Mục lục |
---|
LƯU ĐÌNH TRIỀU: Tượng đài và hoa |
* Điểm trang mặt phố Tết |
* Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có nhiều đường hoa |
* Đài chưa có chỗ, tượng chưa có hình |
Tất cả các trang |
Những bài báo này, nhà báo Lưu Đình Triều đã viết từ những năm trước. Trong đó, anh đặt vấn đề với người đại diện của Nhà nước, giới chuyên môn về vị trí của tượng đài tại TP.HCM, về ý tưởng xây dựng đường hoa nhân dịp xuân về.
Một đoạn đường hoa Nguyễn Huệ
Đọc lại, ta thấy ý nghĩa thời sự vẫn còn và còn là điều đáng để suy ngẫm... Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
L.M.Q
XI.2012
Điểm trang mặt phố Tết
TT - Sáng qua, 13-1-2004, trước khi làm việc với ông Hồ Hùng Vân, phó tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo các hoạt động trang trí và lễ hội Tết Giáp Thân, chúng tôi đã đánh một vòng trên đường Nguyễn Huệ. Dấu hiệu tết hãy còn lơ thơ lắm: hai chậu mai vàng lớn đặt ngay cửa vào thương xá Tax, những chậu hoa tết xếp hàng trước khách sạn Kim Đô, nhưng...
"Từ 18g ngày 20-1 (29 tháng chạp), "gương mặt" Nguyễn Huệ (và cả Đồng Khởi, Lê Lợi) sẽ khác hẳn - xinh đẹp, rực rỡ và đầy không khí tết". Ông Hồ Hùng Vân cười đầy vẻ hi vọng khi nói về cuộc thi trang trí Mặt phố tết xuân 2004 tại ba con đường nói trên. PV Tuổi Trẻ đã hỏi tiếp:
Mặt tiền thương xá Tax được chỉnh lại để đón tết - Ảnh: L.Đ.
* Vì sao lại chọn tết 2004 để làm một cuộc điểm trang đường phố?
- Ông Hồ Hùng Vân: Thật ra chúng tôi đã "âm mưu" góp phần xây dựng một lễ hội tết đúng nghĩa cho TP, trong đó bao gồm cả việc trang trí mặt tiền đường phố, từ năm kia. Do chưa đủ điều kiện thực hiện nên hai năm rồi chỉ "bày trận" làm nho nhỏ trong nội bộ ngành, như trang trí mặt tiền một số khách sạn, thi sáng tác lồng đèn Sài Gòn...
Năm nay điều kiện tương đối chín muồi, nên chúng tôi đã đề nghị và được UBND TP chấp nhận đưa vào hoạt động chính thức của lễ hội Tết Giáp Thân.
* Một cuộc thi trang hoàng mặt tiền nhà phố xem ra còn quá mới lạ đối với người dân TP. Muốn dự thi, có phải... làm đơn, cách thức thi như thế nào?
- Người dân dự thi không phải làm đơn từ gì cả. Cứ trổ tài trang hoàng mặt tiền nhà mình bằng hoa tươi, ánh sáng đèn và các phụ liệu trang trí sao cho nhìn sáng đẹp, nổi bật và thể hiện được không khí ngày tết là đạt chuẩn dự thi.
* Trên ba con đường được chọn tổ chức thi năm nay, có nhiều trụ sở công ty, khách sạn bình thường đã sang đẹp, nổi lắm rồi, do vậy hộ dân, nhà chung cư muốn so tài e sẽ kém thế...
- Để cuộc thi thố được cân sức ngang tài, chúng tôi có 10 giải thưởng chia làm hai khối: khối kiến trúc lớn gồm các cao ốc, khách sạn, trung tâm thương mại. Khối kiến trúc nhỏ gồm cửa hàng, nhà hàng, hộ dân.
Mỗi khối đều có năm giải về trang trí, ấn tượng, ý tưởng; với phần thưởng là những chuyến du lịch (hai người) đi Pháp, Hong Kong, Singapore, Thái Lan hoặc Hà Nội, Nha Trang (tùy theo mức độ đoạt giải).
Ban giám khảo cuộc thi có bảy người, trong đó có ba kiến trúc sư, hai họa sĩ... Ban giám khảo sẽ đi chấm hai lần (sáng 30 tháng chạp và tối mồng 2 tết), chọn những mặt tiền có tính thẩm mỹ cao về phần trang hoàng, trang trí lễ hội (không chấm phần kiến trúc) để đưa vào danh sách xem xét trao giải.
* Vừa làm đẹp nhà mình để đón tết vừa kết hợp dự thi cho có ý nghĩa, đó là chuyện tự sáng tạo của mỗi hộ dân đang sinh sống hoặc buôn bán trên ba con đường nói trên. Còn nhìn rộng ra hơn là chuyện điểm trang cả con đường sao cho xứng đáng là con đường "trẩy hội, du xuân". Việc này hẳn phải có bàn tay kết nối chung?
- Vâng, có một công ty lo thiết kế chung. Nói cho oai một chút: Chúng tôi muốn tạo ra những con đường có ba tầng hoa: hoa trưng bày dưới đất, hoa treo thả lưng lửng trên những chiếc cột xoắn, hoa trang trí ở trên nóc nhà. Tất nhiên kèm với hoa là ánh sáng đèn.
Riêng đường Nguyễn Huệ sẽ chia làm hai đoạn. Đoạn từ Tôn Đức Thắng đến Mạc Thị Bưởi sẽ giao cho CLB Hàng Việt Nam chất lượng cao. CLB sẽ thực hiện ý tưởng tái hiện một làng Việt ngay trên phố. Đoạn còn lại từ Mạc Thị Bưởi trở về trụ sở UBND TP sẽ do Saigontourist và Sở Giao thông công chánh đảm nhận.
Ngay khuôn viên tượng đài Bác sẽ mọc lên một "rừng mai". Ngay bùng binh sẽ có một "trống hoa" (hoa đan kết thành hình trống đồng). Đặc biệt sẽ có một hồ sen mấy chục mét vuông ngay trên đoạn đường này. Trên đường sẽ có những chiếc võng hoa treo giữa các cây (rũ hoa)...
* Đến nay chỉ còn đúng một tuần nữa là cuộc thi mặt phố tết bắt đầu. Trong việc chuẩn bị còn điều gì làm ông lo lắng?
- Việc thông tin, vận động người dân ở ba con đường trên còn "lơ mơ" lắm. Theo phân công, địa phương sẽ triển khai đến từng hộ dân cuộc thi này. Nhưng có lẽ gần tết nhiều việc phải lo nên việc triển khai còn chậm.
Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với ông Vân về nỗi lo này, khi một cuộc thăm dò bỏ túi sau đó của PV Tuổi Trẻ với một số hộ dân trên đường Đồng Khởi cho thấy chưa ai biết gì về cuộc thi này. Hi vọng khoảng trống này sẽ sớm được lấp, để cuộc điểm trang mặt phố tết sẽ đa dạng và hấp dẫn hơn trong mắt khách du xuân.
LƯU ĐÌNH TRIỀU
(nguồn: http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/16234/Diem-trang-mat-pho-Tet.html)
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có nhiều đường hoa
TT (TP.HCM) - Phải hai ngày nữa (29-1-2004, tức mồng 8 tết), hội xuân Giáp Thân mới kết thúc bằng lễ hội đường phố tôn vinh thương hiệu VN. Trước khi có một tổng kết chính thức và đầy đủ từ Ban chỉ đạo các hoạt động trang trí và lễ hội Tết Giáp Thân, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài - đồng thời là trưởng ban chỉ đạo - đã dành choTuổi Trẻ cuộc trao đổi nóng hổi xoay quanh những đánh giá về các nét mới trong hội xuân năm nay.
Ông Nguyễn Thành Tài
* Ấn tượng mạnh nhất với nhiều người dân TP trong những ngày tết vừa qua là con đường hoa Nguyễn Huệ. Sự thành công này, theo ông nhận định từ đâu?
- Từ ý tưởng tái dựng có sáng tạo mới một mảng xanh ngay trên một chốn cũ - đường Nguyễn Huệ. Với nhiều cư dân lâu năm của Sài Gòn, gần như trong ký ức ai cũng có một điều gì đó về chợ hoa Nguyễn Huệ. Mấy năm qua chợ hoa được chuyển đến một số địa điểm khác.
Và nay hoa lại tươi thắm trên con đường này. Không chỉ dưới đất mà cả trên không, người dân thư thái du xuân ngắm hoa mà lại không phải trông thấy cảnh mua bán xô bồ. Hoa được bài trí có chủ đề, sử dụng nhiều loại hoa gần gũi với đời sống và trong thực hiện chúng tôi cố đưa nét hương quê vào như cầu tre, xe thổ mộ, các lu đất, võng, ao sen…
* Nghe nói các ông còn mang cả ếch nhái bỏ vào ao để đêm đến vọng tiếng “ộp oạp” như ở ruộng?
- (Cười) Chúng tôi có thả nhái bầu vào nhưng đêm đèn lại sáng quá nên chúng nhảy đi mất tiêu.
* Nhiều người nghe tiếng đường hoa tìm đến, nhưng từ mồng 3 đã vắng hoa. Ban chỉ đạo không trù liệu sự ăn khách để kéo dài thời gian hơn?
- Cũng có trù tính rồi. Nhưng dẫu mỗi ngày phải ba lần tưới nước chăm hoa thì đến ngày thứ năm hoa cũng bị úa héo, “nhan sắc tàn phai”... Đành làm bốn ngày thôi (29 đến mồng 4 tết), vừa mức thử nghiệm.
* Theo trù tính lúc ban đầu, trên đường hoa còn có những điểm biểu diễn nghệ thuật đặc biệt từ các ô cửa sổ, cửa nhà (window show, door show)…
- Do chưa chuẩn bị kịp nội dung nên chúng tôi quyết định dừng lại. Cũng do chưa chuẩn bị kịp nên dự định thực hiện những băng ghế dọc đường để khách thưởng ngoạn, đặc biệt là khách lớn tuổi có thể nghỉ chân, ngắm cảnh cũng không làm được… Đối với người tổ chức, những trục trặc nho nhỏ đó khiến đường hoa như vậy là chưa được trọn vẹn lắm!
Khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm trong những ngày tết trên đường hoa Nguyễn Huệ - Ảnh: N.C.T.
* Có người thắc mắc việc bài trí hoa rực rỡ, tươi đẹp kéo dài suốt một con đường như thế thì có tốn kém lắm không?
- Tính tất cả chi phí cho hoạt động đường hoa lẫn cuộc diễu hành đường phố sắp tới là hơn 2 tỉ đồng, trong đó tiền ngân sách chưa tới 10%. Đây là một thắng lợi trong việc huy động sức dân, từ các doanh nghiệp cho đến nhà vườn…
* Ngay trên đường hoa diễn ra cuộc thi trang trí mặt tiền phố. Qua quan sát, chúng tôi thấy còn nhiều nhà dân chưa tham gia việc làm đẹp?
- Đúng. Nhiều người dân thấy giải thưởng quá lớn, chắc tiêu chuẩn chấm phải cao mà lại có nhiều công ty, khách sạn lớn trang trí quá qui mô, họ sợ “địch” không nổi nên không tham gia. Cũng có thể nhiều người chưa nắm đầy đủ thông tin về cuộc thi do việc triển khai, vận động còn cập rập.
* Phố đi bộ Đồng Khởi cũng được nhiều người quan tâm đi thử. Không xe cộ, đường có êm ả, mát mẻ hơn, song họ vẫn cảm thấy như còn thiếu thiếu cái gì đó...
- Thực tế là nhiều người dạo trên đường Đồng Khởi một lúc là dồn qua Nguyễn Huệ. Phố đi bộ không chỉ là phố không có xe mà cần phải tính thêm, tạo một số điểm nhấn trên đường. Chẳng hạn một quầy bán nước pha chế sẵn, bố trí lịch sự, trật tự như điểm giải khát trước cao ốc Sunwah trên đường Nguyễn Huệ lâu nay chẳng hạn...
* Dù nhìn chung còn một vài điều chưa ưng ý với người tổ chức, nhưng với đông đảo người dân TP thì cuộc thưởng ngoạn ngày xuân năm nay rất thú vị nhờ đường hoa. Và câu hỏi được đặt ra là liệu sang năm hình thức hội xuân như năm nay có còn tiếp tục?
Ông Nguyễn Thành Tài không trả lời ngay câu hỏi mà kể lại chuyện đêm 29 tết:
Đêm đó là đêm đầu tiên mở màn đường hoa nên ông cũng rảo đường xem sao. Những người ông gặp đầu tiên là một nhóm xơ, trong đó có một xơ ông đã quen trước đây. Xơ nói một mạch với ông đại ý rằng đường hoa và cảnh quan đẹp quá, xin hết sức cảm ơn lãnh đạo thành phố đã quan tâm thỏa mãn nhu cầu thưởng ngoạn xuân của người dân và cũng hỏi sang năm có làm nữa không.
Khi ấy ông Tài đã trả lời không những tiếp tục làm mà sẽ còn làm ở nhiều nơi... Và giờ đây ông nói cụ thể thêm:
- Năm nay chỉ thử nghiệm một con đường hoa. Tết 2005 chúng tôi dự kiến sẽ có thêm nhiều đường hoa, không chỉ ở trung tâm thành phố. Mỗi quận huyện có thể chọn một con đường đẹp nhất của địa phương mình để làm đường hoa.
Đồng thời có thể phát động thi trang trí mặt tiền nhà phố hay chung cư ngày tết. Ở TP ngay từ tháng mười có thể phát động mỗi người dân góp sức vào xây dựng mảng xanh thành phố bằng cách đóng góp một chậu hoa.
Tôi vẫn suy nghĩ nhiều về chuyện hiệu quả của đường hoa. Nó không chỉ tạo một cảnh quan đẹp cho người dân thưởng ngoạn du xuân mà còn góp phần tác động, hình thành một nếp sống đậm chất văn hóa, hướng tới cái đẹp nhiều hơn.
Đi trên một đường hoa đẹp, một phố đẹp, hẳn không ai có thể thản nhiên xả rác phải không?... Có nhiều đường hoa phố đẹp thì tôi tin cũng sẽ có nhiều người sống đẹp hơn, văn minh hơn.
Và có thể lấy kinh nghiệm lần này để tổ chức những ngày hội thu hút người dân thật sự vào những dịp lễ lớn chứ không cứ gì chỉ là tết.
LƯU ĐÌNH TRIỀU
(nguồn: http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/17557/TPHCM-se-co-nhieu-duong-hoa.html)
Tượng đài kỷ niệm 30 năm thống nhất đất nước:
Đài chưa có chỗ, tượng chưa có hình
TT - Chỉ còn 10 tháng nữa cả nước sẽ long trọng kỷ niệm 30 năm ngày thống nhất đất nước. Nhưng công trình xây dựng tượng đài kỷ niệm sự kiện trọng đại này hiện đã được “bàn” đến đâu? KTS Nguyễn Văn Tất cho biết rõ hơn về con đường đi ba năm đầy trúc trắc của công trình này...
Trong cuộc làm việc gần đây giữa Ban văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM, một số ý kiến thắc mắc về tượng đài kỷ niệm 30 năm ngày thống nhất đất nước: đã thực hiện tới đâu? Nghe nói vị trí đặt là phía sau nhà thờ Đức Bà, liệu có phù hợp không?...
Ý kiến trên như là một sự tiếp nối của dư luận đã râm ran khá lâu về một công trình nghệ thuật có ý nghĩa to lớn, không chỉ của riêng TP.HCM. Để có thêm thông tin cho người dân TP, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất - người gắn bó mật thiết với công trình này.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất
* Nghe nói tượng đài này xuất phát từ ý tưởng của ông Võ Văn Kiệt, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, nguyên thủ tướng Chính phủ?
- KTS Nguyễn Văn Tất: Đúng! Đây là ý kiến của chú Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) từ năm 1976. Tên gọi ban đầu là Chiến thắng, sau được đổi lại là Thống nhất. Theo tôi, tên gọi này phù hợp và có ý nghĩa hơn - đoàn kết lực lượng. Việc đổi tên này cũng là một quá trình.
* Bây giờ dường như đang trong một quá trình khác, "gay go" hơn: chọn chỗ đặt tượng đài?
- Nhiều chỗ được nhiều người muốn đặt. Lúc thì trước Thảo cầm viên, ở cửa sân bay Tân Sơn Nhất, khi thì tại cửa ngõ Sài Gòn và có lúc được đưa qua bên Thủ Thiêm.
Từ đầu năm 2001 TP có giao cho Hội Kiến trúc sư và Văn phòng kiến trúc sư trưởng phối hợp chuẩn bị đề án xây dựng tượng đài. Hội Kiến trúc sư TP đã thành lập một nhóm nghiên cứu góp ý định hướng qui hoạch kiến trúc tượng đài gồm các KTS Khương Văn Mười, Võ Thành Lân, Nguyễn Trường Lưu, Phạm Doãn Thuật, Vũ Đại Hải và tôi được phân công làm thường trực của nhóm.
Sau khi nghiên cứu bàn bạc thảo luận, chúng tôi kiến nghị được phép duyệt vị trí đặt trước rồi mới thi thiết kế tượng đài, bởi đơn giản là “phải biết chân rồi mới đóng giày”. Đồng thời cũng kiến nghị luôn định hướng chọn đặt tượng đài.
* Nhóm đã chọn và đề nghị mấy vị trí?
- Chỉ một. Đó là trung tâm ngã tư Pasteur - Lê Duẩn, vì: trục Lê Duẩn có những ưu thế tuyệt đối, không có trục thứ hai: “Trục Lê Duẩn là trục đường long trọng duy nhất nằm trong khu vực long trọng duy nhất của TP.HCM, rất có ưu thế để chứa đựng các công trình có ý nghĩa long trọng, nghiêm túc, hoành tráng.
Đặt một tượng đài mang ý nghĩa kết thúc cuộc chiến tranh gian khổ, thống nhất đất nước ngay trên con đường tiến quân trực diện, đi thẳng vào cổng ngõ đồn lũy cuối cùng của đối phương, để khẳng định dấu ấn chiến thắng thì trục Lê Duẩn có ưu thế tuyệt đối...
Bốn thảm cây công viên 30-4 là diện tích lớn duy nhất (4,2ha) còn lại trên trục đường này làm không gian liên kết các công trình quan trọng chung quanh: nhà thờ Đức Bà, Bưu điện trung tâm, dinh Thống Nhất, Sở Ngoại vụ...
Riêng dinh Thống Nhất được sử dụng làm hình ảnh phông cho tượng đài như thủ pháp không thể thiếu phục vụ mục đích, ý tưởng...”. (Lược trích từ Bản góp ý định hướng qui hoạch kiến trúc Tượng đài Thống nhất của Hội Kiến trúc sư TP.HCM)
* Thật lòng mà nói, bản thân chúng tôi nghĩ đến chuyện đốn cây xanh ở nơi này cũng thấy xót xa. Dù sao đây cũng là khoảng xanh tuyệt đẹp hiếm hoi ngay trung tâm thành phố...
- Cũng có người nghĩ như nhà báo, chỉ mới nghe đụng đến cây xanh là phản đối. Tuy nhiên trong lúc nghiên cứu, chúng tôi đã cân nhắc, tính toán kỹ yếu tố này. Với diện tích hiện có của trung tâm ngã tư Lê Duẩn - Pasteur hiện nay, chúng ta chỉ vạt bốn góc nhỏ của bốn thảm cây công viên là có đủ 1ha.
Với diện tích đó, khối lượng tượng cũng không lớn lắm, có xu hướng thấp hơn tàn cây hiện có (25m), cần nối sinh hoạt công viên 30-4 với không gian sinh hoạt của tượng đài mà không làm ảnh hưởng đến khoảng cách cần thiết dành cho cảm giác chiêm ngưỡng một tượng đài (phải có công trình ngầm để đảm bảo cách ly cho nhu cầu chiêm ngưỡng tượng đài và đủ diện tích cho sinh hoạt tập trung như tranh tường, lưu niệm, dịch vụ...).
Trung tâm ngã tư Lê Duẩn - Pasteur, phông là dinh Thống Nhất - Ảnh: T.T.D.
* Cuối cùng, thành phố có đồng ý với địa điểm đó và chính thức gút lại khi nào?
- Hội Kiến trúc sư TP đã xem xét, thống nhất đề nghị này, sau đó tôi đi báo cáo định hướng này cũng cả chục lần, từ Hội Kiến trúc sư tp, UBND TP đến thường vụ Thành ủy... Sau cùng, thường vụ Thành ủy TP.HCM cũng đã có kết luận. Nhà báo nên xem thông báo này thì rõ hơn...
Bản thông báo kết luận của Ban thường vụ Thành ủy ngày 3-10-2001 "Về định hướng qui hoạch kiến trúc tượng đài Thống nhất" cho biết: Trong phiên họp ngày 26-9-2001, sau khi nghe phó chủ tịch UBNDTP báo cáo lại quá trình chọn địa điểm thiết kế và dự kiến thời gian hoàn thành công trình tượng đài Thống nhất, Hội Kiến trúc sư TP báo cáo về các địa điểm dự kiến đặt tượng đài và phương án đặt tượng đài trước dinh Thống Nhất và ý kiến của đồng chí Võ Văn Kiệt, Ban thường vụ Thành ủy đã thảo luận và biểu quyết bằng phiếu kín, với kết quả đa số thống nhất là: vị trí đặt tượng đài Thống nhất định hướng để nhân dân chọn tại ngã tư Lê Duẩn - Pasteur; giao cho UBNDTP, Hội Kiến trúc sư TP khẩn trương chỉ đạo tổ chức triển khai xây dựng đề án, thiết kế biểu tượng, tổ chức thi chọn tượng đài...; từ đầu năm 2003 tiến hành thi công và hoàn thành công trình trước 30-4-2005...
* Đã có kết luận như thế, nhưng vì sao chưa thực hiện được? Trong khi, theo thông tin mà chúng tôi nắm được, mãi đến hơn một năm sau đó - cuối 2002 mới có cuộc thi tượng đài Thống nhất với vị trí định hướng là công viên 23-9, đúng không?
- Đúng là có một cuộc thi, với hơn 50 phương án tham gia (một phương án đầu tư thấp lắm cũng 50 triệu đồng), thi ba vòng... Cuối cùng, tới vòng trong rồi thì cuộc thi cũng ngưng luôn vì một tượng đài hoành tráng, có ý nghĩa lớn mà đưa vào công viên 23-9 thì như cây kim cắm giữa một rừng hộp quẹt. Còn vì sao có sự thay đổi lẳng lặng đó tôi không được rõ.
* Và rồi ý định thực hiện công trình tạm gác lại?
- Không! Tôi được gọi đi báo cáo, tiếp tục biện luận vì sao chọn ngã tư Lê Duẩn - Pasteur. Lần gần đây nhất (cách khoảng ba tháng) là với UBND TP.HCM, với sự có mặt của Chủ tịch UBNDTP Lê Thanh Hải. Đến lần này thì tôi không nói về phương án nữa mà tập trung về phương pháp kết luận. Chúng ta sẽ dùng phương pháp nào để kết luận vấn đề này?
* ? ? ?
- Nhóm nghiên cứu là những nhà chuyên môn, nhìn vấn đề bằng con mắt chuyên nghiệp, có xem xét, tính toán cân nhắc tổng quan. Kết quả đưa ra được tập thể lãnh đạo có trách nhiệm cao nhất biểu quyết đồng ý với đa số. Thế nhưng rồi vẫn bị “ách” lại vì một lá thư tay, một ý kiến cá nhân nào đó đề nghị phải chọn một vị trí khác...
* Thông cảm và xin chia sẻ cùng anh nỗi phiền muộn về chuyện một ý kiến cá nhân làm đảo lộn sự nghiên cứu và sự đồng thuận của đa số. Nhưng xin được phép hỏi "rướn" tới một chút: anh nghĩ sao nếu đưa vấn đề ra lấy ý kiến rộng rãi của người dân, như đã từng làm với công trình trụ sở Quốc hội mới?
- Tôi tin rằng sự đồng thuận 100% là rất khó. Ngay như tòa nhà Quốc hội, số phiếu ủng hộ cho ba phương án được hội đồng chấm thi quốc tế (với nhiều thành viên có uy tín) đánh giá cao cộng lại vẫn không bằng số phiếu dành cho một phương án mà hội đồng đánh giá thấp.
* Nhưng nếu đó là cuộc thăm dò lấy ý kiến của HĐND TP - đại biểu cao nhất của người dân - với một số lượng người vừa phải mà tiêu biểu nhất?
- Theo tôi, chuyện gì cũng có hai mặt. Vấn đề là phương pháp tổng hợp ý kiến và phương pháp sử dụng các ý kiến đóng góp.
* Cuối cùng là câu hỏi mà có lẽ nhiều người muốn hỏi nhất: Giả dụ bằng một phương pháp kết luận nào đó, trong tháng bảy này vị trí đặt tượng đài được thông qua, liệu với một tiến độ cực kỳ nhanh, mọi người dân TP có thể chiêm ngưỡng được tượng đài Thống nhất, đúng cái hẹn 30 năm?
- Chắc chắn là không! Chọn được vị trí rồi còn phải thi phương án tượng đài, rồi phải chấm chọn. Xong còn phải chờ nhà điêu khắc sáng tác (hay nhất là nhà thiết kế và điêu khắc nên đi chung ngay từ đầu). Dù vậy, tôi vẫn xin nhấn mạnh: tượng đài là một công trình nghệ thuật và có ý nghĩa rất to lớn, lại không phải là của riêng TP.HCM, do đó phải có chỗ sang trọng và cần được thực hiện càng nhanh càng tốt. 30 năm rồi còn gì!...
LƯU ĐÌNH TRIỀU
(nguồn: http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/41142/Dai-chua-co-cho-tuong-chua-co-hinh.html)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|