Cuộc đời này, có quá nhiều điều kỳ diệu.
Thử tưởng tượng một đứa bé mới vừa lọt lòng mẹ, thế mà, chính bé lại đem quà đến tặng cho người lớn đấy, cho những ai được chứng kiến giây phút ấy. Ơ hay, bé có gì để tặng? Thưa rằng, chính tiếng khóc khỏe khoắn, âm thanh vạm vỡ của bé đã trở thành quà tặng đó thôi. Khi dến với cõi nhân sinh, bé đã tặng chúng ta niềm vui tột bực chính từ sức khỏe đã thể hiện qua lời chào u ơ đầu tiên. Vậy, với một người đến khi không còn sức khỏe nữa, họ có tặng cho chúng ta món quà gì không? Tôi nghĩ là có, ít ra khi bạn cầm trên tay tập sách Không sợ sống - dám yêu đời mà sống của Thùy Trang. Cô hiện nay là phóng viên của Người Lao Động, từ nhiều năm nay tác nghiệp trong lãnh vực văn hóa nghệ thuật
2.
Trước hết, xin nói rằng, lâu nay như một lẽ tự nhiên, chúng ta thường nghe nói với nhau, “đừng sợ chết”, chết mới đáng sợ chứ sống thì quá đỗi dễ dàng. Mỗi ngày hít thở đã là sống, là tận hưởng lạc thú trên đời. Ai cũng ham sống và tất nhiên sợ một ngày kia phải “dứt áo ra đi”. Thế nhưng trong trường hợp cụ thể này lại khác, để sống được bình thường như biết bao người khác đã là một nỗ lực ghê gớm, nói cách khác chính những khoảnh khắc đau đớn về thể xác mà họ phải vượt qua.
Trên đời này, mọi thứ đều có thể nhờ cậy được, tuy nhiên có một ngoại lệ: nỗi đau về bệnh tật. Không thể nhờ ai khác, dù máu mủ ruột thịt mà phải tự chịu đựng. Vì lẽ đó, có hạng người trở nên bi quan, buông xuôi và than thở từ người gần gũi chung quanh đến tận xa tít tận đẩu tận đâu, kể cả… ông Trời. Trời ơi, tại sao tôi phải khổ đớn thế này? Vô lý quá. Bất công quá. Ngược lại, có hạng người sẵn sàng chấp nhận lấy nó như một tồn tại hiển nhiên, không chối bỏ, vẫn tìm cách chung sống với nó một cách hợp lý nhất trong chừng mực có thể. Nghe nói thế này ắt bạn thốt lên, vô lý, làm sao có thể bình tâm gánh chịu cơn đau buốt da xé thịt từng ngày một?
Nếu có, vậy, đâu là “bí kíp”?
Với những gì đã từng đối diện và đang nhận diện mỗi ngày, từ nỗi đau của mình, nhà báo Thùy Trang cho biết, không những “không sợ sống” mà còn “dám yêu đời để sống”. Có thể nói, đây chính là quà tặng mà cô đã chia sẻ cho người đọc về một niềm cảm hứng không phải lý thuyết mà từ trải nghiệm.
3.
Khi mở ra trang sách, bạn sẽ thấy rõ nét tâm trạng của một người đang ở độ tuổi thanh xuân, phơi phới yêu đời từng phút đến từng giây, đột nhiên vào một ngày, từ cánh cửa bệng viện bỗng nghe vang vọng từ cõi mơ hồ nào đó câu thơ của Huy Cận: “Hình dáng cuộc đời từ đây xa tắp”. Khủng khiếp quá đi chứ? Đã choáng ngợp trong tâm tưởng một sự hoang mang. Với nhà báo Thùy Trang, cô cho biết: “Đột nhiên, tôi khóc như một đứa trẻ”.
Khóc thì tốt thôi. Có điều, không một ai có thể khóc mãi.
Vậy, phải làm gì?
Tôi đã tìm thấy một sự thay đổi căn bản nhất, đó là lúc cô tự ý thức: “Ngẫm lại, tôi thấy mình là một bệnh nhân ung thư may mắn. Bên cạnh sự giúp đỡ của nhiều người, tôi thường hay nhận được những dấu hiệu để bản thân mình nhìn nhận bản chất vấn đề một cách cặn kẽ hơn”. Điều cốt lõi nhất của những ai trong trường hợp bi đát này vẫn là lúc “nhìn nhận” lại sự việc đó. Để từ đó, họ sẽ phải tự giải quyết câu hỏi: “Thế thì, ta phải làm gì?”
Đã từng đọc nhiều tác phẩm tương tự, tôi nhận ra họ đi tìm điểm tựa - phổ biến vẫn là tựa/ dựa vào tôn giáo, sách chuyên môn về y học, tình yêu thương của gia đình, bạn bè, sự tận tụy của thầy thuốc… Tất cả điều cần thiết, nhưng không thể quên đi một cốt lõi: tin vào/ tựa vào chính mình. Thùy Trang đã là một bản lĩnh như thế, do đó, cô tự dặn lòng hướng tới một tâm niệm: “Mỗi chúng ta đều không có quyền gục ngã”.
Xin hỏi cắc cớ một chút, làm sao để không gục ngã?
Tôi thích câu trả lời này: “Nghĩ tích cực giống như một thói quen và rõ ràng nó là một lựa chọn. Khi bạn bị giật giỏ xách, bạn nghĩ rằng: “Sao số tôi xui xẻo vậy?” thì chắc chắn, bạn sẽ mãi đau buồn vì những mất mát mình vừa gặp. Nhưng nếu bạn nghĩ rằng: “May quá, chỉ mất đồ đạc còn mình thì lành lặn. Của đi thay người là một phước đức”, thì đúng như thế, bạn lại có thể vui vẻ làm việc, kiếm tiền và sắm một cái giỏ khác.
Khi nỗi bực dọc lấn chiếm thân xác, tâm trí mình, mọi thứ xảy ra trong cuộc sống của mình sẽ luôn gặp trục trặc. Thế nên, cảm giác xui xẻo vẫn cứ luôn hiện hữu trong cuộc sống của mình. Nếu mọi thứ không hay lại xảy đến, thì đây rõ ràng là lỗi của chúng ta bởi chúng ta có quyền lựa chọn cho mình những điều tốt đẹp hơn”.
4.
Không phải ngẫu nhiên, trong tác phẩm lừng danh Quy luật muôn đời, nhà văn người Georgia Nôđar Đumbatzê đã viết một câu mà thoáng đọc qua, ta thấy trái khoáy: “Con người ta cần ốm nặng ít nhất một lần trong đời”. Trời đất ơi ắt nhiều người đặt câu hỏi: “Tại sao lại nhấn mạnh một điều kỳ cục vậy hả? Gặp nhau, người ta chúc nhau, mừng nhau đang khỏe mạnh đời, chứ sao lại nói đến chuyện ốm đau?” Nhà văn Nôđar Đumbatzê giải thích ngắn gọn: “Như vậy sẽ có dịp phân tích và đánh giá lại toàn bộ quãng đường đã qua”.
Tập sách của Thùy Trang là nằm trong trường hợp này. Từ những dòng chữ u ám choáng ngợp tâm trạng, người đọc bước dần đến một gam màu khác. Vui tươi hơn. Lạc quan hơn. Bản lĩnh hơn. Và, nghĩ cho cùng, tên gọi nói chính xác nhất vẫn là Đừng sợ sống - dám yêu đời mà sống. Có gì không dám khi con người ta đã tìm ra điểm tựa, tìn ra một triết lý để vượt qua và tồn tại:
“Khi quyết định thay đổi bản thân mình, dù không phải là sự biến đổi hoàn toàn khiến người khác không thể nhận ra, nhưng tôi cảm nhận rõ nét những biến chuyển bên trong tâm hồn mình. Những trải nghiệm tuyệt vời mà tôi lượm lặt được trong hành trình của mình, tôi cảm nhận rõ nét sự biết ơn.
Tôi biết ơn cuộc đời cho tôi những thử thách để bản thân mình mạnh mẽ hơn khi phải đối diện với những điều tồi tệ. Tôi biết ơn những cơn đau hành xác vì nhờ nó mà tôi thấy, những vết xước, va chạm thường ngày trở nên cỏn con, vặt vãnh. Tôi biết ơn nỗi cô đơn mà tôi phải đối mặt lúc bệnh tật để có thể điềm tĩnh hưởng thụ sự bình yên trong cuộc đời mình.
Sự thay đổi trong tôi chính là biết đối diện với cuộc sống của mình”.
“Vâng, Thùy Trang ơi, đường đi còn dài, dưới chân mình dù gai nhọn, dù rải hoa hồng, không khác gì nhau, vẫn bình tâm vững tới”. Khép lại trang sách tự thâm tâm tôi đã thốt lên tiếng lòng chân thành ấy, dành cho bạn, cho tôi và cho những ai nhìn ra sự mạnh của sự tự tin. Tin vào chính mình, tin chung quanh vẫn còn có những tấm lòng chan chứa yêu thương, chứ không hề đơn độc:
Yêu đời lắm, đời ơi yêu đời lắm
Bè bạn anh em chồng vợ gia đình…
Đang cổ vũ hò reo cùng tiếp sức
Ta tự tin vững bước níu bình minh.
L.M.Q
(nguồn: Tập sách Không sợ sống - dám yêu đời mà sống của Vũ Thùy Trang, NXB TH TP.HCM - 2023)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|