LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 15.5.2013



bien-moi-ruouR2

"Anh hùng Tống Giang" nâng ly mời bạn bè lúc chưa kiêng cữ bia bọt


Người anh hùng Tống Giang của Lương Sơn Bạc văn nghệ sĩ Sài Gòn vừa đưa tay đầu hàng, với bia. Vâng, một giọt bia cũng không chạm tới. Ít phải 30 ngày kiêng cữ. Dăm năm trước, y đã viết về anh:

anh say trước mọi người
nhưng lại về sau cùng
anh không có gì cả
ngoài cô đơn sủi bọt
bàn tay nghiêng chai rót
sóng sánh ngoài thời gian

Những lúc chai cao ly thấp, chén cạn cốc đầy, ông thường nửa đùa nửa thật: “Phạm Duy viết câu này tặng tau”. Thời đó, bọn y mới lao nhao bước vào làng văn, nghe vậy, vội vàng hỏi tới tấp: “Câu gì? Câu gì?”. Ông tỉnh bơ cất giọng: “Đường về đêm đêm mưa rơi ướt bước chân em/Bùn lầy không quên bôi thêm lối ngõ không tên/… Đường về nhà em tối đen/ Nhìn vào khe song trông anh ốm yếu ho hen… Mấy chữ “ốm yếu ho hen” là tặng tau chứ còn ai vô nữa?”. Ai nấy cười khà khà. Lập tức, ông bảo: “Chữ này mới là chữ vàng chữ ngọc nè: “Đời nghèo không riêng thương yêu bóng dáng xuân sang/ Yêu phố vui, nhà gạch ngon”. Chữ “ngon” gọi là “nhãn tự”. “Nhãn tự” nghĩa là... Cứ thế ông giải thích và bọn y ngẫn tò te ngồi nghe. Lại lần khác ông bảo: “Câu này Phạm Duy cũng tặng tau”. Câu gì? “Người từ trăm năm về phai tóc nhuộm…”. Câu này hay ở chỗ “tóc nhuộm”. Hiện đại quá chừng. Nhìn bề ngoài tóc xanh, nhưng anh B lật bên trong đã thấy bạc trắng. Tóc y cũng đã bạc trắng rồi. Dấu chân chim đã hằn. Tóc nhuộm đã phai... .

Ngày hôm kia, anh nhắn tin mời bạn bè đến quán Đất Phương Nam. Anh đãi món khoái khẩu do chính tay vợ nấu là con dông Phan Rí. Vừa xào vừa nướng. Con dông là “nhân vật” quen thuộc trong truyện ngắn của anh.

Đoàn Thạch Biền lại hay, sau khi về hưu hầu như anh không viết thêm gì mới, mỗi năm chừng một hai truyện ngắn là cùng. Anh bảo: "Viết không hay hơn trước, viết làm gì?". Biết dừng là hợp đạo. Nhưng than ôi, có phải ai cũng được như thế đâu. Họ phải viết để duy trì sinh kế, dù đã già, đã hết xí quách. Trong các nghề, viết là nghề khó khọc. Khó nhọc nhất là lúc không thể "vượt lên chính mình" mà họ cũng phải viết. Viết như đã tằm thì phải nhả tơ đến kiệt cùng thân xác.

Ông Sơn Nam có lần tâm sự: "Nếu ngồi nhà mà hái ra tiền thì chẳng ai đi ra ngoài đường làm gì". Y ngẫm nghĩ thêm, nếu không lo toan về sinh kế, được ngồi nhà viết những gì mình thích thì sung sướng biết bao nhiêu. Viết là cái thú ở đời với nhiều người, nhưng viết để kiếm sống thì cực nhọc quá. Văn chương thời 1932-1945, nhà văn Ngô Tất Tố bùi ngùi: “Ở xứ An Nam ta chính cái nghèo là trường học đào tạo nên các nhà văn”. Có thể hiểu, lớp nhà văn ấy, họ viết trước hết nhằm giải quyết cho sự mưu sinh trước khi muốn gửi một “thông điệp” cao cả nào đó đến bạn đọc. Ngày nay, đã khác. Đã có một thế hệ viết nào phải vì tiền. Bằng chứng, có những người xinh đẹp, giàu có, nói ngoại ngữ giòn như bắp rang, một bước lên xe hơi đời mới, thu nhập tiền USD nhưng họ vẫn viết văn. Với họ, viết để chơi. Chơi một cách sang trọng chứ không chăm bẳm kiếm sống từ tác phẩm của mình. Viết chỉ để giải bày tâm sự và ghi lại cảm xúc của mình. Điều này, ta có thể thấy rõ trên các trang mạng xã hội ngày càng xuất hiện nhiều blogger. Và không ít bài viết có chất lượng của họ đã được tuyển in thành sách. Mục đích viết văn mỗi thời mỗi khác. Cũng là lẽ tất nhiên.

Lúc ngồi khề khà bên bàn nhậu, anh bảo: “Học trò của tao nuôi dông, nó nói con dông rất háu ăn. Khi đẻ con, nếu đói, chúng cũng xơi tuốt. Vì thế, người nuôi phải biết đem lũ dông mới đẻ qua chỗ khác”. Chi tiết này hay.

Nhà văn? Y nghĩ phải biết nghe, chọn lọc cái đắc địa nhất và nhớ; phải biết quan sát. Có người chỉ nhìn mà không thấy, bởi họ không biết quan sát. Anh lại bảo: “Trong một tháng không bia bọt sẽ sắp xếp lại tủ sách; sẽ cho Q một vài tạp chí trước 1975”. Nghe mừng rơn. Rồi ai cũng có lúc phải thế thôi, cữ bia. Bởi anh bị “gout”. Hỏi nhiều người bị, câu trả lời có mẫu số chung là ăn nhiều nội tạng động vật.

Ngày trước viết hồi ký cho tướng Trần Độ, ông có kể, lúc ở tù của đế quốc, sung sướng nhất là được ăn những thứ này, vì lấy lại sức khỏe rất nhanh. Về vụ hồi ký Trần Độ, sau y bỏ nửa chừng, dù có giữ một loạt băng cassette ghi âm. Trong đó ông có kể lại chi tiết hay về Cụ Hồ thời đánh nhau ở Điện Biên Phủ. Lần nọ, cả đoàn quân đang đi bỗng Cụ hô dõng dạc hô khẩu lệnh: “Tất cả: Dừng! Bên trái: Quay!”. Cả đội hình thực hiện theo răm rắp. Mệnh lệnh kế tiếp là gì? Ông Cụ lại hô: “Đái!”. Xong xuôi mọi việc, cả đoàn lại hành quân. Chi tiết này y tin là thật và cũng thú vị nữa. Rất đời.

Mấy hôm nay vui vui vì bạn bè có sách mới. Thời buổi này, nhà văn vẫn thiệt thòi bởi họ không thể biết số lượng in thực bao nhiêu và tái bản bao nhiêu lần? Thông thường NXB hoặc tư nhân liên kết làm sách chỉ ghi 1.000 hoặc 2.000 bản, như thế giảm được chi phí trả nhuận bút cho nhà văn và đóng thuế nhà nước. Khi có sách, nhà văn chỉ nhận tiền lần một rồi sau đó sách mình như thế nào thì chịu. Có tái bản hoặc không cũng chịu bởi quy trình in và phát hành khép kín. Nhà văn muốn bỏ tiền ra in ư? Lại không thể phát hành được. Cái khó là chỗ đó.

Mà, in thơ lại càng khó hơn nữa. Ai nhận phát hành? Hôm nọ trong đám cưới con trai Xuân Thái. Gặp nhiều người quen. Bạn bè cũ. Gặp Trương Nam Hương nói về chuyện thơ. H cho biết đã chuẩn bị bản thảo in tập thơ. Đã xong. Nhưng cuối cùng xếp vào ngăn kéo vì in để làm gì? Đúng quá, in thơ để làm gì nhỉ? Thời buổi này, không còn một NXB nào đưa thơ vào kế hoạch A, nghĩa là họ đầu tư vốn. Hầu hết là kế hoạch B, tác giả phải lo từ A đến Z. Ấy thế, Cuộc thi thơ trên Facebook vẫn rầm rộ, thiên hạ vẫn ồ ạt post thơ từng giờ cứ như thời năm 1972 bom Mỹ ném xuống Khâm Thiên Hà Nội.

Khiếp!

Mấy hôm nay lại viết linh tinh. Hôm qua đã cày xong bài phản bác lại quan niệm “Có chồng phải gánh giang san nhà chồng” cho DDVN số tháng 6.

Chia tay anh hùng Tống Giang, rời khỏi Đất Phương Nam về nhà, mẹ cho biết là mối mọt kéo vào tủ quần áo. May phát hiện được. Loay hoay cả đêm. Sáng, ghét quá, chuyển quách luôn cái tủ. Trưa PV của DDVN đến chụp tranh Q đã viết nhằm dự trữ minh họa cho bài viết của Q. Tối qua, lếch thếch chằng biết ăn gì. Ở Sài Gòn tìm một chỗ ăn ưng ý chẳng dễ dàng chút nào. Lên giường ngủ nằm đọc lại tap chí Tin Văn mới biết làm báo trước 1975 hào hứng thật. Bây giờ ư? Đừng hòng. Với tay lấy tờ An ninh thế giới số cuối tháng, đọc bài của Ngô Trí Minh, đoạn đầu có 4 câu thơ:

“Em mòn câu hát cũ

Anh đã vẹt dấu giày

Tìm nhau bằng ký ức

Không mưa mà ướt tay”

(N.K.L – thân tặng B.V.H)

Không lẽ là của Ngô Kinh Luân? Thơ hay ra phết đấy chứ.

Mấy hôm nay vui vui vì bạn bè có sách mới. Thời buổi này, nhà văn vẫn thiệt thòi bởi họ không thể biết số lượng in thực bao nhiêu và tái bản bao nhiêu lần? Thông thường NXB hoặc tư nhân liên kết làm sách chỉ ghi 1.000 hoặc 2.000 bản, như thế giảm được chi phí trả nhuận bút cho nhà văn và đóng thuế nhà nước. Khi có sách, nhà văn chỉ nhận tiền lần một rồi sau đó sách mình như thế nào thì chịu. Có tái bản hoặc không cũng chịu bởi quy trình in và phát hành khép kín. Nhà văn muốn bỏ tiền ra in ư? Lại không thể phát hành được. Cái khó là chỗ đó.

Trần Nhã Thụy vừa nhắn tin cho biết là vụ làm tập sách Không gian tiệm nước, O chỉ tài trợ một phần, còn lại là Thụy và Ngô Liêm Khoan. Sáng nay, vẫn phở bà Dậu.  Q và Trần Hoàng Nhân đã đưa kế hoạch làm bìa cho tập sách của cuộc thi thơ trên Facebook. Liên điện thoại đòi kịch bản truyện tranh. Chưa viết xong. Thiện NXB Trẻ đề nghị làm lại bộ Hỏi đáp Sài Gòn - TP.HCM. Sắp kỷ niệm sinh nhật báo PN. Trời mấy chục năm Q đã làm việc tại đây. Nhanh ơi là nhanh.

Chiều nay nhậu Việt Phố bởi có người tặng Giản Thanh Sơn 4 ký thịt bò Mỹ. Vẫn là vài gương mặt cũ. Vừa viết xong bài đọc sách tập sách truyện ngắn Đất tụ long của NXB Trẻ và báo Văn Nghệ in. Tập này hay. Đáng đọc.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment