Đố ai dám ngửa mặt lên trời nói như đinh đóng cột, nói như chém gạch, nói như tép nhảy, nói như pháo rang, nói ngang cành bứa… Tóm lại là nói rào bọt mép, nói thánh nói tướng rằng, tớ là người giỏi tiếng Việt. Sáng qua lại phở, gặp Mr. Bim. Thì ra cái câu “Truyền thông không nên làm loạn bằng cách ngồi dưới đáy váy của mỹ nhân là nhận tiền lẻ”, Mr. Bim viết trên báo ANTG, y phân vân từ “là”, hóa ra không phải thuộc loại từ “thì, là, mà” mà “là” là động tác ủi quần áo! Trời đất! Sực nhớ đến cái bàn là khác.
Rằng, mở đầu cho tập sách Tiếng cười dân gian Việt Nam hiện đại là bài viết của y khi cùng bạn thơ Phan Hoàng đến chơi ở Trường Viết văn Nguyễn Du, tháng 5.1994. Đêm ấy, cúp điện, mấy anh em lên sân thượng của trường nói chuyện tiếu lâm chơi. Ghi chép lại cuộc trò chuyện lếu láo đó và gửi đăng Tuổi Trẻ cười. Bấy giờ anh Nam Đồng đang phụ trách. Đọc xong, anh cười như nắc nẻ:
Đồ Sơn như cái lá đa
Đồ nhà như cái bàn là Liên Xô
và cho in ngay. Ngoài Bắc gọi “bàn là”, trong Nam, ngoài Trung gọi “bàn ủi”. Từ đó, y viết lai rai và trải qua ngày rộng tháng dài đã có tập sách. Bản in lần thứ nhất, anh Hoàng Phủ Ngọc Phan viết Tựa, có đoạn: “Với Lê Minh Quốc, mọi gian khổ, thương hận, bất bằng gì cũng có thể xóa mờ, chỉ còn những tiếng cười hào sảng, khinh khoái đọng lại trên tâm hồn và những trang sách của anh". Chà, y đáng yêu quá nhỉ? Vâng, quá đáng yêu. Một người như thế, phụ nữ không yêu thì cũng uổng. Uổng nhất là không có dịp cùng đấu láo về chuyện rắc rối, thiên biến vạn hóa của tiếng Việt, dù cả hai cùng yêu tiếng Việt. “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời”. Phạm Duy viết câu này quá giỏi. Đơn giản mà bất kỳ ai đặt trên môi. Và hát. Sẽ rưng rưng một tình yêu nước Việt, tiếng Việt. Tự sâu thằm hồn mình đã nghe văng vẳng từ xa tiếng lũy tre xào xạc, tiếng bà ru cháu, tiếng trẻ nhỏ khóc đêm khuya, tiếng gươm khua ngựa hí ngoài biên ải… và hiện về trong óc cái không gian, từ thơ Huy Cận:
Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao,
Có cu gáy, có bướm vàng nữa chứ
Mà đôi lứa đứng bên vườn tình tự.
Sau cái vụ bỏ 100 triệu ra mua bài thơ Mùa tím hoa sim lúc đang là giám đốc Công ty Vitek VTB, anh L.V.Chính lại thực hiện vụ mua 10 nốt nhạc của PD cũng 100 triệu nhằm P.R cho thương hiệu Sơn Ca. “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời”. Vụ mua bài thơ của Hữu Loan tổ chức họp báo tại một quán ăn sang trọng trên đường Pasteur. Khi ấy các đài truyền hình vây quanh phỏng vấn, anh Chính hồi hộp, lấp bấp: “Được nói cũng là một trong những lạc thú của con người”. Y nghĩ, ấy là nói trước đám đông, trước nhiều người, còn lúc ngồi với người tình, sung sướng nhất vẫn là im lặng. Ông Huy Cận bảo:
Em nói, anh nghe tiếng lẫn lời
Hồn em anh thở ở trong hơi.
Nắng thơ dệt sáng trên tà áo
Lá nhỏ mừng vui phất cửa ngoài.
Im lặng là cũng một cách nói. Bây giờ, lúc này, nếu ngồi cạnh nàng, thì sao? À, y sẽ nói rằng, dù không phải tiểu thuyết diễm tình, nhưng quyển sách ấy đọc rất đã, rất sướng như thời trẻ ở chiến trường, mưa đêm rả rích, từng giọt mưa rơi lộp bộp mái tăng, nằm co ro như con tôm đã luộc chín và “luyện” Truyện Kiều bằng cách rọi đèn pin vào từng trang sách. Y mê Truyện Kiều từ năm tháng đó. Và cảm hứng đó, thế hệ y làm thơ:
Ở rừng thiếu thơ để đọc
Chúng tôi làm thơ cho mình
Từng câu chữ chưa tròn trịa
Ra đời từ cuộc trường chinh
Chúng tôi làm thơ để đọc
Như trồng thêm lúa để ăn
Như cắt tranh lợp nhà ở
Làm thơ dưới tiếng pháo gầm
Ngày đó chưa xa Đoàn Tuấn nhỉ? Đã viết xong tập sách về thời anh em mình ở K chưa? Hãy trở lại với sự tưởng tượng nếu lúc này ngồi bên nàng, y sẽ nói gì? À, y nói rằng, trong quyển Nỗi oan thì, là, mà của nhà ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân có phân tích rất hay về tiếng Việt. Chẳng hạn, về từ “mà”, ông cho biết có một đề tài luận văn tốt nghiệp mà các sinh viên đều “né đạn”. Không dám sờ tới. Đề như sau:
“Quan sát đoạn hội thoại sau:
Sinh viên A: Có mỗi từ MÀ mà cũng làm một đề tài luận văn!
Sinh viên B: Mà nào có khó!
Sinh Viên A: Hơn nữa, hay gì mà hay!
Sinh viên C: Ấy thế mà…
Phân tích cách dùng từ MÀ trong đoạn hội thoại trên. Tìm đặc điểm khái quát của từ MÀ”.
Trời đất, chỉ có thể nói: “Đúng là tiếng Việt”.
Lại nữa, một bà người nước ngoài đi chợ Đồng Xuân, mấy bà bán bún ốc riêu chỉ chỏ:
- Khiếp, xấu quá! Béo ơi là béo!
Ai dè, bà này quay lại đốp ngay:
- Vâng, các bà thì đẹp!
Lại chuyện: Anh chàng ngốc nọ đi mua 6 con lừa. Ngồi trên lưng cỡi một con, về đến nhà, đếm đi đếm lại thấy thiếu một con. Chị vợ mỉa:
- Thôi, xuống đi, thừa một con thì có!
Thử hỏi, “Tiếng Việt chính xác hay mơ hồ?”. Ông Dân còn đưa ra những cấu trúc so sánh giống nhau về hình thức nhưng bản chất lại khác nhau:
(1) Tôi cũng thích trà như cà phê.
(2) Tôi cũng thích trà như anh
“Ở câu 1, trà và cà phê là hai loại đối tượng mà tôi thích như nhau, còn ở câu 2 thì trà là đối tượng mà anh và tôi đều thích. Câu 3 dưới đây theo cấu trúc ấy và chấp nhận cả hai cách giải thích nên nó mơ hồ:
(3) Tôi cũng thương vợ anh như anh.
Theo cách hiểu ở câu 1, câu 3 được cắt nghĩa là “Tôi thương vợ anh và thương anh như nhau”, còn theo cách hiểu ở câu 2, câu 3 được cắt nghĩa là “Tôi và anh thương vợ anh như nhau”.
Rắc rối thật chứ chẳng đùa.
Có anh chàng nha sĩ nọ sang hành nghề ở đất nước có cả nửa tỉ người, bạn bè nghĩ ắt sẽ giàu sụ. Anh này đáp: “Có ai dám hé răng ra mà chữa!”. Vậy mẩu chuyện này nói về chữa răng hay tự do ngôn luận?
Lại chuyện mẹ chồng dặn con dâu góa chồng: “Số mẹ con mình rủi ro thôi đành cắn răng mà chịu con ạ!”. Dặn vậy những ít lâu sau bà mẹ chồng tằng tịu nọ kia, cô dâu nhắc lại lời khuyên của bà, bà đáp: “Ấy là mẹ dặn con chứ mẹ thì còn răng đâu mà cắn!”. Rõ ràng, chúng ta có hai cách hiểu khác nhau.
Lại có chuyện đồng âm: “Đi xe cố vấn, mặc áo chuyên gia, ăn uống qua loa là anh cán bộ”. Ta hiểu như thế nào? “Nghĩa thứ nhất: Cuộc đời cán bộ thật là sang, vào cỡ cố vấn, chuyên gia mà lại đạo đức và thanh đạm; ăn uống qua loa. Nghĩa thứ hai: Cuộc đời cán bộ thật cực khổ. Xe đạp mà phải cố vấn, mà buộc cho khỏi bể vỏ, nổ lốp. Ăn mặc rách rưới hở cả da thịt (chuyên “da” mà!). Ăn uống thì không có gì, nếu nghe qua đài qua loa thì cũng ăn uống đầy đủ đấy!”.
Cái giỏi “chơi chữ” ở đây chắc chắn thuộc về lời ăn tiếng nói của nhân dân nhưng ông Dân đã biết “chộp” đúng lúc để minh họa cho sự ngoắc nghéo của tiếng Việt.
Thử hỏi đâu là từ “đặc Việt”? Theo nhà ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân là từ “nước” bởi những lý do mà ông lập luận: Người Việt dùng từ nước để chỉ “lãnh thổ dân tộc” như Nước Việt Nam; “làng nước” để chỉ người cùng làng v.v.... “Thú vị là từ làng cũng gắn với “những dải nước lớn” vì người Việt cổ “quần cư quanh những dãi nước lớn (cũng như đồng bào miền núi thường quần cư bên bờ suối, bờ sông) mà ngày xưa gọi là LANG và sau này khi tiếng Việt đã có thanh điệu, cơ sở quần cư ấy gọi là LÀNG)...
Đọc được những chi tiết đắc địa đó, y bèn vỗ đùi cái đét mà rằng: Tài sản lớn nhất của nhà văn là vốn từ, là chữ. Y còn nghe kể rằng, lần nọ, nhà văn Nguyên Hồng đi qua chợ và nghe tiếng the thé của một người đàn bà:
- Mới sáng bảnh mắt ra, đứa nào nấu món gì thơm thế! Gần mũi xa mồm thế này chỉ làm cái dạ dày, cái ruột gan rối tinh rối mù lên thôi.
Với người khác, câu ấy không có gì đáng nhớ cả! Nhưng với tư cách của một nhà văn, mắt Nguyên Hồng chợt sáng lên và… ngồi thụp ngay xuống giữa chợ, lấy cuốn sổ tay sờn cả mép giấy, ghi vội ghi vàng “Gần mũi xa mồm” như sợ nó biến mất. Sau này, Nguyên Hồng vừa vân vê mấy sợi râu vừa giảng giải cái "thần" của câu nói đó:
- Cái con mẹ ấy nói khéo thế. Mùi thơm xào nấu nó chỉ ngửi được, chứ không được ăn. Nhưng cách nói ấy gợi quá. Diễn đạt cảm giác này không có cách nói nào hay hơn được đâu!
Sáng nay lại online. Sau những cuộc hỏi han, bèn past đến Nàng một đoạn email. Ủa, đó là thư tình riêng tư của hai người à? Thì cứ đọc đi:
“Cưng à, trong dân gian có nhiều cách nói để biểu hiện màu sắc. Chẳng hạn, ngựa đen được gọi là ngựa ô. Vậy mèo đen cũng gọi là mèo ô chăng? Không, người ta gọi là mèo mun. Còn gà đen thì cũng được gọi là gà mun chăng? Không, gà đen được gọi là gà ô, vậy đũa đen được gọi là đũa ô? Không, người ta gọi là đũa mun! Rắc rối quá! Thế chó đen được gọi là chó ô chứ gì? Không, người ta gọi là chó mực. Chưa hết, gà trắng được gọi là gà nhạn. Vậy trâu trắng được gọi là trâu nhạn? Không, người ta gọi là trâu cò. Vậy ngựa trắng gọi là gì? Xin thưa, người ta gọi là ngựa bạch! Thế tóc trắng gọi là tóc bạch chăng? Không, người ta gọi là tóc bạc! Vậy đũa trắng gọi là đũa bạc? Không, người ta gọi là đũa ngà”.
Những tưởng đọc xong nàng sẽ sung sướng, khoái trá và ngợi khen y như nhân vật Hoàng trong truyện ngắn Đôi mắt của Nam Cao lúc đọc Tam Quốc Chí: “Mỗi khi đọc đến đoạn hay anh lại vỗ đùi kêu: - Tài thật! Tài thật! Tài đến thế là cùng! Tiên sư anh Tào Tháo”.
Nào ngờ, Nàng chỉ nhắn lại mỗi một hình “cái mặt cười”.
Quê độ quá chừng. Cụt hứng. Vậy thì, khép lại trang nhật ký đưa vợ chồng đứa em ra sân bay trở về Úc. Ngoài kia nắng xanh. Chỉ có y là đang quê một cục! Mà sao lại gọi "quê một cục"? Có ai giải thích giúp được chăng?
Tiếng Việt rắc rối thật.
L.M.Q
(nguồn: Báo ANTG cuối tháng số 159, tháng 11.2014)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|