BÁO CHÍ Thư mục Lưu Đình Triều LƯU ĐÌNH TRIỀU: Sống đẹp giữa đời thường - * Đi theo nguyện vọng bằng chính đôi chân mình

LƯU ĐÌNH TRIỀU: Sống đẹp giữa đời thường - * Đi theo nguyện vọng bằng chính đôi chân mình

Mục lục
LƯU ĐÌNH TRIỀU: Sống đẹp giữa đời thường
* Vũ Nhật Tân: Giao hưởng cải lương
* Giai điệu tương lai
* Những nhà lãnh đạo chưa qua tuổi 18
* “Con sãi ở chùa” sẽ thôi “quét lá đa”
* “Huyền thoại Đào Mai”
* Đi theo nguyện vọng bằng chính đôi chân mình
* Ngô Đình Đức: “Không thể sống mà không có niềm tin”
* Lời giao lưu cuối cùng gửi Nguyễn Kiều Liên
* Thúy Thúy: Không chịu thua số phận
* Người như anh sao lại chết ở tuổi 20?
* Đường du học của một học sinh nghèo
Tất cả các trang


Đi theo nguyện vọng bằng chính đôi chân mình

Sự xuất hiện của cô gái Hà Nội Ninh Thị Tuyết, một bác sĩ trẻ, trên một nông trường ở vùng rừng núi nam Tây nguyên dễ khiến nhiều người chú ý và thắc mắc: Tại sao cô lại chịu từ bỏ thủ đô để đến một miền xa hoang vắng?

Thật ra năm 1987, sau khi tốt nghiệp Đại học Y ở Hà Nội, Tuyết đã vào với anh chị ở Sài Gòn và cũng có người mách cho cô nước đi ngắn gọn, miễn là gia đình chịu tốn kém một chút. Tuyết không chọn giải pháp đó. Cô muốn bước vào đời một cách hợp pháp.

Sâu xa hơn, từ nhỏ đến lớn Tuyết chỉ sống trong những môi trường chật hẹp. Cô muốn thử một lần đi xa để xem người ta sống như thế nào và cô cho rằng trong cuộc hành trình đó cô sẽ được rèn luyện nhiều mặt hơn. Thế là giữa năm 1988 cô đặt chân đến Tây nguyên.

Rừng núi Tây nguyên không là một nửa cảnh Sài Gòn, lại không thể là một nửa cảnh Hà Nội. Những ngày đầu tiên Tuyết cứ ngỡ ở đây khó tìm thấy mặt trời bởi những cơn mưa rừng cứ kéo dài bất tận. Và nỗi buồn nhớ nhà, nhớ bạn bè cũng dai dẳng không kém gì những cơn mưa. May mà có công việc. Miền rừng núi này rất cần bác sĩ nên Tuyết có khối việc để làm.

Theo dõi chặt chẽ việc uống thuốc chống sốt rét mỗi tháng một lần (bệnh sốt rét vốn dĩ là chuyện thường ngày ở đây)... Tìm cách cắt cơn sốt rét ác tính ở một người nào đó... Khám, điều trị những bệnh thông thường... Cấp cứu những bệnh tật, tai nạn đột xuất bất kể giờ giấc... Ngoài việc chăm lo sức khỏe cho cán bộ công nhân viên nông trường, Tuyết còn chữa bệnh cho cả bà con quanh khu vực.

Chị Nguyễn Thị Khương ở xã Quảng Tân cho biết: “Chị Tuyết lên đây đỡ cho bà con trong vùng biết bao. Hồi trước, ai có bệnh gì phải đi ba, bốn cây số ra xã... xin giấy giới thiệu, rồi lại ra khám bệnh ở ngã ba Kiến Đức, rất vất vả. Có khi thuốc lại không có đủ. Còn bây giờ tất cả giải quyết ngay tại chỗ”... Bệnh sốt không “chọc thủng được tuyến phòng bệnh ở Nông trường 6”.

Sự tin cậy của bà con xung quanh, những giò lan rừng của bệnh nhân gửi tặng... đó là những điều được Tuyết nhắc đến bằng một cái tên chung: hạnh phúc nghề nghiệp. Cuộc đời, dù trong hoàn cảnh nào, có bóng dáng hạnh phúc người ta dễ sống biết bao. Tuyết cũng thế, cô bắt đầu đi vào những thú vui bên lề của cuộc sống nơi nông trường: cùng bạn bè đi vào các thôn người dân tộc chơi, xách cần câu ra hồ câu cá, lên đồi ngắm cảnh thiên nhiên, xuống “nhà thủy tạ” khiêu vũ...

Một buổi sáng, khi đột nhập vào “thư phòng” của cô bác sĩ trẻ này, tôi bắt gặp trong mớ hành trang mà Tuyết mang từ thành phố lên có hai quyển sách chuyên môn hồi sức nội khoa, cấp cứu nhi khoa.

Thúy Liễu, cô bạn gái của Tuyết, cho biết thêm ngoài việc ôn luyện nghề nghiệp, Tuyết còn có chương trình tự học Pháp văn mỗi ngày. Đúng là cô bác sĩ này quyết tâm thực hiện nguyện vọng của mình: sống và làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh - nơi mà một bác sĩ trẻ muốn “làm ăn” được phải giỏi chuyên môn.

Thông thường, do yêu cầu của công tác quản lý hành chính xã hội, việc tự ý chuyển đổi hộ khẩu theo ý muốn riêng thường khó được dư luận ủng hộ. Nhưng riêng trong trường hợp và cách làm của cô bác sĩ trẻ này cần có một cách nhìn ngược lại.

LƯU ĐÌNH TRIỀU



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com