LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 20.5.2013

 

Trưa qua, chủ nhật, ăn trưa với Chị Đẹp ở quán góc Đồng Khởi và Ngô Đức Kế. Quán ăn Tây. Ngoài khăn bàn trắng tinh, trên bàn còn có tấm giấy trắng đặt lên trên, vừa khít mặt bàn và những cây bút màu. Cũng hay. Hai người ngồi, nếu giận nhau, không thèm nói chuyện, cứ việc cắm cúi vẽ, đỡ phải nhìn mặt nhau. Không giận nhau nên chẳng việc gì phải vẽ để giết thời gian trong khi chờ món ăn.Vì thế câu chuyện rôm rã. Nói chuyện linh tinh. Chuyện rằng:

phoca_thumb_l_le-minh-quoc-6

Mẹ tôi thời trẻ

Nếu nhà thơ Du Tử Lê, lúc xuất hiện trên văn đàn ông ký tên thật Lê Cự Phách; Nguyễn Tất Nhiên ký Nguyễn Văn Hải chẳng hạn, chắc chẳng có ma nào thèm đọc. Thơ tình mà nghe “phách” với “hải”, hãi thật đấy chứ. Cái tên cũng vận vào người. Nếu nhà văn Nam Cao không đặt tên Chí Phèo, Trạch văn Đoành.. hẳn sức sống nhân vật ấy khó “bền” đến hôm nay chăng? Cái tên Chị Đẹp, ngẫm đi ngẫm lại thấy cũng hay. Vừa sến vừa điệu đà lại vừa “chảnh” nữa chứ. Không “đụng hàng”. Chắc chắn một điều đó là cái tên ấn tượng. 

Ai chịu khó tìm hiểu bút danh của nhà văn cũng là thú vị. Lâu nay, sách báo vẫn ghi tên tự của hai nhà học giả, nhà văn Trương Vĩnh Ký là Sĩ Tải; Trương Minh Ký là Thế Tải. Liệu có đúng không?  Như ta biết, tên tự được đặt theo lối dùng chữ đồng nghĩa với tên chánh, kèm theo một chữ dùng để làm cho tên tự được hoa mỹ. “Tải” có nghĩa là chuyên chở, trong khi “Tái” có nghĩa ghi chép như chữ “Ký”. Vậy Sĩ Tái; Thế Tái mới đúng chăng? Tiếc không tìm ra bút tích của họ để xem lập luận này có vững không? Nghe những bút danh như Bà Tùng Long, Anh Bồ Câu, Nghiêm Lệ Quân… rõ ràng chỉ thoáng một lần, đã nhớ. Ngày trước, khi sinh con, người ta rất chú ý đến cái tên của con. Nếu đặt tên theo chữ Hán, ắt phải theo “bộ”. Suy nghĩ như thế, tôi quả quyết rằng, con trai của quan đại thần triều Nguyễn là cụ Tôn Thất Thuyết, phải là Tôn Thất Đàm. Bảng tên đường ở Sài Gòn hiện nay ghi Tôn Thất Đạm, có lẽ không đúng. "Thuyết" phải đi với "Đàm".

Với con người ta, cái tên của họ là quan trọng nhất. Trong quyển sách Đắc nhân tâm, ông Nguyễn Hiến Lê cho rằng, một trong những cách lấy thiện cảm người khác nhanh nhất, dễ nhất là hãy gọi đúng tên của họ. Tôi có một trí nhớ tồi tệ hay hay quên tên người khác, gặp nhau tay bắt mặt mừng, dù cố nặn óc cũng không thể nhớ ra được cái tên. Tệ thật! Lúc đó, cách khôn ngoan nhất, tôi làm mặt tỉnh như ruồi, bảo: “Ông (anh), chị (em) cho Q cái “cạc-vi-dít” để lưu số điện thoại”. Vậy là xong, nếu người đó không có thì đưa cái điện thoại mình cho họ, “Ông lưu giùm một cái. Dạo này mắt mũi kèm nhèm quá!”. Vậy cũng  xong.

Có lẽ trong tập sách Đắc nhân tâm thì phải, ông Nguyễn Hiến Lê có viết một câu, đại khái, muốn tạo được tình cảm của người khác, cách tốt nhất là phải nhớ tên người đó. Với con người ta, cái tên của họ là quan trọng nhất. Nhớ đến tên họ, khi ta gọi thì lập tức họ dành ngay cho ta sự thiện cảm. Đúng quá. Có lần, thấy ông Bùi Giáng múa may quay cuồng ngoài phố, bất cần đời, đố ai có thể hạ hỏa được cơn điên mộng du trầm phù bi đát của trung niên thi sĩ? Lúc đó, muốn ông “tỉnh” lại, bước ra khỏi cơn “điên” thì hãy gọi đúng tên ông. Lập tức ông trở lại trạng thái hiền khô, nhưng chưa hề xẩy ra chuyện gì? “Chú mày gọi trẫm hả?” Chưa dứt lời, ông đã nhảy vọt lên xe người vừa gọi rất đỗi thân tình, dù người đó lạ hay quen. Nhà văn thường xài bút danh, Ông Đoàn Thạch Biền tên thật Phạm Đức Thịnh, trước 1975 ký Nguyễn Thanh Trịnh và sau nay là Đoàn Thạch Biền. Hầu như ai ai cũng chỉ nhớ đến mỗi tên Biền, thậm chí ông còn tự trào câu thơ "gài" cái tên Biền:

Vẫn biết quán bia là nơi đen bạc

Nhưng đi Biền (biệt) cũng không đành

Trong bàn nhậu  đầy đủ nam thanh nữ tú xinh đẹp ngời ngời, nếu có người phụ nữ nào gọi “anh Thịnh”, tôi cam đoan chỉ có thể là… vợ của anh Biền! Với  nhà văn Nguyễn Đông Thức, họa hoằn lắm mới có người gọi tên thật Đức Thông! Thử liệt kê vài bút danh thuộc loại “hàng độc” trong văn chương Việt Nam hiện đại, chẳng hạn: nhà thơ J.Leiba (Lê Bái), TchyA (nhà thơ Đái Đức Tuấn ký tắt Tôi chỉ yêu Angèle), họa sĩ Ngym (viết tắt Tôi chỉ yêu mợ), Tám Sạc Ne (họa sĩ Cát Hữu), Tout Seul (Tú Xơn, tức Phan Khôi), Phạm Thị Cả Mốc (tức Phạm Cao Củng)… Chỉ riêng T.T.Kh mãi mãi là một bí mật, không thể xác định đó là bút danh của ai. Bạn tôi, anh Dương Thành Truyền khi viết phiếm đàm, tạp bút ký Duyên Trường, tôi nghĩ… khó nổi tiếng bởi cái tên Duyên Trường không xác định được giới tính. Luôn tạo ra cảm giác bài mạnh mẽ mà cái tên yếu xìu; ngược lại bài yểu điệu thì chẳng rõ giới tính nào viết! Thời nhóc con, "thuở mơ làm thi sĩ" chẳng hiểu sao tôi lại ký tên Thiên Bất Hủ. Nghe ra cũng oách đấy chứ! Bây giờ mà ký cái tên này chắc tòa soạn các báo chẳng cần đọc bài, họ liệng luôn vào sọt rác cho nhanh.

Sáng qua cà phê Trung Nguyên. Q nói với một người trẻ là N.T.T. Huy có thú sưu tập sách cũ rằng, bây giờ có nhiều người viết, viết hay lắm, họ viết  từ bloge, yahoo 360 đến faceboook nhưng họ vẫn chưa tạo được “cái tên” - dù sách cũng ra ầm ầm. Khó thật nhỉ? Tạo một cái tên quả là khó. Ai ai cũng có tên, nhưng thật ra chỉ là sự Vô Danh bởi cái tên này lẫn lộn cái tên kia trong thập loại chúng sinh. Khó ai có cái tên mà chỉ cần nghe qua tác phẩm, công trình nghiên cứu, sáng tạo, sự nghiệp của họ là đám đông nhớ ngay. Nhà thơ Nguyễn Duy viết:

Cứ chìm nổi giữa đám đông

Riêng ta xác định ta không là gì

Vậy là hay quá. Thật ra đời sống này, ta hưởng thụ được cái này; hạnh phúc; sung sướng được cái kia chính là từ công sức, hy sinh của những con người Vô Danh. Như Đất. Như Suối. Như Sông dài biển rộng. Như cỏ như cây rất Vô Danh...

Ông “chủ tịch”cà phê Trung Nguyên là cái tên dễ nhớ và cũng nhiều người biết đến. Nhưng nhìn hình ảnh tạo dáng thì oải quá trời. Từ điều xì gà Lahabana cầm tay, đến cái mũ bê-rê có đính sao vàng, cái áo khoác cũng là “diễn” y chang hình ảnh của anh hùng Che Guevara (1928-1967). Nhại y chang làm gì, bởi mỗi một con người là một hình ảnh riêng biệt, chẳng ai giống ai, khi mình là mình thì mới thể hiện sự tự tin. Có mệnh phụ phu nhân hỏi Che Guevara: “Ông sinh nơi nào, quê quán ở đâu”. Che đáp: “Nơi nào còn tiếng khóc của sự bất công, áp bức thì nơi đó là quê hương tôi”. Từ nhỏ đọc câu này và thích quá. Trên báo Văn Nghệ lâu lắm rồi có in bài thơ của Dương Tường (?):

Tôi đứng

       Về phe

            Nước mắt

Trên đời này, người ta có thể quên nhiều thứ nhưng khó có thể quên cái tên của mình. Có lẽ khó quên nhất là cái tên của tình phụ như gai nhọn đã giết mình chết từng ngày trong dĩ vãng? hay cái tên của người đàn bà đã hy sinh bản thân họ chỉ vì đời sống của mình? Tôi nghĩ, người ta luôn nhớ cái tên đã ở vế thứ hai.

Người đó, với tôi, chính là mẹ tôi, người có cái tên giản dị: Lương Thị Ân, sinh năm 1927, quê quán Quảng Huế, Đại Lộc (Quảng Nam).

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment