BÁO CHÍ Thư mục Lưu Đình Triều LƯU ĐÌNH TRIỀU: Tượng đài và hoa - * Đài chưa có chỗ, tượng chưa có hình

LƯU ĐÌNH TRIỀU: Tượng đài và hoa - * Đài chưa có chỗ, tượng chưa có hình

Mục lục
LƯU ĐÌNH TRIỀU: Tượng đài và hoa
* Điểm trang mặt phố Tết
* Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có nhiều đường hoa
* Đài chưa có chỗ, tượng chưa có hình
Tất cả các trang

 

Tượng đài kỷ niệm 30 năm thống nhất đất nước:

Đài chưa có chỗ, tượng chưa có hình


TT - Chỉ còn 10 tháng nữa cả nước sẽ long trọng kỷ niệm 30 năm ngày thống nhất đất nước. Nhưng công trình xây dựng tượng đài kỷ niệm sự kiện trọng đại này hiện đã được “bàn” đến đâu? KTS Nguyễn Văn Tất cho biết rõ hơn về con đường đi ba năm đầy trúc trắc của công trình này...

Trong cuộc làm việc gần đây giữa Ban văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM, một số ý kiến thắc mắc về tượng đài kỷ niệm 30 năm ngày thống nhất đất nước: đã thực hiện tới đâu? Nghe nói vị trí đặt là phía sau nhà thờ Đức Bà, liệu có phù hợp không?...

Ý kiến trên như là một sự tiếp nối của dư luận đã râm ran khá lâu về một công trình nghệ thuật có ý nghĩa to lớn, không chỉ của riêng TP.HCM. Để có thêm thông tin cho người dân TP, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất - người gắn bó mật thiết với công trình này.

 

nguyen_van_Tat

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất

* Nghe nói tượng đài này xuất phát từ ý tưởng của ông Võ Văn Kiệt, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, nguyên thủ tướng Chính phủ?

- KTS Nguyễn Văn Tất: Đúng! Đây là ý kiến của chú Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) từ năm 1976. Tên gọi ban đầu là Chiến thắng, sau được đổi lại là Thống nhất. Theo tôi, tên gọi này phù hợp và có ý nghĩa hơn - đoàn kết lực lượng. Việc đổi tên này cũng là một quá trình.

* Bây giờ dường như đang trong một quá trình khác, "gay go" hơn: chọn chỗ đặt tượng đài?

- Nhiều chỗ được nhiều người muốn đặt. Lúc thì trước Thảo cầm viên, ở cửa sân bay Tân Sơn Nhất, khi thì tại cửa ngõ Sài Gòn và có lúc được đưa qua bên Thủ Thiêm.

Từ đầu năm 2001 TP có giao cho Hội Kiến trúc sư và Văn phòng kiến trúc sư trưởng phối hợp chuẩn bị đề án xây dựng tượng đài. Hội Kiến trúc sư TP đã thành lập một nhóm nghiên cứu góp ý định hướng qui hoạch kiến trúc tượng đài gồm các KTS Khương Văn Mười, Võ Thành Lân, Nguyễn Trường Lưu, Phạm Doãn Thuật, Vũ Đại Hải và tôi được phân công làm thường trực của nhóm.

Sau khi nghiên cứu bàn bạc thảo luận, chúng tôi kiến nghị được phép duyệt vị trí đặt trước rồi mới thi thiết kế tượng đài, bởi đơn giản là “phải biết chân rồi mới đóng giày”. Đồng thời cũng kiến nghị luôn định hướng chọn đặt tượng đài.

* Nhóm đã chọn và đề nghị mấy vị trí?

- Chỉ một. Đó là trung tâm ngã tư Pasteur - Lê Duẩn, vì: trục Lê Duẩn có những ưu thế tuyệt đối, không có trục thứ hai: “Trục Lê Duẩn là trục đường long trọng duy nhất nằm trong khu vực long trọng duy nhất của TP.HCM, rất có ưu thế để chứa đựng các công trình có ý nghĩa long trọng, nghiêm túc, hoành tráng.

Đặt một tượng đài mang ý nghĩa kết thúc cuộc chiến tranh gian khổ, thống nhất đất nước ngay trên con đường tiến quân trực diện, đi thẳng vào cổng ngõ đồn lũy cuối cùng của đối phương, để khẳng định dấu ấn chiến thắng thì trục Lê Duẩn có ưu thế tuyệt đối...

Bốn thảm cây công viên 30-4 là diện tích lớn duy nhất (4,2ha) còn lại trên trục đường này làm không gian liên kết các công trình quan trọng chung quanh: nhà thờ Đức Bà, Bưu điện trung tâm, dinh Thống Nhất, Sở Ngoại vụ...

Riêng dinh Thống Nhất được sử dụng làm hình ảnh phông cho tượng đài như thủ pháp không thể thiếu phục vụ mục đích, ý tưởng...”. (Lược trích từ Bản góp ý định hướng qui hoạch kiến trúc Tượng đài Thống nhất của Hội Kiến trúc sư TP.HCM)

* Thật lòng mà nói, bản thân chúng tôi nghĩ đến chuyện đốn cây xanh ở nơi này cũng thấy xót xa. Dù sao đây cũng là khoảng xanh tuyệt đẹp hiếm hoi ngay trung tâm thành phố...

- Cũng có người nghĩ như nhà báo, chỉ mới nghe đụng đến cây xanh là phản đối. Tuy nhiên trong lúc nghiên cứu, chúng tôi đã cân nhắc, tính toán kỹ yếu tố này. Với diện tích hiện có của trung tâm ngã tư Lê Duẩn - Pasteur hiện nay, chúng ta chỉ vạt bốn góc nhỏ của bốn thảm cây công viên là có đủ 1ha.

Với diện tích đó, khối lượng tượng cũng không lớn lắm, có xu hướng thấp hơn tàn cây hiện có (25m), cần nối sinh hoạt công viên 30-4 với không gian sinh hoạt của tượng đài mà không làm ảnh hưởng đến khoảng cách cần thiết dành cho cảm giác chiêm ngưỡng một tượng đài (phải có công trình ngầm để đảm bảo cách ly cho nhu cầu chiêm ngưỡng tượng đài và đủ diện tích cho sinh hoạt tập trung như tranh tường, lưu niệm, dịch vụ...).

nguyen_van_tat_1

Trung tâm ngã tư Lê Duẩn - Pasteur, phông là dinh Thống Nhất - Ảnh: T.T.D.

* Cuối cùng, thành phố có đồng ý với địa điểm đó và chính thức gút lại khi nào?

- Hội Kiến trúc sư TP đã xem xét, thống nhất đề nghị này, sau đó tôi đi báo cáo định hướng này cũng cả chục lần, từ Hội Kiến trúc sư tp, UBND TP đến thường vụ Thành ủy... Sau cùng, thường vụ Thành ủy TP.HCM cũng đã có kết luận. Nhà báo nên xem thông báo này thì rõ hơn...

Bản thông báo kết luận của Ban thường vụ Thành ủy ngày 3-10-2001 "Về định hướng qui hoạch kiến trúc tượng đài Thống nhất" cho biết: Trong phiên họp ngày 26-9-2001, sau khi nghe phó chủ tịch UBNDTP báo cáo lại quá trình chọn địa điểm thiết kế và dự kiến thời gian hoàn thành công trình tượng đài Thống nhất, Hội Kiến trúc sư TP báo cáo về các địa điểm dự kiến đặt tượng đài và phương án đặt tượng đài trước dinh Thống Nhất và ý kiến của đồng chí Võ Văn Kiệt, Ban thường vụ Thành ủy đã thảo luận và biểu quyết bằng phiếu kín, với kết quả đa số thống nhất là: vị trí đặt tượng đài Thống nhất định hướng để nhân dân chọn tại ngã tư Lê Duẩn - Pasteur; giao cho UBNDTP, Hội Kiến trúc sư TP khẩn trương chỉ đạo tổ chức triển khai xây dựng đề án, thiết kế biểu tượng, tổ chức thi chọn tượng đài...; từ đầu năm 2003 tiến hành thi công và hoàn thành công trình trước 30-4-2005...

* Đã có kết luận như thế, nhưng vì sao chưa thực hiện được? Trong khi, theo thông tin mà chúng tôi nắm được, mãi đến hơn một năm sau đó - cuối 2002 mới có cuộc thi tượng đài Thống nhất với vị trí định hướng là công viên 23-9, đúng không?

- Đúng là có một cuộc thi, với hơn 50 phương án tham gia (một phương án đầu tư thấp lắm cũng 50 triệu đồng), thi ba vòng... Cuối cùng, tới vòng trong rồi thì cuộc thi cũng ngưng luôn vì một tượng đài hoành tráng, có ý nghĩa lớn mà đưa vào công viên 23-9 thì như cây kim cắm giữa một rừng hộp quẹt. Còn vì sao có sự thay đổi lẳng lặng đó tôi không được rõ.

* Và rồi ý định thực hiện công trình tạm gác lại?

- Không! Tôi được gọi đi báo cáo, tiếp tục biện luận vì sao chọn ngã tư Lê Duẩn - Pasteur. Lần gần đây nhất (cách khoảng ba tháng) là với UBND TP.HCM, với sự có mặt của Chủ tịch UBNDTP Lê Thanh Hải. Đến lần này thì tôi không nói về phương án nữa mà tập trung về phương pháp kết luận. Chúng ta sẽ dùng phương pháp nào để kết luận vấn đề này?

* ? ? ?

- Nhóm nghiên cứu là những nhà chuyên môn, nhìn vấn đề bằng con mắt chuyên nghiệp, có xem xét, tính toán cân nhắc tổng quan. Kết quả đưa ra được tập thể lãnh đạo có trách nhiệm cao nhất biểu quyết đồng ý với đa số. Thế nhưng rồi vẫn bị “ách” lại vì một lá thư tay, một ý kiến cá nhân nào đó đề nghị phải chọn một vị trí khác...

* Thông cảm và xin chia sẻ cùng anh nỗi phiền muộn về chuyện một ý kiến cá nhân làm đảo lộn sự nghiên cứu và sự đồng thuận của đa số. Nhưng xin được phép hỏi "rướn" tới một chút: anh nghĩ sao nếu đưa vấn đề ra lấy ý kiến rộng rãi của người dân, như đã từng làm với công trình trụ sở Quốc hội mới?

- Tôi tin rằng sự đồng thuận 100% là rất khó. Ngay như tòa nhà Quốc hội, số phiếu ủng hộ cho ba phương án được hội đồng chấm thi quốc tế (với nhiều thành viên có uy tín) đánh giá cao cộng lại vẫn không bằng số phiếu dành cho một phương án mà hội đồng đánh giá thấp.

* Nhưng nếu đó là cuộc thăm dò lấy ý kiến của HĐND TP - đại biểu cao nhất của người dân - với một số lượng người vừa phải mà tiêu biểu nhất?

- Theo tôi, chuyện gì cũng có hai mặt. Vấn đề là phương pháp tổng hợp ý kiến và phương pháp sử dụng các ý kiến đóng góp.

* Cuối cùng là câu hỏi mà có lẽ nhiều người muốn hỏi nhất: Giả dụ bằng một phương pháp kết luận nào đó, trong tháng bảy này vị trí đặt tượng đài được thông qua, liệu với một tiến độ cực kỳ nhanh, mọi người dân TP có thể chiêm ngưỡng được tượng đài Thống nhất, đúng cái hẹn 30 năm?

- Chắc chắn là không! Chọn được vị trí rồi còn phải thi phương án tượng đài, rồi phải chấm chọn. Xong còn phải chờ nhà điêu khắc sáng tác (hay nhất là nhà thiết kế và điêu khắc nên đi chung ngay từ đầu). Dù vậy, tôi vẫn xin nhấn mạnh: tượng đài là một công trình nghệ thuật và có ý nghĩa rất to lớn, lại không phải là của riêng TP.HCM, do đó phải có chỗ sang trọng và cần được thực hiện càng nhanh càng tốt. 30 năm rồi còn gì!...

LƯU ĐÌNH TRIỀU 

(nguồn: http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/41142/Dai-chua-co-cho-tuong-chua-co-hinh.html)

Chia sẻ liên kết này...



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com