Nhà báo LƯU ĐÌNH TRIỀU
Sáng đọc báo, lại thấy bàn luận tiếp chuyện kéo dài tuổi nghỉ hưu. Đồng ý và không đồng ý. Ừ, chuyện bàn luận đó là cần thiết, nhưng trước giờ ít thấy nói về chuyện ứng xử với người về hưu.
“Ngày mai ông về hưu ư?”.
Có nơi rất lạnh lùng, kêu đồng chí ấy đến trao cái quyết định ngay bên bàn giấy. Thế là xong. Đường ai nây bước, kiểu ... ra tòa ly hôn (Một nhà báo tên tuổi khá nặng ký đã phải khóc thầm vì rơi vào cảnh này). Có nơi thì kéo nhau ra quán. Nói nói, cười cười, uống uống. Thậm chí ôm nhau hôn nhau, chia tay thân thiết. Tiếc rằng chỉ một thời gian là quên béng nhau, mau chóng tựa như "hơi rượu bay, khói thuốc tàn"...
Một số nơi có điều kiện, bỏ tiền ra tổ chức cho người nghỉ hưu một chuyến du lịch nước ngoài tuơm tất, có quà kỷ niệm kèm theo - nhưng có chọn lọc hẳn hoi v.v.. Nhiều nơi thì xem chuyện chia tay chỉ là hình thức. Đến hẹn là về thôi. Điều đáng quan tâm nhất là chuyện tính lương tiền theo chế độ...
Mỗi nơi mỗi kiểu, qua đó ít nhiều bộc lộ văn hóa ứng xử của từng cơ quan. Không biết có được bao nhiêu nơi, trước giờ chia tay ngồi ôn lại những gì mà người về hưu đã đóng góp cho đơn vị. Thậm chí "điểm danh" cả hành trình mà người ấy cùng gắn bó. Rồi có một lời cảm ơn chính thức, thậm chí như là một lễ vinh danh cho người vừa "dừng cuộc chơi"?
Bao nhiêu nơi đã làm thế? Tôi không rõ. Tôi chỉ biết chắc một điều là cái tờ báo mà tôi gắn bó suốt mấy chục năm, đã thường xuyên làm chuyện ấy một cách đều đặn và tâm huyết. Bao người tới tuổi nghỉ hưu ở báo - dù phóng viên hay nhân viên trị sự đều nhận lời chia tay, tri ân chính thức và công khai của cơ quan (chưa kể những quà kỷ niệm riêng của phòng, ban, cá nhân). Tôi đã từng bao lần dự chào cờ sáng thứ hai, có vọng vang lời chia tay với các anh chị đến tuổi nghỉ hưu. Mỗi lần như thế lại cứ miên man một sự xúc động khó gọi tên. Có bạn đồng nghiệp ví von lời chia tay đọc trước lễ chào cờ như là điếu văn - để nhấn mạnh sự thương tiếc, của tờ báo đối với cán bộ phóng viên của mình.
Tờ báo đó chính là Tuổi Trẻ!
Rất tiếc tôi không có điều kiện để lưu giữ những lời chia tay mà bao người từng nhận lãnh, nên đành chỉ có thể giới thiệu lời chia tay đến… phần tôi, như một dẫn chứng - nói theo thế giới mạng bây giờ, sự giới thiệu này cũng là một kiểu “tự sướng”.
Tên anh đã góp phần làm nên thương hiệu Tuổi Trẻ
Anh Lưu Đình Triều chính thức làm phóng viên Báo Tuổi Trẻ từ tháng 6-1984. Tròn 30 năm gắn bó với Tuổi Trẻ, anh Lưu Đình Triều giữ các nhiệm vụ: phóng viên, tổ trưởng Tổ Lối sống Ban Văn hóa Văn nghệ, Trưởng ban Văn nghệ - Lối sống, Trưởng ban Thanh niên - Giáo dục kiêm Thư ký tòa soạn phụ trách mảng Thanh niên, Tổng thư ký tòa soạn, Trưởng Ban Văn hóa văn nghệ, Trưởng Phòng nghiên cứu phát triển - Trợ lý Tổng biên tập kiêm Trưởng ban Công tác xã hội. Ở mỗi vị trí công tác, anh đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, đóng góp vào sự nghiệp phát triển báo Tuổi Trẻ.
Thời kỳ làm phóng viên Lối sống, rồi phóng viên Giáo dục, anh có nhiều bài viết gắn với thanh niên, gắn với ngành giáo dục đào tạo. Đặc biệt gắn bó xuyên suốt việc giới thiệu các điển hình học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi, các Giải thưởng Vì ngày mai phát triển của Báo Tuổi Trẻ. Và thương hiệu “Nhịp sống Trẻ” từ ý tưởng của Trưởng Ban Thanh niên Lưu Đình Triều đã ra đời và phát triển trên trang Báo Tuổi Trẻ cho đến ngày hôm nay.
Thời kỳ làm cán bộ quản lý, anh cùng tập thể tòa soạn tham gia vào việc định hướng tuyên truyền, tổ chức thực hiện những tuyến bài trong lĩnh vực giáo dục lối sống, giáo dục đào tạo các bậc học, văn hóa văn nghệ… cũng như đào tạo nhiều thế hệ phóng viên cho Báo Tuổi Trẻ. Ngoài ra, anh còn góp phần vào việc nghiên cứu phát triển báo Tuổi Trẻ theo các hướng: tập trung thông tin các vùng trọng điểm kinh tế gắn với kinh doanh theo vùng; chiến lược phát triển các sản phẩm điện tử…
Tập thể Báo Tuổi Trẻ còn ghi nhận những đóng góp của anh trong vị trí Chủ tịch Công đoàn, Thư ký Chi hội nhà báo… Anh còn là một người dẫn chương trình sôi nổi, hào hứng; vui tính trong cuộc gặp mặt, trong các đợt công tác của báo Tuổi Trẻ đến các địa phương mà anh có tham gia. Lưu Đình Triều đã trở thành nhà báo có tên tuổi trong làng báo và tên anh đã góp phần làm nên thương hiệu Tuổi Trẻ trong nhiều năm qua.
Ban Biên tập Báo Tuổi Trẻ ghi nhận những đóng góp của anh Lưu Đình Triều cho sự nghiệp phát triển của báo Tuổi Trẻ và kính chúc anh về nghỉ hưu luôn vui khỏe, hạnh phúc bên gia đình.
(Trích chương trình Chào cờ tại Báo Tuổi Trẻ ngày 04. 8.2014).
Hai năm rồi chuyện bây giờ mới kể, nhân xã hội đang bàn luận chuyện tuôi nghỉ hưu. Kể với chút mong muốn sẽ nhận được thông tin tương tự từ những cơ quan khác mà tôi chưa kịp biết. Mong lắm thay những cuộc chia tay - những cách ứng xử rất văn hóa dành cho người “rời bỏ cuộc chơi”.
Nhà báo Lưu Đình Triều, PGS.TS Hà Minh Hồng, nhà báo Thu An, nhà báo Dương Thành Truyền (từ trái qua) trong buổi giao lưu chiều 26-8.2015 tại Nhà Văn hóa Thanh Niên. Câu chuyện giao lưu giữa bạn đọc và đại diện đội ngũ làm báo ở Tuổi Trẻ nhân dịp ra mắt 3 ấn phẩm kỷ niệm 40 năm báo Tuổi Trẻ đã chạm vào rất nhiều điều đáng suy nghĩ. Ảnh: Thanh Tùng.
L.Đ.T
< Lùi | Tiếp theo > |
---|