BÁO CHÍ Thư mục Lưu Đình Triều LÊ VĂN NGHỆ: Đưa nhà văn LƯU QUÝ KỲ về Đất

LÊ VĂN NGHỆ: Đưa nhà văn LƯU QUÝ KỲ về Đất

 

le-minh-quoc-dua-nha-van-luu-quy-ky-ve-dat

 


Mới vừa rồi, lên Đại học Thủ Dầu Một tham dự Hội thảo cấp quốc gia: “Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam bộ”, tình cờ gặp lại người bạn Lê Tiến Dũng, nay đã là PGS-TS. Ngạc nhiên cho thời gian, anh đã hoàn toàn khác trước, sau một cơn tai biến, anh đã rất khó khăn trong việc đi đứng, nói năng. Thật đáng khâm phục, anh vẫn có tham luận Lưu Quý Kỳ - chân dung một nhà báo, nhà văn. Anh kết luận: “Ông có viết gì thì cuối cùng vẫn thể hiện một nhân cách cao đẹp của ông: Sống hết mình cho Tổ quốc thân yêu”. Có thể tìm đọc tham luận này trong tập Kỷ yếu Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ (NXB Đại học Quốc gia TP.HCM - 2016).

Quái thật, đang viết đến dòng chữ về nhà báo Lưu Quý Kỳ, lại nhớ qua chuyện này: Thuở mới vào chân ướt chân ráo bước vào làng văn, nhà thơ Thanh Tịnh được nhà văn đàn anh Nguyễn Công Hoan nâng đỡ nhiều. Ơn ấy, tác giả câu văn nổi tiếng: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường” vẫn không quên. Ngày nọ, ông bảo: “Trong đời, có một lần tớ nâng đỡ nhà văn Nguyễn Công Hoan”. Ai nấy ngạc nhiên quá, làm gì có chuyện đó? Im lặng giây lát, Thanh Tịnh bùi ngùi ngùi: “Lúc tiễn đưa cha đẻ Kép Từ Bền, tớ có nghiêng vai đỡ nhà văn đàn anh vào mộ huyệt”. Nghe rưng rưng. Cảm động. Cũng là một cách thể hiện sự nhớ ơn. Tình văn nghệ đẹp quá.

Với nhà báo Lưu Quý Kỳ, chưa hề gặp mặt, thế nhưng tôi đã có mặt đưa ông về lòng Đất.

Ngày ấy, dù đã có những tảng đá đè nặng xuống mí mắt, nhưng cũng phải thức dậy. Mắt cay xè. Hơi thở vẫn còn nồng men rượu. Không gian trong một căn phòng nằm dọc sông Sài Gòn vẫn còn phảng phất dịu nhẹ sự điệu đà lụa mỏng và son phấn ngon tươi. Tiếng chuông ầm ĩ trong điện thoại đã réo ầm ĩ. Thúc giục. Phải dậy thôi. Một tin nhắn đêm qua của nhà báo Lưu Đình Triều, sực nhớ như in trong óc: “Mai, 6g30 làm lễ ở chùa Bửu Đà (419 Cách mạng tháng Tám). 7g di chuyển lên Nghĩa trang Thành phố ở Thủ Đức. Cố gắng đi nhé”.

Trên đời, có những lời đã hứa, ta có thể quên. Nhưng với người cõi âm thì không thể. Đó là ngày di chuyển hài cốt của nhà báo Lưu Quý Kỳ. Ngày Chủ nhật, 21.4.2013. Từ trong tiềm thức, tôi luôn tin giữa Âm và Dương có một sự liên hệ vô hình. Lần nọ, anh Phạm Minh Thuận - Tổng Giám đốc Công ty Fahasa có kể, đại khái, trong chuyến phát hành sách ra ngoài Hà Nội, anh hứa sẽ đưa đoàn đi thăm Nghĩa trang Trường Sơn. Rồi công việc bề bộn khiến anh quên béng đi. Không hiểu sao, trên đường về Nam, đoàn ô tô của Fahasa liên tục gặp sự cố, chuyện chưa hề xẩy ra bao giờ. Lạ thế nhỉ? Ngẫm nghĩ một lát, anh sực nhớ lại lời hứa của mình. Và cho quay xe lại. Từ đó, mọi việc êm xuôi.

Sự trùng hợp ngẫu nhiên chăng?

Ngày chị Lê Thị Ái của tôi mất. Quyết định không thông báo cho mẹ tôi biết. Giữa khuya nghe tin dữ, mẹ sẽ trằn trọc khó ngủ. Không ngờ, sáng hôm sau, tôi thức dậy sớm, mới 5 giờ sáng đã thấy mẹ tôi ngồi sẵn tự bao giờ, bà buộc miệng hỏi ngay: “Chị Ái chết rồi à?”. Tôi kinh ngạc, làm sao mẹ tôi có thể biết? Làm sao có thể biết? Thì đây: “Đêm qua, không biết răng mà tau chẽng (chẳng) ngủ được. Cứ nhắm mét (mắt) lơ mơ làn màng là nghe con Ái gụa (gọi): “Mẹ ơi! Mẹ về với con!”. Nghe tiếng gọi khẩn thiết ấy như xa như gần, như mơ như thật, mẹ tôi không thể ngủ yên và thao thức đến sáng. Quả nhiên, chị Ái tôi đã chết đúng vào thời điểm mà mẹ chập chờn mộng mị…

Sự trùng hợp ngẫu nhiên chăng?

Và sáng ngày đưa ông Lưu Quý Kỳ về Đất, lúc tôi đến chùa Bửu Đà, may quá, vẫn còn kịp thời gian. Sân chùa vắng. Bước vào trong, anh Triều đang chuyển hài cốt thân sinh ra xe. Hài cốt được đựng trong chiếc hòm nhỏ, gợi lên sự thành kính, thiêng liêng. Quan niệm của người Việt, với người đã mất, ta hỏa táng rồi đưa lên chùa thờ phượng; hoặc đưa vào Đất cũng có ý nghĩa như nhau, miễn là từ lòng thành. Thành tâm. Biết là vậy, nhưng thật ra ai cũng muốn người thân của mình được nằm trong Đất. Từ cát bụi trở về cát bụi. Một Sự sống ra đời và Tan biến đi. Chẳng còn gì hiện hữu lại trong cõi trần gian này. “Thác là thể phách, còn là tinh anh”. Cái tinh thần của người mất, nếu Hiện hữu mới là còn.

Trong suy nghĩ tích cực ấy, ở nhà báo Lưu Quý Kỳ là còn: Thoát ly gia đình phục vụ cách mạng từ tháng 8.1937, đến lúc cuối đời, ông chỉ hoạt động trên mặt trận văn hóa, báo chí. Những tác phẩm của ông, có thể kể đến: Nước về biển cả, Bài thơ Nam bộ, Miền Nam yêu quý, Tác phong văn nghệ nhân dân, Thực tiễn văn nghệ kháng chiến Nam bộ… - chỉ một chủ đề đồng hành cùng tâm thức của dân tộc ròng rã suốt ba mươi năm là niềm tin của ngày thống nhất, không còn ngày Bắc đêm Nam, không còn cái vĩ tuyến 17 kia như lưỡi dao cắt ngang qua máu thịt ngày thương đêm nhớ.

Bấy giờ, để thực thi nhanh chóng các điều khoản đình chiến của Hiệp định Genève, theo thỏa thuận chung, máy bay Pháp phải chở một số cán bộ sĩ quan của ta từ Bắc vào Nam và ngược lại. Nhưng bất ngờ, chuyến bay từ Sài Gòn đến Sóc Trăng đột ngột bị bốc cháy, vì thế vợ chồng ông Kỳ và các sĩ quan khác phải quay về Cao Lãnh để ra Bắc bằng tàu thủy. Khi đến nơi, ông đã thấy chiếc tàu đổ bộ L.C.M của Pháp đang “há mồm” chờ sẵn tại bến. Đông nghẹt hai bên bờ là hàng vạn đồng bào đưa tiễn, họ phất phới cờ hoa và ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh... kiêu hãnh cất lên tiếng hát Chiến sĩ Việt Nam. Cả ngàn bộ đội ta trong quân phục áo ka ki màu xanh lá cây nhịp nhàng hát theo và lần lượt xuống tàu, chuẩn bị xuôi dòng Cửu Long ra Thái Bình Dương.

Trên chuyến tàu này, dăm ngày sau, vào lúc ba giờ sáng, trong lúc đang ngủ say, bộ đội ta đột ngột được đánh thức dậy. Một chiến sĩ vừaqua đời, vì bệnh đau dày và do vết thương trong chiến đấu. Ông Kỳ nhớ lại: “Bọn chỉ huy Pháp đòi ném xác đồng đội tôi xuống biển! Bọn chúng lấy lý lẽ là luật quốc tế không cho phép để xác chết trên tàu quá hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Còn bốn hôm nữa tàu mới đến Sầm Sơn”.

Trước tình huống bất ngờ này, bộ đội ta sẽ giải quyết thế nào?

Bằng mọi cách phải giữ lại xác của người chiến sĩ, anh phải được ngủ yên trong lòng Đất Mẹ. Đây không chỉ “nghĩa tử nghĩa tận” mà còn là chủ trương lớn của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ban chỉ huy họp khẩn trương, đề ra ba biện pháp: Thứ nhất, đấu khẩu với chúng và chuẩn bị đội ngũ sẵn sàng chiến đấu; thứ hai, huy động lực lượng bộ đội ta tạo áp lực buộc chúng phải chùn tay; thứ ba, nếu chúng vẫn giữ ý định, xông vào cướp xác thì tùy tình hình mà đối phó, nếu cần, sẽ sẵn sàng nổ súng!

Cuộc thương lượng giữa đôi bên rất căng thẳng.

Nếu Pháp có cái lý là phải tuân theo luật pháp quốc tế và không nên vì thế mà làm bùng cháy lại ngọn lửa chiến tranh; bộ đội ta cũng có cái lý bác bỏ lập luận trên, rằng dù luật quốc tế gì đi nữa thì cũng không thể vượt qua tình đồng đội, đã từng sống chết có nhau. Thật vậy, trong chiến tranh công tác thương binh tử sĩ của quân đội ta rất chu đáo,  dù bất cứ một lý do gì, khó khăn gì cũng phải đưa đồng đội về nơi chôn cất tử tế. Sau nhiều giờ “đám phán”, phía Pháp đành phải nhượng bộ. Chúng bất ngờ khi chứng khiến, chỉ ngay sau đó, người chiến sĩ này đã được yên nghỉ trong chiếc quan tài đóng bằng ván, trên phủ lá cờ đỏ sao vàng do những bàn tay khéo léo của đồng đội anh thực hiện.

Đặt chân lên đất Bắc, trong tình cảm yêu thương ruột thịt của đồng bào miền Bắc, cũng như nhiều bộ đội khác, ông Kỳ tự nhủ: “Có thật hai năm không? Nhưng mà tôi nghĩ rằng chuyến tập kết này là chuyến đầu tiên mà cũng là chuyến cuối cùng trong lịch sử dân tộc Việt Nam ta. Nước ta là một. Nam Bắc phải chung một nhà”. Đây cũng là suy nghĩ của nhiều người.

Nay, nhớ đến ông, hậu thế lấy tên Lưu Qúy Kỳ đặt tên đường ở nơi ông sinh ra và trưởng thành: Quảng Nam; nơi ông đã nằm yên nghỉ cuối cùng: Sài Gòn - TP.HCM. Trước ngày đưa hài cốt của ông lên Nghĩa trang Thành phố, gia đình anh Triều có sang Quận 8, chụp ảnh lưu niệm dưới bảng tên đường Lưu Quý Ký. Con đường này nằm trên địa bàn phường 10, Q.8, từ bến Ba Đình đến đường Hưng Phú dài  khoảng 110 mét, lộ giới 16 m. Tra lại Từ điển tên đường phố, tôi biết, đường này trước đây gọi là đường lộ 20, từ ngày 13.7.1999, UBND TP.HCM đặt tên đường Lưu Quý Kỳ.

Năm nhà văn Vũ Trọng Phụng mất, mới 28 tuổi, đồng nghiệp Ngô Tất Tố bảo: “Vậy là thọ”. Nghe thấy lạ, sau tôi mới hiểu ra, nói thế bởi ông Phụng còn lưu lại nhiều tác phẩm cho đời sau. Trường hợp của Ông Kỳ không khác. Sự Hiện hữu của ông vẫn còn đồng hành trong Hiện tại của chúng ta đấy thôi. Anh Triều thủ thỉ: “Đường Lưu Quý Kỳ nhà cửa mọc lên như nấm, chen chúc, xô bồ”. Tôi nghe vậy mà mừng. Ấy mới là cái cõi nhân sinh mà chúng ta đang bươn chải hằng ngày với mọi hỉ nộ ái ố.

Cái cõi nhân sinh này, ngay từ thuở hồng hoang đã là thế, nếu ta xem lại thần thoại Hy Lạp. Đó là ngày thần Epiméthée vì dại gái mà mở chiếc hộp của thần Zeus. Từ khi mở nắp hộp ấy, lập tức một đám mây mang đầy tội lỗi, xấu xa, ganh ghét, “chém gió”, ti tiện… đã bao trùm lấy mặt đất. Từ đó, con người phải sống trong thế giới ô trọc này. Còn người đã khuất lại khác. Ngạn ngữ Do Thái có câu: “Con người suy nghĩ, Thượng đế thì cười”. Nhà văn Nguyễn Khải rất khoái câu này, ông đã lấy làm tựa một tập sách.

Vâng, người đã khuất, sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ cần lao, khi về cõi trên (nếu có cõi ấy) ắt họ mỉm cười thanh thản.

Khi đến Nghĩa trang, con cháu họ Lưu quay quần bên huyệt mới đào và nghe nhà sư đọc kinh. Huyệt mới, đào nhỏ thôi, chỉ cần đặt vừa vặn cái hòm có hài cốt trong đó. Bốn góc huyệt có thắp bốn nén nhang. Nhang khói lặng lẽ và thảnh thơi bay lên trời xanh. Tiếng kinh cầu của nhà sư vẫn đều đặn. Tôi lắng nghe và biết rằng, đó là Kinh Tiếp dẫn. Không nghiên cứu sâu về nghi thức tôn giáo, nhưng tôi hiểu ấy là nguyện cầu Đức Phật đưa người quá cố theo chân Phật về cõi Niết bàn. Sực nhớ, bà Đạm Phương Nữ sử - bà nội của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, trước lúc mất cũng được nhà sư đọc cho nghe Kinh Tiếp dẫn, và bà vô ưu lịm dần trong tiếng kinh để bước sang thế giới khác. Một thế giới mà trước lúc mất nhà thơ Chế Lan Viên tự sự:

Anh không ở lại yêu hoa mãi được

Thiêu xong, anh về các trời khác cũng đầy hoa

Chỉ tiếc không có tình yêu ở đó!

Ở đó có tình yêu không nhỉ? Chắng ai có thể biết được. Mà thôi, nghĩ gì cho sâu xa. Cứ sống và cứ yêu lấy trần gian này. Từ đó, tình yêu mới kết thành hoa trái. Có một điều, với tôi, dù người đã khuất có nổi tiếng hay không thì mỗi cuộc đời, mỗi bia mộ ấy đã một quyển tiểu thuyết. Bước vào nghĩa trang, ta đã bước vào trong một thư viện. Với tôi, cuộc đời của nhà báo, nhà văn Lưu Qúy Kỳ là một tác phẩm hay bởi bản thân “tác phẩm” ấy đã sống có ích với cộng đồng.

Khi sống, ai lại không phấn đấu như thế?


L.V.N

(nguồn: Báo ANTG giữa tháng  - số 107 tháng 12.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com