“Con sãi ở chùa” sẽ thôi “quét lá đa”
Con vua thì lại làm vua
Con sãi ở chùa thì quét lá đa.
Thời xa xưa, câu ca dao đó là một tiên đoán về tương lai tiên định của một lớp con trẻ: con nhà quyền thế rồi lại tiếp tục cảnh thế quyền, con nhà dân dã nghèo khó rồi lại tiếp tục vị trí cùng đinh...
Thời đại hôm nay, “lời tiên tri” trên có thể vẫn còn đúng ở một số trường hợp: cha mẹ có quyền thế, với của cải đỡ đầu, “các cậu ấm, cô chiêu” quý tộc mới hiên ngang bước vào đời một cách thênh thang, êm ái. Nhưng còn những “con sãi ở chùa” mà không chịu thúc thủ trước hoàn cảnh thì sao?...
Trong buổi tập thể dục ở trường ngày 13-4-1991, em Phạm Hoàng Vân Hạc (13 tuổi, lớp 7A2 Trường Đoàn Kết, quận 6) bị ngất xỉu. Lý do: Hạc suy dinh dưỡng từ nhỏ, sức khỏe không khá hơn chút nào ở tuổi thiếu niên do hoàn cảnh quá túng thiếu, khó khăn của gia đình. Cha Hạc, nhân viên hợp đồng ở Công ty Ăn uống dịch vụ quận Sáu. Mẹ là giáo viên cấp II. Thu nhập hai người vỏn vẹn 160.000 đồng cho một gia đình có bốn miệng ăn.
Mẹ em phải bày bán cà phê trước nhà. Xóm nghèo, đường nhỏ, khách ít, quán cà phê quá vắng, thu nhập thêm không là bao. Dù sức khỏe yếu kém nhưng ngoài giờ học hằng ngày Hạc vẫn phải phụ bán cà phê và giúp mẹ trông em nhỏ. Tình cảnh ấy, nếu Hạc học kém cũng chẳng có gì đáng nói. Đáng ngạc nhiên Hạc lại là học sinh xuất sắc năm năm liền ở cấp I và là học sinh giỏi hai năm lớp 6, lớp 7. Không những thế, em còn là học sinh giỏi văn (lớp 7) cấp quận. Sự nghèo khó không trì kéo được sự say mê, quyết chí học tập của em...
Trong danh sách ứng cử viên học bổng chương trình “Bảo trợ tài năng trẻ”, tại các tỉnh thành miền Nam nhiều thiếu niên cũng gặp hoàn cảnh khó khăn chẳng kém Hạc. Và thật đáng ngợi khen biết bao, khi ở lứa tuổi 10, 11, 12... các em đã có những nỗ lực vượt bậc không kém người đã trưởng thành.
Gia đình Phan Thị Nguyên Thủy lên vùng kinh tế mới (Hưng Lộc, Thống Nhất, Đồng Nai) từ năm 1975 đến nay. Nhà cách quốc lộ ba cây số, đường đến trường phải qua ba ngọn đồi, lội qua ba con suối. Mưa lầy, nắng bụi để đến trường thật vất vả biết bao. Thủy tâm sự: “Mỗi lần đi về cực như vậy, thấy chữ nghĩa như văng mất hết”. Có hôm mưa to, phải đợi nước suối xuống, Thủy và các bạn mới về nhà được. Cha mẹ suốt ngày ở rẫy, không còn hơi sức, thì giờ kèm Thủy học hành.
Vậy mà suốt ba năm lớp 6, 7, 8 Thủy luôn đứng đầu lớp. Ở lớp 5, Thủy đi thi toán cấp quận và đoạt giải... Năm tới Thủy sẽ vào lớp 10, sẽ phải lên huyện học. Đường về rồi sẽ dài thêm hơn 20 cây số. Nhưng Thủy vẫn quyết tâm đeo đuổi việc học và sẽ học tới cùng.
Trong chuyến đi về các tỉnh nhằm tìm hiểu cụ thể hoàn cảnh của từng em, chúng tôi chú tâm tìm hiểu động cơ học tập nơi các em. Tuổi còn nhỏ, phần đông các em chưa thể lý giải rành rẽ nỗ lực học tập của mình. Nguyễn Thị Thanh Hiền (lớp 9 Trường cấp II Thủ Thừa, Long An), học sinh giỏi văn cấp tỉnh Long An trả lời ngắn gọn: “Nhà nghèo, nhưng em không muốn học kém các bạn”.
Còn Nguyễn Yên Ngọc (lớp 8A1 Trường cấp II Mỹ Thới, Long Xuyên, An Giang), học sinh giỏi từ lớp 1 đến lớp 8, ngượng ngập: “Tại em thích học...”. Học, học thật giỏi là say mê của Ngọc, như say mê thú nhảy dây mà Ngọc vẫn thường chơi. Riêng em Nguyễn Thị Bắc (14 tuổi, ở xã Mỹ Xuyên, Long Xuyên) vừa học vừa phụ bán sinh tố với mẹ, thì có vẻ chững chạc, người lớn trước tuổi: “Em muốn có nhiều kiến thức...”.
Tuổi thiếu niên là tuổi các em bắt đầu biết mơ ước và không ít em đã hiểu ra học tập là điều kiện cần thiết để chắp cánh cho mơ ước. Trần Lê Kha (12 tuổi, thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp cấp I, tỉnh Cửu Long 1989 - 1990, thủ khoa kỳ thi đệ nhất đẳng taekwondo của Sở Thể thao Cửu Long) mơ rất bình thường: “Học thật giỏi để đủ sức...chữa bệnh suyễn cho mẹ...”.
Kha còn mơ được như Nguyễn Thụy Song Hà (tài năng trẻ Thành phố Hồ Chí Minh về võ thuật, đồng thời là sinh viên y khoa) được đi thi đấu quốc tế đem huy chương về cho Cửu Long và cho đất nước.
Say mê, cần mẫn học tập, dám ước mơ... tất cả đã giúp các em không bằng lòng với hiện tại của mình. Cho dù Trần Lê Kha đã nhiều phen nghẹn ngào khóc bên giường mẹ, khi mẹ lên cơn suyễn không tiền mua thuốc; Nguyễn Thị Thanh Hiền rầu rĩ vì thèm mua một quyển sách mới mà không có tiền hoặc mặc cảm của Mai Thị Mỹ Phương (12 tuổi, huyện Hòa Thành, Tây Ninh), khi cầm vé số đi bán mà gặp bạn bè cùng lớp đang tung tăng dạo chơi...
Dẫu sao mặc lòng, trên một quãng đường với cặp sách trên tay, các em đã tự chứng tỏ được mình. Những gian khổ vất vả hôm nay, mai này rồi sẽ được đền bù. Không quá lạc quan, chúng tôi vẫn tin rằng tương lai những trẻ em nghèo - những “con sãi ở chùa” nhưng hiếu học - sẽ không thể lại là cảnh quét lá đa.
Những kết quả học tập hôm nay đang là các nấc thang để các em vươn tới những cảnh đời sáng đẹp hơn. Và nếu được xã hội quan tâm chăm sóc, chắc chắn lời tiên đoán năm xưa sẽ trở nên lỗi thời với các em, bởi các em xứng đáng được phần thưởng của những bà tiên hiện đại.
LƯU ĐÌNH TRIỀU
< Lùi | Tiếp theo > |
---|