa mới cụng ly xong, bổng nằm lăn ra, mệt quá. Cả “hội nghị” cười vang. Vì trước đó, lúc  mới vào, Đỗ Hóa có báo cáo là anh uống yếu lắm, chỉ được khoảng… 24 chén thôi. Nghe quá nể! Thế mà chưa đến 20 chén đã… Ông bà mình nói “cười người chớ vội cười lâu/ cười người hôm trước hôm sau người cười”. Vài anh mới cười Đỗ Hóa đó, chẳng mấy chốc sau không những sỉn mà còn “hò” ngay tại chỗ. (Có lẽ do bụng chưa được “dậm nền” đầy đủ). Đến lúc này thì má tôi thật sự quýnh quáng. Bà kêu tôi vào trong và không kìm được bức xúc: Trời ơi, má đi cách mạng mấy chục năm rồi mà chưa hề  thấy cảnh như thế này, con ơi!

Không biết bên ngoài có ai nghe thấy lời thở than u uẫn của má tôi không mà chỉ khoảng mười lăm phút sau - khoảng 18 giờ, cuộc họp mặt đã kết thúc. Một số anh ra lấy xe đạp thẳng. Có hai  anh  được nhóm “đặc phái viên’ Tuổi Trẻ khiêng ra, kêu xích lô chở về. Sau đó “nhóm đặc phái viên” chạy vào nhà, người thu dọn bát đủa, người lấy đồ hốt rác, xúc những đống ói mữa, lau chùi nền nhà cho sạch, rồi dông… Tôi cũng không dám ngủ ở nhà như dự định mà phải xin phép má vào lại trường ngủ để sang mai lên lớp sớm.

Dù có một chút ‘tổn thất” tại chỗ, nhưng rõ ràng, nói theo khẩu khí hồi đó, rằng thì là cuộc họp cộng tác viên đầu tiên trên đất Bắc đã... thành công tốt đẹp. Bằng chứng là không lâu sau đó đầu mối Hai Nhứt phải thường xuyên đạp xe từ trường ở Cầu Giấy ra Hà Nội (đi về  khoảng 15 km) để liên lạc, nhận bài vở của anh em gửi cộng tác hoặc nhờ in tráng ảnh nhanh. Thanh Triều, Kim Phi và tôi thì hay luân phiên đạp ra chỗ trụ sở hàng không, gần hồ Hoàn Kiếm, nơi có xe đưa đón khách ra vào sân bay. Tại đó chúng tôi “điều nghiên” các hành khách sắp bay vào thành phố để “chọn mặt, gửi phong bì”. Thấy khách nào trung niên, ăn mặc rất cán bộ, liền xáp đến. “Dạ thưa cô/chú, cháu ở báo Tuổi Trẻ, có một bài viết cần gửi vể tòa soạn gấp. Cô/ chú cầm giúp phong bì này vào. Khi đến nơi cô/ chú gọi ngay cho số điện thoại này (ghi sẵn trên phong bì) là sẽ có người đến để nhận bài ạ...

Với cách gửi tốc hành này thì thường tòa soạn nhận bài ngay trong ngày hoặc chậm lắm là hôm sau (trong trường hợp người đưa thư không có điện thoại nhà)...

Một thành công khác đến chậm hơn và trở thành bước thử nghiệm  cho việc tổ chức văn phòng đại diện của Tuổi Trẻ:  anh Hoàng Hải phóng viên báo Quân đội nhân dân trở thành người tiếp nối vai trò anh Hai Nhứt sau khi nhóm “đặc phái viên” đầu tiên học xong và trở lại Sài Gòn.

L.Đ.T

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com