BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết Lê Hoàng - bản lĩnh của người làm sách là lương tâm và trách nhiệm

Lê Hoàng - bản lĩnh của người làm sách là lương tâm và trách nhiệm

lehoangRR

 

Chiều ngày 21.1.2015, anh Lê Hoàng - Phó Chủ tịch - Trưởng ban Đại diện phía Nam của Hội Xuất bản Việt Nam mời họp mặt cuối năm "Những người bạn của Hội". Tôi sực nhớ từ năm 2001 đã trao đổi với anh về sự kiện Chính phủ vưa đồng ý cho phép thành lập Hội Xuất bản Việt Nam. Bài phỏng vấn anh đã in trên báo Phụ Nữ Chủ Nhật số 41 ra ngày 28.10.2001, nay đọc lại, vẫn còn thấy có ý nghĩa thời sự, vì thế, tôi post lên trang web giúp bạn đọc có cái nhìn về ngành xuất bản nói chung.

L.M.Q

(I.2015)

 

Trò chuyện cuối tuần

Lê Hoàng - bản lĩnh của người làm sách là lương tâm và trách nhiệm

LÊ MINH QUỐC (Thực hiện)

Vóc dáng thư sinh, trên môi thường nở nụ cười thân mật và lịch thiệp. Đó là ấn tượng đầu tiên khi ta gặp anh Lê Hoàng - giám đốc Nhà xuất bản (NXB) Trẻ. Cho đến nay, tuy chỉ là một NXB thuộc cơ quan chủ quản là Thành Đoàn TNCSHCM, nhưng Trẻ đã nỗ lực để trở thành một trong ba “đại gia” của cả nước là Giáo dục, Kim Đồng, Trẻ:  không chỉ có số lượng bản sách in nhiều nhất mà còn đạt chất lượng tốt phục vụ cho bạn đọc. Do đó, trong nhiều năm liền NXB Trẻ đã được bình chọn là một trong những Hàng Việt Nam chất lượng cao và khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường sách hiện nay. Nhưng có một điều thú vị ít người biết, bản thân anh Lê Hoàng từ thuở ban đầu đến với lãnh  vực này vốn không phải là người “sinh ra để làm sách”

Vậy trước đó anh chuyên môn của anh?

Lê Hoàng: - Trước năm 1975 tôi là học sinh Sài Gòn, từng tham gia xuống đường biểu tình, đốt xe Mỹ trong phong trào đấu tranh đô thị của SVHS, bị chính quyền ngụy bắt giam từ tháng 10.1974 đến 13 giờ ngày 30.4.1975 mới được tự do. Gắn bó gần 30 năm với tổ chức Đoàn, tôi được phân công làm công tác thiếu nhi nhiều năm liền, sau đó, có thời gian sang Kampuchia giúp bạn trong công tác thanh niên. Nhưng thật ra từ lâu lắm rồi, tôi đã có duyên nợ với ngành xuất bản, đó là tình yêu đối với sách trong những năm tháng đi học - nhất là thời gian học Văn khoa...

Lúc bắt đầu về nhận công tác tại NXB Trẻ, thưa anh, thời điểm đó thị trường sách có thuận lợi cho người làm sách không?

- Tôi về NXB Trẻ từ năm 1989 là thời điểm cả nước đang chuyển từ cơ chế bao cấp sang kinh tế thị trường. Trước đó, sách được in rất nhiều, nhưng in theo chỉ tiêu chứ chưa hẳn xuất phát từ nhu cầu của người đọc. Do đó, khối lượng sách tồn kho thật khủng khiếp, nhiều như núi, không chỉ tồn trong kho của mình mà còn cả trong kho của các Công ty Phát hành sách nữa! Hệ thống phát hành hầu như tê liệt, không còn sinh khí, đời sống cán bộ công nhân viên rất khó khăn... Đứng trước thực trạng này, tất nhiên các NXB đều có hướng tháo gỡ tích cực. Tuy nhiên, nhiều nơi khi chuyển hướng sang kinh tế thị trường đã bị “mất đà”- nghĩa là thấy trên thị trường loại sách nào đang “ăn khách” thì lập tức được in ra ồ ạt, cứ chạy theo “thị hiếu bạn đọc” hơn là có kế hoạch lâu dài. Vì thế ở thời điểm này, ta thấy trên thị trường có lúc “bùng nổ” sách dịch, truyện Trung Quốc, truyện vụ án, hình sự  hoặc in lại sách đã xuất bản trước năm 1975 v.v... Nhưng NXB Trẻ đã đứng ngoài cung cách làm sách phổ biến này để tìm một hướng đi riêng.

Anh có thể cho biết hướng đi riêng này như thế nào?

-Mãi đến năm 1992, chúng tôi mới thật sự vượt qua được khó khăn chung, sau khi xác định hướng đi lâu dài của NXB Trẻ. Đó là sự định hướng theo đúng nhiệm vụ mà Thành Đoàn đã chỉ đạo “Tổ chức biên tập và xuất bản các loại sách và văn hoa phẩm nhằm góp phần giáo dục thanh thiếu niên VN trở thành lớp người yêu nước, yêu dân tộc, có lý tưởng cộng sản, trong sáng, có sức khỏe, ý chí, nghị lực, có văn hóa và đầy đủ năng lực sáng tạo. Giáo dục và bổ sung kiến thức ngoài nhà trường, đào tạo để thanh thiếu niên đủ năng lực làm chủ, gánh vác mọi nhiệm vụ của xã hội trong tương lai”. Từ đó các Tủ sách đã ra đời, đầu tiên là Tủ sách Áo trắng, rồi kế tiếp là Tuổi hồng, Kiến thức bách khoa tuổi xanh, Văn học trong nước, Kiến thức y học, sức khỏe dành cho mọi người... Cho đến nay, chúng tôi đã tổ chức được 16 tủ sách tạo được uy tín trong bạn đọc. Nhân đây, thiết tưởng cũng cần nói thêm là về mảng văn học trong nước, để có được bản thảo tốt, chúng tôi đã phối hợp với Hội Nhà văn TP.HCM   tổ chức định kỳ các giải như “Văn học thiếu nhi vì tương lai đất nước”, “Văn học tuổi hai mươi”...

Với số lượng in rất lớn không thua bất cứ “đại gia” nào, vậy hướng phát hành của NXB Trẻ như thế nào để đưa sách đến bạn đọc trong cả nước?

- Đối với chúng tôi đó là sự đa dạng các kênh phát hành. Hiện nay, NXB Trẻ đã xây dựng được năm kênh: hệ thống phát hành quốc doanh như  Savina, Tổng Công ty PHS VN, Fahasa hoặc các công ty PHS các tỉnh thành trong cả nước; hệ thống Công ty sách và thiết bị trường học - đưa sách vào trường học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; hệ thống đại lý, cửa hàng sách tư nhân; hệ thống thư viện văn hóa các tỉnh và hệ thống bán sỉ, lẻ của phát hành báo chí. Như thế bạn đọc có thể tìm mua sách của NXB Trẻ ở bất cứ nơi nào, có thể mua trong siêu thị sách, nhà sách, trường học... nhưng cũng có thể mua ngay lề đường như dừng chân mua tờ báo. Nhờ vậy, mà sách của chúng tôi đã vươn đến những nơi xa xôi như Sơn La, Lào Cai, Tuyên Quang, Quang Ninh... bằng hình thức phát hành trực tiếp và điều quan trọng nhất là đã tạo cho bạn đọc dần dần   quen với “gu” làm sách của NXB Trẻ.

Ban Thường vụ Thành Đoàn đã đánh giá “Uy tín của NXB Trẻ được thanh thiếu niên thành phố thừa nhận, đóng góp của NXB Trẻ trong trong thời gian qua không chỉ ảnh hưởng trong phạm vi thành phố mà còn tỏa ra trong các tỉnh khu vực phía Nam và cả nước”. Vậy kinh nghiệm nào để NXB đạt được thành quả này?

- Đối với sách của kế hoạch A (NXB đầu tư vốn) hoặc kế hoạch B (liên kết với tư nhân) thì chúng tôi cũng đều xác định một phương hướng chung là làm để sách phục vụ cho nhu cầu hướng thiện, lành mạnh của bạn đọc. Định hướng “chân thiện mỹ” này được thể hiện đa dạng, phong phú qua nhiều thể loại sách. Điều này sẽ thu hút được những người làm sách tư nhân đến hợp tác - khi mà họ cùng có chung “tần số”, cùng quan điểm với NXB Trẻ. Từ đó, đối với loại sách kế hoạch B dù cũng được thực hiện rất nhiều, nhưng chưa có tập sách nào bị Bộ VHTT “thổi còi”. Như thế, ta có thể thấy những người liên kết đã cùng chia sẻ trách nhiệm với NXB. Đó là điều đáng quý lắm.

Bên cạnh đó, chúng tôi đặt công tác biên tập lên hàng đầu, không để sai sót trên từng trang sách, cho dù chỉ là lỗi chính tả... Ngoài ra các bộ phận khác như từ trình bày bìa đến phát hành, tài chính... cũng đều phải kết hợp thống nhất để hoàn thành một sản phẩm tốt nhất phục vụ cho bạn đọc.

Là một người thành công trong việc làm sách, nhưng xin hỏi anh thư giãn hằng ngày như thế nào, chẳng lẽ cũng... đọc sách chăng?

- Tôi nghĩ, một phản ứng tự nhiên của cơ thể con người là khi dồn tâm trí quá nhiều cho việc chữ nghĩa thì cách giải trí tốt nhất là chơi thể thao. Tôi thư giãn bằng cách chơi cầu lông vì nó phục hồi sức khỏe nhanh...

Khi một quyển sách ra đời, các NXB đều mong muốn được tiếp cận với thông tin phê bình, góp ý  từ nhiều hướng. Vậy có bao giờ anh nhận được ý kiến   từ chính... các con của anh?

- Tất nhiên là có. Chỉ xin kể một trường hợp khá thú vị của con gái tôi khi góp ý về tuyển tập (do cộng tác viên là nhà văn Đoàn Thạch Biền tổ chức bản thảo) và tủ sách Áo Trắng. Cháu cho biết là thích đọc hơn các tập san khác cũng cùng chung một chủ đề và đề nghị tiếp tục duy trì. Vì ở đó có cách viết trầm tĩnh, đằm thắm và đi vào chiều sâu nội tâm tuổi mới lớn hơn là khai thác sự nhí nhố, bỡn cợt của lứa tuổi này. Góp ý của cháu và bạn bè cùng lứa tuổi của cháu càng giúp tôi vững tin là mình đã đi đúng hướng.

Thưa anh, hiện nay có đang diễn ra một sự kiện quan trọng trong ngành sách VN- đó là việc Bộ trưởng, Trưởng ban Ban tổ chúc- Cán bộ Chính phủ đã đồng ý cho phép thành lập Hội Xuất bản VN. Là thành viên của Ban vận động thành lập Hội, theo anh sự kiện này có lợi ích như thế nào?

- Từ trước đến nay quan hệ giữa Cục Xuất bản với các NXB là quan hệ giữa hai tổ chức của nhà nước - dựa trên luật pháp, quy định, nghị định, quyết định của Bộ VHTT nên nặng về hành chính. Mà trong khi đó, xuất bản là một hoạt động nghề nghiệp nên tự thân nó cũng có nhu cầu trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau để nâng cao bản lĩnh, nghiệp vụ... Vì thế nó cần có Hội như một “sân chơi” bình đẳng để các NXB, phát hành, nhà in trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau, cùng giúp đỡ thăng tiến trong nghề nghiệp.

Hiện nay, Ban thành lập Hội đặt ở số  10 phố Đường Thành (Hà Nội), theo dự kiến thì có thể tiến hành Đại hội thành lập Hội từ ngày 25.10 đến 26.10.2001 tại Hà Nội. Sau khi Hội Xuất bản VN ra đời, về lâu dài, Hội sẽ có nhiều hoạt động nghiệp vụ, tổ chức những chuyên đề như làm sao phối hợp tốt với ngành phát hành để đưa sách ra thị trường hoặc tọa đàm về kinh nghiệm biên tập sách v.v... Hội sẽ tiến hành điều tra xã hội học để nắm bắt nhu cầu bạn đọc- giúp cho các NXB có cái nhìn đầy đủ hơn về thị trường sách... Rõ ràng, nếu Ban chấp hành Hội thể hiện nhiệt tình, tâm huyết đối với ngành và đưa ra được nhiều chương trình hành động thiết thực thì chắc chắn rất có lợi ích cho các thành viên.

Cuối cùng, xin hỏi anh, trong nhiều năm gắn bó với ngành xuất bản, in ấn, phát hành sách- anh đã rút ra điều gì tâm đắc nhất?

-Tôi nghĩ làm sách là tạo ra mối quan hệ rất gần với con người, mà gần nhất vẫn là những người thân trong gia đình mình. Nếu sách tốt hoặc sách xấu do mình làm ra thì ảnh hưởng trực tiếp nhất, nhanh nhất vẫn là người thân của mình, cụ thể là con cái mình. Vì thế, tôi tâm đắc với suy nghĩ bản lĩnh của người làm sách là phải có lương tâm và trách nhiệm.

Nói thật, chúng tôi đã từng chối khá nhiều bản thảo thỏa mãn “thị hiếu gần với bản năng”, cho dù biết là nếu in ra sẽ bán chạy. Hoặc có những nhân vật tiêu cực đã bị báo chí phê phán, dẫu biết sự phê phán ấy là đúng. Nhưng nếu vì thương mại hóa trong xuất bản, ta gom lại để in thành sách thì chẳng khác nào ta treo cho họ bản án tử hình suốt đời, nhiều đời và thậm chí còn ảnh hưởng lâu dài đến con cháu họ - vì sách được lưu trữ trong thư viện, tủ sách gia đình nhiều thế hệ - nên đối loại sách này chúng tôi rất cân nhắc, thận trọng.

Xin cám ơn những bộc bạch rất chân tình và thú vị của anh.


l-hoang-NXB-Tre

(nguồn: Báo Phụ Nữ Chủ Nhật số 41 ngày 28.10.2001)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com