Ở nơi đặt bước chân đầu tiên vào nghề báo, tôi may mắn được tiếp cận, truyền lửa nghề từ một số nhà báo, nhà nghiên cứu như Hoàng Tùng, Thanh Đạm, Thép Mới, Trần Lâm, Đào Tùng, Hữu Thọ, Phan Quang... Nhưng buổi lên lớp cảm xúc nhất của tôi vẫn là với thầy Lưu Quý Kỳ. Tôi say mê ngắm nhìn ba tôi trên bục giảng, lặng lẽ nuốt từng lời giảng dạy của ba...
Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà báo Lưu Quý Kỳ tại Phủ chủ tịch, khoảng năm 1968 (trích từ tư liệu phim của Đài Truyền hình Nhật Bản)
“Ba ơi! Má ơi!”. Tiếng kêu lặng thầm của tôi rơi vào hư không, đằng đẵng suốt 21 năm ròng.
Đất nước chia cắt, 1954-1975, cũng là 21 năm nhiều gia đình bị chia cách, trong số đó có gia đình tôi. Ngày ba má rời khu 9 ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới chính là ngày từ Cà Mau, chị tôi và tôi được bà ngoại đón về Biên Hòa nuôi dưỡng.
Hồi ấy, tôi được xem là đứa trẻ mồ côi vì trong giấy “Thế vì khai sanh”, tôi bị khai là cha mất mẹ mất.
vợ chồng nhà báo, nhà văn LƯU QUÝ KỲ (ảnh chụp tại Hà Nội - 1963)
Những ngày “đá cá lăn dưa”
Bà tôi là một người chạy chợ, thường xuyên vắng nhà. Cậu bé mồ côi vì thế thiếu vắng sự chăm sóc, dạy dỗ. Sau một buổi học, tôi lê la, cặp kè với những đứa trẻ cùng xóm.
Chơi đùa có, trộm vặt cũng có. Tôi hay lận lưng một bộ bài nhỏ, rủ bạn - những đứa đi dắt mối gái cho lính Mỹ thường có tiền - chơi bài cắt tê (catte). Đó là cách kiếm tiền uống xirô hồi ấy, vì tôi chơi bài khá giỏi.
Thỉnh thoảng tôi cùng nhóm bạn đi ăn cắp các quyển bài ca vọng cổ, bản tân nhạc hay trái cây ở chợ. Đứa trước đi qua khều quả xoài, ổi... rơi xuống đất. Đứa sau đi tới dùng chân đá mạnh cho quả lăn về phía trước, bạn nhặt và chạy đi...
Dù thuộc loại “đá cá lăn dưa”, nhưng chẳng hiểu sao ngay từ thuở niên thiếu tôi rất mê đọc báo, sách. Do gen di truyền chăng? Ngoại là người lao động nghèo khó, kiếm cơm từng bữa, nên chuyện mua sách báo là điều không mơ thấy nổi.
Gần nhà có một sạp báo. Chiều nào không học, tôi hay lê la ra đó phụ xếp báo. Thời ấy báo phát hành buổi chiều. Từng chồng báo 4 trang, 8 trang dày cộp được tôi bóc tách ra để xuống sàn ximăng, vuốt gấp lại thẳng thớm từng tờ một.
Sau đó với bàn tay còn đen mực in, tôi cầm vài tờ báo mình yêu thích ra bờ tường ngồi đọc một mạch. Đọc xong đem trả cho chủ sạp để bán. Đó là cách “đọc báo cọp” chân chính nhất hồi ấy. Thỉnh thoảng tôi còn mượn cảm hứng từ bài viết trên báo để tập tành viết báo tường...
Trong quãng thời gian “đọc báo cọp” ấy, bất ngờ có lần tôi được xem một bài viết có nhắc đến tên ba tôi - Lưu Quý Kỳ. Đó là bài viết của nữ ký giả Ý được phép đến Hà Nội hành nghề.
Lần đầu tiên trong đời, tôi mới biết ba tôi là một nhà báo. Còn trước đó, theo lời kể của bà tôi: Ba má hai đứa con là người yêu nước nên theo Việt cộng. Bà chỉ biết thế thôi chứ không biết gì hơn.
Những năm sau đó, do ngoại khó khăn, tôi được gửi cho chú và cô ruột đều là nhà giáo ở Ban Mê Thuột nuôi. Cậu bé mồ côi bắt đầu học hành, sinh hoạt tử tế hơn.
Cũng nơi đây, thỉnh thoảng tôi nghe được vài mẩu chuyện về ba tôi thời thanh thiếu niên - một chàng trai đầy ý chí và nghị lực.
Cô chú tôi mỗi lần kể chuyện cũ xong thường nhắc nhở phải ráng mà sống như ba cháu. Ráng được tới đâu, không biết, chỉ có điều là sau cùng tôi cũng thi đậu được cả tú tài I và II để vào đại học...
Hai cha con - những ngày đầu gặp lại ngay sau năm 1975
Roi vọt của ba
Hòa bình lập lại. Một trưa, tôi đang nằm ngủ ở nhà ngoại tại Biên Hòa thì được chị lay dậy: Hình như ba về kìa! Hai chị em chạy ào ra cổng. Một người đàn ông dáng cao gầy, khắc khổ, mặc áo tétoron ba túi, quần kaki cũ kỹ, đội nón cối đứng dưới gốc cây khế, nhìn sửng hai chị em tôi...
Một giây... Hai giây... Nhiều giây dài của hàng chục năm chờ đợi, lặng lẽ trôi qua. Người đàn ông mới cất tiếng: “Phải hai con Lưu Hà, Đình Triều không?”.
Chị tôi chỉ kêu được mỗi tiếng “Ba!” rồi nhào tới ôm ông khóc nức nở. Còn tôi, tiếng gọi mong ước “Ba ơi!” suốt hơn hai mươi năm trời ngỡ sẽ vang lên tha thiết, nhưng không hiểu sao lại thốt không ra lời. Cậu bé mồ côi thuở nào chỉ nhào tới ôm lấy, mân mê cánh tay ba và dòng lệ chầm chậm tuôn ra, như ba.
Sau đó hai chị em được ba đón xuống Sài Gòn ở gần cả tuần trong khách sạn Continental. Những ngày này, hai chị em tôi mới biết rõ hơn về ba - nhà báo Lưu Quý Kỳ, một người có trọng trách trong việc quản lý, chỉ đạo báo chí thời đó.
Có một buổi tối, nằm bên nhau, ba kể lúc Đà Nẵng được giải phóng, ba vào và họ hàng cho biết thằng Triều là sĩ quan Việt Nam cộng hòa (tôi bị tổng động viên khi vừa lên năm thứ hai đại học luật). Ba đau lòng lắm.
Về Hà Nội kể lại, má khóc suốt gần cả tuần. Ba khuyên: Thôi, thương ba, thương má, giờ con cố học tập, làm lại cuộc đời, đi theo con đường ba má đã đi. Cho ba vui, má vui!...
Ở trại cải tạo. Một buổi trưa, sau giờ cơm, bất chợt anh quản giáo kêu riêng tôi ra phía sau lán và đưa ra một lá thư. Anh cho biết nghe tin ba tôi vào Nam công tác, lúc sáng trại có mời ba lên làm việc (sau này tôi mới biết là trại đề nghị ba bảo lãnh cho tôi về sớm, nhưng ông từ chối và muốn tôi cứ học tập cải tạo như bao người khác).
Trại cũng hỏi ông có cần gặp tôi không nhưng ba nói thôi, để tôi tập trung học và gửi lại cho tôi một lá thư. Nghe thế tôi đã buồn và sau đó khi đọc thư, tôi càng thêm tủi, giận.
Ba đã vào tận đây mà không thăm con, lại còn viết thư “lên lớp”: “Con có lỗi với đất nước, giờ phải cố gắng học tập cải tạo, tự sửa chữa mình”.
Tôi nghĩ lan man... Chợt nhớ cái thời mình như con thuyền không hướng, chuyên đi đánh bài, ăn cắp vặt. Lúc đó sao ba không ở bên tôi mà dạy dỗ. Vậy mà giờ đây... Nước mắt tủi thân lặng lẽ tuôn chảy.
Và chẳng suy nghĩ gì nữa, tôi xé toạc lá thư. Ngờ đâu, anh quản giáo vẫn còn âm thầm đứng sau lưng. Như đọc được suy nghĩ của tôi, anh nói: “Đừng giận bố anh làm gì! Ông thương anh, làm thế cốt chỉ để anh sớm nên người. Xé thư bố là bất hiếu đấy...”.
Mãi đến vài tháng sau đó, khi ra khỏi trại cải tạo, được sống bên ba, bên má, tôi mới bắt đầu thấm thía lời khuyên của anh quản giáo. Cách thương con, dạy con của ba tôi, nhìn một cách nào đó hơi giống lời dạy ông bà xưa: Thương cho roi cho vọt...
Nhà báo Lưu Quý Kỳ tiếp khách
Gáo nước lạnh
Tôi phải tự đứng dậy và đi lên bằng chính đôi chân của mình thôi! Để rồi có một ngày, tôi được ngồi đối diện với ba để bàn chuyện đi làm.
- Con thích được làm báo như ba.
- Vì sao con thích?
- Con mê đọc báo và hay viết báo tường.
Ba tôi lắc đầu, nói bằng giọng khá nghiêm khắc: “Con không đủ chuẩn để làm báo! Vả lại, nghề báo không đơn giản chút nào. Phải có nhận thức, biết cái nào đúng, cái nào sai. Làm báo phải dám lăn lộn để có vốn sống, có thực tế. Con chưa có những điều ấy...”.
Kết thúc cuộc trò chuyện là hôm sau, được sự “yểm trợ” của ba, tôi vác đơn qua sở công nghiệp xin làm công nhân... Ba năm gắn bó với sở công nghiệp, với nhà máy, tôi đã cố làm tốt bất kỳ việc gì được giao. Kể cả chuyện đi khai hoang trồng khoai sắn, tôi cũng hăng hái tình nguyện rất nhiều đợt...
Để rồi có một tối, người tôi nổi đầy gai ốc khi đứng thề nguyện dưới lá cờ Đoàn. Tôi đã đặt được bước chân đầu tiên lên dấu chân mà ba má tôi đã đi...
Giữa năm 1979, đọc được trên báo thông tin tuyển sinh lớp đại học báo chí của Trường Tuyên huấn trung ương, ước mơ làm báo trong tôi trỗi dậy. Tôi đã chờ ba từ Hà Nội vào Sài Gòn công tác để xin ý kiến về việc dự thi.
Người cha như tạt gáo nước lạnh vào thằng con khi nói ngay: “Con chưa đủ tiêu chuẩn để làm báo!”. Bằng sự hơi ngây thơ của mình (sĩ quan chế độ cũ mà mơ vào học trường Đảng), tôi đã hồn nhiên chìa tờ báo có đăng những yêu cầu dự thi mà tôi có đủ như có ba năm biên chế, là đoàn viên ưu tú... Lần này cha tôi hơi ngần ngừ một chút rồi nói:
- Thôi tùy con!
Tôi đăng ký dự thi và đạt 12 điểm. Thế nhưng với trường hợp quá đặc biệt của tôi, dù thi đỗ vẫn chưa được gọi tên vào trường. Phải đợi người cha sau khi nghe kết quả thi của thằng con mới bớt nghiêm khắc hơn để đồng ý bảo lãnh cho con vào học.
Ngày đầu tiên tôi ra Hà Nội, trước khi đặt chân vào trường, ba vẫn không quên nhắc nhở: “Con phải tìm hiểu kỹ và cố gắng đáp ứng các yêu cầu của nghề báo”.
Thầy giáo Lưu Quý Kỳ
Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà báo Lưu Quý Kỳ tiếp khách nước ngoài
Ở nơi đặt bước chân đầu tiên vào nghề báo, tôi và các bạn đồng khóa may mắn được tiếp cận, truyền lửa nghề từ một số nhà báo, nhà nghiên cứu thời ấy. Đó là các thầy Hoàng Tùng, Thanh Đạm, Thép Mới, Trần Lâm, Đào Tùng, Hữu Thọ, Phan Quang...
Nhưng những buổi lên lớp cảm xúc nhất của tôi vẫn là với thầy Lưu Quý Kỳ. Tôi say mê ngắm nhìn ba tôi trên bục giảng với đôi mắt thỉnh thoảng nhấp nháy.
Tôi lặng lẽ nuốt từng lời giảng dạy của ba: Viết cần tránh tô hồng, sáo rỗng. Viết không hoa mỹ nhưng phải mượt mà, ai đọc cũng hiểu cũng thích...
Theo quy định của trường, những ngày thứ bảy, chủ nhật tôi mới được phép về nhà ở cùng ba má và hai em gái (sinh ở Hà Nội). Đó là những ngày tôi có dịp học hỏi, quan sát chuyện viết lách của nhà báo Lưu Quý Kỳ.
Sáng sớm chủ nhật, ba tôi thường ngồi trước bàn viết với tách cà phê cùng ấm chè bên cạnh. Có lúc uống cà phê xong, ba viết liền một mạch.
Viết không phải đợi đến lúc cầm bút, mà cần phác thảo trước trong đầu những ý chính của bài. Thậm chí nghĩ ra được đoạn nhập đề như thế nào thì sẽ dễ viết hơn.
Có lúc thấy ba trầm ngâm nhìn ra vườn, trang giấy trắng trước mặt chỉ vỏn vẹn một cái tít nhưng lại bị gạch bỏ.
Tít tựa như một cái la bàn giúp người viết đi theo sát chủ đề. Tít lại là những con chữ đập vào mắt người đọc đầu tiên, nên vừa chứa đựng thông tin quan trọng của bài, lại vừa phải dùng từ ngữ tạo sự thu hút. Có lẽ vì thế nên chưa tìm ra tít ưng ý thì ba tôi chưa viết.
Không ít lần, tôi vừa đấm lưng cho ba vừa nói đủ thứ chuyện, kể cả chuyện tình yêu. Tất nhiên, không thể thiếu chuyện học nghề. Ba thường nghe nhiều hơn nói. Nhưng mỗi lần nói về kinh nghiệm làm báo là câu cứ như đinh đóng cột.
Chẳng hạn, ba bảo: Làm nhà báo phải xông xáo, tích cực đi thực tế. Đi, quan sát, ghi nhận và khai thác thông tin... Ba không nhắc về những chuyến đi thực tế của ông, nhưng tôi sau này biết được thời chiến tranh gian khó, hiểm nguy, ba đã hai lần đi dọc Trường Sơn, mỗi chuyến đi đều ngót nghét trên dưới nửa năm.
Nhớ lời ba dạy, lần đầu đi thực tế ở một hợp tác xã, tôi đã căng mắt ra quan sát, tìm hiểu và ghi chép. Về nộp bài cho khoa rồi, tôi còn lẩy tư liệu, viết một cái tin.
Xong, tôi đưa bản thảo nhờ ba xem, góp ý. Không chỉnh sửa gì, ông chỉ nói: Tin cần phải ngắn gọn, viết lê thê thế này làm mệt người đọc lắm. Tiếp thu nhận xét đó, tôi đã tự “cắt đục đẽo”, viết lại và mạnh dạn gửi tin cho báo Hà Nội Mới.
Cuối cùng tin được đăng, nhưng từ 200 chữ chỉ còn lại một dòng tin vắn hơn 30 chữ. Dù sao chuyện đó càng giúp tôi thấm thía thêm lời dạy của ba về việc viết phải ngắn gọn súc tích.
Đầu năm 1982, tôi đi thực tập ba tháng tại TP.HCM. Những bài viết đầu tiên lần lượt được xuất hiện trên Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ. Tôi đã hí hửng viết thư gửi ra nhà “khoe” với ba về những sản phẩm báo chí của mình.
Hồi âm của ba sau đó thật ngắn gọn: Chỉ mới là những bước đi chập chững đầu tiên thôi con. Đường đi cùng nghề báo còn dài lắm. Hãy lăn lộn, học hỏi nhiều hơn nữa.
Hơn 30 năm chí cốt cùng nghề, tôi cảm nhận những bước chân đi của mình cũng chưa thật vững chãi lắm. Vẫn còn nhiều điều cần phải học, phải nhập tâm.
Tiếc rằng hơn 30 năm ấy, tôi đã không còn nhận được sự chỉ dạy từ ba tôi, thầy tôi - nhà báo Lưu Quý Kỳ. Ngày 1-8-1982, ba đã vĩnh viễn ra đi trong một chuyến công tác nước ngoài.
“Ba ơi!” - tiếng kêu lặng thầm của tôi giờ đây tiếp tục rơi vào hư không. Nhưng trong âm vang của nó lại đong đầy sự nuối tiếc của một đứa con chỉ được sống gần gũi bên cha mình vỏn vẹn chỉ ba năm. Đời sao lại thế?! Ba ơi! ■
Hai cha con - những ngày đầu gặp lại ngay sau năm 1975
CHA: LƯU QUÝ KỲ
(1919-1982). Quê: Minh Hương, Điện Bàn, Quảng Nam.
Nhà báo, nhà văn, nguyên Vụ trưởng Vụ báo chí Ban Tuyên huấn trung ương, nguyên Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam.
Tác phẩm chính: Nước về biển cả, Miền Nam yêu quý, Bài thơ Nam Bộ, Tâm sự với anh, Công chúng mới, Sông núi còn đây...
CON: LƯU ĐÌNH TRIỀU,
sinh năm 1953.
Nhà báo, nguyên Tổng Thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ.
< Lùi | Tiếp theo > |
---|