BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Một đêm vừa gió lại vừa mưa

LÊ MINH QUỐC: Một đêm vừa gió lại vừa mưa

MOTDEMVUAGIOLAIVUAMUA

Lâu rồi mới có dịp xuống trung tâm Sài Gòn. Cuối tuần đông người. Đèn sáng. Đông vui. Khu triển lãm Lê Thánh Tôn có hội chợ sách của Fahasa. Đi lang thang một lúc. Một mình. “Hôm nay trời nhẹ lên cao/ Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” (Xuân Diệu). Tưởng rằng tâm thế của tiền chiến xa xôi đã biến mất trong thời buổi này, nhưng không, vẫn vậy. Vẫn là, có những lúc con người ta sống trong cảm giác buồn vui không rõ rệt. Cứ đi, cứ trôi trong dòng đời như một thói quen. Trôi để mà trôi. Đi để mà đi. Ừ, đôi khi sống cũng thế. Từng ngày. Thời gian ngốn lấy từng ngày. Đêm sụp xuống. Chìm vào giấc ngủ. Sáng mai lên. Nắng đã lên mà trong lòng không dậy một chút cảm xúc gì.

Đọc lan man ấy là thói quen trước khi ngủ.

Câu Kiều: “Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”. Nàng Kiều được mua bằng giá đó. Trên bốn trăm lạng vàng. Ghê gớm chưa? Theo ông Nguyễn Quảng Tuân, câu thơ phải là “Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm”, bởi căn cứ vào Thanh Tâm Tài Nhân, tờ văn ước ghi như sau: “Người đứng lập tờ văn ước tên là Chung Sự. Nay nhận thấy người thiếu nữ tên gọi là Vương Thúy Kiều vì việc cứu cha nên phải bán mình làm thiếp cho khách họ Mã là bốn trăm năm mươi lạng bạc, hẹn sau ba ngày, việc quan kết liễu sẽ theo Mã khách ra đi không dám sai thù. Vì sợ lòng người bất trắc nên viết văn ước này”. Kiều được mua bằng bạc chứ đâu phải bằng vàng? Nghe có lý, hợp lý. Nhưng mà, có những từ, những chữ con người ta dùng mãi thành quen, khó thay đổi. Chẳng ai gọi “chúng cư”, vẫn nói “chung cư”; vẫn biết về ý nghĩa của từ “hỗ trợ”: “Trợ” là “giúp”, “hỗ” là “lẫn nhau”. Hỗ trợ sự giúp đỡ hai chiều, giúp đỡ qua lại, vậy mà các câu băng rôn treo đầy đường vẫn “Hỗ trợ người nghèo”, đúng ra phải là “giúp đỡ người nghèo” dễ hiểu hơn không? v.v...

Mới đây đọc tài liệu nọ, đáng tin cậy mới biết thêm về nhân vật của câu nói dân gian về bốn người giàu nhất tại Sài Gòn đầu thế kỷ XX: “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa” tức Huyện Sỹ - Lê Phát Đạt; tổng đốc Phương - Đỗ Hữu Phương; bá hộ Xường - Lý Tường Quang và chú Hỏa - Hui Bon Hoa”. Tài liệu lâu nay ghi chú Hỏa - Hui Bon Hoa tên thật Hứa Bổn Hòa. Không phải, ông tên thật Huỳnh Văn Hoa. Một người giàu nữa, ta vẫn biết là Quách Đàm; thật ra, nếu gọi đúng phải là Quách Diệm. Mà nay đã quen rồi, khó có thể thay đổi.

“Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”. Nếu liên tưởng đến tình cảnh hiện nay phụ nữ Việt lấy chồng Hàn, Trung Quốc… ta không khỏi ngậm ngùi. Chỉ vài chục triệu là xong. Rẻ như bèo. Anh bạn nhà văn của y cũng cưới vợ miền tây Nam bộ. Sau khi có mối mai, “phái đoàn” từ Sài Gòn xuống nhà cô dâu chỉ vỏn vẹn bốn người, kể cả chú rể. Ai cũng đinh ninh cưới cô chị, nào ngờ vào phút 89, cô chị đổi ý. Giây phút ấy, đàng gái: “ăn làm sao, nói làm sao bây giờ”; đàng trai: “tiến thoái lưỡng nan”, bỗng dưng cô em đồng ý "thế mạng". Vậy cũng được. Chú rể mừng quá, hào phóng tặng thêm cho đàng gái thêm vài triệu nữa. Tưởng chuyện bịa. Mà thật. Sau này, cả hai sống chung cũng gần nhà y và họ đã ly dị. Đơn giản, chồng nhà văn mà văn hay chữ tốt, sách thánh hiền đầy bụng; còn vợ một chữ cắn làm đôi không biết. Làm sao có thể chung sống đến trọn đời?

Lúc sang Mỹ, nhiều chị bạn người Việt cho biết, họ sợ, âu lo, thắc thỏm không yên là thời gian “ông nhà” đơn thận độc mã về Việt Nam. Tại sao? Biết rồi còn hỏi. Cũng là chuyện gái gú dễ tìm và rẻ như bèo đấy thôi. Nhiều lần tiễn bạn ra sân bay quốc tế, trước lúc bay bạn bảo: “Ở đây đúng là thiên đường”. Tại sao? Biết rồi còn hỏi. Cũng là chuyện gái gú dễ tìm và rẻ như bèo đấy thôi.

“Đau đớn thay phận đàn bà”.

Nghe và buồn.

Thời buổi này, không cần ra khỏi nhà, chỉ lướt web là đã nhận nhiều thông tin thú vị, nếu biết chọn lọc. Với y, sau đây là những thông tin hay: Từ ngày 12.7.2013, Nhà thờ tộc Nguyễn Tường (18/2 Nguyễn Thị Minh Khai, Hội An - Quảng Nam), cạnh di tích Chùa Cầu, đã trở thành điểm tham quan mới nhất trong quần thể kiến trúc của di sản văn hóa thế giới. Di tích này xây dựng hồi đầu thế kỷ XIX, năm 1909 được tôn tạo, năm 2005 lại tiếp tục tu bổ vào và được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích lịch sử văn hóa vào tháng 1.2008. Người dân địa phương quen gọi là dinh Ông Lớn. Nhắc đến dòng họ này, lập tức chúng ta nhớ đến vai trò của nhóm Tự Lực văn đoàn.

Tại kỳ họp thứ 7 (khóa VIII) từ ngày 9.7 đến 11.7.2013, HÐND TP Ðà Nẵng đã thông qua nghị quyết đặt đổi một số tên đường và công trình công cộng. Theo dó, có 131 tuyến đường được đặt và đổi tên trong đợt này. Một số nhà văn nổi tiếng là Phan Khôi, Hoàng Châu Ký, Thu Bồn, Tế Hanh, Nguyễn Văn Xuân sẽ được đặt tên tại khu E2, E2 mở rộng, C và D - khu dân cư nam cầu Cẩm Lệ, quận Cẩm Lệ, TP Ðà Nẵng. Riêng nhà văn hóa Phan Khôi (1887 - 1959) được đặt tên cho một tuyến đường có chiều dài 615m.

Đánh giá ngắn gọn về Phan Khôi như thế nào?

Hãy để nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân phát biểu: “Ông là người đề xướng và cổ vũ phong trào Thơ mới tiếng Việt, là người khởi động, tham gia hàng loạt cuộc tranh luận trên báo chí về khá nhiều vấn đề học thuật có tính cơ bản và lâu dài, gắn với sự phát triển của tư tưởng, văn học và xã hội VN thế kỷ XX”. Đáng khâm phục Lại Nguyên Ân, khi ông đã dành nhiều thời gian sưu tập và cho in các tác phẩm báo chí của Phan Khôi trong thập niên 1920, 1930 của thế kỷ trước. Nhờ vậy, thế hệ sau mới có thể nhìn rõ hơn diện mạo lớn lao của Phan Khôi. Một bút lực dữ dội. Ở Quảng Nam, đã có Giải báo chí mang tên cụ Huỳnh Thúc Kháng; nếu không, giải thưởng ấy mang tên Phan Khôi cũng là một sự xứng đáng, rất xứng đáng.

Nếu bài thơ Tình già của Phan Khôi chỉ xuất hiện ở báo Phụ nữ tân văn (số 122, 10.3. 1932), có lẽ tiếng vang không sâu rộng. Chính nhờ được in lại trên báo Phong Hóa số Tết năm Quý Dậu (24.1.1933), tầm ảnh hưởng mới dữ dội đến vậy, mở đầu phong trào Thơ mới của thi ca Việt Nam hiện đại.

Lâu nay các nhà lý luận uyên bác đều đánh giá và xếp Tình già vào thơ tình. Chẳng ai đặt câu hỏi, tại sao ngay từ câu mở đầu đã khẳng định số 24? “Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa”. Riêng nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn, một Việt kiều Cannada về Việt Nam sống và từng hiến cho nhà nước cả một kho sách quý tích cóp cả đời, ông chứng minh đó là thơ thế sự, thơ chính trị. Xin tóm tắt lập luận của ông Văn: “Bài thơ xuất hiện năm 1932, trừ đi 24 năm, ta có năm 1908. Đó là năm gì?”. Theo ông Văn, đó là năm nổ ra cuộc Trung kỳ dân biến, cuộc chống sưu thế vĩ đại nhất của thế kỷ XX bắt đầu từ Đại Lộc (Quảng Nam), Phan Khôi bị tù. Đây là năm Phan Khôi đoạn tuyệt hẵn với nền cựu học và tiếp thu tân học. Thế thì “đôi ta” trong bài thơ này thở than “sớm liệu mà buông nhau”, không phải chuyện trai gái mà chính là sự lựa chọn giữa xã hội phong kiến cũ và xã hội Duy tân. Và “24 năm” tức là gần ¼ thế kỉ đã qua đi kể từ cái năm 1908 đó, “Tình cờ đất khách gặp nhau” - tình cờ vì đây là sự trọng vọng của hai ông bà Nguyễn Đức Nhuận và Cao Thị Khanh biệt đãi” lúc Phan Khôi vào Nam cộng tác với tờ Phụ nữ tân văn.

Nghe ra có lý quá đi chứ?

Để hiểu hơn về Phan Khôi, đọc gì thì đọc nhưng không thể không đọc Nắng được thì cứ nắng - Phan Khôi, từ Sông Hương đến Nhân văn (NXB Tri Thức) của Phan An Sa - Hội Nhà văn Hà Nội đã trao giải thưởng. Ông Phan Trần - con trai Phan Khôi có tặng y một quyển. Cực hay. Trong lời giới thiệu, Lại Nguyên Ân viết: “Từ sau khi phong trào Nhân văn - Giai phẩm bị trấn áp (1958), sau khi Phan Khôi qua đời (16/1/1959), di sản trứ thuật của ông không hề được sưu tầm, in lại, sự nghiệp báo chí và văn học của ông không hề được khảo sát nghiên cứu, ngược lại, tên tuổi ông bị cấm nói đến, do đó bị loại trừ ra khỏi các công trình nghiên cứu về các quá trình lịch sử văn học, báo chí, văn hóa, tư tưởng ở Việt Nam thế kỷ XX mà trên thực tế ông đã tham dự; chỉ đôi khi tên tuổi ông được nhắc đến do nằm trong dữ liệu của việc nghiên cứu một vài sự kiện khác, - ví dụ cuộc tranh luận “duy tâm hay duy vật” thời kỳ 1934-1935 - nhưng thường là chỉ nhắc đến với dụng ý phê phán một cách bất công.

Có thể nói, cách đối xử trên đây trong một thời gian dài đối với Phan Khôi và một loạt trí thức, văn nghệ sĩ tên tuổi khác, cùng cảnh ngộ như ông, đã gây thiệt hại không nhỏ cho nguồn di sản văn học, văn hóa, tư tưởng của dân tộc, của đất nước trong quá khứ mà lẽ ra cần phải được gìn giữ và kế thừa. Cách đối xử ấy đã và vẫn còn đang làm mất mát những tác phẩm chứa đựng những giá trị lớn đã được các thế hệ trước sáng tạo ra”.

Trong những danh tài được HÐND TP.Đà Nẵng đặt tên đường, ngoài Phan Khôi, y có duyên đã dược hầu chuyện với các ông Hoàng Châu Ký, Thu Bồn, Tế Hanh, Nguyễn Văn Xuân. Tiếc trường hợp Nguyễn Văn Xuân. Đọc lại Tin văn, Văn, Bách Khoa… trước 1975 tại miền Nam, biết ông viết nhiều bài khảo cứu về văn hóa. Hầu hết đến nay vẫn chưa in lại. Mấy năm trước Công ty sách Phương Nam đã ký hợp đồng mua toàn bộ bản quyền của ông. Cuối cùng, công việc ách tắc bởi không thể sử lý được nguồn tư liệu mà gia đình đang giữ; kể cả sưu tập, tìm tòi trong các thư viện lớn… Dường như một hoặc hai năm trước đây, UBND TP. Đà Nẵng đã tiếp nhận các sưu tập tuồng chèo chữ Hàn, chữ Nôm do ông Nguyễn Văn Xuân sưu tập, nghiên cứu và qua đó, có giúp đỡ gia đình ông một số tiền không nhỏ. Việc làm này đáng hoan nghênh, nếu không, những tài liệu quý ấy sẽ mất - nhất là với gia cảnh của ông Xuân.

Đọc tin này trên báo, thấy vui.

Sáng nay lại phở. Thong dong vào cơ quan. Bước vào cửa, thấy một đôi dép mòn, cũ, sứt quai trên nằm ngay ngắn ở bậc thềm. Ngước vào trong thấy một bà cụ ngồi trên ghế, quần áo đã cũ nhưng tươm tất, trạc tuổi mẹ y. Bà cụ cầm đơn và ngồi chờ đến phiên mình vào Phòng tiếp bạn đọc. Hình ảnh ấy bình dị ấy, khiến y thấy công việc của y và đồng nghiệp hằng ngày luôn ý nghĩa. Bạn đọc vẫn cần đến các cơ quan báo chí. Vẫn có thể mang dép xoành xoạch bước vào, nhưng không, có nhiều người vẫn rụt rè bỏ dép bên ngoài, bước chân không trên nền gạch mát lạnh. Nhìn hình ấy, tự nhiên thấy thương và tự biết trách nhiệm của mình.

L.M.Q
(nguồn: Báo ANTG cuối tháng số 160 tháng 12.2014)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com