LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 4.7.2013

 

Chiều hôm qua sinh nhật tập thể ở cơ quan. Dành cho những ai sinh tháng từ 7 đến 9. Có đến 30 người. Trong số đó có y. Vậy là sinh nhật sớm. Tan họp đã bảy gIờ tối. Trời mưa tầm tả. Đi tìm một cái gì đó lót dạ. Cũng khó. Quán phở quen thuộc đã đóng cửa. Về nhà, ngủ sớm. Cho nó khỏe.

 

1001354_548147318554265_350457376_n

 

Về nhà, xem lại quyển Từ điển Y học Dorland Anh -Việt - nguyên tác Orland’s Illustrated Medical Dictionary - (NXB Y Học) vừa được tặng. Cân thử,nặng 2,7 ký trong đó có hơn 118 nghìn mục từ, minh định hơn 122 nghìn thuật ngữ, sử dụng hơn 1.100 minh họa màu được chọn lọc cẩn thận để bổ sung và làm sáng tỏ các định nghĩa. Sẽ dành tặng lại cho Lương Thạch Vũ. Bác sĩ ở huyện Quế Sơn (QN). Vũ sử dụng hợp lý hơn. Có ích hơn. Không rõ từ bao giờ, hễ khám cho bệnh nhân, nếu người nhà đưa quà cáp mà không nhận, lập tức, họ không tin bác sĩ ấy hết lòng chữa chạy cho người thân. Từ ĐN, Vũ lên một huyện miền núi và trụ lại đây. Con nhà khá giả, có học thức, yêu nghề, làm sao có thể trơ mặt vòi vĩnh các bệnh nhân nghèo?

Vùng quê QN còn nghèo lắm. Có những nơi đến, cứ tưởng như đã đến từ ba mươi năm trước. Ba mươi năm sau quay trở lại vẫn cũ kỹ, mốc meo, tiều tụy. Đời sống mòn dần. Sống mòn. Chẳng đâu xa, chỉ là Hòa Tiến, cách ĐN chừng mươi cây số, đến thăm Lâm - chiến sĩ lừng danh DKZ của chiến trường Tây Nam. Đi bộ đội về, Lâm mới lập gia đình. Chỉ mới ngoài bốn mươi. Trông lụ khụ. Mệt mỏi. Già mà chưa rụng răng. Đang nhậu, ngà ngà say, lơ mơ ngất ngây như con gà Tây, hắn hét tướng vào mặt vợ rất hắc xì xằng: “Ngày mai mẹ mi dẫn con đi học, đón con về”. Vợ ngủng ngẳng: “Cha mi núa chi mà lọa rứa?”. Hắn ngậm tăm. Con hắn nhảy ngang vô họng bằng cái giọng nả nớt trẻ con: “Mẹ ơi, cha sợ bạn con chọc đó”. “Chọc cái chi”. “Bạn con lần mô cũng hủa, ủa cha mi đâu mà ngày ông nội mi cũng dẫn mi đi học?”. Bạn bộ đội cùng thời với y đó. Đã già khụm. Hỏi ra, ở nông thôn có thú vui gì ngoài rượu? Rượu bao la bát ngát chảy dài từ làng trên đén xóm dưới không thiếu một giọt. Lấy làm thú tiêu khiển mỗi ngày. Nếu không, lấy cái gì giết thời gian lúc bóng chiều sụp xuống ở vùng nông thôn này? Vùng đất nghèo. Ngang dọc kênh thủy lợi luôn khô khốc nước. Chẳng thay đổi gì. Cứ như câu thơ của Trần Ngọc Thụ:

Ông lão dong trâu đi bừa

Là con ông lão ngày xưa đi cày

Nhói lòng. Chừng mươi năm trước, lần đầu tiên đi nước ngoài, trở về, cảm nhận đầu tiên của y rằng, cần thay đổi quan niệm của Quốc văn giáo khoa thư: Chốn quê hương là nơi đẹp hơn cả”. Đẹp mà nghèo. Cũng buồn. Đẹp mà giàu. Vẫn hay hơn. Tốt hơn. Tết năm kia lên Quế Sơn, quê quán của nhà thơ Tường Linh, vào bệnh viện lớn nhất của huyện vẫn còn thấy bò đi lững thững trong sân. Rủ Vũ phóng xe lên đèo Le. Uống rượu bên dòng suối giữa chiều xuân thơ mộng. Hoang vắng. Xạc xào lau trắng. Tình cảm con người dành cho quê nhà, đôi lúc chỉ đơn giản vậy. Không gì phải hô khẩu hiệu rền rĩ. Quay về, viết được bài thơ “Ngẫu hứng đèo Le”, tặng Vũ:

Quế Sơn có đèo Le

Cứ đè mà leo tới

Ngật ngưỡng dốc thác khe

Ta nằm chơi với suối

Xin dùng dằng dan díu

Dập dìu trúc trắc tre

Đốn cây dựng nhà trọ

Dằng dặc bóng mây che

Ngày dung dăng dung dẻ

Phành phạch nổ máy xe

Trưa chim kêu vượn hú

Vểnh tai trũng trĩnh nghe

Đêm đến nằm đườn đưỡn

Ngắm đom đóm lập lòe

Đi lắc lơ lắc lưởng

Dạo chơi khắp đèo Le

Cao hứng thì ngâm thơ

Trờn trợt trèo tung tóe

Thơ đổ xuống cõi mơ

Suối tuôn trăng vàng chóe

Loáng quáng say vấp té

Lăn lóc xuống luân hồi

Những nhọc nhằn ham hố

Nghềnh nghệch nước cuốn trôi

Rất tiếc tuổi bốn mươi

Đèo Le chừ mới tới

Thì cứ đè mà leo

Chân run cùng gối mỏi

Đột nhiên ta thấy ta

Ngàn năm nằm dưới suối

Bây giờ mới tìm ra

Giữa một ngày xuân mới

(Quảng Nam 27.1.2001)

Ủa, đã hơn mười năm rồi ư. Thời gian trôi nhanh như bóng ngựa lướt qua cửa sổ. Cổ nhân nói chẳng sai chút tẹo nào. “Nhớ lại đi, thời gian là canh bạc tham lam. Thắng mọi ván mà chẳng thèm giao hảo” (Baudelaire). Ngày ấy, tiền khám bệnh chỉ vài ngàn đồng, không đủ mua một cuốn tạp chí thời thượng, nhảm nhí, dày cộm chỉ phát hành tại Sài Gòn. Vợ Vũ phải mở lớp gõ đầu trẻ tại nhà. Cả hai thu nhập lương thiện. Làm tròn nhiệm vụ của trí thức trẻ, lúc rảnh rỗi Vũ chỉ rượu gạo ngâm chuối hột lai rai đỡ buồn. Quyển Từ điển Y học Dorland sẽ tặng Vũ. Có ích hơn. Y biết quái gì về y học mà đọc? Đã lẩy Kiều ở trang đầu tiên:

Gìn vàng giữ ngọc cho hay

Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời

Cứu một người được một đời

Hãy nhìn mây trắng trên trời vô vi

Quái lạ, có những người nhiều sách, sách quý, quý sách đến độ không cho ai được sờ tới, dẫu chỉ phủ bụi. Giữ sách như thế để làm gì? Vẫn quý, rất quý ông nội của cố TBT Trường Chinh, ông nội của nhà ngôn ngữ học hàng đầu của Việt Nam là Cao Xuân Hạo, ông nội của nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi… Quý bởi các bậc hiền nhân này, có tiền là thuê khắc ván in sách, in nhiều để lưu trữ, rồi lập thư viện gia đình mà bà con trong vùng được đến đọc sách miễn phí. Cảm động và ngưỡng mộ.

Còn y thì sao?

Y là chúa trộm sách. Có điều, y trộm để đọc chứ không bán. Thời anh L.H còn làm giám đốc NXB Trẻ, có lần anh bảo: “Q à, anh em than phiền là Q hay lấy sách của họ quá”. Bèn hỏi: “Vậy anh trả lời sao”. Anh L.H cười độ lượng: “Tôi bảo, có sách thì phải giữ thôi”. Mà thật ra, y có lấy thì cũng chẳng sao. Thời đó, NXB Trẻ đang trên đỉnh cao, sách in ra hàng chục ngàn bản và toàn bộ biên tập viên, nhân viên đều có phần sách mới. Có người không đọc, họ đề lung tung đầy bàn, lổn ngổn dưới chân bàn. Thế là y “chôm”. Mà ngày đó báo PN còn đối diện với Trẻ. Y ở đó nhiều hơn ở cơ quan. Ở đó, nên mới có lần chứng kiến nhà thơ Bùi Giáng làm thơ “tán tỉnh” chị Hai Định bảo vệ của Trẻ. Thơ rằng:

Muôn lời thâm tạ chị Hai

Người còn thì của lai rai vẫn còn

Chị Định đã nghỉ hưu hơn mươi năm nay. Bùi tiên sinh đã về Vĩnh Nghiêm với hàng ngàn người đưa tiễn và lời tiễn đưa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ghi trong sổ tang:

Bùi Giang Bàng Dúi Bùi Giàng

Ô hay trăm ngõ bàng hoàng lỗ không

Lỗ không trời đất ngỡ ngàng

Hóa ra thi thể là ngàn hư vô

Nhớ thương vô cùng là từ

Là từ vô tận ứ ừ viễn vông

Cái gì là không viễn vông dưới gầm trời này? Đi làm về, trưa nào cũng tạt ngang các tiệm sách cũ đường T.H.L. Trưa kia, chồng chị L bảo, ông T có rao bán bộ sưu tập Truyện Kiều giá 80 triệu. Y không nói gì. Có lần, ông T có nhã ý nhượng lại bộ Phong Hóa, y không mua chỉ vì không đủ tiền. Nghe đâu bộ này đã sang Pháp. Cũng tiếc cho người nghiên cứu ở trong nước. Do đó, khi Viện Văn học từ Hà Nội có chủ trương mua lại các bộ tạp chí xuất bản tại miền Nam trước 1975, qua mai mối của L.K.T, y là người dẫn họ đi lùng mua những bộ tạp chí này. Có như thế, thế hệ sau mới có thể tiếp cận nhiều nguồn tư liệu. Bộ tạp chí có giá cao nhất vẫn là Bách Khoa. Thời năm 2.000 giá bán đã là 20 triệu.

Lại nhớ lúc Thư viện Khoa học Xã hội ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, GS Mạc Đường còn đương chức, y đã gặp nhà văn Thế Uyên tại đây. Bấy giờ, ông Uyên cho biết là đang tìm mua bất kỳ các loại sách bào nào in trước năm 1930. Lần đầu tiên, y thấy chiếc máy photpo nhỏ xíu, copy lại từng trang sách mà không thể mua được. Không rõ các tài liệu này, khi đem sang Mỹ, nhà văn Thế Uyên đã thực hiện được những công trình nghiên cứu gì cho văn hóa Việt Nam chưa?

Ô hay, có những người cả đời sưu tập sách quý, cuối đời lại bán đi. Hóa ra họ chẳng có duyên giữ lại kỳ thư? Vừa rồi, một vị linh mục ở Sài Gòn đã tặng các sưu tập về Kiều cho Khu Lưu niệm Thi hào Nguyễn Du. Chẳng biết nói gì, bởi đã từ lâu, y hoàn toàn không tin cậy sự bảo quản của các đơn vị quốc doanh. Kho sách cụ Vương Hồng Sển đã nhập vào thư viện A, kho sách cụ Bằng Giang đã hiến thư viện B… Chẳng rõ có phát huy được tác dụng hay không. Nếu được, các chủ nhân “ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”. Cầu mong thế.

Sáng nay, 3g30 đã dậy. Không ngủ nữa. Sực nhớ, sáng hôm nọ chở đồng nghiệp T.H.N đi lấy sách biếu, từ phía sau lưng, Nhân nói: “Những ba tháng đó nghen anh. Cố lên anh”. Cứ như lời động viên dành cho người đang ngược dốc. Thì cũng tương tự vậy. Khi online với nàng, kể chuyện này và lập tức nhận lại được đúng ba chữ và cái mặt cười:

“Nhân cà chớn”.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 3.7.2013

 

 

Lại một buổi sáng ngồi gõ bàn phím. Từng giọt cà phê rơi nhẹ nhàng xuống ly. Từng phiến đường chìm dần. Ngoài sân tịnh không một tiếng động. Tiếng chuông chùa, tiếng kinh mỗi sáng, lúc rạng sáng lại vang lên đều đặn và đánh thức y dậy.

Mở cửa nhìn lên trời thấy mây trắng tiếp tục cuộc viễn du nhàn rỗi và và vội vã như từ triệu năm trước. Nhìn xuống hồ cá trước sân nhà thấy cá đang bơi, loáng thoáng những đóm bèo nhỏ xíu mà y đã vớt ở khu resort tại Phan Thiết. Màu xanh. Xanh như tuổi trẻ. Y đã không còn trẻ nên lúc nhìn xuống lòng bàn tay đã thấy tháng ngày nhọc nhằn hằn vết trên đường chỉ tay. Đường chỉ tay sâu thêm và ngang dọc đơn giản như lúc khóc oe oe chào đời. Trưa qua đọc báo ngẫm nghĩ với một thông tin hay, ở Hà Lan có ngôi nhà thờ Thiên chúa giáo La Mã được chuyển thành nhà ở! Bài báo viết: “Bà Catherina, một dân cư sống tại tòa nhà giải thích: “Khi cha xứ và giáo dân không đủ tiền duy trì nhà thờ, họ bán cho một công ty xây dựng, mua mảnh đất khác xây nhà thờ nhỏ hơn”. Năm 2003 một công ty xây dựng mua lại và thiết kế, phân chia phía trong nhà thờ thành chung cư với 30 căn hộ, kèm hệ thống thang máy hai tầng ngay cửa ra vào. Hình dạng và màu sắc phía ngoài nhà thờ được giữ nguyên. Kiến trúc, hoa văn và các bệ bàn thờ nằm sát tường phía trong nhà thờ cũng không bị phá huỷ mà được tận dụng thành một phần kiến trúc trong các căn hộ. “Một ngày nào đó, nếu muốn dùng lại nhà thờ, họ chỉ cần tháo dỡ các căn hộ bên trong”, bà Catherina nói” (Sài Gòn tiếp thị 2.7.2013).

Cứ ngỡ như đang nằm mơ. Một cách bảo vệ di sản văn hóa rất độc đáo. Độc đáo với về dài lâu, lâu đến cỡ nào vẫn là một “kết thúc có hậu”. Di sản ấy không mất đi. Cho đến nay, vẫn chưa quên được tiếng chuông nhà thờ ở Hà Lan. Cứ đúng mười hai giờ trưa, lại nghe tiếng chuông vang lên giữa dòng đời xuôi ngược ở một thủ đô hiện đại. Chỉ một khoảng khắc. Một giây lát. Lúc ấy, thời khắc thiêng liêng ấy sẽ là sự nhắc nhở nghiêm khắc với con người. Đang lao như điên, đang vật vã kiếm sống bằng mọi hình thức từ lương thiện đến bất lương, con người ta sực chững lại hướng về điều thiện đã có trong sâu thẳm lòng mình. Trong Du lịch người câm, y có viết kỹ cảm nhận này.

Sáng nay, cũng vậy. Mỗi sáng, tiếng chuông chùa công phu mỗi sáng lại đánh thức y dậy. Vậy mà, y vẫn chưa ngộ ra được chút tẹo nào.

Người con gái lội qua khe

Bàn chân với nước lạnh đè lên nhau

Nỗi niềm tưởng lại xưa sâu

Bàn chân với nước cùng nhau lại  đè

(Bùi Giáng)

Sáng qua đã phở. Chẳng lẽ sáng nay lại phở? Vâng, lại phở. Y là “người Việt gốc phở”. Ngày mẹ về quê, từng ngày này qua ngày nọ, từng tháng này qua tháng nọ, từng năm này qua năm nọ chỉ có thể là phở. Sáng hôm qua phở và nghe N.K.L kể về bí mật của hậu trường thi hoa hậu với mọi chứng cứ rành rọt, tự dưng nổi da gà. Ngày xưa, “Má ơi đừng gã con xa / Một là mất giỗ hai là mất con”. Xưa rồi cưng yêu. “Mất con” bây giờ khốc liệt hơn nhiều. Mất trắng như chơi nếu mang nặng đẻ đau, cưng như trứng hứng như hoa mà đến tuổi cập kê nó ham hố muốn đổi đời qua các cuộc thi nhan sắc. Nghe L kể, tự nhiên buồn. Buồn như thời anh L.H mới chân ướt chân ráo về TT đã chỉ đạo có loạt bài phóng sự thật hay về cái vụ “bán lúa non” trong các cuộc thi sắc đẹp nhăng nhố ngay trong học đường.

Thì, làm báo, ít ra, có trách nhiệm công dân như vậy đã là quý.

Nhiều người bảo, sao vẫn chưa có một Vũ Trọng Phụng, một điển hình cỡ Xuân Tóc Đỏ trong thời buổi này? Thiên hạ đã bàn nát nước. Vẫn chưa ra. Có lẽ do hiện thực đời sống ngày càng khủng khiếp, thay đổi tinh vi, chóng vánh, chằng chịt mà trí tưởng tượng của nhà văn không theo kịp? Trang viết của nhà văn và hiện thực ấy có một khoảng cách quá xa nên bạn đọc thờ ơ chăng? Nguyễn Nhật Ánh thế mà hay. Anh không đi vào cái hiện thực hỗn độn, mù mờ ngợm người thánh thần ma quỷ ấy, anh quay về tuổi thơ. Tuổi thơ nào không có cái nhìn trong trẻo vào cuộc sống và hướng thiện?  Anh đã gieo mầm hướng thiện trong lòng người đọc.

Thì, chức năng người cầm bút nghĩ cho cùng là thế.

Đọc một trang viết của mình khiến bạn đọc căm thù cuộc đời là một cách chọn lựa. Đọc trang viết của mình khiến bạn đọc yêu thương cuộc đời cũng là cách chọn lựa. Vấn đề còn lại là nhà văn có dám đi đến tận cùng? Thế nào là tận cùng? Nói như đỉnh núi cao văn chương Nga Dostoyevsky: “tận cùng tử cung của đời sống”.

Chưa gọi điện thoại cho L.K.T vì đã mất hết số. Gọi  chung vui với sự kiện nhân kỷ niệm 25 năm ngày mất của anh ruột T. Hội Sân khấu Việt Nam sẽ tổ chức Liên hoan những vở diễn được dàn dựng từ kịch bản Lưu Quang Vũ. Vở kịch hay là chỉ mới đọc kịch bản, từ con chữ vẫn lôi cuốn cứ như đang đọc tiểu thuyết. Không dứt ra được. Trong hơn 10 năm sáng tác, Lưu Quang Vũ đã viết hơn 50 vở kịch nổi tiếng, làm chấn động xã hội thời đó như những vở: Tôi và chúng ta, Lời thề thứ 9, Nàng Si Ta, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Trái tim trong trắng, Điều không thể mất...Các kịch bản này, T đều gửi tặng từ mươi năm trước. Một Molière của Việt Nam. Vâng, chắc chắn thế.

Sáng qua đã nhận sách mới Văn chương và nhân cách Võ Hồng - nhân 100 ngày mất của ông. Đọc xong và kết luận: "Tập sách này đọc thú vị, tuy nhiên có đôi điều đáng phàn nàn là sách in nhân dịp tưởng niệm Võ Hồng mà từ giấy in đến cách trình bày đều kém trang nhã không xứng tầm với một nhà văn mà nhà nghiên cứu Trần Hữu Tá đã khẳng định trong luận án Khuynh hướng yêu nước và tiến bộ trong các thảnh thị miền Nam: “Võ Hồng xứng đáng là cây bút hàng đầu trong 20 năm văn học dưới chế độ Sài Gòn xét ở cả nội dung cũng như thành tựu nghệ thuật” (tr.213). Đã thế, tập sách này lại thiếu sót những bài nhận định, phỏng vấn ông đã công bố trước 1975. Do đó, bạn đọc hiện nay khó có thể hình dung ra diện mạo văn chương của Võ Hồng. Và cũng thật tiếc, do đơn giản chỉ là “gom” bài viết nên tập sách thiếu cái nhìn khái quát về Võ Hồng; thiếu luôn cả một niên biểu về Đời và Văn Võ Hồng".

 

biasachRRR

 

"Những ngày thương nhớ online" lại lo sót vó vì gửi Ve vãn Sài Gòn gửi ra Hà Nội lại ghi sai địa chỉ. Sai số nhà mà đúng tên đường. Cả chục cuốn. Chắc là mất biến. Không ngờ ngoài kia vẫn nhận được. Chẳng hiểu tại sao. Đêm qua, xem lại bản thảo tập thơ facebook lần nữa. Cố gắng tránh sai sót trong chừng mực có thể.

Cuối tuần này, lai rai chút đỉnh đi chứ? Mừng ba tập sách mới của anh Biền vừa tái bản.

Ngẫm lại câu này của anh Biền, thấy vui vui: “Ngang như cua là gì? Muốn hiểu rõ chỉ có cách mua ngay một con cua đem về để quan sát. Bạn hãy để cho nó tự do bò trên sàn nhà và bạn xem kìa, nó bò đi không giống những con vật khác, đầu hướng về phía nào chân bò theo hướng đó, con cua của bạn (hay của bất cứ ai cũng vậy) đầu hướng về bên trái (hay phải) trong khi chân vẫn thản nhiên bò về phía trước như thường. Quan sát xong bạn đừng vội kết luận: A! Tôi hiểu rồi, người yêu của anh có tướng đi ngang như cua nghĩa là đầu nàng luôn luôn quay về một bên trong khi chân vẫn bước đều về phía trước chứ gì. Ối giời! Nếu bạn nghĩ như vậy thì đúng là bạn ngang như cua rồi. Không phải nàng đi như vậy đâu. Tôi cam đoan với bạn nàng có tướng đi rất đẹp, tướng đi của một tiểu thơ đài các đàng hoàng. Tôi muốn nói cái tính của nàng kìa. Cái tính của nàng mới không giống các cô gái khác. Cái tính của nàng mới ngang như cua”.

Ai ngang như cua? Thì đó, chứ còn ai trồng khoai trên đất này nữa?

Vừa hỏi, đã nghe vọng từ xa xăm:

“Em mệt”

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 1.7.2013

 

Lúc mẹ dắt y đến trường Nam Tiểu học, nhà thơ Hạc Thành Hoa đã có tập thơ đầu tay Trong nỗi buồn vàng. Ngày nọ trong facebook, y nhận được tin nhắn cái địa chỉ để gửi tặng Tuyển tập thơ Hạc Thành Hoa. Xem phần tiểu sử mới biết anh sinh trước y những 20 năm, người Thanh Hóa. Trưa, nằm đọc tập thơ vừa nhận qua đường bưu điện, thích những bài tứ tuyệt như:

Em về khói thấm từng chân tóc

Suốt một ngày đùa với lửa than

Bỗng dưng chợt thấy cay nơi mắt

Bên chồng hơi khói vẫn chưa tan

(Khói tóc)

Chỉ mấy câu đã khắc họa được nghĩa vợ tình chồng. Tứ tuyệt vẫn loại thơ khó viết hay. Chỉ bốn câu phải cô đọng một cái tứ. Văn học Trung Quốc cũng ghê gớm khi nó có thể tràng giang đại hải hàng trăm nhân vật với những Tam Quốc Chí, Hồng  Lâu Mộng... Nhưng lại có thể thu gọn lại trong lòng bàn tay với tứ tuyệt. Đọc hết tập thơ của Hạc Thành Hoa, nhìn trang lưu chiểu mới biết tập thơ anh chỉ in 300 bản. Con số quá ít ỏi. Ái ngại thật.

 

hac-tyhanh-hoa

 

Đêm qua, nằm đọc quyển 22 tản mạn (NXB Hội Nhà văn) của Võ Chân Cửu, một người tặng. Ngậm ngùi vu vơ. Thời đi làm báo, thỉnh thoảng vẫn gặp nhau. Anh là phóng viên của báo Cao su, khi viết báo ký bút danh Hưng Văn. Lớn tướng. To cao. Dềnh dàng. Ăn nói rổn rảnh. Lành tính. Con gái của anh đã lớn, đi họp vẫn gặp luôn. Đã có chồng. Xinh ơi là xinh. Y và bạn thơ Đoàn Vị Thượng có lúc đùa mà thật. Thật mà đùa: "Em ơi đừng gọi anh bằng chú". Câu trả lời lỏn lẻn: "Chú ơi! Ba con gửi lời thăm chú đó".

Cái cảm động là tập sách này, anh Võ Chân Cửu viết về thế hệ viết văn, làm thơ của thời Thế Vũ, Vũ Hữu Định, Lê Xuân Tiến, Nguyễn Tôn Nhan, Nguyễn Lương Vỵ, Thái Ngọc San, Phù Hư, Mường Mán, Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Miên Thảo, Hoài Khanh, Từ Hoài Tấn, Từ Kế Tường, Phạm Chu Sa, Lê Nguyên Ngữ, Trần Dzạ lữ, Hoàng Ngọc Châu, Hồ Ngạc Ngữ, Đặng Tấn Tới… Trong sách lan man nhiều ký ức, kỷ niệm về ngày tháng làm văn nghệ của những người trẻ (lúc ấy) ở miền Nam.

Cuộc đời này không có từ “nếu”. Ngạn ngữ Pháp có câu: “Với từ “nếu” người ta có thể bỏ Paris vào trong cái lọ”. Lúc bấy giờ những tên tuổi ấy đã ra khỏi sân chơi “thi văn đoàn, bút nhóm” mà đã đặt hẳn một chân vào thế giới văn chương chuyên nghiệp. Thế nhưng, vẫn còn một khoảng cách xa mới có thể chạm đến vị trí của những Duyên Anh, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Hạnh, Võ Phiến…

Bù lại, ấy là giai đoạn các anh đang viết sung sức nhất. Có người đã in tác phẩm, có người đang chuẩn bị bản thảo. Đột ngột thời cuộc thay đổi. Hầu hết bỏ bút. Nếu có viết cũng khó theo kịp những người viết trẻ sau này không dính líu gì với thể chế trước. Các anh chưa đủ già để lui về ngõ vắng. Không đủ trẻ để có thể "hồ hởi phấn khởi". Rồi dần dà với cơm áo gạo tiền phải tất bật kiếm sống sau ngày giải phóng: "Cả nước ăn bo bo, người hào hoa đến mấy đi nữa, lúc này gặp bạn  cũng phải tự dè xẻn. Có người nhiều buổi phải “ngồi đồng” tách cà phê kho. Cùng tắc biến. “Răng vàng bạc vụn - RVBV” là cụm từ diễn tả một nghề mới phát sinh giữa thời khốn khó này. Đó không phải là nghề tìm phế liệu chiến tranh hay liều mình đi kiếm rồi cưa “bom bi” như những trai tráng nông thôn. Đa phần người đi mua RVBV lại xuất than từ những người có chút ít học hành, nhiều nhất lại là giới sáng tác. Chiến tranh Tây Nam rồi biên giới phía Bắc đã xảy ra, gây nên sự cố “nạn kiều”. Người có nhiều tiền hay dính dáng tới chế độ cũ rủ nhau mua bãi, sắm tàu để vượt biên ngày càng đông. Họ bán tháo hoặc bỏ lại nhiều đồ dùng xưa kia phổ thông nhưng nay trở thàng hàng hiếm. Các gọng kiếng “Pilot”, nắp và ngòi viết Parker có mạ vàng, có cái là vàng 10, 14 ròng. Những chiếc muổng “Navy” dát dày bạc. Có những món đồ xưa như cối xay trầu, khay và chung rượu xưa đúc từ bạc.Chúng quăng lăn lóc nhiều năm bị xẫm màu. Chủ nhân tưởng đó chỉ là món hàng thau, thiếc. Một lạng bạc giá bằng 1/10 vàng ròng, nếu mua được với giá ve chai, đời cũng đỡ khổ" (tr,46).

 Vừa kiếm sống, vừa viết nhưng hầu hết không ai viết gì thêm. Có người viết được thì “trụ” lại được. Bằng không, nay chẳng ai nhớ đến. Biến mất khỏi cuộc chơi. Sau khi đi bộ đội về, mới biết thời ấy mấy người anh của y cũng kiếm sống lay lắt, tạm bợ bằng cái nghề này, tên gọi "nghề phân kim", chứ không nghe nói là "răng vàng bạc vụn". Mỗi nơi có một kiểu gọi khác nhau đó thôi.

 

img_0213_2

 

Tập sách của Võ Chân Cửu đáng quý ở chỗ nhắc lại thế hệ cầm bút của anh mà nay ít ai nhớ đến. Đọc  đôi lúc thấy gợi lên không khí văn nghệ của miền Nam ngày trước. Không khí ấy đã mất. Cách "chơi” văn nghệ ấy đã khác. Một thời đã qua. Không lặp lại. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Ăn theo thuở, ở theo thời.  Anh tự sự: “Dưới dòng suối, những rễ cây vô tình ngoạm đá. Dâu biển tang thương, phá xong những cánh rừng, người ta moi đến gốc. Những rễ cây ôm đá qua các nhà sinh vật cảnh đã trở thành các món hàng vô giá. Dòng chảy 21 năm văn học miền Nam có thể sẽ được đào xới lên theo nhiều cách. Một nhà khoa học sinh học chăm băm vào các đề tài nghiên cứu, khi nhìn thấy các món sinh vật cảnh nầy quả quyết qua tháng năm, nó tích tụ nhiều chất phóng xạ; có loại đem chưng trong nhà sẽ rất độc hại. Cách nhìn duy vật thô sơ vẫn xem gỗ đá là những loài vô cơ. Cách nhìn mới cho rằng trong đó sự sống vẫn dịch chuyển. Có khi nó chứa đựng cả phần hồn. Thật vậy chăng?”.

Có thật vậy chăng? Đừng có mơ. Sẽ không có một câu trả lời nào vọng lại. Đừng có hỏi. Dẫu có níu áo mà hỏi. Thôi thì, viết được kỷ niệm với bạn bè của thuở mới lớn và hăm hở bước vào nghệ thuật như vậy đã là đủ. Một gói kỷ niệm đã còn. Còn trong nỗi nhớ. Một vài tim óc vắt ra dâng hiến cho trang viết lúc thanh tân trong trẻo ấy đã mất. Còn và mất, nghĩ cho cùng khái niệm ấy cũng quá đỗi mơ hồ.

Vườn con hoang vắng đã đành

Tiếng chim dựng lại những thành lũy xiêu

(Hoài Khanh)

Đôi khi y thấy đời y tẻ nhạt quá. Trong một ngày, con đường dài nhất vẫn là từ nhà đến cơ quan. “Sáng vác ô đi tối vác về”. Bình yên. Lặng lẽ. Lặp lại. Quen thuộc. Ngăn nắp. Trật tự. Chỉnh chu. Đời sống nhàn nhạt ấy không ích gì cho thơ? Thơ có viết cũng nhủn, nhèo, nhạt. Cũng ráp chữ. Cũng ghép vần. Nghĩ về thơ? Nghĩ thế nào?

Bấy lâu cửa đóng then cài

Bịt tai nhắm mắt miệt mài với thơ

Tâm không bợn chút bụi mờ

Trí không náo động chín ngờ một nghi

 

Nhịp đời nhẵn nhụi phẳng lì

Nhịp yêu tròn trịa chu vi rạch ròi

An toàn đến thế thì thôi

Thôi thì thơ cũng cọc còi tong teo

 

Tâm không vật vã eo sèo

Trí không giông bão cheo leo bụi hồng

Đừng đợi mà cũng đừng mong

Câu thơ khỏe mạnh sống trong cõi người

Y đang sống những những ngày tẻ nhạt. Nhạt như nước ốc. Nhạt như vài lít rượu đế trong quán nhậu bình dân phải pha loãng thêm nước lã. Nhạt như tiếng khóc mướn trong đám tang. Ngày từng này đi qua giống hệt nhau. Như kép hề, mỗi ngày bước ra “đế” một câu cho nhộn dòng đời, trong chốc lát. Rồi lui vào cánh gà. Rồi lánh sau hậu trường. Rồi trở về vùi đầu vào những trang sách nát. Từng ngày như thế. Làm sao có thể viết  được gì? Đời sống công chức mẫn cán giết dần, giết mòn cảm xúc của thơ. Một cú thất tình đã hết dám. Một dằn vặt đớn đau thế sự đã không còn. Một tiếng nói lớn cũng không há miệng. Một tiếng cười cũng ngậm trôi xuôi xuống họng.

Liệu có còn thơ?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 30.6.2013

 

Đời sống này con người ngày càng khó tính chăng? Hiểu nhầm nhau cũng là cái khổ. Không thông cảm được cho nhau cũng là cái khổ. Thế thì, ba ngàn thế giới này nhìn vào đâu cũng thấy khổ. Khổ nhất là con người ta tự làm khổ nhau. Dằn vặt nhau. Đay nghiến nhau. Dù vẫn thương nhau. Cái khổ này mới ghê gớm. Còn hơn cả thủy, họa, đạo, tặc. Biết làm sao bây giờ? Suy nghĩ này chỉ có được khi con người ta “ngũ thập tri thiên mệnh”. Chứ trước đó còn ham hố lắm. Còn sân si. Không có điểm dừng.

Ra khỏi nhà, dễ gặp chuyện bực mình. Nghe một tiếng chưởi thề vu vơ đã bực mình. Từ giây phút ấy, thời gian còn lại trong ngày mất vui. Phải nghĩ ngợi. Mất thời gian. Vô ích. Đã từ lâu, đã bỏ thói quen phải đọc báo mỗi ngày. Đã đọc, phải suy nghĩ. Có những thông tin khiến đau lòng như xát muối. Đau quá, mà mình có can thiệp được đâu. Có giải quyết được đâu. Chẳng  làm được gì. Cái gì khiến đau cả ngày nặng trĩu suy tư? Chẳng hạn, thầy giáo gạ gẫm  "đổi tình lấy điểm" là đau. Đau cho cái sự suy đồi, đốn mạt tận đáy địa ngục đưa con người xuống hàng súc vật.

Chi bằng “mũ ni che tai” làm việc mình thích. Miễn là việc ấy có lợi cho cơ quan mình đang nhận lương mỗi ngày. Miễn là có ích cho cộng đồng, cho xã hội. Đời sống mỗi ngày tốt hơn. Tươi đẹp hơn. Đàng hoàng hơn. Trong khả năng, y chỉ có thể viết. Y viết để kiếm nhuận bút. Mà không xấu hổ. Và ký cái tên thật cha sinh mẹ đẻ đã đặt từ thuở lọt lòng. Chứ không vì kiếm cơm. Chứ không vì bôi nhọ người này, người kia theo chỉ đạo ai đó mà viết rồi núp dưới cái khác.

Đồng tiền lương thiện nào cũng nhầu nát mồ hôi.

Ủa? Tự nhiên mấy ngày hôm nay lại trở thành chuyên gia tư vấn hôn nhân gia đình. Có những bạn trẻ, lúc gặp gỡ, khi điện thoại hỏi thế này thế kia, đại khái:  “Anh ơi! Phải làm sao?”.

Câu trả lời luôn như thế này:

Thời còn trẻ đến biển, con người ta lập tức lao ngay vào đầu ngọn sóng, dẫu chẳng biết bơi. Chỉ vì thích. Chết chìm thì thôi. Bằng không người đó biết bơi. Cứ nhẹ nhàng như không. Rồi đâu cũng vào đó.

Lúc “tứ thập nhi bất hoặc” đến biển, con người ta dẫu biết bơi cũng chẳng dám lao xuống. Y ngồi ngẫm nghĩ. Y nằm trầm ngâm. Y đứng cân nhắc.  Rằng, bơi vào lúc này có lợi hay hại cho sức khỏe? Rằng, bơi vào lúc này có ai xì xào, đàm tiếu gì không? Rằng, bơi vào lúc này nước biển có sạch không? v.v… và v.v…. Cứ trằn trọc như một triết gia, thoáng chốc đã đến tuổi chống gậy!

Hôn nhân cũng thế. Quyết cưới thì cưới. Đừng chần chừ vì các lý do như có nhà riêng hãy cưới; có thu nhập ổn định hãy cưới v.v… và v.v… Chẳng mấy chốc khọm lưng, hơi cong một chút đã sụp bánh chè!

Ông Nguyễn Hiến Lê bảo, không cần giàu, chỉ cần đủ sống và được sống trong xã hội yên ổn để thực hiện công việc của đời mình. Còn y, y nghĩ rằng khi cưới vợ (hoặc chồng) nên tìm gia đình nào khấm khá một chút. Bởi hạnh phúc mà có tiền còn hơn hạnh phúc mà phải cày bở hơi tai kiếm tiền. Không hạnh phúc mà có tiền vẫn hơn hạnh phúc mà không có tiền. Không có tiền thì cằn nhằn, cẳng nhẳng, gấu ó nhau rồi cũng mất hạnh phúc...

Với người đàn ông, chỉ đến lúc không phải cắm mặt bòn từng xu thì người đó mới có thể thực hiện khát vọng lớn lao của đời mình. Còn những người chỉ chăm bẳm kiếm tiền nuôi vợ con, sống cho hết một đời, y không bàn đến. Mà nói thẳng ra, những con người đó có gì sai. Có gì phải phê phán họ? Không nên. Mỗi người là một lựa chọn. Có những con người chỉ Tồn tại chứ không hẳn là Sống. Tùy họ. Ta không phải cá làm sao biết cá vui hay buồn?

Cả ngày hôm nay, sau khi viết cho báo này báo nọ đặng kiếm cơm, dành thời gian đọc lại Diễn văn nhận giải Nobel văn học của văn hào Faulkner tại Stockholm ngày 10.12.1950, qua bản dịch của bạn y, nhà văn - nhà nghiên cứu Nhật Chiêu.

 

faulkner_in_parisRR

Văn hào Faulkner: Photo by W.C. Odiorne

 

Thích những đoạn này: “Tôi cảm thấy rằng giải thưởng này không phải trao cho tôi như một con người mà trao cho tác phẩm của tôi -  tác phẩm của một đời tạo ra trong đoạn trường và mồ hôi của tinh thần con người, chẳng phải vì danh vọng, chẳng phải vì lợi nhuận, mà chỉ dùng những chất liệu của tinh thần con người sáng tạo ra một cái gì chưa từng thấy trước đây”.

Thích những đoạn này: “Bi kịch của chúng ta hôm nay là cùng chung một nỗi lo sợ cụ thể, phổ biến, kéo dài lâu rồi mà giờ đây chúng ta vẫn còn mang chịu. Không còn những vấn đề tinh thần nữa. Chỉ còn nghi vấn này: Khi nào chúng ta sẽ nổ tan tác đây? Do đó mà các bạn trẻ nam nữ cầm bút hôm nay đã lãng quên những vấn đề của tâm hồn con người đang giao chiến với chính mình, chỉ duy có điều ấy mới làm ra tác phẩm hay, bởi vì chỉ điều ấy mới đáng viết, xứng đáng với lao khổ và mồ hôi.

Phải học lại, phải tự nhủ rằng điều tệ hại nhất trong tất cả mọi người chính là sợ hãi; và tự nhủ rằng, hãy vĩnh viễn quên đi niềm lo sợ, trong phòng viết chớ có dành chỗ cho điều gì khác ngoài những chân lý và niềm tin muôn đời của tâm hồn, những sự thật phổ quát nghìn xưa mà thiếu chúng thì mọi câu chuyện đều phù phiếm và tiêu ma.

Đó chính là tình yêu và danh dự, trắc ẩn và tự hào, đồng cảm và hy sinh. Không như thế thì ta chỉ làm việc trong sự nguyền rủa mà thôi. Và chỉ còn viết về tình dục chứ không phải tình yêu, về những chiến bại mà chẳng ai mất mát chút ít giá trị nào, về những chiến công không có niềm hy vọng, càng không có trắc ẩn tình thương, những băn khoăn không gây nổi ngấn tích nào trên nhân loại, không để lại một vết sẹo nhỏ. Không còn viết về trái tim nữa mà về những hạch tuyến chẳng ra chi”.

Thích những đoạn này: “Rất dễ nói rằng con người bất tử chỉ vì giỏi chịu đựng, rằng khi tiếng chuông tận thế đã ngân tàn từ mỏm đá cuối cùng vô nghĩa, giữa hoàng hôn đỏ úa cuối cùng không có thủy triều lên, rằng ngay cả khi ấy vẫn còn âm thanh là tiếng nói yếu ớt không tắt của con người. Tôi quyết không chấp nhận điều ấy. Tôi tin rằng con người không chỉ chịu đựng: mà hơn nữa, sẽ vượt qua. Con người bất tử, không vì giữa muôn loài, nó có tiếng nói không bao giờ tắt, mà chính vì nó có một tâm hồn, một tinh thần biết đồng cảm, hy sinh và chịu đựng. Bổn phận của nhà thơ, nhà văn là viết về những điều đó. Có sứ mệnh giúp con người chịu đựng bằng cách nâng dậy tâm hồn con người, gợi nhớ lòng can trường và danh dự, hy sinh và tự hào, đồng cảm và trắc ẩn, cùng với sự hy sinh đã làm nên vinh quang trong quá khứ của con người. Tiếng nói của thi nhân không chỉ là tấm bia ghi công con người, mà còn là cột trụ giúp con người chịu đựng và vượt qua”.

Quá tuyệt vời. Chưa cần phải để lại tác phẩm lớn có thể sánh với văn chương nhân loại, nhà văn Việt Nam đã có ai suy nghĩ và tư duy thấu đáo đến thế chưa? Hay chúng ta chỉ lấy tiêu chí được vài bài báo khen vô thưởng vô phạt; hoặc ca ngợi tác phẩm của mình lên chín tầng mây xanh; hoặc tác phẩm được chọn in trong sách giáo khoa; hoặc đươc giải thưởng của đoàn thể này, công ty nọ; hoặc được kết nạp vào hội nhà văn... là đã có thể nhắm mắt ngủ ngon. Đã xem như là người "chiến thắng". Đã "nổi danh" khắp năm châu bốn biển.

Than ôi!

 

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 29.6.2013

 

Lại nói về cái cùi bắp.

Điện thoại di động sẽ trở nên đỉnh cao của sự hoàn hảo, nếu nó chỉ có mỗi một chức năng nhắn và nhận tin. Chiều qua, kẹt xe. Khói xe mù mịt nghẹt mùi ẩm, màu nhòe của pháo tết đêm ba mươi từ thời Lê Văn Trương viết Ngựa đã thuần rồi, mời ngài lên. Tiếng động cơ ầm ầm như đại bác nã vào tai của thời Nam Cao đẻ ra nhân vật Trạch Văn Đoành. Đinh tai nhức óc. Bỗng cái cùi bắp ò ý e réo lên ồn ã như tiếng kèn kêu gọi xông trận. Nhìn xuống màn hình thấy hiện lên chữ “Ông Biền”. Vội áp vào tai nghe. Người khác thì chưa chắc. Chơi với nhau tròm trèm chừng 30 năm nên hiểu tính của bạn. Anh B chỉ gọi khi có việc cần thiết, bằng không chỉ nhắn tin.

Chuyện gì quan trọng vậy?

 

bien-1-tai-banbien-2-tai-banR

Tác phẩm của nhà văn ĐOÀN THẠCH BIỀN, Công ty sách Phương Nam liên kết với NXB Phụ Nữ vừa tái bản (6.2013)

 

Chỉ nghe tiếng đực tiếng cái. Tiếng đục tiếng trong. Tiếng còn tiếng mất. Tiếng có tiếng không. Tiếng người tiếng ngợm. Tiếng tròn tiếng vỡ. Tóm lại chẳng nghe được gì. Bèn nhét luôn cùi bắp vào túi quần. Vậy mà không yên tâm. Đành gọi lại. Đại khái anh Biền cho biết vừa có sách do Công ty sách Phương Nam liên kết với NXB Phụ Nữ mới tái bản. Vậy à? Mừng quá. Mừng bạn bè có sách mới và hẹn sáng mai tặng cho nhau. Lan man phóng xe, ngó lên trời và hình dung ra trang sách còn mới. Chữ còn thơm. Tình còn đầy. Nghĩa vẫn nặng. Mỗi lần nghe tin bạn có sách mới, tự sâu thẳm trong lòng lại reo vui như  sách của mình. Hôm qua, anh Ánh cũng nhắn tin đã gửi tặng Ngồi khóc trên cây. Rồi anh Thức cũng đã tái bản thêm Vĩnh biệt mùa hè.

Sáng nay đẹp. Sáng thứ bảy. Sáng của Huy cận. Sáng của câu thơ đã từ lâu ghim vào trí nhớ một lời than thở vang vọng từ Lửa thiêng của vàng son tiền chiến:

Than ôi! Trời đẹp nhưng trời buồn

Như cảnh tươi màu rạp cải lương

Nghe tiếng chó sủa. Nhìn ra. Đã thấy anh Biền trước cửa nhà. Đúng hẹn. Mẹ mở cửa. Mẹ y là vậy, bạn của con đến là bà cụ niềm nở, vui mừng lạ thường. Rồi lủi thủi vào phòng sau. Không bước chân ra. Như không hề có mặt trong nhà. Con trai bày biện đãi bạn, vung vãi một bãi chiến trường những ly chén những tiếng nói cười vô tội vạ rồi xách xe tếch đi đàn đúm theo bạn, bà cụ lại lặng lẽ dọn sạch sẽ, ngăn nắp như lúc ban đầu. không một lời thở than. Không nửa tiếng phàn nàn.

Sáng nay đẹp. Lại nhớ Huy Cận của cảm giác: “Rộn ràng nhịp bước hương vương gót / Nhựa mạnh tuôn tràn tưởng dính chân” bởi bạn có sách mới. Nhận từ tay bạn và đặt trên bàn những Tình nhỏ làm sao quên, Tôi thương mà em đâu có hay, Ví dụ ta yêu nhau. Hồi họp lật từng trang và áp sát vào mũi. Giấy thơm quá. Thời tiểu học, đầu năm học mới, y luôn chờ đợi được thầy cô giáo phát cho sách giáo khoa. Các tập sách ấy, lật đôi ra và ngửi thật nhẹ nhàng. Kính cẩn. Chao ôi! Mùi thơm của trang mới mẻ như cái lần đầu tiên được áp vào môi ngon và ngọt của dậy thì mười tám.

Sách ông Biền đó ư?

Từng tác phẩm của anh, những lần in, tái bản đều có trong thư viện gia đình. Nay là bản in mới nhất, có tập đã tái bản lần thứ 6. Sức sống còn bền. Lối trò chuyện cà tửng, cà rỡn, thông minh đôi lúc “triết lý” hóm hỉnh giữa “ông” và “em” vẫn động đậy, lay động trong lòng thế hệ mới. Vậy là đủ. Với một nhà văn, sách viết từ trước 1975, ký Nguyễn Thanh Trịnh, nay vẫn tái bản dài dài. Vậy vẫn còn bạn đọc. Chúc mừng anh Biền. Mừng nữa là trong tập Tình nhỏ làm sao quên có in bài Ông Biền áo trắng. Y viết đó. Oách chưa?

Trong căn phòng “Như cảnh tươi màu rạp cải lương” bởi có treo quá nhiều tranh do y vẽ. Y lật lại bản in Ví dụ ta yêu nhau, Bạn Ngọc in năm 1974 và đọc lại lời tựa của nhà văn Duyên Anh. Một cảm giác vui tươi và cảm động ùa đến vây kín cả hai con mắt đang săm soi từng chữ, từng chữ:

 

tayeunhauR2R

 

“Tôi thấy thế này: Văn của Trịnh không cầu kỳ bay bướm, trải chuốt nhưng nó đong đầy ý tưởng. Nó tựa như hạt thóc, no đầy, hứa hẹn cho đốm mạ xanh, cho mùa gặt thơm ngời lúa. Nó là ngày mai rực rỡ khi hôm nay đã vàng vọt ở trà đình, tửu điếm, trên gác xếp, gần ven đô, trong khảo cổ, ngoài luận bàn của tất cả những nhà văn cỡ lớn của chúng ta. Những nhà văn trẻ đang làm một bình minh văn chương, trong khi, những nhà văn lớn thì đang đi vào hoàng hôn văn chương buồn bã. Đó là một điều mừng cho độc giả. Nguyễn Thanh Trịnh đang bước tới. Trịnh bước tới và bắt đầu cuộc chơi và chứng tỏ một tay biết chơi đùa cùng văn chương. Ở bất cứ một cuộc chơi nào, ai biết chơi, người ấy sẽ thành công”.

Tựa cho một nhà văn trẻ, viết vậy là ưu ái và nhìn thấu rõ tính cách một con người. “…một tay biết chơi đùa cùng văn chương”. Chính xác. Đôi lần, anh Biền tự nhủ khi hết ra sân cỏ, sẽ là huấn luyện viên; đến lúc không còn đủ sức, là cổ động viên. Với tay nghề, qua Áo trắng - một sân chơi sang trọng của thế giới văn chương trẻ miền Nam sau 1975, anh đã là bà đỡ mát tay cho một loạt tác giả mới. Một bà đỡ ngoại hạng. Khó có người thứ hai sánh với anh trong vai trò này.

 

vi-dutayeu-nhauRR

Ví dụ ta yêu nhau - bản in lần thứ nhất (1974)

 

Cũng từ Ví dụ ta yêu nhau của bản in năm 1974, tôi đọc đôi dòng viết tay của anh, thuở ấy, cái thuở tâm hồn trong veo như lá mới, như áo mẹ mới may, vừa ủi và xếp cẩn thận trong rương, thao thức chờ mặc vào đúng sáng mồng một tết:

Tác phẩm đầu tay

Như mối tình đầu đã mất

Đẹp. Vụng dại

Và nhiều luyến tiếc

(20.9.1974)

Với lần tái bản này, anh viết: “Một đời người dù khổ đau khốn cùng, khi nhìn lại nếu không quá khắt khe, ai cũng nhận ra mình đã sống qua những tháng năm tuổi trẻ tươi đẹp. Đấy là những năm tháng yêu thương tưởng như là mộng ảo, nhưng cơn ngầy ngật đắm say vẫn còn rung động suốt một đời người…”


chuky-bienRR

Tác phẩm và thủ bút của nhà văn ĐOÀN THẠCH BIỀN


So với hiện nay, chữ ký đã khác. Anh bảo: "Già rồi. Nhìn cuộc đời đơn giản thì chữ ký cũng đơn giản". Tác phẩm đầu tay cũng tựa mối tình đầu. Mối tình đầu nào vậy? Sáng nay ngồi ăn phở, anh cười cười: “Nàng xinh đẹp, thánh thiện, học trường Tây Pascal ở Đà Nẵng. Ngày nọ, lúc tan trường thấy nàng bước lên xe hơi có tài xế đưa về nhà. Nàng sang trọng, quý phái quá. Tôi cụt hứng luôn. Từ đó, bỏ cuộc, bởi biết không thể với tới”. Thật hay đùa? Chẳng rõ. Chỉ biết sau 1975, như một loạt nhà văn đã từng viết trước 1975 phải đổi tên: Từ Kế Tường (Phan Tường Niệm), Mường Mán (Trần Huế Ly), Hoàng Ngọc Tuấn (Huấn Toàn), Nguyễn Bạch Dương (Lê Trung Hiệp)… Nguyễn Thanh Trịnh ký Đoàn Thạch Biền, anh kể: “Sau năm 1975, khi đang là công nhân xí nghiệp dệt, mỗi lần ăn trưa thấy cô “chị nuôi” Đoàn Thị Biền bán buôn “đắt như tôm tươi” nên ông “láu cá” chọn ngay cái tên Đoàn Thạch Biền! Ông thật thà: “Ước gì chương của mình đến với bạn đọc cũng như vậy! Ký cái tên ấy chắc là... hên!”. Nói nhẹ nhàng như không, nhưng thật ra để tạo một cái tên mới -  sau khi đã có tác phẩm là điều không dễ, phải là một cuộc “lột xác” chứ không đùa.

bien

Nhà văn ĐOÀN THẠCH BIỀN thuở viết tác phẩm Ví dụ ta yêu nhau (1974)

 

Sách của bạn đang trên bàn làm việc. Và y dừng lại rất lâu ở tấm ảnh ông Biền thời trẻ. Thời đó, ở Đà Nẵng mỗi lúc sang hè vẫn còn nhiều cây phượng nở xòe từng chùm lửa đỏ; dọc đường Thống Nhất vẫn còn hàng cây dầu rợp tiếng ve, lúc gió thổi, từng cánh hoa khô rơi lững lơ trong gió và từ phía sông Hàn, gió thổi lên lồng lộng, xao xuyến những tà áo dài của nữ sinh Hồng Đức. Cảm hứng từ một thành phố nằm ven biển miền Trung đã nuôi dưỡng văn chương của ông Biền. Tuổi trẻ tươi đẹp. Ngày tháng tươi đẹp. Trang sách của ông Biền đủ sức dẫn ta về một vòm trời tươi đẹp ấy. Kỷ niệm êm đềm ấy làm trong sạch lại mệt mỏi của tháng ngày mà hở ra một chút là điện thoại di động lại réo bên tai cứ như tiếng kèn đồng gọi ta phải xông vào đời với quá nhiều bận rộn.

Nghĩ như thế. Y tắt luôn cái cùi bắp. Ném vào xó tủ. Để yên ổn làm việc trong ngày thứ bảy. Một ngày mừng bạn vừa tái bản sách.

Sực nhớ đến nàng, bèn hỏi: "Tình nhỏ làm sao quên?"

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 28.6.2013

 

Khuya hôm nọ, lặng lẽ một mình. Một mình tách khỏi dòng tiễn đưa tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất về nhà. Thấp thoáng mưa. Từng hạt mỏng manh. Nhỏ xíu. Rơi trên môi. Không đủ xóa sạch bụi bặm của một ngày bận rộn. Về đến nhà. Một mình. Chỉ có tiếng chó sủa ma vu vơ ngõ vắng. Hoay loay một lúc mà đã 1 giờ khuya. Giấc ngủ đến vội vã từ câu thơ của Huy Cận lăn ra khỏi trí nhớ nằm lạnh lẽo trên giường. Một mình:

Untitled-VAN

 

Cơn gió hiu hiu buồn tiễn biệt

Xa nhau chỉ biết nhớ vơi ngày

Chiếu chăn không ấm người nằm một

Thương bạn chiều hôm, sầu gối tay

Sáng mở mắt dậy, tự nhiên y cảm giác chung quanh trống trọi. Vẫn ly cà phê mỗi ngày. Vẫn mắt nhìn về phía màn hình. vẫn tay gõ phím. Tự dưng rầu rầu. Thọc tay vào túi quần, có thêm một chùm chìa khóa. Lúc ấy, một cú điện thoại gọi đến, đề nghị chụp hình căn nhà của y cho bạn đọc xem chơi. Cũng hay hay. Y bảo: “Đừng kỳ vọng những gì như đã từng chụp mái ấm diễn viên, người mẫu…”. Câu trả lời từ báo TN tuần san: “Bạn đọc tò mò muốn biết căn nhà của nhà thơ như thế nào. Lại nghe thiên hạ đồn rằng, nhà anh là cả một thư viện sách”. Ậm à ậm ừ một lúc rồi gật đầu luôn. Đã từ lâu, y không thích sống với cái quan niệm đã lỗi thời, đại khái, văn nghệ sĩ là có quyền bạt mạng và... không thèm đọc sách. Đọc bài viết Cha tôi của nhà văn Phan Thị Vàng Anh thấy thấm thía:

“Một ngày của cha tôi bắt đầu vào lúc bốn giờ. Cha tôi dậy sớm để nấu cơm, nấu nước, rồi sắp vào một cái khay con, một đôi đũa, một cái bát… xong hết mới gọi tôi dậy ăn.

Cha đã để sẵn nước sôi trong nhà tắm, dắt sẵn xe đạp ra ngoài sân… Làm xong hết những việc ấy, cha đi học bài.

Cha học cho đến lúc mẹ dậy. Học thơ, thơ từ cổ chí kim, của bất cứ ai, miễn đáng gọi là thơ, học kịch, học văn, học văn chương và học cả những gì dường như văn chương không bao giờ thèm đụng tới. Cho đến lúc gần bảy mươi, cha tôi vẫn là một học trò ngoan, bất chấp tuổi già mà len lỏi vào bất cứ góc nào của khu vườn văn hóa”.

Câu kết là lời dặn dò nhà thơ Chế Lan Viên: “Học không phải để vui, mà để không ai giết được mình!”. Học để thành người”.

Chiều nay, qua lại căn nhà của mùi hương tràn trề dục tính. Mở cánh cửa. Bước vào. Sững người trong chốc lát. Không một âm thanh quen thuộc của một người. Chỉ là mùi của nhớ đầm đìa cảm giác. Chiếc ghế nệm này. Đã nằm quen. Nằm không khéo có thể lọt xuống sàn nhà. Vuốt ve. Mơn trớn. Chìm vào giấc ngủ. Được sống lại thuở học trò như trong thơ Huy Cận:

Trốn tránh bơ vơ chạy ngủ lang,

Hồn ơi! Có nhớ giấc trần gian

Nệm là hơi thở, da: chăn ấm,

Xương cọ vào xương bớt nỗi hàn?

Chiều nay cũng trong căn phòng này. Một mình. Nằm một mình đọc sách. Tìm thấy quyển Quán văn chủ đề Đinh Cương - Thi sĩ của hoài niệm (NXB Thanh Niên). Tò mò lật từng trang. Từ hình thức đến nội dung không có gì phải phàn nàn. Vẫn là những cây bút quen thuộc: Huỳnh Hữu Ủy, Đỗ Long Vân, Bùi Giáng, Hoài Khanh, Trịnh Công Sơn, Doãn Quốc Sỹ, Đặng Tiến. Luân Hoán…. Sực nhớ trước đây, ở miền Nam chỉ vài có tạp chí văn học nghệ thuật như Khởi hành, Văn học, Thời tập… mà nổi tiếng nhất có lẽ ấn phẩm Văn. Chỉ cần một bài thơ, truyện ngắn được Văn chọn đăng có thể xem như đã được cấp visa bước vào con đường văn chương. Loại tạp chí này dành phục vụ cho SVHS, những người trí thức… Có lần hỏi anh Phan Kim Thịnh, chủ bút báo Văn học, thời đó, báo của anh được bạn đọc vùng miền nào tiêu thụ nhiều nhất? Anh cười khà khà, phát âm giọng Phủ Lý (Hà Nam) cho biết chính là khu vực miền Trung.

Có một điều lạ, hiện nay hầu hết Hội văn học nghệ thuật của các tỉnh thành đều có “cơ quan ngôn luận” . Ấn phẩm chỉ có thể lưu hành nội bộ. Đố có thể béng mãng ra ngoài sạp. Nếu có ra cũng chỉ nằm phơi nắng tênh hênh không một ánh mắt nào liếc qua. Do đó, có được đăng cũng chẳng mấy ai biết đến. Đã qua rồi cái thời của tạp chí Sông Hương, Cửa Việt… với vai trò của Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thái Ngọc San, Bửu Chỉ… Dân văn chương không đọc tờ báo văn chương là điều có thật. Báo Văn nghệ của đã qua rồi cái thời của Nguyên Ngọc. Nhìn tờ Quán văn, tự dưng bùi ngùi bởi ấn phẩm này chỉ in vỏn vẹn 1.000 cuốn, không có hệ thống phát hành và rất kén độc giả. Ai sẽ đọc?

Thỉnh thoảng nhận bài báo của các em sinh viên khoa báo chí gửi đến cộng tác. Đọc xong, lòng buồn rười rượi. Và không thể tin vào mắt mình. Điều gì đã tạo ra những lứa sinh viên như hiện nay? Có lẽ do báo chí mà y là một trong những người bền bĩ theo nghề đã góp phần chăng? Cứ nhìn trên các phương tiện truyền thông, sẽ thì rõ lớp trẻ hiện nay đang được thưởng thức món ăn tinh thần gì. Có lẽ do nền giáo dục chăng? Con trai của người bạn y làm báo NLĐ kể rằng, khi du học Mỹ, qua đó, bài luận đầu tiên em bị điểm rất thấp. Tại sao? Cô giáo ra đề là trên báo sáng nay có sự kiện nào mà em quan tâm nhất, hãy bình luận sự kiện đó? Trời, một cách ra đề quá giỏi và phù hợp với khơi gợi được sự sáng tạo của học sinh…

Thôi, không nghĩ ngợi gì nữa. Y dán mắt vào Quán văn. Cũng khó có thể đọc được gì. Bởi không một tiếng cười nói quen thuộc vang vọng đã từng càu nhàu, xét nét, cau có, than phiền, phê bình, mệnh lệnh... Tự nhiên y lại nhớ.

Một ngày trôi qua chóng vánh. Chưa kịp lật bàn tay đã sắp vụt mất một vòng quay của hăm bốn tiếng đồng hồ. Kể từ hôm nay lại bắt đầu “những ngày thương nhớ online”. Một mình.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 25.6.2013

 

“Vì muốn chàng sử dụng chiếc điện thoại mới do người bạn tặng từ mấy tháng nay có nhiều tính năng hơn sành điệu hơn nên nàng dỗ ngon dỗ ngọt mượn cái “cùi bắp” của chàng săm soi ra chiều yêu thích lắm và đợi lúc chàng quay mặt đi ngay lập tức nàng thả xuống ly bia”.

Trên đường đi làm, câu này chợt vụt đến trong đầu khiến y nhớ lại đêm qua. Đêm của rượu. Rượu của gặp gỡ và chia tay. Rượu của những gương mặt tình bạn.

 

son-dau-kho-nhoRR2

 

Có những gương mặt thoạt nhìn, ta đã thấy tin cậy. Y không tin lắm vào tử vi nhưng rất tin nhân tướng học. Phải gương mặt ấy mới có thể làm được việc ấy. Chẳng hạn, gương mặt cụ Phan Châu Trinh: quyết đoán; gương mặt Huỳnh Thúc Kháng: chất phác; gương mặt cụ Đề Thám: ương ngạnh; gương mặt Nguyễn An Ninh: thi sĩ.

Vâng, khi viết về Nguyễn An Ninh, y tìm hiểu rất kỹ nên mới có nhận xét đó. Không tin ư? Cứ nhìn tấm ảnh Nguyễn An Ninh chụp vào năm 1923, sau khi du học ở Pháp về nước. Mặc áo dài đen. Đôi mắt sáng. Hơi ngước nhìn phía trước. Mái tóc bombé. Môi hơi mím. Tay chống cằm. Tấm ảnh này do photo hình Khánh Ký ở đại lộ Bonard (nay Lê Lợi) chụp. Con người ấy chỉ làm theo sự mách bảo của trái tim và sẳn sàng trả giá cho việc làm của mình. Lúc ra Côn Đảo, y đã cúi đầu thắp một nén nhang trên mộ của một người mà cố TBT Nguyễn Văn Linh khẳng định “nhà yêu nước vĩ đại”.

Đêm qua, gặp lại Nhựt sau một thời gian dài. Vẫn mái tóc xoăn, dài ngang vai, bềnh bồng trong gió. Miệng cười tươi. Có lúm đồng tiền. Gương mặt đẹp trai, thông minh ấy gợi cho y nhớ đến gương mặt của Đức thầy. Một gương mặt của sự hòa hợp và giao hảo đáng tin cậy. Nhựt là người có trí nhớ cực tốt và biết quan sát. Có thể nhớ đến từng chi tiết nhỏ, từng con số. Khi phát biểu một vấn đề gì cũng đều mạch lạc, chỉnh chu từng câu, từng chữ. Hơn cả thế, cũng là một tay "thần sầu quỷ khốc" về tửu lượng.

Trưa ngồi ăn cơm với cá bống kho tiêu. Rất ngon. Tranh thủ đọc bài báo về “Triển lãm Bàn tay thiên thần - Tấm lòng vàng”. Khai mạc ngày 23/6 tại khách sạn Continental Saigon, giới thiệu tượng 39 đôi tay và 1 bàn chân của 40 nhân vật nổi tiếng Việt Nam. Sực nhớ lại chừng mươi năm trước đây, có một nữ Việt kiều Úc mời y đến khu biệt thự ở đường Trương Định (gần Ngô Thời Nhiệm). Chị ấy có nhã ý muốn đổ nhựa bàn tay của y bằng chất liệu đăc biệt. Nhiều nhân vật rất nổi tiếng khác cũng được “vinh dự” này giống như y. Sẽ triển lãm cho thiên hạ chiêm ngưỡng chơi.

Chà, y phổng mũi. Y nổi tiếng quá. Thiên hạ ái mộ quá. Trò chuyện một hồi, nói gần nói xa chẳng qua nói thật. Chị ấy ngỏ lời nhờ cậy y viết một bài in trên báo PN - nhằm giới thiệu trường tiểu học làm theo mô hình giáo dục nước ngoài mà chị đang đầu tư. Để chứng minh “cơ sở hiện đại có tầm quy mô lớn và đầu tiên thực hiện ở Việt Nam”, chị ấy nhiệt tình dẫn y đi xem từng phòng phòng học, giới thiệu líu lo như chim hót. Rồi lại hẹn sẽ thực hiện vụ “đổ nhựa bàn tay” sau khi báo đăng bài viết P.R cho cái trường học này.

Y chỉ nhếch mép cười. Từ đó, không còn gặp lại nữa. Chỉ tiếc hôm ấy mất một buổi sáng vào việc vô tích sự.

Trong tài liệu của y còn giữ được tấm ảnh chụp bàn tay đổ nhựa của danh họa Nam Sơn. Sau khi viết bộ Kể chuyện danh nhân Việt Nam, y được quen với con cháu của nhiều nhân vật đã thuộc về lịch sử, trong đó có con trai cụ Nam Sơn. Thân tình đến độ, lúc ra Hà Nội y đều đến thăm và ngược lại, khi vào Sài Gòn lại mời ăn nhậu lai rai. Con trai cụ đã gửi tặng tấm ảnh này và cho biết vì quá thương cha nên đã giữ lại bàn tay tài hoa của đấng sinh thành bằng cách đó.

Còn vụ triển lãm này thì sao? Bài báo này cho biết: “Trên trang web của “Bàn Tay Thiên Thần”, chúng ta dễ dàng tìm thấy giá cả thực hiện, ví dụ: khung bàn tay 2 chị em có hình, giá: 2.399.000 VND; khung đôi bàn tay bàn chân có hình, giá: 3.999.000 VND... Như vậy đã rõ, đây là một doanh nghiệp muốn quảng cáo hình ảnh của mình, một hoạt động lành mạnh và bình thường, chứ không phải một triển lãm độc đáo về nghệ thuật, như nhiều nơi đã đề cập”. Bài này in trên báo Thể thao & văn hóa ngày 24/6/2013 của nhà báo Văn Bảy.

Ô hô!

Mất cả buổi sáng loay hoay với chiếc điện thoại mới. Bực mình. Sốt ruột không rõ có ai gọi điện thoại, nhắn tin gì hay không? Ra khỏi nhà, quên cái gì cũng được, người ta cứ phóng xe đi, nhưng cho dù có vội đến cỡ nào thì cũng phải quay lại nếu để quên điện thoại ở nhà. Khi đến một độ tuổi nào đó con người ta trở nên ù ì, ngại làm quen với cái mới. Với y điện thoại chỉ có hai chức năng: Nghe và nhắn tin. Cần quái gì phải dùng để check email, truy cập mạng… Chuyện này, y làm mỗi ngày, hằng giờ. Đã ngồi mòn ghế. Chẳng lẽ, lúc đi chơi bù khú còn phải bận bịu nữa sao? Sung sướng nhất là một ngày được tắt điện thoại. Mới thật sự tự do. Không bị ràng buộc bởi bất kỳ mối quan hệ nào. Há chẳng sướng sao?

Chiều nay phải đi rút tiền để mua lại cái “cùi bắp” quen thuộc. Chắc có người sẽ bảo:

- Há chẳng gàn lắm sao?

 

L.M.Q

 

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 24.6.2013

 

Đang ngủ, giật mình tỉnh giấc, sực nhớ phải viết thông báo cho cuộc thi facebook, phải viết lời tựa cho tập thơ tuyển từ cuộc thi này. Bạn thơ Phạm Sỹ Sáu cho biết đã biên tập xong bản thảo. Bèn dậy luôn. Viết cho xong.Thức dậy sớm, nghe tiếng gà từ hàng xóm vọng sang. Yên ả và thanh bình lạ thường. Chiều nay, sẽ vẫn là cái mặt cũ khi ngồi bên bạn bè cũ. Có như thế mới yên tâm ngồi lai rai những sợi men lãng đãng rơi tuột qua cuống họng để thơm tho một chút men và sẽ hôn khuôn mặt của một người trước lúc đi xa. Câu thơ của Trần Dạ Từ:

 

tap-tho-dau-tay-in-nam-1989

 

Lần dầu ta ghé môi hôn

Bỗng con ve nhỏ hết hồn kêu vang

Vườn xanh, cỏ biếc, trưa vàng

Nghìn cây phượng Vỹ huy hoàng trổ bông

Thuở mới lớn, y thích. Lớn hơn một chút, thấy câu thơ Nguyễn Tất Nhiên mới là dữ dội:

Hôn rách mặt mà sao vẫn còn nghi ngại

Nhớ điên đầu sao cứ sợ chia tan

Có những câu thơ, ai viết cũng được. Câu thơ này mới là Nguyễn Tất Nhiên:

Bàn chân Nam Định rất chiêm bao

Trời cho đó chứ. Đời thơ mấy ai được trời cho những câu thơ ma mị, quỷ ám như thế? Tương tự có thể kể đến "Cọng buồn cỏ khô" của Trịnh Công Sơn; " áo dài đùa trong tiếng cười "của Phạm Duy...

Trưa đang ngủ, một cú điện thoại từ báo TN gọi đến phỏng vấn. Đã hơn hai giờ chiều. Thức giấc luôn. Nhìn qua cửa sổ thấy mưa. Mưa là mưa. Chợt bần thần nhìn thấy trên mặt bàn làm việc là những quyển sách mới của bạn bè vừa gửi tặng như Phong cách nghệ thuật thơ Huy Cận qua Lửa Thiêng (TS Nguyễn Thị Kim Ửng), Cái đầu siêu định vị (Bích Ngân), Cà phê và quán vắng (Anh Thư)… Nhìn sách mới của bạn lại nhớ đến sách của mình. Nhớ ơi là nhớ cái năm 30 tuổi, mừng sinh nhật bằng tập thơ Trong cõi chiêm bao. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho chụp bức tranh làm bìa. Thời đó, ông mới bắt đầu vẽ tranh. Chẳng biết bức sơn dầu này, nay ai sở hữu? Bạn Điêu Quốc Việt làm giúp bìa. Anh Nguyễn Thái Dương cùng y chọn bài, lo giúp luôn cái vụ nhà in ở Khăn Quàng Đỏ. Từ sự lo lắng ấy nên y mới có bài thơ này in trong tập này:

TƯỞNG TƯỢNG

(Tặng Nguyễn Thái Dương)

Nếu trúng số độc đắc thì tôi sẽ in thơ

Một tập thơ mỏng manh như lá cỏ

Tặng những người đang yêu, tôi không hề mắc cỡ

Tập thơ hiền lành như chính bản thân tôi

 

Anh có thể đọc thơ khi ngồi ngóng mưa rơi

Sẽ thấy tôi lạnh run nhưng cũng cười ngỗ ngáo

Chị có thể đọc thơ khi ngoài kia giông bão

Sẽ thấy tôi nhen ngọn lửa nhỏ nhoi…

 

Tập thơ dịu dàng như chính bản thân tôi

Tôi sẽ cho in nếu rủi ro trúng số

Thời buổi này gạo châu củi quế

Ai dám đành lòng thách đố với thơ ca?

 

Nói đùa chơi ngẫu hứng với ba hoa

Em đừng trách tôi - cái thằng ngớ ngẩn

Ba mươi tuổi ở nhà thuê, áo cơm còn lận đận

Sao cứ đánh đu cùng vần điệu của thơ?

 

Có kẻ một đời chỉ dám ước mơ

Được một lần trúng vào lô độc đắc

Để mua lại những gì trôi tuột mất

Kể cả lương tâm đã bán ở chợ đời

 

Có người dậm chân thất vọng gọi trời ơi

Nếu trúng số một lần thôi tôi sẽ…

(Hứa hẹn làm chi sự đời đâu phải dễ

Chúng ta đang mơ những ảo-tưởng-ngoài-tầm)

 

Thơ thời buổi này rẻ rúng nếu đem cân

Một ký thơ có bằng nửa cân thịt sống?

Dù biết vậy nhưng tôi còn mơ mộng

Nếu trúng số thì…  tôi cũng sẽ in thơ

(1988)

Thời đó tập thơ in ra, báo chí quảng bá, giới thiệu nhiều. Nay chẳng ai buồn ngó ngàng đến. Xu thế chung là thế. Thể loại thơ đã chết trong lòng bạn đọc chăng? Đã từ lâu, dù có điều kiện nhưng y đã hết hào hứng in thơ nữa. Lật quyển sách của Kim Ửng, đọc loáng thoáng và dừng lâu ở câu này: “Nhà thơ đúng là kẻ trộm lửa thiêng” (ám chỉ vị thần Prométhée trong thần thoại Hy Lạp đã ăn trộm lửa thiêng của thần Zeus để tặng cho loài người). Rimbaud gắn sứ mệnh của nhà thơ với câu chuyện đi tìm lửa, tương tự như câu chuyện của thần Prométhée” (tr. 93).

Thơ hiện đại của chúng ta có còn lửa? Hay chỉ là những tro tàn bay tả tơi trên lớp sóng của thời gian? Tự nhiên lại nhớ đến tin nhắn của Đoàn Tuấn, hôm qua:

Qua thăm Chị Đẹp tình cờ

Hỏi xem MÙA TRỨNG bao giờ RỤNG xong?

Sài Gòn mùa trứng trụng là tập tùy bút thứ ba của Chị Đẹp. Đã viết xong. Có thể sẽ ra mắt vào cuối năm này. Vẫn bạn bè cũ xắn tay áo vào. Mỗi người một tay. Hy vọng mọi việc đúng kế hoạch. Từ Cà Mau, Huỳnh Thúy Kiều đã gửi mắm linh. Trần Hoàng Nhân cho biết đã có người đòi mua đúng 100 quyển Ve vãn sài Gòn của Chị Đẹp.

Ngoài trời đã thôi mưa. Thôi, tập trung làm việc đi.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 23.6.2013

Hồi họp lật từng trang. Thơm mùi giấy mới. Những con chữ nhảy múa như nắng như mưa như gió như tình yêu như ngày tháng của Quách Tĩnh yêu Tiểu Long Nữ đã chạy vào mắt. Tràn trề. Đắm đuối. Y là người trước nhất cầm quyển sách đầu tiên vừa chở từ nhà in về NXB Trẻ. Y vội vã đứng ngay giữa ngã tư đường tấp nập ngựa xe, ngay lúc ấy, đứng ngay chỗ ấy và đọc một hơi đến hết 184 trang sách. Thiên hạ đi ngang qua bấm còi inh ỏi. Mặc kệ. Y cứ đứng đọc. Hả hê. Sung sướng.

ve-van-sagon-1-R

Bạn đọc Ve vãn Sài Gòn

 

Cuộc ra mắt sách Ve vãn Sài Gòn đã thành công. 200 cuốn sách đã bán hết sạch. Người đến tham dự đông như trẫy hội. Nhiều người chậm chân không có chỗ ngồi, không mua được sách. Sau ngày ra mắt sách, y đã xóa bỏ khá nhiều số điện thoại. Bạn bè chơi, từng ăn nhậu với nhau, lúc cần có mặt lại "mất hút con mẹ hàng lươn" thì chơi với ai? Dịp đám cưới, tang ma, thôi nôi, tân gia, đầy tháng, ra mắt sách... đã có lời mời nhưng không đến. Liệu có phải là bạn? Nghĩ làm gì cho mệt. Xóa luôn số. Vậy cho khỏe. Đỡ nghĩ ngợi. Đang chờ hình do Nghĩa Phạm chụp để post lên trang web. Vãn cuộc bèn kéo nhau nhậu nhẹt lai rai. Cũng vài gương mặt bạn bè. Rượu vào lời ra. Anh Biền đọc câu đối:

Gái Quảng Nam quản nam Nam Định

Câu này, anh cho biết do vợ thách đối. Đúng y chang trường hợp gia cảnh của anh. Anh em đang nhậu hào hứng nhậu bỗng im lặng lắng nghe. Nghe xong, bèn ngưng ly và mỗi người tản ra một nơi. Ngồi trầm ngâm. Nhăn mày nhíu trán. Vò tai nghiến tóc. Lật từ điển tìm nghĩa. Moi óc tìm chữ. Ghi ghi chép chép. Gạch gạch xóa xóa. Cả một không gian bỗng im ắng lạ thường. Nghe cả tiếng mưa rơi ngoài cửa sổ.  Nghe tiếng máy lạnh chạy ò è. Thời gian lặng lờ trôi qua. Cuộc nhậu đìu hiu như câu thơ của Huy Cận:

Nắng xuống, chiều lên sâu chót vót

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu

Chừng hai tiếng đồng hồ sau, không ai bảo ai, tất cả đều đứng lên đồng thanh hô to. Như hô khẩu hiệu lúc ra quân tấn công chốt tiền tiêu trên đỉnh Danrek của thời y đi bộ đội. Tiếng hô rền vang cả quán nhậu:

- Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối.

(Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, xin tiên sinh đối trước).

Tiên sinh Biền cũng bó tay.com. Thêm vài ly nữa và chia tay. Đấy! Ăn nhậu mà nói chuyện chữ nghĩa, hoạch họe nhau về từ, ngữ nghĩa chỉ có nước giải tán sớm. Tóm lại vế thách đối này quá khó. Ai có thể đối lại được? Nếu được, Chị Đẹp sẽ tặng luôn 100 quyển Ve vãn Sài Gòn!

Nhân vụ câu đối này, mọi người gặng hỏi về vụ câu đối mà y đã kể trong nhật ký 21.6.2013. Cụ thể ra làm sao? Thì đây: KTNN số 116 phát hành ngày 15.8.1993, chuyên mục Chuyện Đông chuyện Tây có câu hỏi: “Xin HT cho biết ai và báo nào đã đăng và thách đố câu sau đây:

Đến Củ chi, chỉ cu, hỏi củ chi

Nếu có thể xin chuyển hộ câu đối của tôi đến báo đó hoặc tác giả của câu đó. Câu của tôi như sau:

Vượt Cù Mông, cồng mu, phải cù mông

(Đèo Cù Mông nằm giữa Phú Yên và Bình Định)”

Trả lời: Về chuyện này, HT đã phải một phen tẽn tò. Chuyện xẩy ra đã lâu. Một hôm anh Phạm Vũ, cũng là cộng tác viên của KTNN cho chúng tôi biết bà Kim Hạnh, bấy giờ còn là tổng biên tập báo Tuổi Trẻ , đã ra một câu đối: “Chỉ cu anh, hỏi củ chi” và hứa hễ ai đối được bà sẽ thưởng cho một năm báo Tuổi Trẻ đọc chơi. Không biết vì nhớ thiếu hay vì vội vàng. Anh bạn chỉ đọc lên vẻn vẹn có 6 tiếng trên. Ngay hôm đó, HT đã có vế đối lại, chỉ xin bạn và bạn đọc đọc mà đừng có… chửi:

Mò đóc chị, mâng mồng đó”.

Đại khái là thế. Không cần phải trích hết câu trả lời này.

Lập tức báo PNTP.HCM số ra ngày 18.8.1993 có bài Vụ án văn hóa trong chuyên mục Chuyện phiếm, ký tên Ngọc Huyền. Đây là bút danh của một đạo diễn đang nổi danh. Sau khi lập luận tràng giang đại hải, bài báo này kết luận: “Vụ án thành ra chưa ngã ngũ. Nhưng có tin đồn ghi “KTNN” số 116 là văn tự giả mạo, vì nền văn minh của năm 1993 dứt khoát không như thế”. Báo TN số ra ngày 2.9.1993, có in toàn văn bức thư của nhà báo Kim Hạnh: “Về một bài báo xúc phạm danh dự và nhân phẩm công dân” gửi các cơ quan chức năng. Ngay lập tức, chuyên mục này tạm ngưng vài số liền và từ số 122 (1.11.1993) mới xuất hiện lại, từ đó bút danh H.T đã thay đổi thành A.C.

Ôi chuyện chữ với nghĩa. Không cẩn trọng là không xong.

Cẩn trọng có lúc cũng không xong. Thông tin đó nếu ta nhìn nó ở góc độ này sẽ thấy bình thường nhưng nếu bắt bẻ, soi mói và “nâng quan điểm chính trị” lại thấy “trầm trọng” như “phản động đến nơi”. Có khi chỉ đọc chơi nhưng muốn “lập công”, lập tức điện thoại đầu này, réo đầu kia “báo động” ầm ĩ lên như sắp xẩy ra một vụ cháy nhà. Người tiếp nhận thông tin, nếu yếu bóng vía, lập tức gọi xe cứu hỏa ngay lập tức. Sự việc trở nên rắc rối. Lớn chuyện. Không khéo có người bị quy kết này nọ. Chết oan mạng. Rất phiền toái. Cũng bởi hăng hái quá đáng. Nhiệt tình quá đáng. Để làm gì. Để cho vui? Để cho thấy mình là người có trách nhiệm đầy mình? Mà đã là anh em, có những tiểu tiết hãy lờ nó đi vì cũng chẳng chết ai, chẳng ảnh hưởng gì đến cái chung, đến đại cục. Mà đã là anh em, cách tốt nhất hãy điện thoại cho tác giả. Giữa hai người ngồi với nhau, đừng bao giờ tin lời khen của người đối diện. Giữa hai người ngồi với nhau, hãy tin lời góp ý, chỉ trích, phê phán của người đối diện. Vì cả hai lời trên đều không lọt vào tai người thứ ba do đó, tin và không tin là vậy.

Thú thật, y thích tính cách này ở người Bắc. Rất rõ. Đã chơi với nhau là hết mình. Bảo vệ hết mình. Lăng xê hết mình. Họ cũng có những mối quan hệ hời hợt xã giao như người Nam. Nhưng đã chí cốt thì huynh đệ còn hơn ruột thịt. Cứ nhìn xem, đảng phái chính trị thời Pháp thuộc mọc lên như nấm, nhưng tồn tại lâu bền và khiến kẻ thù khiếp sợ nhất là đảng phái ấy hình thành từ vùng miền nào?

Lúc nhà văn Xuân Sách còn sống, thỉnh thoảng gặp và bù khú lai rai. Tập Chân dung nhà văn mà y đang giữ còn có cả bút tích Xuân Sách chú thích tên của từng nhà văn. Sau đây là một bài:

Chuyện kể cho người mẹ nghe

Biển lửa bốc cháy bốn bề tan hoang

Đứa con nuôi của trung đoàn

Phá vây xong lại chết mòn trong vây.

Bài này viết về nhà văn Phù Thăng, tác giả của các tác phẩm như Chuyện kể cho người mẹ, Con nuôi của trung đoàn, Phá vây…Hỏi, nguyên cớ nào lại viết như vậy, nhà văn Xuân Sách cho biết, đại khái: Ngày nọ, một cán bộ cao cấp khi bàn về tác phẩm văn học nước nhà có nhận xét đại loại rằng, nhân vật của Phù Thăng có “tư tưởng lái trâu”, không phù hợp với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chỉ một câu nói đó, cuộc đời của một nhà văn lên bờ xuống ruộng và biến mất khỏi “cuộc chơi”. Hư thực ra sao chưa kiểm chứng nhưng chắc chắn trên đời có những người chết oan mạng như vậy. Cũng chỉ một câu nói. Một câu bình luận. Lắm lúc câu nói ấy chẳng có gì nghiêm trọng, nhưng người chịu trách nhiệm xuất bản, biên tập sợ vãi đái là kệch mặt luôn tác giả đó. Như ghẻ né ruồi. Lần sau đừng mon men đem bản thảo lại nhá!

Thật quý khi cuộc đời vẫn còn những người cầm chịch một cơ quan ngôn luận không sợ bóng vía.

Thời N.Q.C in tập thơ Đêm mặt trời mọc bị thu hồi, NXB Trẻ bị kiểm điểm xói đầu. N.Q.C học chung lớp, ngủ cùng phòng y ở ký túc xá. Sau đó, chẳng còn tờ báo nào dám in thơ của tác giả này nữa. Chẳng biết do từ mệnh lệnh của ai? Cũng có thể chẳng có mệnh lệnh nào nhưng bởi sợ bóng sợ gió, sợ vạ lay nên chẳng ai dám “day vào”. Duy chỉ có người vẫn dám là nhà thơ Chim Trắng. Với cương vị Tổng biên tập báo Văn Nghệ TP.HCM, ông vẫn chọn in thơ N.Q.C. Ai có hỏi, ông chỉ cười rất đàn anh: “Bọn trẻ làm thơ thể nghiệm mà. Kệ nó”. Ông cứ in dù vài anh em trong bọn y có thời bị người ta đàm tiếu này nọ. Mà có ai “rày la” gì ông đâu! Ông có mất ghế gì đâu. Giới văn nghệ còn ca ngợi nhà thơ Chim Trắng qua vụ thẳng tay đấm vào mặt một nhà lý luận điện ảnh học từ Liên Xô về. Vụ cãi cọ đó vào thời báo Văn nghệ còn đóng ở Nguyễn Thị Minh Khai. Xẩy ra vào buổi trưa, ngay sát chỗ bàn cà phê y đang ngồi tán phét với bạn bè. Ông quát vào mặt của nhà lý luận: “Không tranh luận lôi thôi nữa. Anh còn chửi thề là tôi đấm ngay!”. “Đ.M! Đấm đi”. Kết quả là một vụ ôm mặt máu ầm ĩ một thời!

Nói trộm vía người đã khuất, nhà thơ Chim Trắng đúng là “dân chơi Nam bộ” thứ thiệt. Thứ thiệt theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Đời làm báo, nghĩ lại, y may mắn bởi được làm việc với nhiều người tử tế. Ngày nọ, y đưa cho Tổng biên tập Thế Thanh bài báo phê phán, chế giểu một đơn vị thêu ở Đà Lạt đã cố tình viết sai be bét chữ nghĩa, bày đủ trò nhố nhăng đặng gây chú ý dư luận. Y những tưởng sếp hào hứng sẽ cho in ngay. Bởi làm báo là phải kịp thời bám theo thời sự kia mà! Không ngờ sếp nhỏ nhẹ rằng, báo mình phát hành đúng vào ngày công ty người ta kỷ niệm sinh nhật, chẳng lẽ mình lại tát một cú đích đáng ngay trong ngày vui của họ? Thế là sếp gác lại, in vào số sau. Càng nghĩ, y mới thấy sự lịch lãm và phục phép ứng xử văn hóa của chị Thế Thanh.

Không gì trơ trẽn bằng khi con người ta lên xe hoa về nhà chồng, gã hàng xóm tốc váy réo đòi nợ. Chẳng lẽ hết dịp rồi chăng? Mươi năm trước đây,  quê y kỷ niệm ngày giải phóng có mời quan chức cả nước về dự. Một trong sự kiện quan trọng là khánh thành cây cầu thiên niên kỷ bắt qua sông Hàn. Cầu khánh thành vào buổi sáng, cờ xí rợp trời, diễn văn hoành tráng nhưng ngay trưa đó bắt luôn cán bộ phụ trách xây cầu vì tham ô, tham nhũng gì đó. Đành rằng, bắt không sai, nhưng sao không đợi lúc quan khách ra về rồi hãy thực thi nhiệm vụ?

Dư luận hỏi thế. Y cũng nghĩ thế.

Nếu chọn một nhà văn hiện thực phê phán của Việt Nam có tầm vóc nhất của giai đoạn 1932 - 1945, y chọn Vũ Trọng Phụng. Một nhà phê bình, nghiên cứu văn học người Mỹ đã dịch tiểu thuyết Số đỏ ra tiếng Anh, khẳng định đây là tác phẩm có thể sánh với các kiệt tác văn chương của nhân loại và làm vinh dự cho mọi nền văn học. Ai là người phê phán Vũ Trọng Phụng dữ dội nhất, đao to búa lớn “nện” ác nhất, quy kết chính trị hiểm ác nhất? Lật lại tư liệu, ta biết đó là Hoàng Văn Hoan. Sau cuộc chiến 1979 với Trung Quốc, ai tếch theo giặc? Hoàng Văn Hoan chứ ai!

Sài Gòn mấy hôm nay mưa lai rai. Những cơn mưa dịu mát. Lật tình cờ đúng trang 176 của Ve vãn Sài Gòn, có đoạn viết: “Nhưng đâu phải đàn ông Sài Gòn chỉ nổi tiếng về cách nhậu? Đàn ông Sài Gòn còn biết cách trăng hoa. Không bao giờ từ chối tình ái. Và không đểu, Không phải là cái kiểu cặp kè cho qua đường như người ta nghĩ về bản tính qua loa của người Sài Gòn. Yêu ai là yêu hết mình, hết người, hết nhà, hết tiền"

Hay quá ta?

Ve-van-sg-2R

Chị Đẹp ký tặng sách Ve vãn Sài Gòn

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 21.6.2013

 

Ngày Nhà báo Cách mạng Việt Nam. Tin nhắn từ khắp bốn phương trời nằm chen chúc trong điện thoại di động. Có những tin nhắn trung tính, không một cảm xúc gì. Chỉ là những lời sáo rỗng, rỗng tuếch, nhấn một nút send đến hàng loạt nhà báo. Đọc và xóa luôn. Không việc gì phải trả lời. Ngao ngán quá chừng với những tin nhắn, đại loại, lời chúc dao to búa lớn cỡ như “tiếp tục hăng say chiến đấu”, “luôn luôn sắc bén ngòi bút”, “mãi mãi đấu tranh kiên cường”, “xông pha không mệt mỏi”… Vớ vẩn. Chẳng lẽ mọi ngày các nhà báo không được như thế chăng?

Mà, cần gì với lời chúc ấm ớ, công thức, khuôn mẫu đến sáo mòn và không hề có một chút sắc thái tình cảm dành cho cá nhân người nhận? May quá, do vừa bị hư sim điện thoại nên hoàn toàn không rõ tin nhắn ấy của ai. Đỡ phải nghĩ gì thêm.

Thoáng đó mà đã tròm trèm gần 30 năm theo nghề.

 

dac-san-1968

Đặc san của người làm báo miền Nam, chủ nhiệm kiêm chủ bút: Nguyễn Ngọc Linh. Bộ biên tập: Nam Đình, Trần Tấn Quốc, Vũ Bằng, Hoàng Phố, Nguyễn Doản Vượng v.v... Viện Đại học Đà Lạt "bảo trợ tinh thần". Tòa soạn: 116 Hồng Thập Tự, Saigon. (Tư liệu L.M.Q)

 

Lúc đang sinh viên, từ năm 1985, y đã có tin “xe cán chó” đăng trên báo TT. Nhuận bút lai rai. Sau, nhờ nhà văn Nguyễn Đông Thức, y đầu quân cho báo này. Thời gian làm việc không dài. Còn nhớ, lúc họp giao ban hằng tuần vào mỗi sáng thứ hai, nhà báo Kim Hạnh lúc đó là TBT có kể câu chuyện, đại khái, một nhà báo Pháp hỏi chị: “Ở Việt Nam có chế độ kiểm duyệt báo chí không?”. Một câu hỏi dễ hay khó? Câu trả lời của chị khôn ngoan: “Ở Việt Nam không có chế độ kiểm duyệt bởi chúng tôi đã đặt “kiểm duyệt” trong đầu”. Ăn cơm bằng đồng tiền nhuận bút của nghề báo đến mòn răng, nghiệm ra thấy đúng quá.

Nhắc đến chị, vẫn còn nhớ đến vụ câu đối của KTNN: “Gái Củ Chi chỉ cu hỏi củ chi” mà anh A.C khi trả lời có liên quan đến chị. Thế là ầm ĩ cả lên. Bấy giờ, y đã về PN. Chị TBT Thế Thanh bảo, Q quen thân với KTNN nên để chị nhờ người khác viết bài phê phán sai trái đó. Người viết là một đạo diễn tiếng tăm hiện nay. Sau KTNN phải xin lỗi chị Kim Hạnh vì lỗi sơ suất câu chữ. Sơ suất thôi, y biết, anh A.C - “tự điển sống” mà y ngưỡng mộ chẳng có ý “đá giò lái" gì đâu. Lúc nào rảnh, tìm lại tài liệu cũ sẽ viết kỹ hơn.

Kỷ niệm làm báo nào của y đáng nhớ nhất? Có nhiều. Lần đầu tiên của ngày đi "tác nghiệp" viết về phong trào văn nghệ quần chúng của cơ sở thuốc lá nọ. Làm việc xong, giám đốc có nhã ý tặng nguyên một cây thuốc lá nhưng y không dám nhận, dù ngày đó phải mua lẻ từng điếu thuốc lá. Chẳng phải “trong sạch” gì, chỉ sợ báo TT biết là kỷ luật ngay. Chẳng dại. Rồi sau này, hỡi ôi, khi đi cơ sở không thấy quà cáp là mặt mày buồn xo. Thế đấy! Giấu giếm làm gì. Ai là người nghĩ ra độc chiêu tặng “bao thư” cho nhà báo? Sáng kiến này có thể xem là một “thành tựu” to lớn nhất của việc làm tha hóa nhà báo. Đến nay đã trở thành luật bất thành văn: Họp báo phải có bao thư. Thiếu cái gì cũng được nhưng cái này thì dứt khoát phải có.

“Tự kiểm” về ngày nhà báo của y đã đăng trên Tạp chí Tài Hoa Trẻ  số 529 (18.6.2008) nay có gì khác hay vẫn thế? Y viết:

"Ngày 21.6, không phải là dịp chúng ta ngồi lại “kể công” - mà ý nghĩa đích thực nhất, theo tôi vẫn là lúc “tự kiểm” một cách nghiêm túc để tiếp tục hoàn thành sứ mệnh mà nhân dân đã tin cậy, gửi gắm niềm tin cho mình. Tôi tự kiểm về một số nhà báo (NB) hạn chế trong bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp như sau:

Không biết nói: Ai đời giữa “bá quan  văn võ” của một cuộc họp báo, không ít nhà báo (NB) hiên ngang đứa lên, cầm “micro” sau khi tằng hắng lấy giọng thì bắt đầu: “Thưa Ban tổ chức, em là PV báo X, em xin…”. Trời đất! Khi tác nghiệp, anh là người phát ngôn đại diện cho một cơ quan ngôn luận, chứ nào phải do quan hệ cá nhân đâu mà lại tự “hạ mình” xưng em một cách lãng xẹt như vậy? Lại có những NB trong lúc tác nghiệp gặp nghệ sĩ, ca sĩ nào đó tuổi nhỏ hơn mình bèn gọi bằng… em theo cảm tính một cách ngọt sớt! Xin đừng quên, trong bối cảnh “quan trên trông xuống, người ta trông vào” chứ không phải tâm sự riêng tư, thì không thể suồng sã gọi người được phỏng vấn như vậy.

Không biết hỏi: Còn nhớ khi Công ty Phương Nam tổ chức ký kết mua bản quyền với nhà văn lão thành Tô Hoài tại Hội Nhà báo TP.HCM, có NB đứng lên hỏi BTC một cách dõng dạc: “Ông cho biết tình hình… sách lậu bày bán ngoài lề đường hiện nay như thế nào” (!?). Câu hỏi không ăn nhập gì với nội dung cuộc họp báo đang diễn ra, hơn nữa BTC không đủ thẩm quyền trả lời nên đã từ chối. Quyết không thua, anh NB này hỏi lần nữa và lần này là… tiếng cười ồ của các đồng nghiệp! Lại có NB, sau khi nhận tài liệu báo chí, nhưng không chịu đọc kỹ nên cứ hỏi những điều mà trong đó đã giải thích khiến mọi người nghĩ đến… sự ngớ ngẩn!

Không biết ngồi: Cuộc họp báo của ca sĩ, diễn viên Bi Rain - ngôi sao làng công nghệ giải trí Hàn Quốc - là một ví dụ. Có lẽ do quá nôn nóng tác nghiệp nên có nhiều NB đã đồng loạt nhốn nháo đứng lên một cách hào hứng! Thôi thì cũng dễ thông cảm. Nhưng phía sau lưng họ là ai? Là các… quan chức và đồng nghiệp của họ! Lại có trường hợp, tan cuộc họp báo, các NB quyết “chen vai sát cánh”, giành nhau để được… chụp ảnh chung với ngôi sao. Cũng được thôi, nhưng đừng quên lúc này anh là NB, đại diện cho một cơ quan báo chí chứ không phải lúc làm khán giả hay là fan bày tỏ sự ái mộ “thần tượng”! Lại có nhiều chương trình ca nhạc, vị trí đầu tiên là vé mời dành cho quan chức đã sắp xếp trước nhưng có NB quyết tâm “bám trụ” vì chỉ ở vị trí đó thì gương mặt mình có cơ may… xuất hiện trên sóng truyền hình!

Không biết ăn: Có NB đã khiến nhiều đơn vị cơ sở “lúng ta lúng túng” đến tội nghiệp trong dịp lễ lạt, hội hè. NB “kiên cường” đòi cho bằng được rượu hoặc bia lọai A,B nào đó chứ nhất quyết không “cụng ly” thức uống đang được chiêu đãi! Đã thế, đến lúc tàn cuộc, nhiều NB vì quá “tình thương mến thương” nên… không chịu ra về, cứ ngồi ì ra đó, tiếp tục gọi bia, rượu và tiếp tục…”trăm phần trăm” với nhau”!

Y giễu ai đó? Không, "bản tự kiểm" của y đó thôi. Nói trước đỡ phiền lòng đồng nghiệp vậy.

Đêm qua, lai rai một chút. Ngất ngư. Say một chút. Nhìn xuống dòng kênh Nhiêu Lộc. Thấy đời vui. Mọi việc chuẩn bị cho ngày ra mắt sách của Chị Đẹp đã xong. Báo chí cũng đã giới thiệu, đưa tin lai rai. Chung tay vỗ nên kêu. Anh Triều đã gửi tặng một chai rượu cho cuộc nhậu sau khi kết thúc ra mắt sách. Chỗ ăn đã đặt rồi. Cũng là vài anh em bạn bè và nhà báo thân tình.

Sáng nay mở Inbox  - Outlook Express. Ngáp dài. Chơi Facebook cũng phải chấp nhận có lúc hộp thư cá nhân của mình phải chứa tin rác.Hàng trăm comment lung tung của ai đó cứ đổ vào. Đơn giản chỉ là cuộc “chém gió” của bạn bè họ mà mà mình phải nhận. Xóa đến mỏi tay. Thời giờ đâu mà đọc?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

Trang 54 trong tổng số 58