LÊ MINH QUỐC: Nhật ký bis 17.6.2013


Sáng nay đi dự kỷ niệm 10 năm ngày mất nhà thơ Thu Bồn. Cũng là dịp phát hành tập sách Thu Bồn - Tráng sĩ hề… dâu bể (NXB Hội Nhà văn) của nhiều tác giả. Địa điểm là tòa nhà Bitexco Financial Tower  (số 2 Hải Triều, Q.1). Chỗ gửi xe lòng vòng lèo vèo dưới tòa nhà. Cam đoan đi một lần là lần sau hết dám đến, bởi nơi gửi xe nhiêu khê quá.

 

thu-bon

 

Buổi họp thân mật, ấm cúng do nhà phê bình Ngô Thảo chủ trì. Có người vợ đầu tiên, vắng mặt người vợ cuối cùng. Có Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Duy, Trần Hữu Tá, Nguyễn Văn Hạnh, Bùi Chí Vinh, Phạm Sỹ Sáu, Ngô Thị Kim Cúc, Phan Hoàng, Trần Hoàng Nhân… và nhiều gương mặt quen thuộc khác của làng văn nghệ, báo chí Sài Gòn. Có mấy ý kiến đáng lưu ý: Tại sao chưa có sinh viên nào làm luận văn nghiên cứu về trường ca của Thu Bồn? Đến nay, các nhà thơ hiện đại, chưa có ai vượt qua Thu Bồn về thể loại này. Thu Bồn là người đứng đầu bảng (GS Nguyễn Văn Hạnh). So với nhiều người khác, Thu Bồn hoàn toàn xứng đáng được Giải thưởng Hồ Chí Minh (Ngô Thảo). Nhiều ý kiến phát biểu về tính cách tráng sĩ, chân thành chí cốt với bạn bè của Thu Bồn (Nguyễn Duy, Bùi Chí Vinh, Trần Hữu Tá, Nguyễn Tiến Toàn, Thu Nguyệt…).

Y nghĩ rằng, những năm cuối thế kỷ XX dân Quảng Nam có hai người chịu chơi là Bùi Giáng và Thu Bồn. Đáng nể nhất là họ dám sống trọn vẹn với những gì họ đã nghĩ. Viết đúng cảm xúc. Không nói một đàng viết một nẻo. Đa phần, chúng ta uốn éo quá, khôn lỏi quá mà cũng láu cá quá. Cứ sợ mất lòng người khác. Luôn e dè rào trước đón sau. Phải diễn nhiều hơn. Chẳng dám đưa cái mặt thật ra dưới nắng mặt trời. Nếu có cũng ít hoặc chừng mực...

Trong cuộc họp mặt này, y đã phát biểu như những gì y đã viết về Thu Bồn trong tập Người Quảng Nam. Đại khái y nhắc lại vài kỷ niệm khi uống bia ở 81 Trần Quốc Thảo, có lần Thu Bồn nói rằng, trong thơ ca Việt Nam hiện đại vẫn còn quá ít những câu thơ mang tầm vóc nhân loại, nghĩa là khi dịch ra bất cứ thứ tiếng nào trên thế giới thì dân tộc nào cũng đều cảm nhận, chia sẻ được tính tư tưởng trong câu thơ ấy. Trong giây phút ngẫu hứng của cơn say ngất ngưỡng, Thu Bồn đã đứng dậy và đọc câu thơ của Xuân Diệu minh họa cho cái ý vừa phát biểu một cách hào sảng:

Trái đất - ba  phần tư nước mắt

Đi như giọt lệ giữa không trung

Khi tham gia bài viết Nhớ “người vắt sữa bầu trời” in trong tập sách Thu Bồn - Tráng sĩ hề… dâu bể, y muốn nhấn mạnh về giai thoại câu lục bát  nhảm nhí: “Thật lạ, không rõ do duyên cớ gì, trong những lần trò chuyện, tôi thường nghe anh bình luận về thơ trung niên thi sĩ Bùi Giáng với mọi sự trân trọng. Và ngược lai, ở Bùi Giáng cũng thế, ông thường bảo đó là người “biết chơi”. “Chơi” hiểu theo ngôn ngữ trầm phù của Bùi Giáng chắc đa nghĩa lắm chăng? Với hai thi sĩ nổi tiếng cũng là niềm tự hào của Quảng Nam, tôi không rõ từ đâu, lâu nay trong lúc trà dư tửu hậu thiên hạ thường bảo rằng mấy câu lục bát nhảm nhí, lảm nhảm rẻ tiền này là của Bùi Giáng “trêu” Thu Bồn, đại loại: “Thu Vân ngồi cạnh Thu Bồn”. Nói như thế, tin như thế là ngốc nghếch và cũng chỉ là suy nghĩ của những kẻ tầm thường khi léng phéng đến với thơ, mon men bước gần đến những thi sĩ chân tài như Bùi Giáng, Thu Bồn…” (tr. 262).

Một con người như Thu Bồn chắc có nhiều giai thoại văn nghệ. Nếu ai đó chịu khó ghi chép lại ắt là tập sách hay. Có những mẩu chuyện mà y còn nhớ,đại loại lần nọ Thu Bồn tình cờ gặp Bùi Giáng trong cơn mưa tầm tã ở ngã tư đường Nguyễn Tri Phương - Lý Thường Kiệt (TP.HCM). Thấy ông rét run, Thu Bồn đưa bộ quần áo bộ đội cho ông thay và đùa: “Bùi tiên sinh cứ tự nhiên cởi truồng ra thay quần áo cũng được”. Không ngờ Bùi Giáng bảo: “Cái đó không phải... thơ để lúc nào cũng bày ra được”!

Lại nghe kể, sinh thời Thu Bồn có dáng cao to như con gấu, tiếng nói nói âm vang như hổ. Lần nọ, vào mùa đông rét thấu xương, ở cơ quan anh (tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, số 4 Lý Nam Đế - Hà Nội) ai nấy đang chìm vào giấc ngủ, bỗng có tiếng động. Nhanh như sóc, Thu Bồn vùng dậy lao ra. Trước mặt mình là tên ăn trộm gầy còm, ăn mặc rách rưới, trên mặt còn nhiều vết xước do vướng dây kẽm gai lúc “nhập nha”, đang đứng run như cày sấy. Thu Bồn mềm lòng, anh lặng lẽ bước vào nhà, lấy đưa cho bộ quần áo cũ.

Lại nghe kể, măm 1973, nhà thơ Thu Bồn được giải thưởng Lotus của Hội Nhà văn Á - Phi. Với số tiền thưởng tương đương 2.000 USD, anh trích ra một ít chiêu đãi bạn bè. Ngày ấy, bạn bè quốc tế đến dự và chúc mừng anh đông lắm, có nhà thơ Ximônốp, tiến sĩ Nicolin, Eptusenkô v.v... Sau vài chén rượu thân mật, nhà thơ  “bốc” hẳn. Và khi bước lên diễn đàn nhận giải, anh cao hứng bỏ bài diễn văn viết sẵn, ứng khẩu luôn mấy câu thơ:

Có người bảo Mạc Tư Khoa vô cùng to lớn

Nhưng tôi bảo Mạc Tư Khoa vô cùng bé nhỏ

Có những mối tình con người ôm không xuể

Thì làm sao có thể bảo tôi yêu Mạc Tư Khoa vô cùng thân thiết vừa đủ gọn một vòng tay?

Tôi vừa ôm vừa siết

Mơ trong lòng và yêu ở trong tim...

Sở dĩ  thế vì lúc ấy, ngồi cạnh anh có cả cô Jania phiên dịch nữa. Khổ nỗi cô ấy rất xinh đẹp nên Thu Bồn hào hứng  là phải “đạo”. Đúng tính cách của anh.

Còn đây là giai thoại mà sáng nay, y mới biết: Nhà văn Đoàn Minh Tuấn kể rằng khi phái đoàn nhà văn Việt Nam làm hồ sơ sang Mỹ tham quan, sứ quán Mỹ thẳng thừng từ chối Thu Bồn. Đơn giản vì anh không có một tờ giấy lận lưng từ hộ khẩu đến chứng minh nhân dân! Sau Hội Nhà văn Việt Nam phải có công văn can thiệp nên mọi việc mới ổn thỏa. Nếu đúng thế, Thu Bồn quả là tay chơi bạt mạng giang hồ!

Sáng nay, nhà thơ Bùi Minh Quốc cũng đến dự. Qua phát biểu, giọng nói ấy vẫn da diết, tha thiết và chân tình khi trình bày vài cảm nghĩ về một người mà ông gọi là “bậc đàn anh” và rất tâm đắc với câu thơ Thu Bồn viết từ thời kháng chiến: “Hỡi những người nô lệ đừng quên / Tôi là bộc phá viên!”. Sực nhớ lúc dự Đại hội Nhà văn Việt Nam lần VIII từ ngày 4 đến ngày 6.8.2010 tại Hà Nội, giọng nói của Bùi Minh Quốc còn âm vang và khỏe khoắn hơn nhiều. Ấy vậy mà đến lúc “cao trào” nhất, đột nhiên Chủ tịch đoàn rung chuông thông báo… nghỉ giải lao! Mọi người ùa ra khỏi trường như ong vỡ tổ. Tiếng nói của anh trở nên lạc lõng. Rơi trong vô vọng. Tương tự trước đó, nhà thơ Trần Mạnh Hảo cũng phát biểu hăng hái, xăng xái và đang oang oang, bỗng dưng... micờrô câm tịt! Vậy cũng xong.

Trưa, sau hội thảo, anh Ngô Thảo mời mọi người ngồi lại nhậu lai rai nhưng y về nhà.

Về cũng vì một lời hứa với P.T.N của DDVN. Phải có bài gấp cho số tới mà mấy hôm nay du hí Phan Thiết, y chưa viết kịp. Không riêng gì nghề báo, nghề nào cũng vậy thôi, nếu lười biếng, trễ hẹn thì lần sau chẳng có ma nào đặt bài nữa. Nghĩ thế, y lại cày tiếp đến 15 g rồi bước xuống nhà ăn trưa. Con cá bống kho tiêu. Ngon ơi là ngon. Chiều, ngoài trời có mưa lai rai. Đi đến một quán cà phê sẽ tổ chức ra mắt tập Ve vãn Sài Gòn của Chị Đẹp nhưng y không hài lòng nơi ấy. Để mai tính.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment