Thúy Thúy: Không chịu thua số phận
Nhân ngồi bàn luận quyển Tiếng gọi vĩnh cửu (Anatoli Ivanov - NXB Cầu Vồng 1986), cô em họ tôi kể: “Em có nhỏ bạn tên Dương Thúy Thúy, rất thích quyển sách này, vì nhỏ bắt gặp trong đó tâm trạng của một nhân vật giống mình, cũng bị chủ nghĩa lý lịch ngáng đường vươn lên."
"Tội nghiệp! Thúy học tiếng Nga giỏi lắm, được một lô giấy chứng nhận, giấy khen đủ các cấp - từ trường đến sở, bộ, từ Quận đoàn đến Ủy ban Nhân dân quận 3.
Vào học Đại học Sư phạm năm rồi cũng khá. Lẽ ra, căn cứ vào kết quả học tập Thúy có thể được đi học ở Liên Xô, kẹt cái ông già là sĩ quan chế độ cũ... Tiếc ghê... Ở Thúy có cái hay là tuy cũng có lúc buồn chán, mặc cảm về lý lịch, song nhỏ vẫn lạc quan, tin yêu cuộc đời như thường... Thật đấy! Em không tô vẽ đâu...”.
Nếu có thể gọi những tình huống xấu và không thể né tránh được trong cuộc đời là số phận, thì số phận đã giáng xuống đầu Thúy Thúy từ khi cô mới chào đời. Năm ấy, 1968, bố mẹ Thúy Thúy ly dị. Thúy Thúy sống với mẹ trong suốt quãng đời thơ ấu của mình. Bố Thúy Thúy là thiếu tá quân nhu chế độ cũ, nên sau giải phóng ông phải đi học tập cải tạo. Cũng lúc ấy, Thúy Thúy bắt đầu sang ở cùng mấy chị. Năm 1981, bố về.
Hai bố con ôm chầm nhau. Sau 13 năm, Thúy Thúy mới thật sự biết bố, gần bố. Thế mà chẳng lẽ Thúy Thúy phải chia phần trách nhiệm về những việc làm sai trái của bố trước đây? Nếu đúng vậy, có thể nói một lần nữa số phận đã giáng xuống Thúy Thúy.
Năm lớp 12, chuẩn bị thi đại học, biết mình bị xếp loại 11, thoạt đầu Thúy Thúy cũng hơi lo - lo nhất là cô lại ghi danh thi vào khoa Nga.
Bạn bè khuyên nên đổi khoa đi vì khoa này thường chỉ có con cán bộ học, sợ... Mười bảy tuổi, lần đầu tiên trong đời Thúy Thúy biết trở trăn, ray rứt trước ngưỡng cửa vào đời. Nhưng rồi Thúy Thúy vẫn giữ nguyên quyết định vì trong cô có một niềm tin mãnh liệt: mình học giỏi thì dứt khoát phải thi đậu thôi!
Và tôi nghĩ mà phục Thúy Thúy - cô học giỏi thật, nhất là tiếng Nga. Từ năm lớp 6, do chị gợi ý Thúy Thúy đi học tiếng Nga một cách gượng ép. Hai năm sau đó, cô bắt đầu mê thứ ngôn ngữ này. Đến lớp 9, Thúy Thúy theo học ngôn ngữ của Lênin ở Nhà hữu nghị Việt - Xô.
Cuối niên học này, 1983, Thúy Thúy hồi hộp và háo hức khi quyết định tranh tài với các bạn đồng trang lứa trên toàn quốc về môn tiếng Nga. Kết quả Thúy Thúy chỉ chịu nhường bước trước hai người. Ba năm sau, lại thêm một lần tranh tài. Lại đạt như lần trước. “Hết lớp 12, theo quy định của Bộ Đại học, là học sinh giỏi toàn quốc, lại tốt nghiệp trung học phổ thông với số điểm 37, em được tuyển thẳng vào Đại học Sư phạm.
Song khi em làm đơn, được sở xác nhận, nhưng đem lên ban tuyển sinh được hẹn lần hẹn lữa mãi mà không có giấy xác nhận, em lo lo. Hay là tại lý lịch nên không được. Thôi thì cứ đi thi cho chắc...”. Nghe Thúy Thúy kể lại việc này, lòng tôi xót xa. Một người học sinh giỏi phải lặng lẽ từ bỏ quyền ưu tiên theo chế độ chỉ vì mặc cảm, để lao vào cuộc tranh đua với bao người khác ở vị trí thua thiệt hơn - nhóm 4 loại 11.
Niềm tin nơi Thúy Thúy trở thành sự thật: cô thi đậu.
Năm học đầu tiên trong đời sinh viên đã trôi qua. Rất thật lòng, Thúy Thúy tâm sự: “Hình như đúng lời bạn học nói, lớp em phần lớn là con em cán bộ không hà. Nhưng các bạn ấy đối xử với em rất tốt. Nhiều thầy cô cũng thương em. Bởi vậy nên mặc cảm lý lịch trong em lắng đi.
Cho tới cuối năm... Em lại lo. Ở khoa, em biết một vài anh chị ở lớp trên, học rất giỏi, có người là bí thư chi đoàn, nhưng vì kẹt lý lịch nên không được đi học nước ngoài. Em dù kết quả học tập tốt, nhưng chắc cũng thế” - Giọng Thúy Thúy chùng xuống...
Chiều 30-6 vừa rồi, rất tình cờ, tôi được ngồi nghe và rồi trở thành người tham dự vào cuộc trò chuyện giữa Thúy Thúy và một chị bạn.
- Đến nay đã có tin tức gì về việc đi học Liên Xô chưa?
- Chưa, nhưng mà chắc không được quá chị ơi. Tại vì em nghe nói có một văn bản của Bộ đã quy định trường hợp có lý lịch như em thì không được đi. Buồn ghê!
- Buồn đến rơi nước mắt không?
- Khóc, không làm được gì! Nhưng nói thật em có khóc trong mơ...
- Bản thân em có xuống tinh thần không?
- (Lắc đầu). Em nghĩ dần dần rồi mọi việc sẽ chuyển đổi tốt hơn. Như hồi mới giải phóng, con em sĩ quan ngụy có mấy ai vào đại học. Bây giờ thì có nhiều rồi. Gần đây báo chí cũng nói đến chuyện bình đẳng ở ngưỡng cửa vào đời, em càng hi vọng. Có điều nghĩ cũng tức. Công nhận bố em hồi trước phục vụ chế độ cũ, là có tội, nhưng bố đã trả giá về tội của mình, còn bây giờ bố đã được phục hồi quyền công dân và sáu năm qua bố là công nhân viên nhà nước, làm tốt.
Các chị em, người là giáo viên, người là Thanh niên xung phong, người là trưởng ban Văn hóa thông tin phường. Em là đoàn viên Thanh niên Cộng sản (Thúy Thúy vào Đoàn từ năm 15 tuổi, rồi được cử đi học lớp đoàn viên ưu tú của trường), chẳng lẽ Nhà nước lại không tin em... Phải tin chứ! Năm nay chưa thì sang năm. Chỉ cần em tiếp tục duy trì mức học.
Cái giọng nói vừa bức xúc, vừa tự tin và đầy lạc quan của Thúy Thúy đã làm lây sang tôi niềm tin rằng một lần nữa cô gái này sẽ chế ngự được cái gọi là “số phận”.
LƯU ĐÌNH TRIỀU
< Lùi | Tiếp theo > |
---|