Mục lục |
---|
LƯU ĐÌNH TRIỀU: Lướt đa chiều cùng Dubai |
Kỳ 1: Luôn muốn là tầm cỡ thế giới |
Kỳ 2: Những kiểu chơi ít đụng hàng |
Kỳ cuối: Hàng tỉ mét khối cát đá lấp biển |
Tất cả các trang |
Một góc phố Dubai nhìn từ tòa nhà cao nhất thế giới
Luôn muốn là tầm cỡ thế giới
TTO - Giàu có xa hoa! Thiên đường sáng tạo! Công trường của các dự án kỳ vĩ! Sa mạc nắng cháy! Một trong những thành phố biển an toàn nhất thế giới! Vương quốc du lịch! Trung tâm mua sắm của Trung Đông…
Rất nhiều ngôn từ có cánh trên các phương tiện truyền thông dành cho Dubai. Đó cũng chính là lời mời chào hàng chục triệu du khách tìm đến thành phố này mỗi năm, trong đó có tôi.
Mái vòm tráng lệ của sân bay quốc tế Dubai đã tạo ngay ấn tượng ban đầu với du khách về một thiết kế đương đại, cùng vẻ sang trọng có phần lộng lẫy. Vừa từ tàu điện xuống, dù mệt mỏi sau một chuyến bay xuyên đêm, nhưng anh Trần Thanh Minh ở quận 5 TP.HCM đã vội lôi cái máy ảnh nặng ký ra tác nghiệp.
Như nhiều du khách lần đầu đến đây, anh cũng thấy choáng ngộp bởi “cái ruột” của nhà ga khổng lồ này. Từng đường đi lại rộng gần bằng xa lộ của ta, những cửa hàng, điểm nghỉ ngơi sang trọng... đến các “phòng thang máy” có thể tải 40-50 người, cùng vô số cây cột tráng bạc to đùng... Thật hoành tráng. Cách quãng, lại có những cây cọ rũ lá như tô điểm thêm nét đặc trưng của một thành phố nằm ngay trong sa mạc Ả Rập, bên vịnh Ba Tư.
Sân bay vĩ đại và sang trọng có tầm cỡ rồi, nhưng Dubai vẫn chưa thỏa mãn sự tự sướng. Thành phố Dubai mà cũng là tiểu quốc, thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) đang tiến hành dự án hơn 30 tỷ USD nhằm mở rộng sân bay thành điểm đi lại lớn nhất thế giới.
Dubai đúng là thành phố giàu. Nhưng tài sản mang tầm cỡ thế giới nào chỉ có sân bay.
Bãi biển gần “Ngọn lửa Ả Rập’ được chọn làm điểm để du khách tham quan, học sinh tập thể dục sáng
Gần 1 giờ để chờ đi 1 phút thang máy
Chiếc buýt sang trọng chạy bon bon trên đại lộ Sheikh Bastakia. Ngồi trên xe, tôi phải mỏi cổ để ngắm nhìn những tòa nhà cao 100 tầng mọc lên nhan nhản bên đường. Dù phát triển nhiều. Nhưng thành phố giờ vẫn như một đại công trường, nhìn đâu đâu cũng thấy công trình đang xây. Theo hướng dẫn viên Minh Vũ, nơi đây tập trung khoảng 15-20% lượng cần cẩu của thế giới.
Xe chạy gần đến Trung tâm tài chính của Dubai. Hiện ra trước mắt chúng tôi tòa tháp Burj Khalifa thẳng đứng, tựa như một cây thương nhọn hoắc đâm lên bầu trời mênh mông. “Cây thương” này dài tới 828m, có 164 tầng.
10g15 đoàn chúng tôi vào sảnh xếp hàng, kiểm tra an ninh, nhích từ từ... 11g 07 thang máy bắt đầu chạy vút lên. Nhiều khách lùng bùng lỗ tay. 11g08, tôi bước ra ban công bằng kính của tầng 124. Đứng từ độ cao 628m, nhìn ngắm toàn cảnh Dubai bên dưới, mỗi du khách sẽ có cảm xúc lâng lâng khác nhau. Với tôi, một chút hài hước khi nghĩ rằng mình đang trên… thiên đình nhìn xuống hạ giới.
Nhưng ngay trên thiên đình này có một dịch vụ rất đời thường đã chờ sẵn: chụp ảnh. Khách chỉ cần ngồi vào ghế, nhìn thẳng vào ống kính gắn trên chân máy cố định, tít một cái là có ngay tấm ảnh ngồi bên trên các tòa nhà. Trước đó đội ngũ nhiếp ảnh đã chận khách bên dưới cầu thang nháy một cái để rồi khi trở xuống, khách đã thấy ảnh mình đứng cao ngang hàng với tòa tháp, treo trên tường. Ảnh thiên đình hay hạ giới đều đồng giá, khoảng 1,5 triệu đồng. Thích thì lấy, không thì… tự chụp vậy.
Rời Burj Khalifa rồi, tôi mới được biết nó chiếm đến 4 kỷ lục "cao nhất" của thế giới: tòa nhà, công trình nhân tạo, đài quan sát và nhà hàng.
Đến chợ vàng, du khách thường ngắm nhìn, chụp ảnh chiếc nhẫn vàng vĩ đại
Vàng ơi… quen quá
Dù Dubai có hơn 50 khách sạn 5 sao trở lên, nhưng đoàn Việt Nam làng nhàng như chúng tôi chỉ được qua đêm trong khách sạn 4 sao. Bù lại, ban ngày, nhiều lần đoàn đặt chân vào (rồi ra) ở một số khách sạn 5, 7 sao.
Nhớ buổi sáng đầu tiên ra biển, nhiều vị khách đã lác mắt với một cánh buồm khổng lồ như đang căng gió ra khơi. Đó chính là khách sạn nổi 7 sao Burj Arab - “Ngọn lửa Arập”. Đứng trên biển, quay lưng với khách sạn, chụp một bô ảnh, tôi bị ảo tưởng là thấy mình cao đẹp dần lên theo chiều cao 321m của Ngọn lửa Ả Rập.
Không thử qua đêm cùng cánh bườm được vì giá quá cao (1.000 - 20.000 USD/ phòng), nhiều thành viên trong đoàn lại thử qua trưa cùng buffet với giá…vài trăm USD/ người. Tương tự, nhiều khách đã chọn thưởng thức bánh phủ vàng (gần 2 triệu đồng /bánh) trong khách sạn 7 sao Emirate Palace - thuộc Abu Dhabi, thành phố liền kề với Dubai. Hơi tiếc tiền, khi có người chỉ vừa xơi muổng đầu tiên đã bỏ ra ngoài tham quan, vì vị quá ngọt, không chịu nổi.
Vào 7 sao, nhưng tôi cùng một vài anh em khác lại tò mò, đi xem…phòng vệ sinh. Đi và đọng lại hình ảnh một căn phòng lộng lẫy đến không ngờ giữa mùi thơm nước hoa thanh thoát, cùng ánh vàng sáng chóe ở các vật dụng. Toilet mà còn thế, nói gì đến phòng ngủ.
Ánh vàng đày rẫy ở Dubai. Nhưng phải đến buổi chiều ngồi taxi nước (thuyền gỗ Abra với ghế ngồi cao hơn mạn thuyền), lướt qua cái lạch tự nhiên Dubai Creekr, chúng tôi mới đặt chân lên nơi tập trung đủ thể loại vàng - Chợ vàng Gold Souk.
Ngay từ lối vào ở đường Old Baladiya, sừng sửng một cổng chào to đùng, với hàng chữ đầy vẽ kiêu hãnh: DUBAI CITY OF GOLD ( Dubai Thành phố vàng). Dọc con đường chính, hơn 200 cửa hàng vàng nằm san sát nhau. Vàng không chỉ bày trong tủ kiến mà còn treo la liệt trên tường. Sản phẩm thì đủ loại, từ trang sức cổ xưa đến hiện đại, từ những nhẫn, lắc, dây chuyền… cho đến thắt lưng, lọ hoa, váy áo…
Tại tiệm Kanz ở gần đầu đường, khách tây ta dừng lại khá lâu ngắm nghía hoặc chụp ảnh chiếc nhẫn vàng nổi tiếng thế giới nặng gần 60kg. Vàng được bán theo gram và kilogram thay vì bằng chỉ hoặc lượng. Ngay trong chợ lại có bảng điện tử thường xuyên cập nhật giá vàng theo giờ. Do không bị thuế nên giá vàng ở Dubai rẻ hơn các nơi...Tuy nhiên vì đã được thông tin là công chế tác rất cao nên chẳng thấy mấy du khách Việt mua sắm.
Những ngày lướt cùng thành phố Dubai, tôi còn nhìn thấy một số cách dùng - chơi vàng khác: cây ATM mạ vàng để khách chú ý đút thẻ rút vàng; những chiếc ô tô dát vàng từ đầu tới đuôi bóng lộn; nhiều điện thoại dát vàng bày bán, có chiếc giá lên tới 700.000 Dirham (hơn 4 tỷ đồng); rồi bánh, kem, trà dát vàng hay mạ vàng.
Trong một cửa hàng lưu niệm, chúng tôi được đưa vào một phòng toàn thảm thêu chỉ vàng. Một anh trong đoàn chắc yêu thích hàng độc nên đã mạnh tay mua một tấm thảm gần 50 triệu đồng.
Có lẽ cách chơi - dùng vàng đã góp phần làm nên thương hiệu “Thành phố xa hoa” cho Dubai chăng?.
Trên bến dưới thuyền tại Dubay
Thành phố - cũng là tiểu quốc Dubai, thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE). Diện tích 4.114 km2, tương đương diện tích tỉnh Tây Ninh.
Dân số Dubai hơn 2,7 triệu người, trong đó chỉ có khoảng 20% là dân bản xứ. Thu nhập quốc dân trên đầu người 75.000 đô la /năm
Hơn 70 trung tâm mua sắm, trong đó Dubai Mall là khu mua sắm có diện tích lớn nhất hành tinh, gần 550.000m2
Dubai có vô số nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt bằng màng Polyamide. Nước sinh hoạt được tái chế để tưới cây cỏ. nhằm làm xanh hóa sa mạc.
(Nguồn tổng hợp)
Những kiểu chơi ít đụng hàng
TTO - 10% diện tích là đô thị, còn lại sa mạc. Không sông suối, hiếm hoa lá cành, gần như chẳng có mây, mưa. Từ những đặc điểm trời định sẵn đó, giờ Dubai đã biến hóa, tạo ra những điểm tham quan làm tròn xoe mắt du khách.
Vườn hoa lớn nhất thế giới thu hút khách tây lẫn ta
Tặng sa mạc “hòn ngọc xanh mát”
Chiếc máy bay khổng lồ gắn nhãn Emirate (hãng hàng không quốc gia của UAE) nằm bất động trên đất và toàn thân gần như… phủ hoa trắng xóa. Đó có là chiếc “máy bay hoa” duy nhất trên thế giới chưa? Tôi tự hỏi và gạt ngay thắc mắc đó khi tiếp tục đi dạo trong Miracle Garden (vườn hoa kỳ diệu).
Có quá nhiều sản phẩm được tạo hình trên các thảm cỏ, hoa. Nào xe lửa, xe điện, tàu thuyền, rồi lâu đài, cung điện, cối xay gió, đến đà điểu, vịt giời và cả mỹ nhân… Tôi chú ý thấy có một điểm tương đồng giữa các du khách trong và ngoài tiểu quốc sa mạc này là hay chọn đi dưới những “đường hoa trái tim”. Tất nhiên không ai bỏ qua cơ hội làm vài pô ảnh kỷ niệm.
Trong các thông tin về vườn hoa được bình chọn lớn nhất thế giới này đều có nhắc hai con số: hội tụ 45 triệu bông hoa trên diện tích 70.000m2. Giữa khô cằn sa mạc mà “mọc” lên một “hòn ngọc xanh mát” như thế quả là kỳ diệu như chuyện cổ tích. Vài du khách săm soi rất kỹ các bụi hoa để xem dây mơ rễ má của nó có gắn chặt vào cát sa mạc không?
Vườn hoa lớn nhất thế giới
Một anh bảo vệ vườn hoa đã nở nụ cười ý nhị khi nhìn thấy điều đó. Vâng, nếu chỉ là lắp ghép thì chẳng mấy chốc hoa sẽ héo tàn. Làm sao mà tươi đẹp hết tháng này đến năm kia. Chỉ có điều là vào những tháng hè nắng gắt ở Dubai, vườn hoa trùm mền không đón khách. Mọc lên từ sa mạc thì được rồi, nhưng để hoa luôn ngẩng cao dưới cái nóng hơn 40o thì phải tính tiếp. Chị Nguyễn Hương, một du khách có vẻ sành hoa, nhận xét sau khi tham quan: không có hoa lạ so với các loài hoa ở Việt Nam song tạo hình lại rất đẹp.
Một chương trình văn nghệ
Gần giữa ngọ. Dưới một đường vòm có một người đàn ông châu Âu đang đẩy xe lăn cho một người phụ nữ châu Á. Trong phút chốc, ánh nắng chói chang dường như bị chặn lại.
Kiểu cưỡi lạc đà của du khách trên sa mạc là luôn có hỗ trợ
Mạo hiểm với… cát
Ai có bệnh về tim, bị say xe hoặc thường buồn nôn, chóng mặt, đau lưng nên cân nhắc khi tham gia. Đó là lưu ý của hướng dẫn viên trước giờ xuất phát chuyến dạo chơi mang hơi hướm mạo hiểm - khám phá sa mạc Safari bằng xe Land Cruiser hai cầu. Vài khách nghe vậy bỏ cuộc. Só còn lại chia thành nhóm sáu người/xe và… hồi hộp lên đường.
Gần một tiếng phóng trên đường nhựa, đoàn xe đỗ xịch trước siêu thị Jabal Arafat. Du khách tứ xứ tập trung ở đây khá đông và nhiều người đang cò kè trả giá (chuyện thường ngày ở Dubai) mua khăn. Bị tâm lý đám đông, cuối cùng tôi quyết định chi ra 3 đô để mua chiếc khăn rằn quấn đầu. Thế mới ra vẻ dân chơi sa mạc chứ!
Năm phút thử bách bộ cùng cát sa mạc chẳng nhẹ nhàng
Sa mạc hoang vắng với những đồi cát uốn lượn kia rồi. Các tài xế dừng lại, xì bớt hơi cho bánh xe mềm hơn để có thể chạy được trên cát. Lần lượt từng xe vào trận cùng yêu cầu: thắt đai an toàn, nắm chặt tay vịn và lấy sẵn túi nilông ra phòng hờ bị ói. Xe phóng nhanh, vượt lên triền dốc cao che khuất cả tầm nhìn, rôi chúc đầu xuống dốc và lại như dựng đứng lên trước cái dốc kế tiếp cao hơn. Xe nối xe uốn lượn ngoằn ngoèo, có lúc cát cuộn bốc lên mù mịt, chẳng thấy hướng, chẳng thấy đồi...
Mặc cát gầm ghè, các bác tài vẫn phi nước đại mà không hề đâm vào nhau. 15 phút đầu trôi qua, tự kiểm nhanh tôi thấy mình chịu đựng được những pha nhào lộn căng thẳng; trừ vài lúc xe vòng qua mép đồi cát, bụng tôi đánh lô tô liên tục. Vì trời ơi, chiếc xe nghiêng gần như sắp lật đến nơi. Bao căng thẳng hồi hộp tan nhanh khi xe dừng lại trên một đồi cát cao để du khách chụp ảnh.
Chiều xuống, buông ánh tà dương tạo thêm nét lãng mạng nơi hoang mạc. 15 phút chạy tiếp thì khỏi cần tự kiểm gì cả! Mặc xe tiếp tục nhào lộn, tôi cũng như nhiều khách trên xe nôn nóng chờ đợi điểm đến. Trải nghiệm cảm giác mạo hiểm bằng xiếc - xe thế là đủ nhớ đời rồi.
Mười phút lững thững cưỡi lạc đà trong khu vực lều trại sau đó giúp khách nhẹ nhàng ổn định lại nhịp đập của tim. Lạc đà được dân địa phương dắt đi nên khách cứ ung dung yên vị. Thỉnh thoảng có nàng lạc đà lên cơn khụm xuống, gào la nhưng rồi bị anh nài cắt cơn ngay. Hành trình cưỡi lại tiếp tục…
Để khi đêm buông xuống thì như là bao hồi hộp chưa hề đi qua ai. Hàng trăm du khách Á - Âu cùng ngồi xếp bằng trên thảm trải giữa sân cát, trong một khu vui chơi nằm chơ vơ giữa sa mạc mênh mông. Xung quanh bàn tiệc là những túp lều dựng bằng lá cọ khô, nơi phục vụ các món nướng, rau trộn và nước uống. Giữa đất trời sa mạc lộng gió, ngồi nhâm nhi mấy món thịt, bột nướng và xem các chàng trai cô gái Ả Rập múa bụng, múa lửa , múa ánh sáng… thật thú vị. Trong một khung cảnh có một không hai trong đời như thế, tôi lại quyết định chi khoảng 8 đôla để chơi một lon bia cho thỏa cơn sướng.
Ừ, dù gì trong thành phố Duai rất khó tìm chỗ mua bia rượu mà!
Xem múa bụng giữa đất trời sa mạc có sức hấp dẫn mới lạ với du khách
Không cần mùa đông băng giá
Lúc còn ở nhà, nghe nói đến Dubai nếu thích thì đi trượt tuyết, tôi cứ nửa tin nửa ngờ. Ở một xứ sở gần như nắng nóng quanh năm, đất cát sa mạc khô cằn thì lấy đâu ra tuyết? Làm tuyết nhân tạo thì liệu được bao nhiêu để phủ dày bảy tấc cho cả chục ngàn mét vuông?…
Trung tâm thương mại Mall of the Emirates nằm ở khu phố mới của Dubai. Vào, băng qua sảnh, đi sâu vô trong là gặp ngay khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Ski Dubai (khu trượt tuyết trong nhà đầu tiên ở Trung Đông lớn thứ ba thế giới).
Xế trưa, ngoài trời đang nắng gắt, nhưng tôi và hàng trăm du khách vẫn kiên nhẫn xếp hàng để nhận đồ dùng giữ ấm, gồm áo khoác, quần, ủng, tất, găng tay, nón đội đầu (chỉ cho trẻ em). Đoàn chúng tôi không ai hỏi ván, gậy trượt tuyết (bao gồm trong giá vé) vì có biết trượt đâu. Còn học tại chỗ thì không có thời gian.
Vừa bước qua cánh cửa chia tách “thế giới”, cái lạnh của âm 2oC ập đến ngay. Phải thể dục tại chỗ một lúc mới thích nghi được. Lướt một cái nhìn bao quát đã thấy ngay nơi đây cũng lắm trò: đồi tuyết, động tuyết, lăn bong trên tuyết, ngồi cáp treo vượt tuyết…
Nam, một thành viên tuổi mới lớn trong đoàn, đã nhanh nhảu vào cáp treo, lên tận đỉnh cao công viên thoải mái ngắm nhìn thiên hạ nghịch tuyết - người chống hai cây lướt đi, người ngồi máng trượt vút…
Để thử trải nghiệm, Nam đi cầu thang lên một chòi cao. Cô nhân viên đưa ra một cái máng lớn bằng nhựa xốp rồi khoác tay ra hiệu cho Nam nằm vào và đẩy nhẹ một cái. Chiếc máng lao xuống càng lúc càng nhanh, gió ù ù hai bên tay… Cảm giác hồi hộp trong Nam tăng lên khi xe của Nam va chạm với một xe khác trên đường trượt.
Rất may là lịch của đoàn không cho phép khách lưu trú lâu, nếu không có người phát cóng mất. Dù vậy có khách cũng hơi tiếc là bỏ lỡ buổi diễu hành trên băng của những chú chim cánh cụt… Riêng tôi trước khi rời công viên, còn vục tay bóc xem thử một nắm tuyết. Xốp, nhẹ, đúng là… hàng thật. Một du khách sành chuyện kể nước đã qua khâu làm mát (của hơn 20 máy thổi hơi lạnh) sẽ được thổi ra từ các súng phun tuyết nằm trên trần nhà và khi gặp môi trường đóng băng, nước sẽ kết tinh tạo thành tuyết.
Tôi hất tung nắm tuyết lên không, ngước nhìn những mảnh tuyết rơi lả tả. Cảm xúc thăng hoa: Ừ, cứ như mình đang ở trời Âu mùa đông!
Diện tích nhỏ, dân số ít nhưng Dubai lại có quá nhiều khu vui chơi giải trí, tham quan hoành tráng. Có thể điểm danh vài địa chỉ :
Siêu công viên giải trí Dubai, diện tích 2,8 triệu m2, lớn nhất thế giới. Đây là tổ hợp của ba công viên chủ đề là Bollywood, Holywood và công viên nước Lego với hơn 100 trò chơi đủ loại.
IMG World of Adventure công viên giải trí trong nhà lớn nhất thế giới với diện tích 140.000m2 và có rạp chiếu phim với 12 màn hình.
Công viên nước Aquaventure, sở hữu các tháp rơi tự do, đường trượt nước dài 1,6km với nhiều thác ghềnh, cầu trượt có chiều cao tương đương chín tầng, xuyên qua bể nước đầy cá mập.
Đài phun nước Dubai có chiều dài 275m, với 6.600 bóng đèn chất lượng cao và 25 máy chiếu màu tạo được hơn 1.000 hình ảnh.
(Nguồn tổng hợp)
Hàng tỉ mét khối cát đá lấp biển
TTO - 31 tuổi, hướng dẫn viên Zayed là người bản xứ mà tôi tiếp xúc ngay khi vừa đặt chân xuống Dubai. Cao to trong bộ trang phục truyền thống Kandura, Zayed bập bẹ “Chào buổi sáng” với tôi.
Du khách lũ lượt vào xem các túp lều tranh của dân nghèo hồi ấy
Và anh đã đưa chúng tôi đi chào buổi sáng Dubai tại hai điểm gắn liền với thành phố ngày xưa.
1. Ấn tượng đầu tiên khi tôi đặt chân vào khu phố cổ Al Bastakiya là… những con đường. Đường và cả hẻm nữa đều bé xíu mà lại ngoằn ngoèo, đan xen giữa một không gian tĩnh mịch. Những ngôi nhà na ná nhau, hình hộp, xây bằng thạch cao, đá vôi, san hô, điểm tô vài vòm tròn trên tường, cửa hay bancông. Thỉnh thoảng có những ngôi nhà chĩa ra ngoài nhiều đường ống như giàn giáo đang làm dở dang.
Hướng dẫn viên Minh Vũ giải thích: Đấy là những tháp đón gió. Gió sẽ theo đường ống vào làm dịu bớt khí hậu nóng bức. À thì ra cũng một kiểu máy điều hòa đây mà. Dạo bước tôi bắt gặp vài quán cà phê nằm lọt ở các sân trong với cây xanh, hoa tươi thắm, bàn ghế gỗ đơn giản nhưng có gối tựa lưng lịch sự. Có quán nằm liền kề với phòng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật Ả Rập, Ấn Độ... khá thú vị. Khu phố cổ được phục chế này là của các thương nhân nên mới có nhà tường và “máy lạnh”.
Còn xóm nghèo xưa đâu? Theo chân Zayed, chúng tôi đến Bảo tàng Dubai, nơi tái hiện quá trình 60 năm vươn lên của tiểu vương quốc này.
Vừa qua cổng bảo tàng, tôi bước vào một khoảng sân rộng lớn có giếng nước (Jayed nói giếng là của quý ở vùng sa mạc), những mái nhà hay lều lợp lá cọ với cột gỗ. Phía ngoài nhà có một khoảnh sân chỉ có mái, không vách. Đó là nơi ngủ mát vào những đêm hè nóng bức.
Đi sâu vào trong, đời sống của dân bản xứ ngày trước được tái hiện khá sinh động, dù trong ánh sáng nhờ nhờ của thời gian khổ ngày xưa. Một ngư dân áo quần cũ kỹ ngồi bó gối vá lưới. Một cửa hàng tạp hóa nhỏ bé lổn ngổn chai lọ. Một xưởng đóng thuyền bừa bộn. Một cửa hàng may nằm gần cửa hiệu kim hoàn. Một quầy bán gia vị với những bao bịch chà là, tiêu, gừng, vừng, tỏi.
Tôi có phần bất ngờ khi trôi theo dòng đời ngày xưa ấy, có một chỗ gọi là lớp học. Lớp là một căn phòng nhỏ gọn gàng, với bốn thầy trò mặc Kandura hẳn hoi nhưng lại ngồi xếp bằng dưới nền đất. Thầy cầm một que nhỏ chỉ vào những trang sách đang mở ra, đặt trên ba cái ghế xếp… Nghèo thì nghèo vẫn phải học thôi! Ít nhiều gì thì cái chữ học được ngày xưa đó đã góp phần làm nên một Dubai hôm nay.
Dù có nhiều trung tâm thương mại bề thế nhưng Dubai vẫn còn một số chợ, cửa hàng xập xệ. Ảnh tiệm bán quần áo bên vỉa hè sát lạch Dubai
2. Nhớ lại, đi trên đường phố Dubai dù lớn hay nhỏ, tôi đều ít thấy người mà chỉ toàn cao ốc, công trình và xe cộ (không có xe máy). Tôi muốn thử ngắm nhìn một phụ nữ mặc quần áo đen bịt kín mặt chỉ chừa đôi mắt là rất khó. Phải đợi đến lúc vào tham quan Sheikh Zayed - ngôi thánh đường Hồi giáo lớn nhất thế giới tôi mới được toại nguyện.
Người dân Dubai chính hiệu, đa phần đều cao to và có nét đẹp như người châu Âu. Thoạt nhìn có cảm tưởng như người bản xứ rất nghiêm nghị và có phần khó tính, thậm chí không muốn tiếp xúc với du khách. Tôi nhầm. Một buổi chiều, trong lúc nhiều khách đổ xô đi trả giá, mua chà là, tôi chợt thèm cà phê. Nhờ vài người bản xứ nhiệt tình chỉ trỏ, cuối cùng tôi cũng tìm ra một quán ọp ẹp nằm ở cuối dãy nhà bán thịt bên kia đường.
Chủ tiệm đã đổ cà phê vào ly nhựa, nhưng khi thấy tôi móc ra tờ giấy 10 USD thì lắc đầu, ra dấu không có tiền thối. Tôi định quay ra tìm chỗ đổi tiền, bất ngờ một người đàn ông râu rậm đứng gần đấy đã xổ một tràng tiếng Ả Rập, chìa ra một tờ giấy bạc Dirham, rồi cầm ly cà phê đưa tôi và ra hiệu cứ đi đi.
Ra ngoài đường, đang nhâm nhi cà phê, bất chợt nhà - tài - trợ - không - điều - kiện của tôi cũng vừa bước ra. Anh cười chào tôi một cái và bước đến chiếc xe tải chở hàng đậu gần đó phóng đi. Là dân lao động bình thường, thu nhập chắc kém nhiều người mà sao anh ta tốt bụng thế nhỉ…
Ở Dubai dân nhập cư nhiều gần gấp bốn lần dân bản xứ. Thế nhưng xem chừng điều kiện sống của họ thì khó khăn hơn. Một lần, chúng tôi có dịp ngồi ăn trưa, trò chuyện lâu (bằng tiếng Anh) cùng Mamdou, người Ai Cập, nhập cư Dubai tròm trèm bốn năm.
Gần tuổi 40, nhưng người đàn ông Hồi giáo này vẫn chưa có vẻ ổn định gia đình và sự nghiệp. Phải sáu tháng anh mới về thăm vợ và hai con một lần, dù thời gian từ Dubai về nhà anh ở Ai Cập chỉ mất bốn tiếng. Sao phải xa vợ con lâu thế? Để tiết kiệm chi phí tiêu xài. Anh có ý định đưa vợ con qua đây sống để đoàn tụ gia đình không? (lắc đầu) Các con tôi qua đây đi học thì không được chế độ như con em người bản xứ… Chi phí tiền học mỗi đứa con 8.000-10.000 USD/năm. Quá cao so với tiền tôi kiếm được nơi này!…
Một khách sạn 5 sao bề thế ở đảo Cọ
3. Trước ngày lướt đa chiều cùng Dubai, tôi không ít lần nghe đồn rằng Dubai giàu có, xa hoa lắm nhờ dầu mỏ. Những thông tin nắm được trên hành trình làm tôi ngộ ra: không phải vậy. Dầu mỏ chỉ chiếm 6- 7% GDP của nước này.
Doanh thu chính của Dubai chủ yếu là từ bất động sản, du lịch và các dịch vụ tài chính. Trong đó những gì nổi trội nhất, rõ mồn một trước mắt du khách đều thuộc về bất động sản. Mà điển hình là quần đảo nhân tạo Cây Cọ được mệnh danh kỳ quan thứ tám của thế giới.
Lần đầu tiên trong đời tôi ra đảo bằng tàu điện. Minh Vũ giải thích: Ra đảo cũng có đường bộ (nhân tạo cả), nhưng ngồi tàu điện, chạy trên cao quan sát cảnh đảo rất đẹp. Mà đúng là đẹp thật. Đẹp không sợ đụng hàng, tàu lần lượt qua đủ tám cặp “nhánh cọ”, chìa đều ra hai bên phải, trái.
Những nhánh cọ cong cong hình lưỡi liềm, dài ngắn khác nhau và ăn theo chúng là 32 đường ven biển mới. Ẩn - hiện, ẩn - hiện... cùng màu xanh của biển là những ngôi biệt thự, căn hộ xinh xắn. Tuy có tới hơn 5.000 ngôi nhà, vậy mà nghe nói rằng mỗi căn biệt thự nơi đây giá bèo nhất cũng phải… trên 10 triệu đô.
Đi tới cuối đường tàu điện là nhìn thấy Atlantis - một khách sạn sang trọng nhất trên quần đảo này. Dù chỉ là khách quá giang nhưng đoàn chúng tôi vẫn có thể vào một góc của khách sạn để mua sắm hay ra cái sân nhỏ ăn kem, uống cà phê. Tôi còn tò mò đi ra ngoài băng qua con đường lớn, đèn xanh đèn đỏ, xe cộ dập dìu để bước dọc lan can ven biển. Vừa đi vừa ngắm cảnh, vừa thấm thía chuyện ở xứ này…
Chuẩn bị rời Dubai, tôi cứ băn khoăn: xếp thành phố này vào loại nào? Các “ngôn từ có cánh” được tung ra để nhận xét về Dubai đều ít nhiều có “tang chứng vật chứng”, khó xếp hạng. Thôi thì để qua bên các quyết sách táo bạo của Dubai, tôi mượn một cách nói quen thuộc của dân ta : Thành phố không có việc gì khó, chỉ quyết chí là ắt làm nên!.
- Giàu hay nghèo thì hầu hết người bản xứ vẫn thường mặc trang phục truyền thống. Nam giới mặc kandura - một loại áo vải trắng dệt từ lông cừu hoặc bông, dài đến mắt cá chân, nữ mặc abaya, loại áo khoác màu đen, che hầu hết các phần của cơ thể. Hiện nay ra phố, quần áo kiểu phương Tây có lấn lướt bởi vì phần lớn dân số là dân nhập cư và người bản xứ cũng dần thay đổi cách ăn mặc
- Tuy có nhiều trung tâm thương mại hoành tráng, sang trọng nhưng Dubai vẫn còn một số khu chợ, cửa hàng bình dân, xập xệ. Cũng như đất nước có thu nhập quốc dân trên đầu người cao, nhưng không phải tất cả người dân nào cũng khá giả.
Nhà báo Lưu Đình Triều những ngày lướt đa chiều cùng Dubai
LƯU ĐÌNH TRIỀU
(nguồn: Báo Tuôi Trẻ diện tử - tuoitre online từ ngày 19.2 đến 21.2.2017)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|