LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 3.7.2013

 

 

Lại một buổi sáng ngồi gõ bàn phím. Từng giọt cà phê rơi nhẹ nhàng xuống ly. Từng phiến đường chìm dần. Ngoài sân tịnh không một tiếng động. Tiếng chuông chùa, tiếng kinh mỗi sáng, lúc rạng sáng lại vang lên đều đặn và đánh thức y dậy.

Mở cửa nhìn lên trời thấy mây trắng tiếp tục cuộc viễn du nhàn rỗi và và vội vã như từ triệu năm trước. Nhìn xuống hồ cá trước sân nhà thấy cá đang bơi, loáng thoáng những đóm bèo nhỏ xíu mà y đã vớt ở khu resort tại Phan Thiết. Màu xanh. Xanh như tuổi trẻ. Y đã không còn trẻ nên lúc nhìn xuống lòng bàn tay đã thấy tháng ngày nhọc nhằn hằn vết trên đường chỉ tay. Đường chỉ tay sâu thêm và ngang dọc đơn giản như lúc khóc oe oe chào đời. Trưa qua đọc báo ngẫm nghĩ với một thông tin hay, ở Hà Lan có ngôi nhà thờ Thiên chúa giáo La Mã được chuyển thành nhà ở! Bài báo viết: “Bà Catherina, một dân cư sống tại tòa nhà giải thích: “Khi cha xứ và giáo dân không đủ tiền duy trì nhà thờ, họ bán cho một công ty xây dựng, mua mảnh đất khác xây nhà thờ nhỏ hơn”. Năm 2003 một công ty xây dựng mua lại và thiết kế, phân chia phía trong nhà thờ thành chung cư với 30 căn hộ, kèm hệ thống thang máy hai tầng ngay cửa ra vào. Hình dạng và màu sắc phía ngoài nhà thờ được giữ nguyên. Kiến trúc, hoa văn và các bệ bàn thờ nằm sát tường phía trong nhà thờ cũng không bị phá huỷ mà được tận dụng thành một phần kiến trúc trong các căn hộ. “Một ngày nào đó, nếu muốn dùng lại nhà thờ, họ chỉ cần tháo dỡ các căn hộ bên trong”, bà Catherina nói” (Sài Gòn tiếp thị 2.7.2013).

Cứ ngỡ như đang nằm mơ. Một cách bảo vệ di sản văn hóa rất độc đáo. Độc đáo với về dài lâu, lâu đến cỡ nào vẫn là một “kết thúc có hậu”. Di sản ấy không mất đi. Cho đến nay, vẫn chưa quên được tiếng chuông nhà thờ ở Hà Lan. Cứ đúng mười hai giờ trưa, lại nghe tiếng chuông vang lên giữa dòng đời xuôi ngược ở một thủ đô hiện đại. Chỉ một khoảng khắc. Một giây lát. Lúc ấy, thời khắc thiêng liêng ấy sẽ là sự nhắc nhở nghiêm khắc với con người. Đang lao như điên, đang vật vã kiếm sống bằng mọi hình thức từ lương thiện đến bất lương, con người ta sực chững lại hướng về điều thiện đã có trong sâu thẳm lòng mình. Trong Du lịch người câm, y có viết kỹ cảm nhận này.

Sáng nay, cũng vậy. Mỗi sáng, tiếng chuông chùa công phu mỗi sáng lại đánh thức y dậy. Vậy mà, y vẫn chưa ngộ ra được chút tẹo nào.

Người con gái lội qua khe

Bàn chân với nước lạnh đè lên nhau

Nỗi niềm tưởng lại xưa sâu

Bàn chân với nước cùng nhau lại  đè

(Bùi Giáng)

Sáng qua đã phở. Chẳng lẽ sáng nay lại phở? Vâng, lại phở. Y là “người Việt gốc phở”. Ngày mẹ về quê, từng ngày này qua ngày nọ, từng tháng này qua tháng nọ, từng năm này qua năm nọ chỉ có thể là phở. Sáng hôm qua phở và nghe N.K.L kể về bí mật của hậu trường thi hoa hậu với mọi chứng cứ rành rọt, tự dưng nổi da gà. Ngày xưa, “Má ơi đừng gã con xa / Một là mất giỗ hai là mất con”. Xưa rồi cưng yêu. “Mất con” bây giờ khốc liệt hơn nhiều. Mất trắng như chơi nếu mang nặng đẻ đau, cưng như trứng hứng như hoa mà đến tuổi cập kê nó ham hố muốn đổi đời qua các cuộc thi nhan sắc. Nghe L kể, tự nhiên buồn. Buồn như thời anh L.H mới chân ướt chân ráo về TT đã chỉ đạo có loạt bài phóng sự thật hay về cái vụ “bán lúa non” trong các cuộc thi sắc đẹp nhăng nhố ngay trong học đường.

Thì, làm báo, ít ra, có trách nhiệm công dân như vậy đã là quý.

Nhiều người bảo, sao vẫn chưa có một Vũ Trọng Phụng, một điển hình cỡ Xuân Tóc Đỏ trong thời buổi này? Thiên hạ đã bàn nát nước. Vẫn chưa ra. Có lẽ do hiện thực đời sống ngày càng khủng khiếp, thay đổi tinh vi, chóng vánh, chằng chịt mà trí tưởng tượng của nhà văn không theo kịp? Trang viết của nhà văn và hiện thực ấy có một khoảng cách quá xa nên bạn đọc thờ ơ chăng? Nguyễn Nhật Ánh thế mà hay. Anh không đi vào cái hiện thực hỗn độn, mù mờ ngợm người thánh thần ma quỷ ấy, anh quay về tuổi thơ. Tuổi thơ nào không có cái nhìn trong trẻo vào cuộc sống và hướng thiện?  Anh đã gieo mầm hướng thiện trong lòng người đọc.

Thì, chức năng người cầm bút nghĩ cho cùng là thế.

Đọc một trang viết của mình khiến bạn đọc căm thù cuộc đời là một cách chọn lựa. Đọc trang viết của mình khiến bạn đọc yêu thương cuộc đời cũng là cách chọn lựa. Vấn đề còn lại là nhà văn có dám đi đến tận cùng? Thế nào là tận cùng? Nói như đỉnh núi cao văn chương Nga Dostoyevsky: “tận cùng tử cung của đời sống”.

Chưa gọi điện thoại cho L.K.T vì đã mất hết số. Gọi  chung vui với sự kiện nhân kỷ niệm 25 năm ngày mất của anh ruột T. Hội Sân khấu Việt Nam sẽ tổ chức Liên hoan những vở diễn được dàn dựng từ kịch bản Lưu Quang Vũ. Vở kịch hay là chỉ mới đọc kịch bản, từ con chữ vẫn lôi cuốn cứ như đang đọc tiểu thuyết. Không dứt ra được. Trong hơn 10 năm sáng tác, Lưu Quang Vũ đã viết hơn 50 vở kịch nổi tiếng, làm chấn động xã hội thời đó như những vở: Tôi và chúng ta, Lời thề thứ 9, Nàng Si Ta, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Trái tim trong trắng, Điều không thể mất...Các kịch bản này, T đều gửi tặng từ mươi năm trước. Một Molière của Việt Nam. Vâng, chắc chắn thế.

Sáng qua đã nhận sách mới Văn chương và nhân cách Võ Hồng - nhân 100 ngày mất của ông. Đọc xong và kết luận: "Tập sách này đọc thú vị, tuy nhiên có đôi điều đáng phàn nàn là sách in nhân dịp tưởng niệm Võ Hồng mà từ giấy in đến cách trình bày đều kém trang nhã không xứng tầm với một nhà văn mà nhà nghiên cứu Trần Hữu Tá đã khẳng định trong luận án Khuynh hướng yêu nước và tiến bộ trong các thảnh thị miền Nam: “Võ Hồng xứng đáng là cây bút hàng đầu trong 20 năm văn học dưới chế độ Sài Gòn xét ở cả nội dung cũng như thành tựu nghệ thuật” (tr.213). Đã thế, tập sách này lại thiếu sót những bài nhận định, phỏng vấn ông đã công bố trước 1975. Do đó, bạn đọc hiện nay khó có thể hình dung ra diện mạo văn chương của Võ Hồng. Và cũng thật tiếc, do đơn giản chỉ là “gom” bài viết nên tập sách thiếu cái nhìn khái quát về Võ Hồng; thiếu luôn cả một niên biểu về Đời và Văn Võ Hồng".

 

biasachRRR

 

"Những ngày thương nhớ online" lại lo sót vó vì gửi Ve vãn Sài Gòn gửi ra Hà Nội lại ghi sai địa chỉ. Sai số nhà mà đúng tên đường. Cả chục cuốn. Chắc là mất biến. Không ngờ ngoài kia vẫn nhận được. Chẳng hiểu tại sao. Đêm qua, xem lại bản thảo tập thơ facebook lần nữa. Cố gắng tránh sai sót trong chừng mực có thể.

Cuối tuần này, lai rai chút đỉnh đi chứ? Mừng ba tập sách mới của anh Biền vừa tái bản.

Ngẫm lại câu này của anh Biền, thấy vui vui: “Ngang như cua là gì? Muốn hiểu rõ chỉ có cách mua ngay một con cua đem về để quan sát. Bạn hãy để cho nó tự do bò trên sàn nhà và bạn xem kìa, nó bò đi không giống những con vật khác, đầu hướng về phía nào chân bò theo hướng đó, con cua của bạn (hay của bất cứ ai cũng vậy) đầu hướng về bên trái (hay phải) trong khi chân vẫn thản nhiên bò về phía trước như thường. Quan sát xong bạn đừng vội kết luận: A! Tôi hiểu rồi, người yêu của anh có tướng đi ngang như cua nghĩa là đầu nàng luôn luôn quay về một bên trong khi chân vẫn bước đều về phía trước chứ gì. Ối giời! Nếu bạn nghĩ như vậy thì đúng là bạn ngang như cua rồi. Không phải nàng đi như vậy đâu. Tôi cam đoan với bạn nàng có tướng đi rất đẹp, tướng đi của một tiểu thơ đài các đàng hoàng. Tôi muốn nói cái tính của nàng kìa. Cái tính của nàng mới không giống các cô gái khác. Cái tính của nàng mới ngang như cua”.

Ai ngang như cua? Thì đó, chứ còn ai trồng khoai trên đất này nữa?

Vừa hỏi, đã nghe vọng từ xa xăm:

“Em mệt”

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment