BÁO CHÍ Thư mục Lưu Đình Triều LƯU ĐÌNH TRIỀU: Hà Giang, những ngày không quên

LƯU ĐÌNH TRIỀU: Hà Giang, những ngày không quên

xe_tng_tq_bi_ta_bn_nt_trn_i_n_toong_13227536

Xe tăng Trung Quốc bị bộ đội Việt Nam bắn cháy trong chiến tranh biên giới

 

Hà Giang, những ngày không quên

Là dân Sài Gòn nhưng có duyên nợ hay sao mà tôi đã gần chục lần đến với Hà Giang. Những chuyến đi gần đây, đặc biệt là vào những ngày Tết Kỷ Hợi vừa rồi, tôi lại thêm mê mẩn nét đẹp trời cho của vùng đồi núi Hà Giang. Từ tận trái tim mình, tôi vẫn đong đầy cảm xúc để không thể nào quên những ngày đầu tiên sống cùng Hà Giang.

Ha Giang, nhung ngay khong quen
Thành phố Hà Giang ngày nay

Chuyện ấy xảy ra cách nay gần 35 năm - cuối tháng 5/1984, thời điểm mà thị xã  Hà Giang oằn mình dưới tầm pháo giặc.

2 tháng, 20.000 quả pháo

Hồi ấy thị xã Hà Giang thuộc tỉnh Hà Tuyên, nằm cách đường biên 18 km. Đó là một thị xã yên ắng, xinh đẹp, với chiếc cầu sắt rất ấn tượng nằm giữa lòng phố. Đó là dấu ấn đầu tiên, đối với người khách phương xa.

Ngày 17/2/1979, 600.000 quân Trung Quốc tràn qua tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc, tàn sát người dân vô tội. Ngày 5/3/1979, Trung Quốc rút quân, nhưng thực tế cuốc chiến vẫn tiếp tục đến 1988.

Xuống xe đò, tôi thả dọc phố, hỏi thăm trụ sở của bộ đội. Lạ! Người Hà Giang sao mà khó tính, không niềm nở chút nào. Có người chẳng trả lời, đưa mắt nhìn tôi lườm lườm, rồi quay quắt bỏ đi. Có người hỏi lại tôi vài câu, rồi chỉ cho tôi đường đến… đồn công an.

Ở đồn, sau khi tôi xuất trình giấy tờ, anh cán bộ trực ban mới giải thích: Một người lạ, nói giọng miền Nam khó nghe (đồng bào nơi thị xã biên giới này hầu như không có cơ hội tiếp xúc với người miền Nam), nên người dân cảnh giác.  Hà Giang cũng như một số tỉnh biên giới phía Bắc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Liên tục hai tháng qua, nơi này đã hứng chịu 20.000 quả đạn pháo từ bên kia biên giới bắn qua.

Theo chân một cán bộ Đoàn, tôi tìm đến một ngôi nhà vừa bị trúng pháo giặc. Ngôi nhà khá tuềnh toàng, có một hầm tránh pháo như bao nhà khác. Hầm chỉ là hốc đá nhỏ, có lót mấy tàu lá dày, thông với bên ngoài bằng một miệng hang hẹp, được che chắn bằng một bụi tre lớn... Đó là chỗ trú ẩn của 3 anh em  - Thành 10 tuổi, Lan 7 tuổi và Thái 8 tháng tuổi.

Ha Giang, nhung ngay khong quen
Bé gái cõng em đi sơ tán

Bố mẹ các em là giáo viên và không có nhà khi giặc nã pháo. Một quả pháo rơi cách hầm 2 m, phạt gãy hàng chục cây tre, bắn nhiều miểng đạn vào hầm. Chúng đã cướp đi sự sống của hai em bé, mà đau đớn thay một em còn mới tập nói bập bõm. Những cậu bé láng giềng kể lại, sau tiếng nổ, nghe tiếng khóc, la của Thành: “Trung Quốc, bắn chết ráo hai em tao rồi”….

Trong sổ tay, tôi có ghi chép chi tiết: 14 giờ 15 phút ngày 22/5/1984, từ bên kia biên giới, những quả pháo 135 ly bắt đầu bắn sang. Suốt 5 tiếng đồng hồ, 9 đợt pháo dội xuống các khu dân cư, nhà máy trường học. Như thế, liệu còn bao cái chết hay thương tật khác? Vọng mãi trong đầu tôi lời của một anh lái xe tải cho tôi đi nhờ: “Thật hèn hạ! Cái bọn đó chỉ biết bắn cho sướng tay, mặc miểng văng trúng ai nấy chịu”.

Chuyện sản xuất và tấm lòng của những bà mẹ

Sau đợt đánh lén hèn hạ ngày 22/5, thị xã cho sơ tán hầu hết người già và trẻ em. Những người trụ lại không hề nao núng, vừa duy trì sản suất vừa sẵn sàng chiến đấu.

Đến thăm xưởng sản xuất bánh kẹo Hà Giang, chúng tôi được anh quản đốc Trần Quang Hảo “khoe”: “Chiều qua chúng tôi vừa giao gần 7 tấn kẹo đến phục vụ các cháu nhân ngày thiếu nhi 1/6”. Còn ở xí nghiệp chè Hương, cô công nhân Nguyễn Thị Hương bộc bạch: “Giờ tụi em phải gác lại mọi cuộc vui chơi. Tập trung vừa làm, vừa luyện tập như lính”.

Không chỉ thế, nhiều cơ sở không những cố gắng duy trì sản xuất mà còn sắp xếp đưa người đi phục vụ chiến đấu. Như ở Hợp tác xã dệt 3-2, trong tháng 5, đã sắp xếp đưa 20 người đi phục vụ và 5 người đi chiến đấu…

Ha Giang, nhung ngay khong quen
Dân quân vận chuyển đạn dược, lương thực tiếp tế cho bộ đội đánh địch

Những buổi xế chiều ở Hà Giang, tôi hay lang thang để tìm hiểu thêm cuộc sống, sinh hoạt của thị xã đang trong tình trạng thời chiến. Điều bất ngờ là tôi nhìn thấy nhiều quán nước chè (trà) có treo bảng Nước chè phục vụ bộ đội và dân công. Những câu chuyện tôi nghe được trong các quán chè, với người Hà Giang thì không mới lạ, nhưng với tôi đó là những điều cần phải trân trọng ghi vào sổ tay.

Tuy có lệnh sơ tán, một số bà mẹ cứ nằng nặc xin ở lại thị xã. Đó là trường hợp của những bà mẹ như mẹ Lã Thị Nga, 66 tuổi ở phường Trần Phú, mẹ Phạm Thị Mùi, 77 tuổi ở phường Nguyễn Trãi… Các mẹ ở lại, không chỉ nhằm động viên tinh thần con em mình mà còn mở quán nước chè, cháo đường phục vụ bộ đội, dân công. Nhưng đó chỉ là một việc nhỏ.

Sự chăm sóc, giúp đỡ anh em chiến sĩ của các mẹ nhiều vô kể. Những luống rau từ Hà Giang tìm lên điểm tựa góp phần nuôi quân là thành quả lao động của những tấm lưng còng, của những bàn tay, đôi chân già nua. Những người lính, những dân quân bị thương, nằm ở bệnh viện đã bao lần xúc động muốn rơi nước mắt khi được các mẹ - đôi khi các anh còn chưa kịp biết tên đút cháo, sữa, quạt mát, giăng mùng…

Các mẹ lặng lẽ đóng góp được hàng chục nghìn đồng  (lương cán bộ thời điểm đó chỉ vài chục đồng) để tăng thêm mức bồi dưỡng cho thương binh. Như mẹ Hiếu, mấy tháng liền tiện tặn sống dựa vào tiền nuôi heo, trồng rau, còn cả tiền lương hơn hai quý, mẹ góp vào chi hội ủng hộ chiến sĩ… Đã thế, các mẹ còn nhín thời gian tìm cách gần gũi, nhắc nhở, động viên các chiến sĩ lần đầu ra trận, truyền thêm sức mạnh cho các anh dũng cảm đối mặt kẻ thù.

Những người lính làm nên lũy thép

So với nhiều đồng đội khác, binh nhất Nguyễn Văn Bộ còn tương đối trẻ: 21 tuổi đời và hai tuổi quân. Với bản tính rụt rè, suốt hai năm sống đời quân ngũ, Bộ không còn cái tên con gái nào khác để nhớ ngoài Thanh Thủy. Bước lớn dậy trong đời lính của Bộ đã được bắt đầu ở điểm nóng cũng mang tên Thanh Thủy - một điểm tựa tiền tiêu..

Ha Giang, nhung ngay khong quen
Xe tăng Trung Quốc bị bộ đội Việt Nam bắn cháy trong chiến tranh biên giới

Buổi chiều 1/6, khi cùng tôi ngồi chờ xe lên Đồn biên phòng Thanh Thủy, Bộ nhắc lại đợt “thử lửa” lớn đối với anh vừa qua. “Suốt một tháng rưỡi, tính từ đầu tháng 4, ngày nào bọn Trung Quốc cũng bắn pháo vào đồn. Thú thật, một hai ngày đầu tôi cũng có sợ, nhưng sau quen không ngán nữa. Đến sáng sớm 30/4, sương mù còn chưa tan hết thì pháo đã nổ cấp tập vào các điểm tựa quanh đồn. Trong ánh lóe chớp của pháo vừa xé toạc cái nhập nhoạng của sương mù, chúng tôi nhìn thấy những tên lính Tàu ùn ùn tiến lên. Chúng đông thật, sau này tôi mới biết là cả một tiểu đoàn. Đông thế, nhưng từ sáng đến chiều bọn nó cũng chưa làm gì được chúng tôi…”.

Rồi như một người lính dày dạn trận mạc, Bộ thản nhiên nhắc chuyện suýt tí nữa thì… mất chỗ đội mũ! “Mảnh đạn chỉ hất văng cái nón sắt thôi!”, Bộ cười giòn. Tôi hiểu người lính này đang cố nén sự xúc động lẫn niềm tự hào về trận đánh ác liệt mà anh được tham dự…

Cũng như Bộ, nhiều người lính trẻ biên phòng khác mà tôi đã gặp ở Hà Tuyên cũng có cái lối nói “không có gì mà ầm ĩ” về các trận chiến đấu căng thẳng diễn ra vừa qua trên các điểm tựa tiền tiêu. Phải bằng một sự lắng nghe tổng hợp, chúng ta mới có thể hình dung được phần nào sự gay go, ác liệt ẩn náu ở phía sau các giọng kể tỉnh rụi đó.

Áp lực “nhẹ ký” là những trận mưa pháo, cối 160 ly, 152 ly, hỏa tiễn H2, với đủ loại đạn như đạn nổ chụp, đạn phá đạn cháy, đạn xuyên. Tính riêng ở Núi Bạc (huyện Yên Minh), trong năm ngày, 4.000 quả đạn thi nhau cày xới một diện tích đất chưa tới 2.500 mét vuông. Áp lực “nặng ký” hơn kèm theo mưa pháo là các cuộc tiến công biển người với đủ kiểu chiến thuật thọc sâu, chia cắt, vu hồi, “mềm nắn, rắn buông”.

Có những trận đánh không cân sức đến quá mức tưởng tượng đã diễn ra. Điển hình ngày 30/4 trên một điểm tựa, bốn tay súng biên phòng kết hợp với chín dân quân bẻ gãy năm đợt tấn công của một lực lượng quân Trung Quốc đông gấp bội. Người chỉ huy cuộc chiến đấu dũng cảm này là trung úy Trần Xuân Sánh, trợ lý tổng hợp của đồn Bạch Đích. Lý lịch của đoàn viên Sánh ghi rõ ngày sinh 16/10/1959, chưa tròn 25 tuổi.

Ha Giang, nhung ngay khong quen
Nghĩa trang Vị Xuyên

Bà con ở dọc đường biên của Hà Tuyên, từ Mèo Vạc đến Xín Mần cứ thấy lính đeo quân hàm xanh là tin, là thương, là quý. Mà không như thế sao được. Những anh lính trẻ đóng trong đồn nhưng thường xuyên lui tới với dân trong bản để “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”.

Ngày hội, ngày mùa, bản làng cần gì, nói một tiếng, các anh sẵn sàng xắn cao tay áo lao vào giúp ngay. Bà con xã Thanh Thủy nhắc mãi chuyện đầu tháng tư, thấy thằng giặc pháo dã man vào xã, làm nhiều nhà bị cháy rụi, đám thanh niên trong đồn bảo nhau nhịn ăn, nhịn mặt, tiết kiệm tiền bạc giúp cho bà con được 60kg gạo, 10kg muối, bảy bộ quần áo, bảy chiếu, ba chăn và gần 700 đồng. Cái nghĩa cái tình đến thế, nên thằng thám báo có mò sang, dân chạy đi báo ngay; tụi giặc có đánh phá, dân lại giúp tải gạo, tải đạn cho các anh rảnh tay diệt giặc...

*

Tháng 2/2019, trên đường về thăm lại Hà Giang, như thông lệ, chúng tôi lại ghé vào thắp nén nhang ở nghĩa trang Vị Xuyên. Nơi đây bên cạnh các ngôi mộ có tên có tuổi, còn có nhiều ngôi mộ vô danh khác. Tôi chạnh nhớ cách nay vài năm trong chuyến công tác ở Hà Giang, tôi đã ngồi trước những bia mộ vô danh, để lắng nghe tiếng đàn tiếng hát của nhạc sĩ Trương Quý Hải. Anh vừa hát vừa khóc.

Với anh, những người nằm xuống nơi đây, có tên hay không tên đều là đồng đội cũ của anh. Các anh ấy đã hy sinh để dựng nên lũy thép cho vùng đất biên giới trong cuộc chiến vệ quốc. Và các anh ấy sống mãi trong sự tiếc thương, nhớ ơn của người lính - nhạc sĩ Trương Quý Hải.

Mà nỗi lòng đó nào phải riêng của Trương Quý Hải. Đó là của tất cả những người đang sống yên bình hôm nay.

Lưu Đình Triều

(nguồn: báo Phụ Nữ TP.HCM

https://www.phunuonline.com.vn/thoi-su/ha-giang-nhung-ngay-khong-quen-151176/)


Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com