BÁO CHÍ Thư mục Lưu Đình Triều NHÀ BÁO LƯU QUÝ KỲ: MỘT NHÂN CÁCH LỚN

NHÀ BÁO LƯU QUÝ KỲ: MỘT NHÂN CÁCH LỚN

 

LTS: Lưu Quý Kỳ là nhà báo lớn, một nhân cách lớn, một trong những cây đại thụ của nền báo chí cách mạng thập niên 50, 60, 70 và đầu những năm 80 của thế kỷ XX. Ông còn là một nhà văn tên tuổi và uy tín trên văn đàn Việt Nam. Ngày 17/3 tới, trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2017, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo về cây bút tài năng này. Nhân sự kiện này, báo Nhà báo và Công luận xin trích giới thiệu bài viết của nhà báo Phạm Quốc Toàn.


thumb_470_771d198b-f643-4ca0-aea2-f60b1ecd21e8


Vượt ngục là truyện ngắn đầu tay của Lưu Quý Kỳ, xuất hiện cách đây hơn 8 thập niên, đăng trên báo Tin Văn năm 1935. Nhiệm vụ Thanh Niên là một trong những bài báo nổi tiếng đầu tiên mà ông viết cách thời điểm này đúng 80 năm, đăng trên báo Nước Non - xuất bản tại Hà Nội, năm 1937. Nhắc lại 2 dấu mốc có tính mở đầu quan trọng này để thấy nhà báo, nhà văn Lưu Quý Kỳ sinh ra từ mảnh đất Quảng Nam địa linh nhân kiệt đã là một cây bút sắc sảo, năng nổ, giàu sức chiến đấu từ lúc còn rất trẻ  - khi ông mới  17-18 tuổi, học sinh trường Kỹ nghệ Thực hành ở Huế.

Lưu Quý Kỳ, 20 tuổi, 25 tuổi  đã là cây bút, thư ký tòa soạn báo chí sắc sảo của nhiều tờ báo như Dân, Dân Tiến, Dân Muốn, Tiến Tới, Lao động Phổ thông, Công Luận, Điện Tín, Thế Kỷ … Ôngviết báo với nhiều bút danh khácnhau: Thanh Vệ, Phác Căn, Lưu Quang Khải… Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, Lưu Quý Kỳ làm chủ bút báo Quyết Thắng của Mặt trận Việt Minh Trung bộ, chủ bút báo Ánh Sáng, chủ bút báo Cứu Quốc khu IV, phụ trách tạp chí Kháng Chiến, báo Sáng Tạo ở khu V; giám đốc sở Tuyên truyền Nam bộ, chủ bút báo Thống Nhất, chủ bút báo Nhân Dân miền Nam, chủ nhiệm tạp chí Lá Lúa … Sau năm 1954, tập kết ra Bắc, nhà báo Lưu Quý Kỳ làm vụ trưởng Tuyên truyền miền Nam, sau đó là vụ trưởng vụ Tuyên truyền Quốc tế, vụ trưởng vụ Báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương.

Tóm lược mấy dấu mốc vừa nêu  liên quan trực tiếp đến báo chí, hoạt động báo chí, làm công tác tham mưu chiến lược, công tác chỉ đạo, quản lý  báo chí của Đảng, với dụng ý: Nhà báo, nhà văn Lưu Quý Kỳ gắn bó rất chặt chẽ hoạt động báo chí của Đảng. Ông là nhà báo của Đảng - viết báo không chỉ là một nghề  với lòng đam mê cháy bỏng mà hơn thế nữa báo chí còn là phương tiện, công cụ, vũ khí chiến đấu của một chiến sĩ cách mạng, chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cao cả độc lập tự do của dân tộc và chủ nghĩa xã hội của đất nước. Các nhà báo lớn, nhà báo bậc thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam, trước hết và trên hết họ đều là những chiến sĩ cách mạng xuất sắc, trung kiên, tài ba như Bác Hồ đã dạy: “Nhà báo là chiến sĩ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí chiến đấu sắc bén của họ”.

Sắc sảo, Đam mê, Nhân văn là 3 nét nổi trội cơ bản, bổ sung cho nhau, tác động qua lại, làm nên một phẩm chất và tài năng  trong con người - tâm thế  nhà báo Lưu Quý Kỳ.

Đồng nghiệp Lưu Đình Triều, nhiều năm làm việc tại báo Tuổi Trẻ TP. Hồ Chí Minh, con trai của nhà báo Lưu Quý Kỳ có lần nói: “Sinh thời, ông vẫn thường nói: lại sắp tết nữa rồi”. Ý của ông là thời gian cứ trôi đi vùn vụt, tết này vừa qua, tết tới đã gõ cửa mọi nhà. Đồng nghiệp Lê Minh Quốc, báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh, người con của đất Quảng Nam trong một bài viết về bậc lão thành Lưu Quý Kỳ có nhắc đến quê hương Hội An, Quảng Nam- quê hương của nhà báo Lưu Quý Kỳ: Ông rất quý thời gian vàng ngọc, ông nhắc đến sự tích tắc tích tắc của kim đồng hồ để nhắc nhở con cháu và lớp đồng nghiệp đàn em, đừng bỏ phí thời gian, hãy tranh thủ  mọi nơi, mọi lúc mà học hành, tác nghiệp, sản sinh các tác phẩm báo chí, văn học.

Các đồng nghiệp Thái Tuyết Mai, Trần Trúc Thanh, Lê Hữu Quế, Trần Quang Huy có một số năm làm việc dưới quyền Vụ trưởng vụ Báo Chí - nhà báo Lưu Quý Kỳ nhắc lại nhiều kỷ niệm khó quên về sự sắc sảo, cẩn trọng, lòng đam mê, yêu nghề báo, tấm lòng nhân hậu - nhân văn của ông.

* * *

Các đồng nghiệp cao niên vẫn nhớ như in, vào thập niên 60, 70, 80 của thế kỷ trước, khi cả nước ra trận, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, xuân về tết đến, vào các đêm giao thừa, thính giả cả nước chăm chú đón đợi thơ chúc Tết - lời hịch ra trận của Bác Hồ và sau đó là những bài tùy bút chính trị, tiểu phẩm, thơ châm  của nhà báo, nhà văn Lưu Quý Kỳ và nhà báo, nhà thơ trào phúng Xích Điểu (nhà báo Trần Minh Tước) vang lên trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Vào dịp Tết, những bài tùy bút - bút ký  chính trị của nhà báo Lưu Quý Kỳ, như là một sự tổng kết thành tựu năm cũ, đường hướng phát triển của năm mới. Ông rất mẫn tuệ, sắc sảo, đánh giá, nhận xét các sự kiện của thời cuộc cẩn trọng, nhưng đâu ra đó, chặt chẽ, lô gíc, lời văn hào sảng cuốn hút lòng người đến lạ lùng. Những bài bút ký chính trị của ông hừng hực như có lửa bốc cháy, ai cũng muốn xung trận thực hiện lời hịch - thơ chúc tết của Bác Hồ: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào!”

Một trong những nét nổi bật trong cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo lão thành Lưu Quý Kỳ là sự nhạy bén, sắc sảo, cẩn trọng, rất mẫn cán chính trị. Ông nói, có được điều này là nhờ sự tự trao dồi, tự học hỏi không ngưng nghỉ, không bao giờ bỏ phí thời gian vào những việc vô bổ. Nhà báo Trần Hữu Minh, nguyên phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Bangkok (Thái Lan) kể lại một mẩu chuyện  về sự mẫn cán chính trị của nhà báo Lưu Quý Kỳ: “Một lần, cuối thập niên 70, buổi tối nọ, tôi tháp tùng nhà báo Lưu Quý Kỳ, Vụ trưởng vụ Báo chí, Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam dự chiêu đãi của Bộ Ngoại giao Thái Lan tại Bangkok. 5 giờ sáng hôm sau, một tờ báo ở Thái Lan phát hành tới khách sạn và đã đăng bài tường thuật, xen kẽ trả lời phỏng vấn của nhà báo Lưu Quý Kỳ, nhưng nội dung đã bị thêm bớt, cắt gọt làm méo mó nội dung, không đúng với quan điểm đối ngoại của nhà nước Việt Nam thời điểm đó”.

Nhà báo Lưu Quý Kỳ trao đổi với nhà báo Trần Hữu Minh “phản kích” ngay, có thư phản đối gửi lên Vụ Báo chí, Bộ Ngoại giao Thái Lan, yêu cầu tờ báo phải cải chính, bằng cách đăng lại bài phỏng vấn ngắn của nhà báo Lưu Quý Kỳ. Tất cả, nhà báo Lưu Quý Kỳ  xử lý trong vòng 30 phút. Tổng biên tập tờ báo đó đã cho đăng lại bài phỏng vấn ngắn của nhà báo Lưu Quý Kỳ, một cách cải chính nội dung bài báo có nội dung sai lệch mà họ đã công bố.

nh-61342322luuquy_ky_luudinh_trieu
Nhà báo Lưu Quý Kỳ (trái) và con trai, nhà báo Lưu Đình Triều (phải). Ảnh: nongnghiep.vn

 

Lưu Quý Kỳ rất thông tuệ, đam mê viết, chăm đọc sách, đọc báo nước ngoài, cần mẫn học hỏi, rất có ý thức tích lũy, ghi chép tư liệu, sự kiện. Ông vẫn thường tâm sự, dặn dò đồng nghiệp lớp sau, cũng là tự chỉ bảo cho mình, đại ý: Làm báo mà không học, lười biếng suy nghĩ, lười đọc, ngại đi, coi như đó là sự thụt lùi, là sự thui chột. Nghề viết mà không đam mê viết thì nên chia tay nghề. Nghề viết chớ ham làm quan; Làm báo mà được nâng lên làm sếp, làm tổng biên tập, làm quản lý - sẽ mất rất nhiều thời gian, ngòi bút sẽ thụt lùi, mất vui.

Mọi sự so sánh đều khập khễnh, nhưng có một số sự kiện nào đó, so sánh lại là cần thiết. Nhà báo Lưu Quý Kỳ sinh năm 1919, nhà báo Phan Quang sinh năm 1928, 2 nhà báo, nhà văn gạo cội này cách nhau 9 tuổi. Tại vụ Báo chí Ban Tuyên giáo Trung ương, và tại Hội Nhà báo Việt Nam, Lưu Quý Kỳ là người tiền nhiệm của Phan Quang. Nhà báo, nhà văn Phan Quang dặn dò lớp  đàn em, đại ý: Hãy đi, suy nghĩ, ghi chép và viết. Nghĩ ra được điều gì hay hoặc chưa hay cũng cứ viết. Viết ra, nếu không có ai đọc thì ta đọc, bạn bè và người thân của ta đọc. Nghiệm ra lời căn dặn dành cho đồng nghiệp hậu sinh của 2 bậc lão thành Lưu Quý Kỳ và Phan Quang thật chí lý. Nghiệm rằng, chỉ những người đam mê nghiệp viết, không viết không chịu nổi mới có lời khuyên bảo chí lý, chí tình như vậy. Âu đó cũng là bài học lớn của nghề báo, nghiệp văn chương mà ngày nay các nhà báo trẻ rất cần chiêm nghiệm, học tập và noi theo.

Lại sắp tết nữa rồi! Cách nói ví von về thời gian không ngừng trôi của nhà báo Lưu Quý Kỳ lúc sinh thời thật đúng. Các đồng nghiệp trẻ hôm nay nên coi đó là  sự nhắc nhở của một nhà báo thông tuệ, sắc sảo,  đam mê, yêu nghề, không ngừng  học tập, chăm chỉ tích lũy kiến thức văn hóa, kiến thức chính trị, nghiệp vụ.

Nghề báo cần mẫn có khác gì con tằm kéo kén, con ong nhả mật cho đời.

Xin được lắng đọng  từ trái tim này để ngưỡng mộ, tưởng nhớ và mãi mãi biết ơn nhà báo, nhà văn – ký giả Lưu Quý Kỳ kính mến!

(TP/.HCM, 7/3/2017)

Phạm Quốc Toàn

(nguồn: Báo Nhà báo và công luận - cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam - ngày 09/03/2017)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com