LƯU QUÝ KỲ - CHÂN DUNG MỘT NHÀ BÁO, NHÀ VĂN
PGS. TS. LÊ TIẾN DŨNG
Trường ĐHKHXH&NV TP HCM
1.
Nhà báo, nhà văn Lưu Quý Kỳ sinh ngày 31-10-1919 tại xã Minh Hương huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cha làm nghề cắt tóc, mẹ bán hàng rong. Năm học lớp Ba trường làng, cậu bé Kỳ đã đọc các báo: Tiếng Dân, Phụ nữ Tân văn, Phong Hóa, Ngày Nay… là những tờ báo có nội dung yêu nước. Tốt nghiệp lớp Năm (primaire), Lưu Quý Kỳ đã viết bài báo đầu tiên Nhiệm vụ của thanh niên đăng trên báo Nước Non của Trần Trung Viên tại Hà Nội, lúc ấy mới 15 tuổi (1934). Năm 16 tuổi (1935), Lưu Quý Kỳ viết truyện ngắn Vượt ngục đăng ở báo Tin Vắn của Thái Phỉ, xuất bản tại Hà Nội. Cùng năm nay ông vào học Trường Kỹ nghệ thực hành ở Huế.
Năm 1937, đang là học sinh Trường Kỹ nghệ thực hành ở Huế, do tham gia phong trào cách mạng tư sản dân chủ nên bị đuổi học. Tháng 8.1937 ông thoát ly gia đình tham gia cách mạng và lần lượt đảm nhiệm: Phụ trách tuyên huấn của Chi bộ Đảng Hội An; vào Nam kỳ làm Bí thư Liên đoàn Thanh niên dân chủ. Sau khi báo “Dân” bị cấm ở Trung kỳ, ông được phái vào Sài Gòn tiếp tục xuất bản báo Dân muốn, Dân tiến, Tiến tới thay cho báo Dân. Những tờ báo này, Lưu Quý Kỳ đều làm Thư ký Tòa soạn. Ngoài tên thật, ông còn dùng các bút danh Thanh Vệ, Phác Căn, Lưu Quang Khải.
Giữa năm 1938, cả 3 tờ báo trên lần lượt bị cấm lưu hành, Lưu Quý Kỳ sang công tác thanh niên. Năm 1939, ông là người viết chính cho tờ báo “Mới” của cơ quan Đoàn Thanh niên dân chủ Nam kỳ, đồng thời làm biên tập cho các báo Lao Động, Phổ Thông, Dân Chúng… là những tờ báo của Đảng ta xuất bản công khai. Ông còn viết nhiều tin, bài về các cuộc đấu tranh của công nhân để đăng trên các báo tư sản như: Công Luận, Điện Tín, Thế Kỷ… Một số bài của ông nói lên quan điểm của người cộng sản Việt Nam trước thời cuộc như: “Dưới khải hoàn môn”, “Công lý sẽ thắng”…
Ngoài những bài viết về các phong trào đấu tranh, thời cuộc chính trị, dưới bút danh Thanh Vệ, Phúc Căn, Lưu Quý Kỳ cũng đã có một số tác phẩm trên lĩnh vực văn nghệ như: “Tuổi trẻ mất một văn hào vĩ đại - Macxim Gorki”, “Tố Hữu - nhà thơ của tuổi trẻ”… Năm 1940 ông bị thực dân Pháp bắt giam ở Trà Khê (Quảng Ngãi). Để đẩy mạnh công tác vận động các nhà văn tiến bộ thời bấy giờ, Đảng chủ trương thành lập “Đông Dương văn sĩ tả phái Liên đoàn” do Trần Hữu Độ làm Chủ tịch, Trần Huy Liệu, Hải Triều, Diệp Văn Kỳ làm Phó Chủ tịch. Lưu Quý Kỳ được cử làm Tổng Thư ký của Ban vận động.
Sau Cách mạng Tháng Tám, ông làm chủ bút báo Quyết thắng của Mặt trận Việt Minh Trung bộ, chủ bút báo Ánh sáng. Năm 1947 ông làm chủ bút báo Cứu quốc khu IV và phụ trách tạp chí Kháng chiến, báo Sáng tạo ở khu IV. Khi vào Nam, ông được cử làm giám đốc Sở Tuyên truyền văn nghệ Nam bộ (sau là Sở Thông tin Nam bộ), chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ Nam bộ, chủ bút tạp chí Thống Nhứt – cơ quan của Hôi Nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Nam bộ, chủ bút báo Nhân dân miền Nam – cơ quan của Trung ương Cục miền Nam, chủ nhiệm tạp chí Lá lúa – cơ quan của Chi hội Văn nghệ Nam bộ…
Năm 1954, tập kết ra Bắc, ông được cử làm Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền miền Nam, phó chủ nhiệm Ủy ban Liên lạc văn hóa nước ngoài, vụ trưởng Vụ Tuyên truyền quốc tế, vụ trưởng Vụ Báo chí thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng, trợ lý trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng, Phó tổng thư ký Hội Nhá báo Việt Nam, đồng chủ bút tuần báo Thống Nhất… Một trong những kỷ niệm đáng nhớ của cuộc đời Lưu Quý Kỳ là ông có hai lần vượt Trường Sơn. Lần thứ nhất, vào tháng 8-1948 cùng đi trong phái đoàn Trung ương vào Nam của ông Lê Đức Thọ, đi ròng rã trong chín tháng trời. Lần thứ hai, năm 1972 ông trở lại chiến trường miền Nam và đi đến Quảng Trị.
Tháng 10-1981, tại Đại hội X của Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ) ở Matxcơva (Liên Xô), ông được bầu vào đoàn chủ tịch và là phó chủ tịch OIJ. Ông nhận được sáu huy chương về báo chí nước ngoài, trong đó có huy chương Julius Fucik của OIJ “Nhà báo cống hiến cho hòa bình và hữu nghị”.
Trên đường đi công tác nước ngoài, ông lâm bệnh và mất lúc 4g50 ngày 1-8-1982 tại sứ quán Việt Nam ở Bangkok, Thái Lan. Dịp này, Ban tổng thư ký Hội Nhà báo quốc tế ghi nhận: « Mất nhà báo Lưu Quý Kỳ, phong trào báo chí dân chủ quốc tế mất một trong những người đại diện đáng kính nhất. Sự tổn thất lớn nhất đối với chúng tôi là đã mất đi một nhà báo nhiều kinh nghiệm, một nhà báo có niềm tin không lay chuyển vào thắng lợi của sự nghiệp chính nghĩa của các dân tộc”[6 ; tr. 7].
*
Vượt ngục là truyện ngắn đầu tay của ông đăng trên báo Tin Văn năm 1935 (16 tuổi). Trong 47 năm hoạt động báo chí, ông đã tổ chức được 15 cơ quan báo chí. Ông đã để lại những tác phẩm tiêu biểu như Bài thơ Nam bộ (thơ, 1950), Tác phong văn nghệ nhân dân (lý luận, 1951), Miền Nam yêu quý (bút ký, 1955), Thực tiễn văn nghệ kháng chiến Nam bộ (bình luận văn học, 1958), Phút im lặng (bút ký, 1961), Nước về biển cả (tùy bút, 1971), Tâm sự với anh (ký, 1984),…
Ít ai biết nhà báo, nhà văn Lưu Quý Kỳ cũng làm khá nhiều thơ. Ở đây xin giới thiệu một bài thơ viết trên đường vào Nam năm 1948, bài Kỷ niệm đêm nằm tại trại giam Lê Kỳ (Thừa Thiên):
Ru anh nhạc suối rầm rì
Ngủ đi lấy sức ngày mai lên đường
Đêm nay mưa gió bốn phương
Lều rung trăm mối cảm thương lạnh lung
Mai sau kháng chiến thành công
Dưới kia xa bóng ngựa hồng thênh thang
Lều đây ngã rụi bên đàng
Lều cười mãn nguyện giữa ngàn tịch liêu
Người đi từ biệt túp lều
Biết sau có nhớ một chiều ghé đây.
Lưu Quý Kỳ là một nhà báo nhà văn tài ba. Cả cuộc đời ông đã cống hiến rất nhiều cho nền văn chương cũng như báo chí của nước nhà. Ông hy sinh tuổi trẻ, cả hạnh phúc riêng để theo đuổi sự nghiệp bảo vệ và lập lại hòa bình cho đất nước. Trong những tác phẩm của mình ông không chỉ nói về cái đẹp của thiên nhiên, của con người trên mọi miền đất nước mà còn mạnh mẽ tố cáo tội ác của giặc, lên án xã hội và lòng căm thù giặc, nâng cao ý thức yêu nước tiến bộ.
2.
Lưu Quý Kỳ luôn quan niệm người người nghệ sĩ phải viết người anh hùng, những sự kiện anh hùng. Ông viết về mọi mặt của cuộc sống, thể hiện mọi góc nhìn, dễ hiểu, ghi chép lại những câu chuyện những con người một cách chân thật, đầy ý nghĩa. Ngòi bút của Lưu Quý Kỳ chủ động, sáng tạo, có khi là giọng điệu sắc sảo, châm biếm thâm thúy và tinh tế, có khi là giọng điệu mộc mạc, đơn sơ, giàu tính nhân văn, giàu tình thương.
Trong quan niệm của Lưu Quý Kỳ, “Cây bút hay khẩu súng cũng đều là khẩu súng, cũng đều là vũ khí, là phương tiện chiến đấu của bất cứ người nào muốn và có khả năng dùng. Một nhà văn có quyền dùng súng hay dùng bút hoặc dùng cả hai. Cũng như nhà văn hoàn toàn có quyền dùng bất cứ từ ngữ nào mình muốn để diễn đạt cho sâu sắc ý nghĩa của mình.”
Trong văn chương của Lưu Quý Kỳ ta thấy cuộc sống thật tươi đẹp. Ông luôn thử sức với nhiều thể loại để luôn làm mới lối viết, giúp truyền tải thông tin một bài báo một cách hữu hiệu nhất. Ông sử dụng các thể loại như điều tra, tin, phóng sự,.. nhưng có lẽ thường xuyên nhất là thể loại bút ký và tùy bút. Đối với ông nghệ thuật mang vẻ đẹp của cuộc sống. Ông đã cho người đọc thấy được cái đẹp trong những hoàn cảnh đen tối nhất, mang đến hy vọng trong sự đau đớn khôn cùng của nhân dân. Ví như nhân vật Đạt trong Một phút về Nam. Chỉ mới 14, 15 tuổi Đạt đã theo cán bộ đi truyền công tác, bị địch bao vây vẫn bình tĩnh. Đạt tuổi nhỏ nhưng sức không nhỏ, lòng can đảm không nhỏ.
Ông kể lại trong Một phút về Nam: “Có lần Đạt theo thuyền đi công tác với tôi, bị địch bắn ráo riết, em vẫn bĩnh tĩnh chèo mạnh. Cọc chèo gãy, địch đuổi nà theo. Em ôm một cặp tài liệu, tôi ôm một cặp tài liệu nhảy xuống rạch, mỗi người mỗi ngả lủi vào đám rau mác (bèo lớn). Tôi đến cơ quan, ba hôm mới thấy Đạt mò về. Mặt vẫn tươi. Em phải ở dưới nước một đêm một ngày. Cuộc kháng chiến đối với em là một trò chơi lớn: Thấy chú chạy thoát ở bờ bên kia, cháu thèm quá, muốn chạy theo nhưng lại sợ rủi không thoát thì mất tài liệu… đêm hôm qua, địch vẫn còn trong xóm. Buồn ngủ quá, cháu vào một vườn dừa. dừa rậm đám, cháu trèo lên ngọn, ngủ khì. Tờ mờ sáng tụt xuống đập bể một trái dừa ăn bậy cho đỡ đói rồi chạy đại một mạch về đây”[6; tr. 27].
Hay viết về những người phụ nữ ông cũng viết về họ những điều tốt đẹp nhất, tươi thắm nhất. Những ngày mùa thu tháng Tám năm 1945, hàng triệu phụ nữ đã có mặt trong các cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, ở một số địa phương, phụ nữ là người chỉ huy khởi nghĩa. Thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám đã đưa phụ nữ từ người dân nô lệ thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Kháng chiến chống Pháp nổ ra, phụ nữ khắp nơi lại tham gia vào những công việc ở hậu phương cũng như tiền tuyến. Từ năm 1950 - 1954, cả nước có hàng triệu phụ nữ gia nhập dân quân du kích đánh giặc bằng mọi phương tiện có trong tay như "đòn gánh đánh càn" (ở miền Bắc), "tầm vông diệt giặc" (ở miền Nam).
Có thể nói, trong chiến đấu, phụ nữ tỏ ra không hề thua kém nam giới, nhiều tấm gương tiêu biểu đã được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang như chị Nguyễn Thị Chiên, chị Hồ Thị Bi, nữ quân báo Lê Thị Tạo. Chúng ta nhắc tới trong các sáng tác của Lưu Quý Kỳ có hình ảnh rất đẹp của chị Trần Thị Lý. Trong tập sách Người con gái Việt Nam ngày 15-12-1958 ông đã viết: “Một chiếc giường bệnh trên miền Bắc đã trở thành nơi gặp gỡ của hoa. Hoa trắng. Hoa đỏ. Hoa tím. Hoa vàng. Đủ màu sắc bao vây một người con yêu Tổ quốc. Người được tặng hoa: miền Nam. Người đến tặng hoa: Bắc và Nam, trẻ và già, nam và nữ, cả Âu, Á và Phi; từ ruộng đồng, xí nghiệp, cơ quan, đơn vị trên miền Bắc; từ vùng sa mạc cháy nắng đến miền giá băng tuyết phủ trên mặt địa cầu. Người được tặng hoa và người đến tặng hoa lặng nhìn nhau. Cần gì nói nhiều? “Đây, hoa này xin tặng chị!”.
Trong bài Đón xuân cả nước lên đường…tác giả viết về anh hùng Lê Thị Hồng Gấm với một giọng văn giản dị: “Hồng Gấm đã vào, cùng với bà con làng xóm nổi dậy phá ách, chống Mỹ cứu nước cho tuổi trẻ của thời đại Hồ Chí Minh” [6; tr. 143, 144].
Những người phụ nữ trong tác phẩm của Lưu Quý Kỳ không chỉ mạnh mẽ, gan dạ xông pha chiến trường như chị Nhâm mà còn có những bà mẹ chiến sĩ đêm ngày nuôi cơm bộ đội, trông ngóng tin con như má Ba (trong tác phẩm Gặp con), má Bảy (Trên tàu tập kết). Má Ba, má Bảy đại diện cho những bà mẹ chiến sĩ ngày đêm mong con, ở má Ba người đọc có thể thấy được một tinh thần lạc quan dù rằng không biết con mình sống chết thế nào, dù rằng hằng đêm má vẫn mất ngủ lo âu,.. má coi các chiến sĩ như con mình và hết lòng yêu thương. Má chấp nhận hy sinh hạnh phúc riêng vì nền độc lập, hòa bình dân tộc, vì tự do của đất nước. Lưu Quý Kỳ không chỉ khéo léo vẽ nên hình ảnh người mẹ chiến sĩ kiên cường, lạc quan, đầy lòng bao dung, thương yêu mọi người qua má Ba mà ông còn cho ta thấy sức mạnh tình mẹ con thông qua nhân vật mẹ của đồng chí phó chủ tịch, lặn lội băng ruộng 6 tiếng đồng hồ chỉ để gặp được con, bất chấp nguy hiểm.
Lưu Quý Kỳ không trực tiếp viết về những tội ác của giặc mà ông miêu tả nó qua những nỗi đau, những gì mà các chiến sĩ đã trải qua, sự đau khổ, bất hạnh mà chiến tranh mang lại cho nhân dân, từ đó nói lên lòng căm thù giặc. “Em bé ra đời. Đêm chưa tàn. Xóm làng còn ngái ngủ. Em nhìn Cha: Trời cao lồng lộng. em nhìn Mẹ: Đất nước bốn mùa đủ nắng, hoa. Non mốt thế kỷ, Cha em bị mây mù vẩn đục; Mẹ em bị xiềng xích gông cùm. Cha em nổi sấm. Mẹ em vùng lên” (25 tuổi lửa). Một mầm non sinh ra, chưa được ôm đủ hơi ấm cha mẹ, đã thấy những cảnh “xiềng xích, gông cùm”. Chưa biết nói đã mang nặng lòng căm hờn giặc, chưa biết đi đã mang ý chí vùng lên: “Đứng lên. Em thấy chân trời xa rực sáng. Nhưng trên mảnh đất của Em - tám mươi năm xơ xác tiêu điều vì lũ sói lang và sáu năm chiến tranh tàn phá - Em lấy gì ăn mặc, ở, học hành? Lấy gì bảo vệ thân Em trước mưa sa, gió táp? Em biết là tương lai rất sáng sủa. Nhưng hiện tại thì đầy chông gai. Mà Em phải sống, phải lớn lên. Phải tiến về chân trời rực sáng. Em đứng lên. Chưa kịp thẳng người thì bỗng nhiên mây đen kéo đến, sấm sét đầy trời, ác quỷ hiện ra.” (25 tuổi lửa). Chúng nghĩ ra hàng ngàn cách tra tấn dã man, bắt dân ta khai ra căn cứ bí mật. nhưng không vì vậy mà dân ta bị khuất phục. Trước lòng yêu nước lớn lao thì những gông cùm có là gì? Giặc xâm chiếm không chỉ trên thuộc địa, không chỉ trên mặt trận súng đạn, bom rơi mà còn xâm chiếm trên mặt trận văn hóa. Trước cảnh đó, ngòi bút của ông run lên căm giận:
“Trong nhà trường ngày xưa, học sinh, sinh viên không được trau dồi tiếng mẹ đẻ, hằng ngày nghe người ta mạt sát ông bà tổ tiên, chửi rủa những người làm ra lịch sử, ca ngợi bọn cướp của giết người và bọn bán nước, hại dân. Sách báo tiến bộ bị cấm đọc. hội họp bị coi là tội. Đời đi học là đời con mọt sách bị nhồi sọ để chuẩn bị làm tôi tớ cho bọn thực dân, phong kiến” (Xuân của mùa xuân).
"Hòa bình lập lại trên miền Bắc. Nhưng, ở nửa miền Nam của Tổ quốc thân yêu, súng vẫn nổ, đầu người còn rơi, máu còn chảy. Ngân Sơn, Chí Thạnh, Bình Thành, Mỏ Cày, Vĩnh Trinh, Đại Lộc, Phú Vang, Hương Điền…, bao nhiêu tên làng, tên huyện ở miền Nam đã lên màu máu đỏ, đã mọc lên bao nhiêu nấm mộ oán cừu? Bàn tay sát nhân của Mỹ - Diệm có chừa ai? Từ những người dân bình thường, lương thiện trên luống cày, trong nhà máy đến các cháu thiếu nhi trong trường học, đến các nhà tri thức, đến các giáo phái và cả đến những người cộng tác với chính quyền miền Nam, có tầng lớp nào tránh khỏi sự tàn bạo của bọn hại dân, cướp nước, bán nước?” (Miền Nam 7 năm máu và hoa – 7 năm, đoạn đường dài, ngắn).
Lưu Quý Kỳ lồng những tội ác của giặc qua những câu chuyện về cuộc đời chiến sĩ khiến người đọc cảm thấy được sự chân thật trong những câu chuyện, đó không chỉ là những lời cáo buộc suông mà nó được kể lại từ những con người thật, những sự việc thật, những nỗi đau thật.
3.
Lưu Quý Kỳ quan niệm rằng văn chương phải tham gia đánh giặc. Từ xưa đến nay luôn có vai trò quan trọng nhất định trong cuộc sống. Trong thời hòa bình như ngày nay, văn chương trở về với đúng vai trò của nó đó là đáp ứng nhu cầu giải trí, mở mang tri thức, tô đẹp cuộc sống cho con người. Văn chương được ban cho sứ mệnh song hành cùng nhân dân đánh giặc. Bác Hồ đã từng căn dặn: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh... Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”.
Văn chương của Lưu Quý Kỳ cũng vậy, từng tác phẩm, từng bài báo của ông đều song hành cùng các chiến sĩ, trên mọi mặt trận từ Bắc chí Nam, từ những thành phố, đô thị đến những vùng quê, miền núi hẻo lánh. Ông luôn phản ánh kịp thời những sự kiện mới bằng phương pháp thẩm thấu, phân tích hết sức sắc sảo, hợp lý, luôn có ý thức tuyên truyền những đường lối chính sách của Đảng, cổ vũ cho phong trào đấu tranh của nhân dân. Những bài viết của ông trải dài, theo sát từng giai đoạn lịch sử như: trong thời kỳ mặt trận dân chủ, Lưu Quý Kỳ viết những tin , bài về các cuộc bãi công của nhân dân đăng trên các báo như “Công luận”, “Điện tín”, “Thế kỷ”. Bước sang giai đoạn cả nước lên đường đấu tranh chống Mỹ, Lưu Quý Kỳ nổi tiếng với các tập ký Người con gái Việt Nam (Nxb Văn học, Hà Nội, 1958), Một phút về Nam (Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1960), Nước về biển cả (Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1973). Có thể nói, những bài viết của Lưu Quý Kỳ góp phần rất lớn trong công cuộc giải phóng đất nước, động viên tinh thần nhân dân, và các chiến sĩ.
Tiếng sấm đất (trong tập Nước về biển cả ) được liên hệ với sức mạnh vùng lên của nhân dân. Những câu, những chữ viết về sấm đất lại là những câu, những chữ đầy ắp niềm hy vọng về nhân dân. Đó là nhân dân quật khởi chưa bao giờ biết đầu hàng: “Cho đến ngày nay, hơn 30 năm qua, tôi còn giữ mãi cái định kiến đó: Sấm đất báo hiệu một cơn giông tố sắp đến, sẽ đến, nhất định đến. Tôi muốn mượn ở sấm đất một hình tượng để nghĩ về những cuộc nổi dậy của nông dân, nghĩ về niềm hi vọng của những người đang sống mà chưa có quyền sống. Tôi muốn tìm ở sấm đất một hình ảnh về cuộc chiến đấu âm ỉ, ngấm ngầm, ngày càng mở rộng, cho đến ngày bộc lộ công khai, rộng khắp”[6; tr.57].
Lưu Quý Kỳ dùng văn để đánh giặc. Trong bài Gió lành, gió độc (trong tập Nước về biển cả) ông viết: “Trời cao, biển rộng. Một ngày nào đó sẽ là ngày chúng ta vui mừng tống khứ bọn tướng tá, binh sĩ Mỹ ra khỏi miền Nam. Tôi cũng muốn được đứng trên bến Sài Gòn hay bến Ô Cấp, hay ðến Ðà Nẵng hôm ấy ðể nghe một sĩ quan Mỹ trịnh trọng ðoc nhật lệnh (…). Gió ðộc thoảng qua. Món hàng “yêu nýớc” giả hiệu và giọng hùng hồn khô rúm của bon tướng tá Mỹ cũng sẽ theo hững giọt mồ hôi trên khuôn mặt, nhạt nhẽo, phờ phạc của binh sĩ Mỹ lăn xuống bãi cát của bờ biển, bốc thành hơi, tan di trong gió” [6; tr. 68].
4.
Lưu Quý Kỳ còn nêu lên một luận điểm văn nghệ sĩ phải là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa và tư tưởng. Trong bút ký Tâm sự với anh, ông đã viết: “Trong cuộc chiến tranh liên tiếp, bao nhiêu nhà báo tay cầm bút, tay cầm súng và bao nhiêu chiến sĩ “tay cầm súng, tay cầm bút”. Tôi nhắc điều này chính là để nói văn nghệ quân đội đầy sức sống”[6; tr.459]. Ở đây ông đã nói tới mối quan hệ bền chặt người nghệ sĩ phải là người chiến sĩ. Họ những ngòi bút của đất nước đã mang lại niềm tin, sức mạnh. Ông viết tiếp: “Tôi cầm bút, Anh cầm súng. Anh là chiến sĩ trên mặt trận vũ trang. Tôi là người linh trên mặt trận tư tưởng. Hai mặt trận này bao giờ cũng triển khai đều bước và hỗ trợ lẫn nhau” [6; tr. 458].
Mặt trận của họ không phải là những chiến trường đầu rơi, máu chảy mà mặt trận của họ là trong những tác phẩm những bài viết của mình. Họ đánh giặc trên mặt trận tinh thần, đánh gián tiếp nhưng vô cùng hiệu quả. Ông hiểu rõ nỗi đau mất mác của chiến tranh, nhìn thấy được công lao, đóng góp của những anh hùng không tên trên cả nước, thấy được cái đẹp, tình cảm thiêng liêng trong lúc chiến tranh ác nghiệt. Ông viết bài dọc theo từng chặng đường của đất nước, yêu thương từng mảnh, từng mảnh nhỏ máu thịt của đất nước, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, con người thông qua đó ngầm tố cáo tội ác của giặc. Thật đáng quý khi có một người nghệ sĩ mang trong mình sự đam mê, nhiệt huyết và tấm lòng yêu nước tha thiết, mãnh liệt như ông. Là nghệ sĩ nhưng lại chiến đấu, công hiến tuổi trẻ của mình như một chiến sĩ.
*
Say mê văn học từ nhỏ, 16 tuổi đã có truyện ngắn đăng trên một tờ báo có uy tín; 17 tuổi đã bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình trong bài báo có vấn đề khá tầm cỡ: “Nhiệm vụ thanh niên”. Đó là buổi đầu hé mở một tài năng. Tài năng đó, may mắn thay đã được lý tưởng cao cả của Đảng soi sáng và sưởi ấm nên ngày càng tươi thắm. Phong trào cách mạng của dân tộc là môi trường bộc lộ và cũng là nhân tố thúc đẩy sự phát triển tài năng của nhà báo, nhà văn.
Có sẵn năng khiếu, lại cộng thêm sự ý thức sâu sắc về nhiệm vụ nên ở Lưu Quý Kỳ tiềm tàng một sức lao động và sáng tạo dồi dào. Ông hoạt động báo chí và văn học trên một địa bàn rất rộng, từ miền Nam tới miền Bắc, từ Việt Nam tới 20 nước khác nhau trên thế giới. Ông hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của dân tộc để làm giàu vốn sống, làm phong phú trang viết của mình. Đã từng vào tù ra tội, nếm mùi tra tấn của đế quốc, đã từng đi bộ hàng năm trời dưới mưa bom bão đạn và những điều kiện hết sức cực khổ, nguy hiểm, đã từng tay bút tay sung trên chiến trường Đồng Tháp Mười ngập nước… Tất cả là để viết nên những tác phẩm không xa rời thực tế, chỉ đạo thực tế một cách chính xác và phù hợp cuộc sống thực tiễn là mảnh đất nuôi dưỡng tài năng của Lưu Quý Kỳ.
Bước sang giai đoạn cả nước lên đường đấu tranh chống Mỹ, Lưu Quý Kỳ nổi tiếng với tập kỷ “Nước về biển cả”, viết về cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc, viết về miền Nam với những nhớ thương và khâm phục, viết về những con người với những hành động cao cả… bằng giọng văn truyền cảm, thiết tha, mang tính chiến đấu cao. Bên cạnh đó, các tập sách như “Công chúng mới”, “Bài thơ Nam Bộ”, “Miền Nam yêu quý”… được bạn đọc hoan nghênh, in lại nhiều lần.
Có khả năng “tác chiến” ở những mảng khác nhau trong hoạt động nghiệp vụ, Lưu Quý Kỳ là một nhà báo rất quan tâm đến địa hạt gần gũi với mình là văn học và có những bài phê bình văn học sắc sảo.
Chưa bao giờ Lưu Quý Kỳ bằng lòng với mình ở một khuôn phép nhất định về thể loại, mà ông thể hiện mình trong nhiều thể loại, bởi đơn giản, nhà báo này chỉ coi thể loại báo chí như là phương tiện giúp mình truyền tải nội dung bài báo một cách hữu hiệu nhất, thành công nhất để đạt tới kết quả tuyên truyền, cổ động cao nhất. Ông có thể sử dụng các thể loại điều tra, tin, phóng sự… Nhưng có lẽ thường xuyên nhất là thể loại chính luận và ký. Lưu Quý Kỳ là một nhà báo, nhà văn có phong cách. Phong cách đó làm từ tâm hồn, trí tuệ, lối sống đi vào những tác phẩm và làm nên phong cách báo chí riêng ông. Cùng thời, có rất nhiều cây bút viết ký và chính luận tài hoa, sắc sảo như: Thép Mới, Phan Quang, Trần Bạch Đằng, Thái Duy… cũng chung một mục đích là phục vụ cách mạng. Nhưng trong dàn hợp xướng hào hùng đó, người đọc vẫn dễ dàng nhận ra giai điệu thâm trầm, sắc sảo của Lưu Quý Kỳ.
Tiếp cận với Lưu Quý Kỳ chúng ta tiếp xúc với nhà báo lớn, nhà văn lớn, có nhân cách. Những trang báo, những trang văn mà ông để lại cho chúng ta là những trang viết của người nghệ sĩ đầy tài năng sáng tạo. Ông có viết gì thì cuối cùng vẫn thể hiện một nhân cách cao đẹp của ông: hãy sống hết mình cho Tổ quốc thân yêu.
(nguồn: Kỷ yếu Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ (NXB Đại học Quốc gia TP.HCM - 2016)
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Lưu Quý Kỳ (1939), Tuổi trẻ và tự do, Mới, số 6 ngày 17/7/1939.
2. Lưu Quý Kỳ (1946), Những đứa con xứng đáng, Tạp chí Ánh sáng số 1/1946.
3. Lưu Quý Kỳ (1951), Tác phong văn nghệ nhân dân, Nxb Lá Lúa, Chi hội Văn nghệ, Bản in lito tại trường Hội họa Thạch Bản, Nam bộ.
4. Lưu Quý Kỳ (1955), Miền Nam yêu quý, Nxb Phổ thông, Hà Nội.
5. Lưu Quý Kỳ (1960), Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Phổ thông, Hà Nội
6. Lưu Quý Kỳ (1960), Một phút về Nam, Nxb Thanh Niên, Hà Nội.
7. Lưu Quý Kỳ (1973), Nước về biển cả, Nxb Thanh Niên, Hà Nội.
8. Lưu Quý Kỳ (2009), Người nghệ sĩ tài ba độc đáo, NXB Trẻ, 2009.
9. Nhiều tác giả (1958), Người con gái Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội.
10. Nhiều tác giả (1962), Miền Nam 7 năm máu và hoa, Nxb Thống nhất, Hà Nội.
11. Giao Hưởng (2009), Lưu Quý Kỳ - Người nghệ sĩ tài ba, độc đáo, Báo Thanh niên, số ra ngày 30/11/2009
12. Hoàn Thị Hằng (1996), Lưu Quý Kỳ,nhà báo tài năng, theo sách Lưu Quý Kỳ, người nghệ sĩ tài ba độc đáo, NXB Trẻ, 2009
13. Vu Gia (2009), Lưu Quý Kỳ, cây bút sắc sảo của một thời, Báo Người lao động số ngày 24/12/2009.
14. Trần Hoàng Nhân (2009), Lưu Quý Kỳ - Người nghệ sĩ tài ba độc đáo, Báo Thể thao & Văn hóa, số ra ngày 30/11/2009.
15. Phan Quang (2009), Lưu Quý Kỳ, tâm sự với anh, theo sách Lưu Quý Kỳ, người nghệ sĩ tài ba độc đáo, NXB Trẻ, 2009.
16. Nguyễn Quang Sáng (2009), Lưu Quý Kỳ, người anh trong làng báo Việt Nam, Lưu Quý Kỳ, người nghệ sĩ tài ba độc đáo, NXB Trẻ, 2009.
17. Lê Văn Nghệ (2016), Đưa Lưu Quý Kỳ về với đất, Tuần báo An ninh thế giới, số 19/12/2016.
< Lùi | Tiếp theo > |
---|