LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 15.7.2013

 

Chiều qua đi hớt tóc. Slon AvA. Câu chào đầu tiên của Noo: "Chị sắp qua lại chưa anh?". Lâu rồi mới có dịp xuống trung tâm Sài Gòn. Cuối tuần đông người. Đèn sáng. Đông vui. Khu triển lãm Lê Thánh Tôn có hội chợ sách của Fahasa. Đi lang thang một lúc. Một mình. “Hôm nay trời nhẹ lên cao / Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” (Xuân Diệu). Tưởng rằng tâm thế của tiền chiến xa xôi đã biến mất trong thời buổi này, nhưng không, vẫn vậy. Vẫn là, có những lúc con người ta sống trong cảm giác buồn vui không rõ rệt. Cứ đi, cứ trôi trong dòng đời như một thói quen. Trôi để mà trôi. Đi để mà đi. Ừ, đôi khi sống cũng thế. Từng ngày. Thời gian ngốn lấy từng ngày. Đêm sụp xuống. Chìm vào giấc ngủ. Sáng mai lên. Nắng đã lên mà trong lòng không dậy một chút cảm xúc gì.

 

bien-o-nh-tho-dong-ho-Nguyen-TuongRR--HA

Tấm biển tại nhà thờ tộc Nguyễn Tường ở Hội An - ảnh L.M.Q

 

Đọc lan man ấy là thói quen trước khi ngủ.

Câu Kiều: “Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”. Nàng Kiều được mua bằng giá đó. Trên bốn trăm lạng vàng. Ghê gớm chưa? Theo ông Nguyễn Quảng Tuân, câu thơ phải là “Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm”, bởi căn cứ vào Thanh Tâm Tài Nhân, tờ văn ước ghi như sau: “Người đứng lập tờ văn ước tên là Chung Sự. Nay nhận thấy người thiếu nữ tên gọi là Vương Thúy Kiều vì việc cứu cha nên phải bán mình làm thiếp cho khách họ Mã là bốn trăm năm mươi lạng bạc, hẹn sau ba ngày, việc quan kết liễu sẽ theo Mã khách ra đi không dám sai thù. Vì sợ lòng người bất trắc nên viết văn ước này”. Nghe có lý, hợp lý. Nhưng mà, có những từ, những chữ con người ta dùng mãi thành quen, khó thay đổi. Chẳng ai gọi “chúng cư”, vẫn gọi “chung cư”; vẫn biết về ý nghĩa của từ “hỗ trợ”:Trợ” là “giúp”, “hỗ” là “lẫn nhau”. Hỗ trợ sự giúp đỡ hai chiều, giúp đỡ qua lại, vậy mà các câu băng rôn treo đầy đường vẫn “Hỗ trợ người nghèo”, đúng ra phải là “giúp đỡ người nghèo” v.v...

Mới đây đọc tài liệu nọ, đáng tin cậy mới biết thêm về nhân vật của câu nói dân gian về bốn người giàu nhất tại Sài Gòn đấu thế kỷ XX: “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa” tức Huyện Sỹ - Lê Phát Đạt; tổng đốc Phương - Đỗ Hữu Phương; bá hộ Xường - Lý Tường Quang và chú Hỏa - Hui Bon Hoa”. Tài liệu lâu nay ghi chú Hỏa - Hui Bon Hoa tên thật Hứa Bổn Hòa. Không phải, ông tên thật Huỳnh Văn Hoa. Một người giàu nữa, ta vẫn biết là Quách Đàm; thật ra, nếu gọi đúng phải là Quách Diệm. Mà nay đã quen rồi, khó có thể thay đổi.

“Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”. Nếu liên tưởng đến tình cảnh hiện nay phụ nữ Việt lấy chồng Hàn, Trung Quốc… ta không khỏi ngậm ngùi. Chỉ vài chục triệu là xong. Rẻ như bèo. Anh bạn nhà văn của y cũng cưới vợ miền tây Nam bộ. Sau khi có mối mai, “phái đoàn” từ Sài Gòn xuống nhà cô dâu chỉ vỏn vẹn bốn người, kể cả chú rể. Ai cũng đinh ninh cưới cô chị, nào ngờ vào phút 89, cô chị đổi ý. Giây phút ấy, đàng gái: “ăn làm sao, nói làm sao bây giờ”; đàng trai: “tiến thoái lưỡng nan”, bỗng dưng cô em đồng ý "thế mạng". Vậy cũng được. Chú rể mừng quá, hào phóng tặng thêm cho đàng gái thêm vài triệu nữa. Tưởng chuyện bịa. Mà thật. Sau này, cả hai sống chung cũng gần nhà y và họ đã ly dị. Đơn giản, chồng nhà văn mà văn hay chữ tốt, sách thánh hiền đầy bụng; còn vợ một chữ cắn làm đôi không biết. Làm sao có thể chung sống đến trọn đời?

Lúc sang Mỹ, nhiều chị bạn người Việt cho biết, họ sợ, âu lo, thắc thỏm không yên là thời gian “ông nhà” đơn thận độc mã về Việt Nam. Tại sao? Biết rồi còn hỏi. Cũng là chuyện gái gú dễ tìm và rẻ như bèo đấy thôi. Nhiều lần tiễn bạn ra sân bay quốc tế, trước lúc bay bạn bảo: “Ở đây đúng là thiên đường”. Tại sao? Biết rồi còn hỏi. Cũng là chuyện gái gú dễ tìm và rẻ như bèo đấy thôi.

“Đau đớn thay phận đàn bà”

Nghe và buồn.

Thời buổi này, không cần ra khỏi nhà, chỉ lướt web là đã nhận nhiều thông tin thú vị, nếu biết chọn lọc. Với y, sau đây là những thông tin hay, ghi lại trong nhật ký:

Từ ngày 12.7.2013, Nhà thờ tộc Nguyễn Tường (18/2 Nguyễn Thị Minh Khai, Hội An - Quảng Nam), cạnh di tích Chùa Cầu, đã trở thành điểm tham quan mới nhất trong quần thể kiến trúc của di sản văn hóa thế giới. Di tích này xây dựng hồi đầu thế kỷ XIX, năm 1909 được tôn tạo, năm 2005 lại tiếp tục tu bổ vào và được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích lịch sử văn hóa vào tháng 1.2008. Người dân địa phương quen gọi là dinh Ông Lớn. Nhắc đến dòng họ này, lập tức chúng ta nhớ đến vai trò của nhóm Tự Lực văn đoàn (gồm các nhà văn Nhất Linh, Thạch Lam, Hoàng Đạo).

Tại kỳ họp thứ 7 (khóa VIII) từ ngày 9.7 đến 11.7.2013, HÐND TP Ðà Nẵng đã thông qua nghị quyết đặt đổi một số tên đường và công trình công cộng. Theo dó, có 131 tuyến đường được đặt và đổi tên trong đợt này. Một số nhà văn nổi tiếng là Phan Khôi, Hoàng Châu Ký, Thu Bồn, Tế Hanh, Nguyễn Văn Xuân sẽ được đặt tên tại khu E2, E2 mở rộng, C và D - khu dân cư nam cầu Cẩm Lệ, quận Cẩm Lệ, TP Ðà Nẵng. Riêng nhà văn hóa Phan Khôi (1887 - 1959) được đặt tên cho một tuyến đường có chiều dài 615m.

Đánh giá ngắn gọn về Phan Khôi như thế nào?

Hãy để nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân phát biểu: “Ông là người đề xướng và cổ vũ phong trào Thơ mới tiếng Việt, là người khởi động, tham gia hàng loạt cuộc tranh luận trên báo chí về khá nhiều vấn đề học thuật có tính cơ bản và lâu dài, gắn với sự phát triển của tư tưởng, văn học và xã hội VN thế kỷ XX”. Đáng khâm phục Lại Nguyên Ân, khi ông đã dành nhiều thời gian sưu tập và cho in các tác phẩm báo chí của Phan Khôi trong thập niên 1920, 1930 của thế kỷ trước. Nhờ vậy, thế hệ sau mới có thể nhìn rõ hơn diện mạo lớn lao của Phan Khôi. Một bút lực dữ dội. Ở Quảng Nam, đã có Giải báo chí mang tên cụ Huỳnh Thúc Kháng; nếu không, giải thưởng ấy mang tên Phan Khôi cũng là một sự xứng đáng, rất xứng đáng.

Nếu bài thơ Tình già của Phan Khôi chỉ xuất hiện ở báo Phụ nữ tân văn (số 122, 10.3. 1932), chắc chắn tiếng vang không sâu rộng. Chính nhờ được in lại trên báo Phong Hóa số Tết năm Quý Dậu (24.1.1933), tầm ảnh hưởng mới dữ dội đến vậy, mở đầu phong trào Thơ mới của thi ca Việt Nam hiện đại.

Lâu nay các nhà lý luận uyên bác đều đánh giá và xếp Tình già vào thơ tình. Chẳng ai đặt câu hỏi, tại sao ngay từ câu mở đầu đã khẳng định số 24? “Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa”.  Riêng nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn, một Việt kiều Cannada về Việt Nam sống và từng hiến cho nhà nước cả một kho sách quý tích cóp cả đời, ông chứng minh đó là thơ thế sự, thơ chính trị. Xin tóm tắt lập luận của ông Văn: “Bài thơ xuất hiện năm 1932, trừ đi 24 năm, ta có năm 1908. Đó là năm gì?”. Theo ông Văn, đó là năm nổ ra cuộc Trung kỳ dân biến, cuộc chống sưu thế vĩ đại nhất của thế kỷ XX bắt đầu từ Đại Lộc (Quảng Nam), Phan Khôi bị tù. Đây là năm Phan Khôi đoạn tuyệt hẵn với nền cựu học và tiếp thu tân học. Thế thì “đôi ta” trong bài thơ này thở than “sớm liệu mà buông nhau”, không phải chuyện trai gái mà chính là sự lựa chọn giữa xã hội phong kiến cũ và xã hội Duy tân. Và “24 năm” tức là gần ¼ thế kỉ đã qua đi kể từ cái năm 1908 đó, “Tình cờ đất khách gặp nhau” - tình cờ vì đây là sự trọng vọng của hai ông bà Nguyễn Đức Nhuận và Cao Thị Khanh biệt đãi” lúc Phan Khôi vào Nam cộng tác với tờ Phụ nữ tân văn.

Nghe ra có lý quá đi chứ?

Để hiểu hơn về Phan Khôi, đọc gì thì đọc nhưng không thể không đọc Nắng được thì cứ nắng - Phan Khôi, từ Sông Hương đến Nhân văn (NXB Tri Thức) của Phan An Sa. Ông Phan Trần - con trai Phan Khôi có tặng y một quyển. Cực hay. Trong lời giới thiệu, Lại Nguyên Ân viết: “Từ sau khi phong trào Nhân văn - Giai phẩm bị trấn áp (1958), sau khi Phan Khôi qua đời (16/1/1959), di sản trứ thuật của ông không hề được sưu tầm, in lại, sự nghiệp báo chí và văn học của ông không hề được khảo sát nghiên cứu, ngược lại, tên tuổi ông bị cấm nói đến, do đó bị loại trừ ra khỏi các công trình nghiên cứu về các quá trình lịch sử văn học, báo chí, văn hóa, tư tưởng ở Việt Nam thế kỷ XX mà trên thực tế ông đã tham dự; chỉ đôi khi tên tuổi ông được nhắc đến do nằm trong dữ liệu của việc nghiên cứu một vài sự kiện khác, - ví dụ cuộc tranh luận “duy tâm hay duy vật” thời kỳ 1934-1935 - nhưng thường là chỉ nhắc đến với dụng ý phê phán một cách bất công.

Có thể nói, cách đối xử trên đây trong một thời gian dài đối với Phan Khôi và một loạt trí thức, văn nghệ sĩ tên tuổi khác, cùng cảnh ngộ như ông, đã gây thiệt hại không nhỏ cho nguồn di sản văn học, văn hóa, tư tưởng của dân tộc, của đất nước trong quá khứ mà lẽ ra cần phải được gìn giữ và kế thừa. Cách đối xử ấy đã và vẫn còn đang làm mất mát những tác phẩm chứa đựng những giá trị lớn đã được các thế hệ trước sáng tạo ra”.


nguyen-van-xuanR

Nhà văn hóa Nguyễn Văn Xuân


Trong những danh tài được HÐND TP Đà Nẵng đặt tên đường, ngoài Phan Khôi, y có duyên đã dược hầu chuyện với các ông Hoàng Châu Ký, Thu Bồn, Tế Hanh, Nguyễn Văn Xuân. Tiếc trường hợp Nguyễn văn Xuân. Đọc lại Tin văn, Văn, Bách Khoa… trước 1975 tại miền Nam, biết ông viết nhiều bài khảo cứu về văn hóa. Hầu hết đến nay vẫn chưa in lại. Mấy năm trước Công ty Phương Nam đã ký hợp đồng mua toàn bộ bản quyền của ông. Cuối cùng, công việc ách tắc bởi không thể sử lý được nguồn tư liệu mà gia đình đang giữ; kể cả sưu tập, tìm tòi trong các thư viện lớn… Dường như một hoặc hai năm trước đây, UBND Đà Nẵng đã tiếp nhận các sưu tập tuồng chèo chữ Hàn, chữ Nôm do ông Nguyễn Văn Xuân sưu tập, nghiên cứu và qua đó, có giúp đỡ gia đình ông một số tiền không nhỏ. Việc làm này đáng hoan nghênh, nếu không, những tài liệu quý ấy sẽ mất - nhất là với gia cảnh của ông Xuân.

Đọc tin này trên báo, thấy vui.

Sáng nay lại phở. Thong dong vào cơ quan. Bước vào cửa, thấy một đôi dép mòn, cũ, sứt quai trên nằm ngay ngắn ở bậc thềm. Ngước vào trong thấy một bà cụ ngồi trên ghế, quần áo đã cũ nhưng tươm tất, trạc tuổi mẹ y. Bà cụ cầm đơn và ngồi chờ đến phiên mình vào phòng tiếp bạn đọc. Hình ảnh ấy bình dị ấy, khiến y thấy công việc của y và đồng nghiệp hằng ngày luôn ý nghĩa. Bạn đọc vẫn cần đến các cơ quan báo chí. Vẫn có thể mang dép xoành xoạch bước vào, nhưng không, có nhiều người vẫn rụt rè bỏ dép bên ngoài, bước chân không trên nền gạch mát lạnh. Nhìn hình ấy, tự nhiên thấy thương và tự biết trách nhiệm của mình.

Trưa, dì Minh - con gái nhà cách mạng Nguyễn An Ninh mời dự giỗ lần thứ 70 ngày mất của ông, ngày 11.8.2013, tại nhà con trai Út ở đường Nguyễn Văn Trỗi.

Nhận tin này, thấy vui.

Online một chút gì đi chứ?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 14.7.2013


Những chai rượu trên bàn. Hiên ngang. Kiêu hãnh. Ngay hàng thẳng lối. Sẵn sàng. Sẳn sàng vì cuộc vui của nhiều người đến mừng một người vừa Vĩnh biệt mùa hè. Cuối cùng chỉ là những chai rỗng. Không một giọt men nào lưu luyến ở lại. Tất cả, tất cả trôi vào tiếng nói cười trên một sân thượng lộng gió của một ngày cuối tuần. Trôi vào mây trắng trên đỉnh trời xa tít. Trôi vào hư không. Từng giọt rượu cứ trôi. Trôi qua khoảng thời gian ồn ào và lặng lẽ. Hạnh phúc chỉ có trong khoảnh khắc. Đời người rồi cũng trôi đi. Không còn tăm tích. Trôi đi và mất đi. Bạn bè có sách mới, anh em đến chung vui. Giữ lại hạnh phúc của nhau. Chia sẻ nhau sự nhọc nhằn của con chữ. Chữ viết từ bàn in đầu tiên của năm 1990, nay vẫn còn mới. Chúc mừng anh Nguyễn Đông Thức. Chúc mừng Vĩnh biệt mùa hè. Có nhiều lời chúc mừng chân tình, thành thật để bắt đầu bước vào cuộc nhậu. Từng giọt vàng, sóng sánh trong ly trắng. Men say bốc lên từ lưỡi. Và loang dần lên óc. Và trôi đi.

Bây giờ đi nhậu là vui

Khuya là khuya của ngậm ngùi lẳng lơ

Em là cỏ dại non tơ

Tôi là tôi của vật vờ tháng năm


Thuc-1-R

(Nhà văn Nguyễn Đông Thức và Vĩnh biệt mùa hè)

 

Nhậu chơi tri kỷ tri âm

Tri thiên mệnh đã được cầm trong tay

Trên trời lơ đễnh mây bay

Sao ta phấn đấu uống say làm gì?


Thuc-2-R-R

(Nhà văn Nguyễn Đông Thức và Vĩnh biệt mùa hè )

 

Em ngoan vú mọng xuân thì

Thôi thì, thì vậy... Vậy thì... thì em

Khuya chìm từng giọt nhẹ tênh

Có em thì mới là đêm vợ chồng


thuuc-3-R

(Nhà văn Nguyễn Đông Thức và Vĩnh biệt mùa hè)

 

Thưa rằng, đi nhậu vui không?

Đêm khuya men rượu mềm lòng cũng vui

Ngày sau cát bụi buông xuôi

Ông trời nhìn xuống ngậm ngùi Lưu Linh


Qunag-Dai-Dong-Thuc-R

(Nhà văn Nguyễn Đông Thức & diễn viên Quang Đại - người đóng một vai trong phim  Vĩnh biệt mùa hè từ năm 1992)


Nhậu không? Ta nhắm với tình

Tình này? Vâng ạ, hữu hình vô ngôn

Nhậu không? Trái đất vẫn còn

Không nhậu? Chai rượu hết tròn lại vuông


 Bieen-1Ranh-nay

 

(Nhà văn Đoàn Thạch Biền)


Chẳng khoái vui chẳng sợ buồn

Buồn vui là thuở cởi truồng tắm mưa

Ngày xưa đã hóa ngày xưa

Say sưa quên béng tuổi vừa năm mươi


thuc-4-R
(Nhà văn Nguyễn Đông Thức và Vĩnh biệt mùa hè)

 

Nhậu không? Người nhậu với người

Không người, tôi lại cười ruồi với tôi

Đăm đăm ngó mắt và môi

Mắt môi thơ dại buồn vui thế nào?

Nhân và Ka nói, đã hơn ba tuần rồi đó anh? Ừ. Thốt ra một cách ngậm ngùi. Hứa vẽ tặng cho Ka bức tranh, mừng nhà vừa tân trang lại. Lại hẹn Xu lúc có nàng. Thế là say ngất ngây mà vẫn còn nhớ đến đường về. “Cánh cửa mở ra / cánh cửa khép lại / cái kẹt nửa chừng / là tình thơ dại”. Tự nhiên lại nhớ đến câu thơ của Hoài Anh. Cánh cửa mở ra, vẫn chú cún mừng rỡ và phía góc kia vẫn con mèo đang nằm khèo nhàn rỗi. Giờ này mẹ đã ngủ. Online một chút. Đỡ buồn. Những con chữ nhảy múa trên bàn phím. Nhẹ tênh. Mệt nhọc. Chìm sâu vào mộng mị.

Đêm qua, cầm sách tái bản của anh Thức. Lại nhớ đến bà cụ, mẹ anh Thức. Bà Tùng Long, nhà văn. Lúc nhỏ, anh Thức tâm sự, sau này sẽ theo nghề viết, bà cụ đã can: “Mẹ thấy sống với nghề viết làm sao nuôi nổi vợ con?”. Anh đáp: “Con theo nghề báo của Thầy, nghề văn của Mẹ, sau này sung sướng thì nhờ, cực thì con cũng ráng chịu”. Và bây giờ, đã cho thấy sự lựa chọn này là đúng. “Đã mang lấy ngiệp vào thân”. Cầm bút, chẳng phải nghề, ấy là nghiệp.

 

sinh-nh-t-b-Tung-Long

Sinh nhật Bà Tùng Long (từ trái: Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Bà Tùng Long, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Nhật Ánh, Lê Minh Quốc)

 

Trong thư viện của y còn nhiều báo của thời trước 1975. Đọc và biết ngày đó, có nhiều người ký bút danh bắt đầu như Bà hoặc Chị. Cuối cùng chỉ còn lại mỗi một Bà Tùng Long. Trên văn đàn miền Nam thập niên 1950 - 1960 ta thấy có nhiều nhà văn giương cao ngọn cờ cách tân, đổi mới. Họ thử nghiệm nhiều khuynh hướng sáng tác, muốn làm mới sự biểu hiện của văn chương. Trong số đó phải kể đến nhà thơ Thanh Tâm Tuyền - người đã đi trước một bước so với các cây bút cùng thế hệ. Thế nhưng đến một lúc nào đó, nhìn lại sự đóng góp của cây bút nữ: Bà Tùng Long, chính Thanh Tâm Tuyền phải thốt lên những lời thán phục vì sự lựa chọn bền bĩ, vì một quan niệm văn chương không chạy theo trào lưu văn học thời thượng lúc bấy giờ.

Thật vậy khi cầm bút, hầu hết các nhà văn đều có “tham vọng” bày tỏ về một quan niệm trong sáng tác của riêng mình. Nhưng với Bà Tùng Long lại khác hẳn. Bà tuyên bố: “Tôi là nhà giáo, tôi viết văn để nuôi con”. Đơn giản quá. Bình dị quá. Ừ! Cứ cho là như thế. Phải là người trong cuộc, phải là người câm bút thì mới thấm thía được sự nhọc nhằn của con chữ, của từng dòng chữ miệt mài trên trang giấy từ ngày này qua tháng nọ.

Ở Bà Tùng Long, điều đáng khâm phục là bà đã bền bĩ cùng chữ nghĩa suốt cả một cuộc đời. Viêt đối với bà là lẽ sống. Nhân vật của bà cũng từ đời sống này bước vào trang văn. Vì thế nó gần gũi, thân mật và có chung tiếng nói với người đọc. Những nhân vật ấy với những bi kịch của hôn nhân, của tình yêu đôi lứa… được viết từ những thập niên trước, nhưng nay vẫn còn được người đọc chia sẻ. Bởi những tình huống “nhỏ to tâm sự” ấy không bao giờ cũ. Thế hệ này có thể khác thế hệ trước nhiều thứ nhưng trong tình yêu thì họ cũng gặp những “ca” nan giải như nhau. Bà Tùng Long đã bắt mạch được điều để từ đó tác phẩm của bà có sức sống lâu dài. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà nhiều, rất nhiều tiểu thuyết của bà như Mẹ chồng nàng dâu, Vợ lớn vợ bé, Bóng người xưa, Đời con gái… đã tái bản đồng loạt. Còn tái bản dài dài.

Thêm môt điều đáng ghi nhận khác ở Bà Tùng Long cần phải nhắc lại: Bà là nhà báo tiên phong “gỡ rối tơ lòng” cho bạn đọc. sau này trên nhiều báo có những bút danh như Anh Bồ Câu, Chị Huyền Sương, Chị Hạnh Dung, Chị Thanh Tâm, Anh Cỏ Cú… hoặc những chuyên mục như “Thì thầm chị em”, “Nhỏ to tâm sự”, “Tình huống hóc xương” v.v… cũng là những người đi sau Bà Tùng Long, nói cách khác là họ tiếp nối công việc mà bà đã thực hiện thành công trên báo chí miền Nam từ thập niên 1960.

Lúc nhà văn Bà Tùng Long hồi ký, anh Thức thường kể, bà cụ cho biết đoạn khó nhất vẫn là viết về mối tình đầu. Đây là một trong những bài thơ tình của nhà thơ, nhà báo Hồng Tiêu viết, bà đã nhớ và mang xuống tuyền đài:

Gió lọt sương sa ngọn nến mờ

Trăm chiều tâm sự rối đường tơ

Đường trong gang tấc, trời đôi ngã

Tình nặng non sông, giấy một tờ

Vườn cúc gió lồng hoa nép mặt

Non thần mây khuất khách đường mơ

Hỡi người tri kỷ hay chăng tá

Có biết lòng ai nỗi đợi chờ…

Tình yêu, khi được nuôi dưỡng bằng cảm xúc của thơ, trải qua năm tháng giọt mật của hân hoan, buồn vui từ thống khổ của Đời vẫn còn đọng lại. Không mất đi. Chút thiên thu còn mãi. “Đó là mối tình đầu tiên và cuối cùng của tôi”. Bà cụ cho biết.

Về bút danh Bà Tùng Long, bà cụ giải thích: “Các vị nho học của chúng ta có câu “Vân Tùng Long, Phong Tùng Hổ” nghĩa là mây theo rồng, gió theo cọp... Tôi tên Vân cho nên lấy bút danh Tùng Long. Và khi ký bút danh này, tôi thấy không trùng với ai, cho nên tôi dùng luôn đến nay. Vì ký bút danh Tùng Long, tôi sợ độc giả hiểu lầm tôi là đàn ông, cho nên tôi thêm chữ Bà vào để phân biệt”. À, quên hỏi anh Thức, tựa tác phẩm đầu tay Ngọc trong đá của anh, bà cụ có "tư vấn" gì không? Nếu có thì hạnh phúc quá. Sinh mình ra, cha mẹ đặt tên; khi mình có đứa con tinh thần đầu đời, mẹ đặt tên cho nó. Trên đời, có mấy nhà văn được vậy?

Nhắc đến nàng, Nhân và Ka nói, đã hơn ba tuần rồi đó anh? Ừ. Thốt ra một cách ngậm ngùi. Y tự hỏi:

Đăm đăm ngó mắt và môi

Mắt môi thơ dại buồn vui thế nào?


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 13.7.2013


Rắc rối tiếng Việt.

Đố ai dám ngửa mặt lên trời nói như đinh đóng cột, nói như chém gạch, nói như tép nhảy, nói như pháo rang, nói ngang cành bứa… Tóm lại là nói rào bọt mép, nói thánh nói tướng rằng, tớ là người giỏi tiếng Việt. Sáng qua lại phở, gặp Mr. Bim. Thì ra cái câu “Truyền thông không nên làm loạn bằng cách ngồi dưới đáy váy của mỹ nhân là nhận tiền lẻ”, trong nhật ký 10.7, y phân vân từ “là”, hóa ra không phải thuộc loại từ “thì, là, mà” “là” là động tác ủi quần áo! Trời đất! Sực nhớ đến cái bàn là khác. Rằng, mở đầu cho tập sách Tiếng cười dân gian Việt Nam hiện đại là bài viết của y khi cùng bạn thơ Phan Hoàng đến chơi ở Trường Viết văn Nguyễn Du, tháng 5.1994. Đêm ấy, cúp điện, mấy anh em lên sân thượng của trường nói chuyện tiếu lâm chơi. Ghi chép lại cuộc trò chuyện lếu láo đó và gửi đăng Tuổi Trẻ cười. Bấy giờ anh Nam Đồng đang phụ trách. Đọc xong, anh cười như nắc nẻ:

Đồ Sơn như cái lá đa

Đồ nhà như cái bàn là Liên Xô

và cho in ngay. Từ đó, y viết lai rai và trải qua ngày rộng tháng dài đã có tập sách. Bản in lần thứ nhất, anh Hoàng Phủ Ngọc Phan viết Tựa, có đoạn: “Với Lê Minh Quốc, mọi gian khổ, thương hận, bất bằng gì cũng có thể xóa mờ, chỉ còn những tiếng cười hào sảng, khinh khoái đọng lại trên tâm hồn và những trang sách của anh". Chà, y đáng yêu quá nhỉ? Vâng, quá đáng yêu. Một người như thế, phụ nữ không yêu thì cũng uổng. Tongue outHehe. Uổng nhất là không có dịp cùng đấu láo về chuyện rắc rối, thiên biến vạn hóa của tiếng Việt, dù cả hai cùng yêu tiếng Việt. “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời”. Phạm Duy viết câu này quá giỏi. Đơn giản mà bất kỳ ai đặt trên môi. Và hát. Sẽ rưng rưng một tình yêu nước Việt, tiếng Việt. Tự sâu thằm hồn mình đã nghe văng vẳng từ xa tiếng lũy tre xào xạc, tiếng bà ru cháu, tiếng trẻ nhỏ khóc đêm khuya, tiếng gươm khua ngựa hí ngoài biên ải… và hiện về trong óc cái không gian, từ thơ Huy Cận:

Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao,

Có cu gáy, có bướm vàng nữa chứ

Mà đôi lứa đứng bên vườn tình tự.


Phan-duy_ban_nay-1

Thủ bút Phạm Duy, trích trong tập Văn minh Việt Nam (Lê văn Siêu), Nam chi tùng thư in năm 1965. Tư liệu L.M.Q


Sau cái vụ bỏ 100 triệu ra mua bài thơ Mùa tím hoa sim lúc đang là giám đốc Công ty Vitek VTB, anh L.V. Chính lại thực hiện vụ mua 10 nốt nhạc của PD cũng 100 triệu nhằm P.R cho thương hiệu Sơn Ca. “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời”. Vụ mua bài thơ của Hữu Loan tổ chức họp báo tại một quán ăn sang trọng trên đường Pasteur. Khi ấy các đài truyền hình vây quanh phỏng vấn, anh Chính hồi hộp, lấp bấp: “Được nói cũng là một trong những lạc thú của con người”. Y nghĩ, ấy là nói trước đám đông, trước nhiều người, còn lúc ngồi với người tình, sung sướng nhất vẫn là im lặng. Ông Huy Cận bảo:

Em nói, anh nghe tiếng lẫn lời

Hồn em anh thở ở trong hơi.

Nắng thơ dệt sáng trên tà áo

Lá nhỏ mừng vui phất cửa ngoài.

Im lặng là cũng một cách nói. Bây giờ, lúc này, nếu ngồi cạnh nàng, thì sao? À, y sẽ nói rằng, dù không phải tiểu thuyết diễm tình, nhưng quyển sách ấy đọc rất đã, rất sướng như thời trẻ ở chiến trường, mưa đêm rả rích, từng giọt mưa rơi lộp bộp mái tăng, nằm co ro như con tôm đã luộc chín và “luyện” Truyện Kiều bằng cách rọi đèn pin vào từng trang sách. Y mê Truyện Kiều từ năm tháng đó. Và cảm hứng đó, thế hệ y làm thơ:

Ở rừng thiếu thơ để đọc

Chúng tôi làm thơ cho mình

Từng câu chữ chưa tròn trịa

Ra đời từ cuộc trường chinh


Chúng tôi làm thơ để đọc

Như trồng thêm lúa để ăn

Như cắt tranh lợp nhà ở

Làm thơ dưới tiếng pháo gầm

Ngày đó chưa xa Đoàn Tuấn nhỉ? Đã viết xong tập sách về thời anh em mình ở K chưa? Hãy trở lại với sự tưởng tượng nếu lúc này ngồi bên nàng, y sẽ nói gì? À, y nói rằng, trong quyển Nỗi oan thì, là, mà của nhà ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân có phân tích rất hay về tiếng Việt. Chẳng hạn, về từ “mà”, ông cho biết có một đề tài luận văn tốt nghiệp mà các sinh viên đều “né đạn”. Không dám sờ tới. Đề như sau:

“Quan sát đoạn hội thoại sau:

Sinh viên A: Có mỗi từ MÀ cũng làm một đề tài luận văn!

Sinh viên B: nào có khó!

Sinh Viên A: Hơn nữa, hay gì hay!

Sinh viên C: Ấy thế

Phân tích cách dùng từ trong đoạn hội thoại trên. Tìm đặc điểm khái quát của từ ”.

Trời đất, chỉ có thể nói: “Đúng là tiếng Việt”.

Lại nữa, một bà người nước ngoài đi chợ Đồng Xuân, mấy bà bán bún ốc riêu chỉ chỏ:

- Khiếp, xấu quá! Béo ơi là béo!

Ai dè, bà này quay lại đốp ngay:

- Vâng, các bà thì đẹp!

Lại chuyện: Anh chàng ngốc nọ đi mua 6 con lừa. Ngồi trên lưng cỡi một con, về đến nhà, đếm đi đếm lại thấy thiếu một con. Chị vợ mỉa:

-Thôi, xuống đí, thừa một con thì có!

Thử hỏi, “Tiếng Việt chính xác hay mơ hồ?”. Ông  Dân còn đưa ra những cấu trúc so sánh giống nhau về hình thức nhưng bản chất lại khác nhau:

(1) Tôi cũng thích trà như cà phê.

(2) Tôi cũng thích trà như anh

“Ở câu 1, trà và cà phê là hai loại đối tượng mà tôi thích như nhau, còn ở câu 2 thì trà là đối tượng mà anh và tôi đều thích. Câu 3 dưới đây theo cấu trúc ấy và chấp nhận cả hai cách giải thích nên nó mơ hồ:

(3) Tôi cũng thương vợ anh như anh.

Theo cách hiểu ở câu 1, câu 3 được cắt nghĩa là “Tôi thương vợ anh và thương anh như nhau”, còn theo cách hiểu ở câu 2, câu 3 được cắt nghĩa là “Tôi và anh thương vợ anh như nhau”.

Rắc rối thật chứ chẳng đùa.

Có anh chàng nha sĩ nọ sang hành nghề ở đất nước có cả nửa tỉ người, bạn bè nghĩ ắt sẽ giàu sụ. Anh này đáp: “Có ai dám hé răng ra mà chữa!”. Vậy mẩu chuyện này nói về chữa răng hay tự do ngôn luận?

Lại chuyện mẹ chồng dặn con dâu góa chồng: “Số mẹ con mình rủi ro thôi đành cắn răng mà chịu con ạ!”. Dặn vậy những ít lâu sau bà mẹ chồng  tằng tịu nọ kia, cô dâu nhắc lại lời khuyên của bà, bà đáp: “Ấy là mẹ dặn con chứ mẹ thì còn răng đâu mà cắn!”. Rõ ràng, chúng ta có hai cách hiểu khác nhau.

Lại có chuyện đồng âm: “Đi xe cố vấn, mặc áo chuyên gia, ăn uống qua loa là anh cán bộ”. Ta hiểu như thế nào? “Nghĩa thứ nhất: Cuộc đời cán bộ thật là sang, vào cỡ cố vấn, chuyên gia mà lại đạo đức và thanh đạm; ăn uống qua loa. Nghĩa thứ hai: Cuộc đời cán bộ thật cực khổ”. Xe đạp mà phải cố vấn, mà buộc cho khỏi bể vỏ, nổ lốp. Ăn mặc rách rưới hở cả da thịt (chuyên “da” mà!). Ăn uống thì không có gì, nếu nghe qua đài qua loa thì cũng ăn uống đầy đủ đấy!”.

Cái giỏi “chơi chữ” ở đây chắc chắn thuộc về lời ăn tiếng nói của nhân dân nhưng ông Dân đã biết “chộp” đúng lúc để minh họa cho sự ngoắc nghéo của tiếng Việt.

Thử hỏi đâu là từ “đặc Việt”? Theo nhà ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân là từ “nước” bởi những lý do mà ông lập luận: Người Việt dùng từ nước để chỉ lãnh thổ dân tộc” Nước Việt Nam; “làng nước” để chỉ người cùng làng v.v.... “Thú vị là từ làng cũng gắn với “những dải nước lớn” vì người Việt cổ “quần cư quanh những dãi nước lớn (cũng như đồng bào miền núi thường quần cư bên bờ suối, bờ sông) mà ngày xưa gọi là LANG và sau này khi tiếng Việt đã có thanh điệu, cơ sở quần cư ấy gọi là LÀNG)… Tất nhiên, lập luận này chưa  dừng lại đây, muốn hiểu thấu đáo hơn phải đọc hết bài viết thú vị này.

Tài sản quý báu nhất của nhà văn là chữ. Nghe kể rằng, lần nọ, nhà văn Nguyên Hồng đi qua chợ và nghe tiếng the thé của một người đàn bà:

- Mới sáng bảnh mắt ra, đứa nào nấu món gì thơm thế! Gần mũi xa mồm thế này chỉ làm cái dạ dày, cái ruột gan rối tinh rối mù lên thôi.

Với người khác, câu ấy không có gì đáng nhớ cả! Nhưng với tư cách của một nhà văn, mắt Nguyên Hồng chợt sáng lên và… ngồi thụp ngay xuống giữa chợ, lấy cuốn sổ tay sờn cả mép giấy, ghi vội ghi vàng “Gần mũi xa mồm” như sợ nó biến mất. Sau này, Nguyên Hồng vừa vân vê mấy sợi râu vừa giảng giải cái "thần" của câu nói đó:

- Cái con mẹ ấy nói khéo thế. Mùi thơm xào nấu nó chỉ ngửi được, chứ không được ăn. Nhưng cách nói ấy gợi quá. Diễn đạt cảm giác này không có cách nói nào hay hơn được đâu!

Sáng nay lại online. Sau những cuộc hỏi han, bèn past đến nàng một đoạn trong bài viết Tản mạn về sắc màu của y đã in MT số ngày 8.3.1998. Ủa, đó là thư tình riêng tư của hai người à? Thì cứ đọc đi:

Cưng à, trong dân gian có nhiều cách nói để biểu hiện màu sắc. Chẳng hạn, ngựa đen được gọi là ngựa ô. Vậy mèo đen cũng gọi là mèo ô chăng? Không, người ta gọi là mèo mun. Còn gà đen thì cũng được gọi là gà mun chăng? Không, gà đen được gọi là gà ô, vậy đũa đen được gọi là đũa ô? Không, người ta gọi là đũa mun! Rắc rối quá! Thế chó đen được gọi là chó ô chứ gì? Không, người ta gọi là chó mực. Chưa hết, gà trắng được gọi là gà nhạn. Vậy trâu trắng được gọi là trâu nhạn? Không, người ta gọi là trâu cò. Vậy ngựa trắng gọi là gì? Xin thưa, người ta gọi là ngựa bạch! Thế tóc trắng gọi là tóc bạch chăng? Không, người ta gọi là tóc bạc! Vậy đũa trắng gọi là đũa bạc? Không, người ta gọi là đũa ngà.

Những tưởng đọc xong nàng sẽ sung sướng, khoái trá và ngợi khen y như nhân vật Hoàng trong truyện ngắn Đôi mắt của Nam Cao lúc đọc Tam Quốc Chí: “Mỗi khi đọc đến đoạn hay anh lại vỗ đùi kêu: - Tài thật! Tài thật! Tài đến thế là cùng! Tiên sư anh Tào Tháo”.

Nào ngờ, nàng chỉ nhắn lại mỗi một cái hình : Tongue out.

Quê độ quá chừng. Cụt hứng. Vậy thì, khép lại trang nhật ký đưa vợ chồng đứa em ra sân bay trở về Úc.

Ngoài kia nắng xanh.

Chỉ có y là đang quê một cục!Cool Mà sao lại gọi "quê một cục"? Có ai giải thích giúp được chăng? Tiếng Việt rắc rối thật.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 12.7.2013

 

Sáng nay, tình cờ đọc một bài viết trên mạng, có đoạn: “Nhà thơ Lê Minh Quốc, vốn rất thân với mình. Anh  tài hoa, làm thơ viết văn hay khảo cứu, đều hay. Mưa, mình lại nhớ đến 4 câu ngắn của anh, 4 câu nằm trong một bài thơ dài, hình như là có tên Tình cờ đọc lại bài thơ cũ, Lê Minh Quốc viết: “Thơ viết thời con gái/ Đọc lại vẫn còn duyên / Cũng như em - tôi nhớ / Từ cái nhìn đầu tiên”. Đây không phải là những câu quá hay của anh, nhưng cực kỳ chính xác”. Rất tiếc không ghi tên tác giả nên chẳng biết là ai? Các trang mạng thường copy bài của nhau, cái tệ hại chẳng hề ghi tên tác giả bài viết. Bài thơ trên viết từ thời còn sinh viên. Mấy chục năm rồi. Lúc đó đang yêu ai nhỉ? Những hình bóng thoáng thoáng đến. Gần và xa. Buồn và vui. Lòng không thù hận. Chỉ còn là kỷ niệm. Trong tình yêu dù có phản trắc đớn đau, chia lìa tuyệt vọng cũng không thể ươm mầm thù hận. Nếu có, đó không phải tình yêu. Chỉ là sự chiếm đoạt bất thành.

Chiều qua, đọc nhật ký ngày 11.7.2013, Đoàn Tuấn comment:

Thời trẻ sục sạo rong chơi

Về già nhật ký mới lôi viết dần

Chữ “lôi” cho hợp vần, nhưng nghe ra cũng thô kệch và thật thà quá Tuấn nhỉ? Ủa, y già rồi à? Trả lời rằng:

Viết thì viết, chơi thì chơi

Chơi với viết, có tách rời được đâu?

Tiếc thầm những giọt mưa rơi

Tan trong nắng chẳng một lời phiêu du

Viết chơi, chơi viết vi vu

Cũng như cát bụi mịt mù lãng quên

Rồi cũng lãng quên thôi. “Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ. Ôi những dòng sông nhỏ lời hẹn thề là những cơn mưa” (T.C.S). Những giọt mưa đọng trên trang sách cũ. Vàng ố. Nghìn sau lật lại. Vẫn có thể hình dung ra sự lãng quên của ngày ấy.

Ngày hôm qua, đọc linh tinh trên mạng mới biết có cô giáo nọ làm luận văn thạc sĩ thạc siếc gì đó về thơ của nhóm Mở miệng. Báo chí phê phán dữ quá. Các em sinh viên cũng phản đối. Tại sao phản đối? Ở đây không bàn chuyện về quan điểm chính trị, tùy lựa chọn mỗi người. Phản đối bởi do sự tục tĩu của cách dùng từ, trong thơ. Tất tần tật những từ, những chữ trong giao tiếp không ai dám mở miệng nói ra, nếu không muốn ăn một cú tát. Khi viết, người ta phải tự ý thức tìm một từ khác nếu không muốn bạn đọc xé toẹt ném luôn vào sọt rác. Nay, họ sử dụng “nguyên con” ở trong thơ, một cách hãnh diện.

Choáng thật.

Trang nhật ký này không tội gì phải dẫn chứng. Hóa ra y có quyền xem thường bạn đọc của mình à. Thưa, không. Chỉ ngẫm nghĩ rằng, loại thơ ấy mà có một cô giáo viết tiểu luận, một cô giáo hướng dẫn tiểu luận, một hội đồng khoa học ngồi chấm tiểu luận, một trường đại học tổ chức bảo vệ tiểu luận đặng xúm sít  nhau vung vít những từ, những chữ mà con người ta chỉ có thể nói thì thầm trong phòng the hoặc chưởi bậy trong lúc giận dữ.

Ô hô! đại học Việt Nam đó ư?

Dù có nhân danh bất kỳ sự vẻ vang nào, cao đạo nào về thơ, về sáng tạo, về cách tân hiện đại ú ớ gì nữa cũng không thể lôi những từ gớm ghiếc, tục tĩu ấy vào trang viết. Nếu muốn ư? Cứ việc, nhưng đừng nhồi nhét trong đầu các em sinh viên. Tội nghiệp các em chứ! Vậy mà có lũ người ngồi săm soi, phân tích, bình phẩm, bươi móc lên ngửi, rồi tung hô ca ngợi, rú lên mừng rỡ như một sự phát hiện mới mẻ của nền thơ nước Đại Cồ Việt. Chao ôi! Tội nghiệp cho các em sinh viên của nước nhà nếu chúng phải thọ giáo, học hành với những người đứng trên bục giảng có tư cách như thế.

Văn học có tách rời ra khỏi chính trị? Không, quyết là không.

Khi Sơn Nam viết Truyện ngắn của truyện ngắn bằng câu chuyện rề rà, không đầu không cuối, rời rạc những mẩu đối thoại mệt mỏi, nhát gừng bàn phiếm chuyện trên trời dưới biển để làm gì? Y hỏi tác giả Hương rừng Cà Mau, ông đáp, đại khái, ấy là một cách nhằm phản ánh tâm trạng trí thức miền Nam lúc ấy, khi họ chứng kiến sự hùng hổ của quân đội đồng minh vừa đổ bộ của vào miền Nam. Họ ngỡ ngàng chứng kiến và sống trong chống chếch, bơ vơ, lo ngại, e dè chưa biết lúc ấy, thời điểm ấy phải có thái độ ứng xử như thế nào.

Thậm chí, trước các sự kiện thời sự mỗi ngày đang lôi cuốn trí thức tham gia hoặc phản đối, Sơn Nam lại quay sang viết khảo cứu về chuyện xưa tích cũ, cũng là một cách bày tỏ thái độ chính trị đấy thôi.

ban-in-2006nguyen-dong-thuc-2006

Vĩnh biệt mùa hè, bản in năm 2006

 

Nghệ thuật vị cái gì? Vị cái gì cũng được. Nhưng cái gì thì nghĩ cho cùng, nó cũng không thể thoát ly ra khỏi quỹ đạo chính trị. Mỗi nhà văn chọn cho mình một thế đứng. Đừng buộc họ phải có tư thế giống mình. Nhưng dù tư thế gì, trang viết ấy cũng không cho phép nhà văn ném cái sự thô lậu, tục tĩu vào mặt bạn đọc. Bạn đọc thời nào cũng khôn ngoan. Hậu quả, chính người viết phải nhận lấy lại những cú đấm hục hặc, lòng hận thù, tiếng chưởi thề của chính họ.

Nghĩ vậy, càng thấy quý Nguyễn Nhật Ánh. Sự lựa chọn của anh khi quay về tuổi thơ với tất cả hồn nhiên, hướng thiện, trong trẻo như suối nguồn là cần thiết. Ít ra cho chính con em của y, cho lũ nhóc thế hệ này. Tác phẩm khác của bạn bè y cũng vậy. Vĩnh biệt mùa hè của anh Nguyễn Đông Thức vừa tái bản. Tái bản lần thứ 5 do Công ty Phương Nam và NXB Phụ Nữ phối hợp thực hiện. Chừng 20 năm trước đây, từ Vĩnh biệt mùa hè,  đạo diễn Lê Hoàng Hoa dựng thành phim nhựa cùng tên với dàn diễn viên nổi tiếng như Lê Công Tuấn Anh, Việt Trinh... ; rồi phim truyền hình VTV phát sóng bộ phim 12A & 4H (3 tập) do Bùi Thạc Chuyên đạo diễn. Chưa hết, đọc tác phẩm này ông nhạc sĩ Giọt nắng bên thềm, Lối cũ ta về... khoái quá bèn phổ ca khúc Vĩnh biệt mùa hè cũng được công chúng yêu thích v.v.. Rõ ràng, sức sống các tác phẩm của anh Thức còn bền.

Vậy, thứ bảy này nhậu chơi đi anh?

Còn có lời “gài độ” nào đáng yêu hơn không?

Y quả quyết rằng không.

 

ban-in-nam-2013

Vĩnh biệt mùa hè, bản in năm 2013

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 11.7.2013

 

Sáng hôm qua đến cơ quan. Vui vẻ. Huýt sáo. Nhìn thấy ở ngã tư đường, có những em học sinh mặc đồng phục đứng hàng ngang, tay cầm tấm bảng ghi dòng chữ như “Đi trên đường, nhường nhịn nhau”; “Dừng đèn đỏ, tỏ văn minh”, “Chậm một giây, hơn gây tai nạn”, "An toàn là bạn, tai nạn là thù", "Đi đúng tuyến, dừng đúng vạch"...

Lòng thấy vui.

Một cuộc họp sáng thứ tư. Thân thiện. Cười nói hân hoan.

Lòng thấy vui.

Chính vì thế, bèn cúi xuống đọc lướt qua một chồng báo cũ mới, đủ các loại đang bừa bộn trên bàn. Con mắt chạm vào vài dòng chữ. Ngay lập tức, lúc ấy, khoảnh khắc ấy, thông tin ấy đã khiến lòng buồn xo. Lúc ấy, khoảnh khắc ấy, không gian ấy vẫn đẹp nên càng oái oăm khi vụt mất hút cảm giác tươi đẹp của một ngày.

Thông tin gì vậy cưng?

Thông tư số 24 sửa đổi, bổ sung đối tượng ưu tiên quy định tại quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy vừa được Bộ GD-ĐT ban hành. Theo đó, các trường hợp được bổ sung vào đối tượng 3 trong chính sách ưu tiên trong tuyển sinh gồm: “Bà mẹ Việt Nam anh hùng; người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8-1945; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; người có công giúp đỡ cách mạng”.

Trời! Không cần phải giỏi cỡ nhà toán học Ngô Bảo Châu, ngay cả “cháu lên ba, cháu vô mẫu giáo” cũng thừa biết, bà mẹ Việt Nam anh hùng và người hoạt động cách mạng trước năm 1945 và người hoạt động cách mạng từ tháng 1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8-1945 là ở độ tuổi nào? Cái độ tuổi mà hiện nay làm gì còn sức "lai kinh ứng thí" nữa? Họ đã già lụ khụ cả rồi. Nói không ra hơi. Thở không ra tiếng. Chống gậy từ nhà đi ra ngõ còn khụm cái lưng. Vậy đi thi cái nỗi gì nữa hở trời?

Đọc và nghĩ.

Không buồn cười mà có cảm giác đôi khi con người ta đang lửng lơ đâu đó ở trên mây mà ban hành các quy định xem ra rất cà lăm, ú ớ. Vô tình hay cố ý? Chưa bàn vội, nhưng ít ra ra các cơ quan chức năng này cũng “chơi đẹp” với y và các nhà báo đang là đồng nghiệp của y, nếu không có những cái loại quy chế ấm ớ, cà giựt này, lấy cái gì mua vui cho bạn đọc?

Lần nào cũng thế, các cuộc trao giải Trái cóc xanh, lúc nói và ghi biên bản, bao giờ anh em cũng thòng một câu, đại khái, hy vọng năm sau sẽ không còn những hiện tượng cà chớn để ban giám khảo thất nghiệp chơi. Mà có thất nghiệp được đâu. Cứ đến hẹn lại lên. Ấy mới là đời. Ấy mới vui. Ấy mới hay. Rất hay. Hay cho đời  sống cứ vận động theo biện chứng của nó.

Chừng mươi năm trước về ĐN ăn tết. Lại gặp bạn bè. Ngồi nói chuyện linh tinh lang tang, thượng vàng hạ cám, đầu cua tai nheo, chuyện xọ chuyện kia, nói năng nhăng cuội. L.T. Hiền kể, ngày nọ một đoàn cán bộ của ta tổ chức một cuộc “ra quân” hoành tráng, rầm rộ, tiền hô hậu ủng, còi xe ầm ĩ, cờ xí rợp, tóm lại cảnh tượng ấy như thi hào Nguyễn Du miêu tả:

Đùng đùng gió giật mây vần

Một xe trong cõi hồng trần như bay

Xe nối xe và trực chỉ phóng thẳng lên huyện vùng núi, vùng cao, vùng sâu của QN tặng quà cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nhận quà xong, các mẹ chưởi vung trời. Tặng cái gì vậy? Có nên nói ra không? Thô tục thật. Họ tặng quần lót. Chẳng phải cố ý chơi khăm gì đâu. Chẳng qua, họ chẳng thèm kiểm tra, chẳng cần biết đang tặng cái gì. Hễ vận động được quà gì của đơn vị nào, họ cứ đóng gói đem trao mà không thèm động não suy nghĩ gì thêm.

Chán như con gián.

Chiều qua, thắc thỏm lo ngại một cú điện thoại sẽ rủ bù khú. Không có ai. May quá. Đêm qua ngủ sớm. Không nằm mơ và cũng không một cú điện thoại nào quấy rày lúc nửa khuya. May quá. Vậy là may hả cưng? Sao lại không? Nếu không may, sao đêm qua, y tình cờ đọc lại tập Sáu trăm năm Nguyễn Trãi (NXB Tác phẩm mới - 1980), trong đó có bài viết của Xuân Diệu bình bài thơ Ba tiêu của thiên tài “Bình Ngô đại cáo”:

Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm

Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm

Tình thư một bức phong còn kín

Gió nơi đâu, gượng mở xem

Đọc kỹ, ngẫm nghĩ mới thấy hay. Thâm thúy. Nhất là hai câu cuối. Hai câu đầu khó hiểu. Trước đây khi chú thích bài thơ này, từ “mầu” học giả uyên bác Trần Văn Giáp cho rằng: “Đáng lẽ là mùi mới đúng. Mùi thâu đêm là mùi hương suốt đêm”; còn “buồng lạ”, nhà văn hóa Đào Duy Anh giải thích: “Chỉ buồng chuối, so với các quả cây khác thì cũng lạ. Mầu thâu đêm: Chuối chín thơm ngát suốt đêm”. Tóm lại “buồng” ở đây là buồng chuối.

Có đúng không?

 

600-nguyren-trai

 

Nhà thơ Xuân Diệu cho biết, ông phải mất 24 năm mới có thể hiểu và lý giải theo cách khác, đại khái, “mầu” có nghĩa là mầu nhiệm; “buồng”, ta hiểu là căn phòng riêng: “Ôi! Nếu nhà thơ Ức Trai nói về sự rung động đầu tiên của giai nhân vào tuổi đương thì, việc ấy có giảm gì uy tín của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi? Bao nhiêu nhà thơ lớn trước Nguyễn Trãi ở Á Đông, ở trên thế giới đã từng nói và nói một cách trang nhã, sao lại muốn Nguyễn Trãi đừng nói, dù là nói một cách trang nhã?”. Ngẫm nghĩ kỹ, mới thấy hết sức sống, sự trinh nguyên, hăm hở, gọi mời dâng hiến và cũng đầy dục tính trong bài thơ Ba tiêu. Từng câu thơ kín đáo mà gợi cảm, gợi mở và cũng gợi dục thanh thoát tràn trề sức sống. Ôi thơ ơi! Làm thơ đạt đến sự cao siêu, tuyệt bút khó vậy thay.

Để dễ hiểu hơn tuyệt bút Ba tiêu của thiên tài Nguyễn Trãi, y sẽ nghiêm cẩn “diễn nôm” rằng: Ngày xuân, do bén hơi xuân nên hình hài, thân xác của nàng đã tốt tươi, nay lại tươi tốt hơn thêm. Thêm mơn mởn xuân tình. Thêm căng đầy sức sống. Vì thế, hương thơm tho lạ lẫm, từ nàng, đã phiêu du, phiêu bồng, lãng đãng thâu đêm trong phòng. Mà tình của nàng còn e ấp lắm, còn rụt rè lắm - tựa phong thư vẫn còn niêm kín. Hỡi trang tài tử phong lưu là gió, muốn xem thì hãy nhẹ tay, nương nhẹ nhàng…

Tự dưng lại nhớ đến cái thuở hay ngồi ở quán cà phê X.O nằm phía sau khách sạn Majestic, phía đường Nguyễn Huệ, cũng có những chậu trồng cây chuối. Nơi đó, có lúc y vẽ; hoặc leo lên phòng ngủ trưa và viết. Trong tùy bút Một chỗ ta ngồi, viết thế này: “Vâng, chỉ có những lúc ấy, tôi mới có thể tĩnh tâm quan sát những cây chuối dân dã quê khiểng, hiền lành bên cạnh mình. Không biết, tại sao lúc ấy, lúc này và lúc nào nhìn cây chuối ấy thì trong tôi lại nhớ đến những câu thơ của thi hào Nguyễn Trãi. Người xưa tinh tế biết bao chừng, khi hạ bút:

Tình thư một bức phong còn kín,

Gió nơi đâu gượng mở xem.

Thư tình viết trên tàu lá chuối, từng câu còn xanh, còn thơm, còn hương, có nồng nàn yêu nhớ. Người run rẩy. Người rụt rè không dám mở. Người chờ gió xuân đến nhẹ nhàng đến đặng “mở xem”... Tôi lặng lẽ, bồi hồi nhìn tàu lá chuối nõn và bỗng nhiên tâm hồn mình chùng xuống, như vừa được cởi rũ những bụi bặm nhỏ nhen mà lâu nay mình cứ đánh đu theo ngày tháng. Tàu lá chuối xanh vô tội giữa một không gian riêng ở Sài Gòn đã khiến tôi nhẹ nhỏm. Nhẹ nhỏm như khi nghe em: “Anh ạ, em rất yêu Sài Gòn”.

Không yêu Sài Gòn, làm sao có thể Ve vãn Sài Gòn?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC:Nhật ký 10.7.2013


Chắc chắn phải trải qua cảm giác bàng hoàng, bần thần, giật bắn người, anh Tạo, Nguyễn Trọng Tạo mới có thể viết được câu thơ: “Tiếng chuông điện thoại bàng hoàng giữa khuya”. Chuyện gì đã xẩy ra? Thắc thỏm. Ngần ngừ. Tim đập như trống chầu trong tuồng Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài. Mà phải nghe, Tặc lưỡi. Nghe thì nghe. Ngán gì. Thì đây, 12 giờ khuya đêm kia, đang ngủ ngon lành bỗng một cú điện thọai gọi đến. Thập thỏm lo. Nín thở mà nghe. Chỉ là: “Đi nhậu không Q ơi!”. Bạn thời lính đang ở xa tít ngoài Hà Nội gọi đến. Nói gì bây giờ? Chỉ có thể nuốt cái ấm ức, nghèn nghẹn vào trong cổ họng như câu cửa miệng dân gian hay bảo: “Tức như bò đá”.

Lại nữa, sáng nay đang nằm mơ, mơ thấy vừa cúi xuống, thật gần và chuẩn bị hôn nàng, chà, quá tuyệt,  bỗng một cú điện thoại ầm ĩ, rền vang như trẻ con khóc ré bởi chiếc bánh cầm trên tay, chưa kịp ăn đã bị ai giật mất!

Thế là hỏng bét.

 

anh-nayCN0RR238

Lê Minh Quốc & Hoa hậu Giáng My

 

Chiều qua, đến phòng studio GM Pro của Giáng My - Hoa hậu Đền Hùng thực hiện cuộc trao đổi về phụ nữ nhân vừa phát hành Tôi và đàn bà. Những câu hỏi thông minh, sắc sảo. Vẫn những câu trả lời thông minh, sắc sảo. Vui tươi và dễ chịu.

Do mỗi ngày phải online hai lần, với nàng. Cứ mở Yahoo! Messenger, lập tức hiện theo trang thông tin của nó. Chán thế. Chán bởi đập vào mắt là các thông tin mà hầu hết y không quan tâm bởi chỉ xoay quanh thế giới showbiz. Này, cái nhà của ca sĩ nọ 42 tỷ, nữ ca sĩ lừng danh mất trinh năm 15 tuổi, nọ vụ ngoại tình của ca sĩ nớ, kia chuyện chăn gối của nam ca sĩ với người tình cùng giới… Ối dào, cái lẫu thập cẩm tênh hênh trước mặt. Mất thời gian. Sực nhớ đồng nghiệp Mr.Bim viết câu này: “Truyền thông không nên làm loạn bằng cách ngồi dưới đáy váy của mỹ nhân là nhận tiền lẻ”. Hôm nào gặp nhau phải khen hắn một câu. Sẽ hỏi, vì sao trong câu này lại có thêm từ “là”?

Mới đọc lại Đi tìm bản sắc tiếng Việt (NXB Trẻ) của Trịnh Sâm. Nhằm minh chứng cho “mắt xanh lịch thiệp, đẹp đẽ”, tác giả dẫn chứng bằng câu Kiều:

Bấy lâu nghe tiếng má đào

Mắt xanh chẳng để ai vào, có không

Và “Có khi mắt xanh cũng mang ý nghĩa kệch cỡm: “Mắt ông xanh, mũi ông lõ, râu ông quăn, tóc ông đỏ, đít ông cưỡi lừa, mồm ông huýt gió…Đó là những câu thơ của Yên Đỗ mô tả bọn thực dân cướp nước” (tr.13). Viết thế là không đúng, mắt xanh của Kiều là theo cái điển tích mà y diễn nôm như vầy:

Nguyên Tịch đời Tấn khi tiếp khách

Thích ai thì lộ mắt màu xanh

Khinh ai, con mắt toàn tròng trắng

Con mắt thế này cũng lưu danh?

Còn mắt xanh trong thơ Yên Đỗ hoàn toàn không hề có “ý nghĩa kệch cỡm” đâu. Đơn giản, chỉ là sự miêu tả màu xanh của con mắt của tên tướng Tây “mắt xanh mũi lõ”. Nếu cẩn trọng hơn nên viết: “Đó là những câu thơ tương truyền của Yên Đỗ”. Hôm nào gặp anh Trịnh Sâm trao đổi thêm, xem sao.

Hôm trước, đọc bài báo của đồng nghiệp Lam Điền báo động “Chảy máu” tủ sách Huy Cận. Ấy là một loạt sách quý hiếm, có thủ bút, chữ ký cùa nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng tặng Huy Cận đang được chào bán trên mạng:  “Và như vậy, biết đâu khi trở thành hàng hóa, những hiện vật kia mới có dịp đến với người cần lưu giữ, biết trân trọng và khai thác giá trị”. Kết luận như vầy là phải đạo.

Nếu không thế, làm sao người khác có thể sở hữu được những quyển sách quý đó? Cái gì nó cũng phải luân chuyển đi chứ. Đời thế mà vui. Không có gì có thể giữ mãi trong vòng tay. Nó sẽ mất đi. Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Phải thế chứ. Rồi đến lúc nào đó nó cũng qua tay người khác.

Thì cứ xem kìa, con trai mình, mình cưng như trứng, mình hứng như hoa, mỗi tiếng ho sù sụ của nó là khiến tim mình đã đau buốt! Vậy mà mình có giữ được nó trong vòng tay đâu. Lúc nó tí ta tí tởn leo lên xe hoa theo vợ nó, thành vợ thành chồng rồi, vợ nó hành cho ra bã, cứ như cái bã trầu! Thì cứ xem kìa, sách mình quý thế, nâng niu thế, biết đâu con mình nó ném toẹt ra vựa ve chai, không một chút thương xót. Đời thế mới vui. À! Nghe đâu nước ta sắp có Ngày sách Việt Nam? Lý do chọn ngày 21.4 hằng năm vì hai lý do: lấy mốc thời gian xuất bản và phát hành tác phẩm Đường Kách Mệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tháng 4 còn là thời gian diễn ra Ngày sách và bản quyền thế giới (23.4).

Y thích sách lắm.

Nhiều người không hiểu, nhân sinh nhật hoặc “lấy lòng” vì nhờ vả gì đó, thường tặng những thứ đắc tiền, loại “hàng hiệu” nhưng y có xài đâu. Y sẽ tặng lại người khác. Nếu biết ý, tặng sách, y sẽ cảm động ngay. Thích sách, có giữ mãi được đâu. Thấu hiểu để thấy lẽ vô thường dưới gầm trời này. Để thấy cuộc đời nhẹ nhàng. Nhẹ tênh. Nói thì dễ ợt. Khó lắm.

Chiều qua, rời khỏi GM Pro trong mưa. Sực nhớ chừng vài năm trước, lúc qua cầu Sài Gòn cũng mưa như thế này, y nghĩ rằng, con người ta sau khi chết đi, đời sau thiên hạ người dưng nước lã còn nhớ đến, rồi tổ chức linh đình, kèn trống inh ỏi, cờ xí rợp trời, diễn văn, điếu văn,công văn sướt mướt nếu người đã chết đó còn đem lại lợi lộc; hoặc qua đó, thu về cái danh.

Bằng không, đừng hòng.

Ủa? Vậy chẳng lẽ người ta làm một điều gì cũng vì lộc hoặc danh?

Y nghĩ thế là có bi quan lắm không?

Sáng hôm qua, con gái nuôi gọi điện thoại: “Ba ơi, mua cho con cái áo dài mới, sắp nhập học rồi nghe ba”. Nghe thương quá. Nó học lớp 11 rồi. Bằng cái tuổi ngày xưa kết thúc năm học đó là y đi bộ đội. Thoắt một cái nháy mắt, đã sắp hết nửa đời người.

Tối nay, ngủ có nằm mơ không? Ông Phạm Duy bảo: “Đố ai nằm ngủ không mơ?”. Đố vậy dễ ợt. Khó là đố thế này:

Đố ai trong lúc ngủ mơ

Môi đang ngấp nghé một bờ môi thơm

Bỗng nhiên điện thoại lơn tơn

Rèng reng réng réng như đờn đứt dây!

Cảm giác của kẻ đang nằm mơ lúc ấy là gì?

Tức như bò đá!

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 8.7.2013

 

Mèo khen mèo dài đuôi? Ắt có. Y viết nhật ký có hay không? Ắt có.

Nếu không hay, sức mấy ANTG giữa tháng - tờ báo có số lượng in vài trăm ngàn bản, vừa phát hành sáng nay đã in trọn Nhật ký 29.6. 2013. Các anh không biên tập gì, dù chỉ một chữ.  Anh B vui. Vậy là đủ. Chơi với nhau, bạn bè vui là mình vui. Lấy cái vui của bạn làm niềm vui của mình, để thấy, niềm vui không bao giờ khánh kiệt.  Chơi với nhau, lấy cái thất bại, cái đau buồn, cái sai sót của bạn làm niềm vui thì tàn nhẫn quá.

 

Bien-ANTG1

 

Y viết nhật ký có hay không? Ắt có.

Nếu không, sức mấy trên facebook của y, bạn Trần Thị Nhung comment một câu rất đỗi chân tình: “Em n rat ghet ai doc nhat ky cua minh va cung khong to mo doc nhat ky cua nguoi khac, nhung gio lai rat hay "doc len" Nhat Ky cua anh LMQ:Smile-) Thich mot so goc nhin cua anh ve con nguoi, cuoc song”. Nếu không hay, sức mấy bạn hiền là nhà văn B.N có nhã ý sẽ in nhật ký thành sách? Nếu không hay, sức mấy mỗi ngày mở tin nhắn lại thấy dòng chữ nhắc nhở: “Chưa nhật ký à?”. Quái, trước đây, mỗi ngày, nàng luôn hỏi “Thơ của em đâu?”. Thì đây:

em rằng: "thơ của em đâu?"

rằng thưa, mây trắng dạt dào lãng quên

 

chân mây ngày tháng lênh đênh

chờ em quay lại chưa quên đường về

 

không là thuốc lú bùa mê

chỉ là biển hẹn non thề đó em

 

rằng thưa, ngày cũng như đêm

đêm dài thăm thẳm lại thêm một ngày

 

tương tư nằm gọn trong tay

xòe ra thấy sợi tóc gầy như trăng

 

vuốt ve từng ngón búp măng

câu thơ thức dậy thưa rằng: “yêu em”

(2010)

Bây giờ lại khác. “Những ngày thương nhớ online”, dòng chữ đầu tiên và kết thúc, bao giờ một câu hỏi nũng na nũng nịu như đứa trẻ mè nheo hỏi quà lúc mẹ đi chợ về: “nhật ký em đâu”. Thì đây:

em rằng: "nhật ký em đâu?”

rằng thưa, con chữ té nhào xuống sông

 

vớt lên lại thấy dáng hồng

thướt tha váy mỏng phiêu bồng gió mây

 

rằng thưa: “Nhật ký hôm nay”

vẫn da thịt nọ đọa đày hương sen

 

chữ chìm bóng chữ Mùa Quên

ngày trong Hiện Tại lụa mềm gối chăn

 

cắn tình ê ẩm dấu răng

soi gương lưu dấu vĩnh hằng Ngàn Sau

 

em rằng: “nhật ký em đâu?”

rằng thưa, mây trắng dạt dào thiên di…

(11g15 ngày 8.7.2013)

Ngày từng ngày vẫn thế. Không gì xáo trộn. Yên ổn. Bình yên. Sực nhớ câu thơ của Nguyễn Duy:

Thơ ơi ta bảo thơ này

Để ta đi cấy đi cày nuôi em

Nghe thương quá. Thêm yêu một ngày. Hôm qua, ngày 7.7 có một sự kiện khó quên. Ngày 7.7.1963, nhà văn Nhất Linh kết thúc cuộc đời chính trị vì phải ra Tòa án quân sự của Ngô Đình Diệm vào sáng hôm sau, do liên quan đến cuộc đảo chánh của đại tá Nguyễn Chánh Thi. Ông tự uống độc dược và để lại di chúc: “Đời tôi để lịch sử xử”.

Vì thế, nằm đọc lại Nhất Linh.

Trước đây, bạn y, nhà văn Vu Gia có viết tập sách Nhất Linh trong tiến trình hiện đại hóa văn học. Có nhiều tư liệu quý. Nhưng chắc chắn, thiếu tư liệu này: Điếu văn  của VNQD Đảng đọc trong lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Tường Tam tại vườn Tao Đàn ngày 05.1.1964. Bản này quay ronéo. Độc chưa? Y tìm được lúc bắt tay viết về danh nhân Nguyễn Thái Học.

 

RRnhatlinh

 

Vai trò của Nhất Linh với Tự lực văn đoàn, chứng tỏ ông là thủ lĩnh số một. Thủ lĩnh của báo Phong hóa, Ngày nay và Tự lực văn đoàn mà phải còn lâu, rất lâu nữa, có khi hàng trăm năm nữa mới có một Tự lực văn đoàn như thời của Nhất Linh. Trong đề dẫn Hội thảo 80 năm Thơ mới và Tự lực văn đoàn, PGS Trần Hữu Tá khẳng định hoàn toàn có cơ sở là đã: “Hoàn tất quá trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc chỉ trong hơn một thập kỷ (1930 - 1945), đưa văn học nước ta từ quỹ đạo văn học trung đại hòa nhập chung dòng chảy của văn học thế giới hiện đại”.

Dấu ấn của Tự lực văn đoàn là một đóng góp lớn cho văn hóa nước nhà. Không phải bây giờ, thế hệ sau vẫn còn tiếp tục nghiên cứu, còn phải trả lời những câu hỏi, những vấn đề về nhân sinh, xã hội mà Nhất Linh và Tự Lực văn đoàn đã khởi xướng. “Những tác phẩm ấy đúng là không dạy họ làm cách mạng, không kêu họ đứng lên chống Pháp nhưng đã giúp họ yêu thiên nhiên đất nước mình, biết yêu những tâm hồn Việt Nam trong sáng với những mối tình chân thực, biết yêu tiếng mẹ đẻ của mình… biết buồn những nỗi buồn mất nước, biết đau, biết nhục vì cảm thấy “thiếu quê hương” ngay trên đất nước mình. Như thế chẳng có hại gì cho cách mạng mà trái lại chuẩn bị cho họ về tư tưởng để sẵn sàng hưởng ứng cách mạng” (GS Nguyễn Đăng Mạnh).

Có một thời, trước 1975, ngoài Bắc không đề cập gì đến Tự lực văn đoàn, muốn xổ tẹt, chối bỏ; trong Nam các nhà văn của nhóm Sáng Tạo những muốn mổ xẻ, phê phán “văn nghệ tiền chiến”, tất nhiên trong đó có Thơ mới” và Tự lực văn đoàn.Ngay cả nhà phê bình Hoài Thanh - người có công rất lớn với phong trào Thơ mới, nhưng rồi có lúc quay lại phủ nhận thành tựu của nó. Đúng như Xuân Sách giễu cợt:

Thi nhân còn lại chút duyên

Lại vò cho nát lại lèn cho đau

Nhưng rồi mọi phủ nhận nào cũng không thể.

Đọc lại những Phong hóa, Ngày nay ta nhận thấy không một nhân vật nổi tiếng nào mà Tự lực văn đoàn không chế giễu. Có lẽ nhiều nhất vẫn là Tản Đà, nhưng chính Tản Đà về cuối đời đã cộng tác thường xuyên với Ngày nay trong mục dịch thơ Đường ra tiếng Việt. Hồi ký văn học Trong bếp núc của Tự lực văn đoàn nhà thơ Tứ Mỡ kể: “Tản Đà là người biết đùa, không giận. Một hôm sau khi đọc bài thơ Giời đày Nguyễn Khắc Hiếu, nhà thơ đích thân đến tòa soạn, cười ngất phê bình: “Bài thơ thú lắm, nhưng mà xược!”. Anh Khái Hưng hỏi: “Thực tình anh có giận chúng tôi không?. Tản Đà cười khà đáp: “Chúng ta ví như những vai hề trên sân khấu, có khi giễu xỏ nhau ở rạp hát để thiên hạ mua vui. Nưng diễn xong trò, ta vẫn là ta, bạn đồng nghiệp cả, việc quái gì mà giận nhau”.

Ôi Tản Đà tiên sinh, quá tuyệt. Một nghệ sĩ thứ thiệt.

Riêng tài liệu về Nhất Linh, sẽ tặng lại Vu Gia, bởi anh đã nhọc công, tâm huyết nghiên cứu chu đáo về các nhân vật trụ cột của Tự lực văn đoàn. Chỉ là nhà văn chuyên nghiệp, nhưng với các tập sách viết về Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng, Tú Mỡ... của Vu Gia đã khiến giới nghiên cứu phải nghiêng mình thán phục. Tương tự, quá nể, quá hữu ích khi đọc những tập sách nghiên cứu có tính chất tiên phong như Ngàn năm áo mũ (Trần Văn Đức), Văn minh vật chất của người Việt (Phan Cẩm Thượng)... Các luận văn tiến sĩ còn thua xa, thua từ rất xa...

Y viết nhật ký có hay không?  Ắt có. Vậy có thơ rằng:

em rằng: “nhật ký em đâu?”

hãy nhìn nước chảy chân cầu lãng du

 

ngày xa mưa tuyết mịt mù

bông hoa xanh thắm lời ru đắm tình

 

yêu người, yêu lấy yêu tinh

ngũ âm vọng cổ điêu linh hóa vàng

 

hãy nhìn xuống ngón tay ngoan

còn không ve vuốt nắng vàng tốt tươi

 

Mùa Thơm da thịt của người

vẫn còn ám ảnh cuối trời mưa mau

 

em rằng: “nhật ký em đâu?”

hãy nhìn gió cuốn ngàn dâu lụy tình…

(12g26 ngày 8.7.2013)

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 7.7.2013

 

bien-sach-moi-1

Từ phải (đứng): Lê Minh Quốc, Trần Hoàng Nhân; từ phải (ngồi); Đoàn Thạch Biền, Lê Minh Đức

 

Đêm qua, lại một cái cớ để có thể ngồi bên nhau mà không áy náy vì đã mất thời gian, lại chìm vào men như kẻ vô công rỗi nghề: Chúc mừng, lại chúc mừng Ví dụ ta yêu nhau, Tình nhỏ làm sao quên, Tôi thương mà em đâu có hay. Già hết rồi. Cần có một khoảng thời gian riêng. Ngồi bên nhau và không cảnh giác. Sợ nhất lúc nhậu phải tỉnh táo mà cảnh giác. Đêm qua không thế. Cứ thế, bia phóng túng rót ào xuống đất, rượu cao hứng hất tung lên trời như lúc nàng Kiều chỉ vung tay múa bút là hoàn thành những bài thơ số dzách:

Ví đem vào sổ đoạn trường

Thì treo giải nhất chi nhường cho ai

Câu chuyện lan man và gương mặt vẫn cũ. Anh B kể, lúc hai "cao bồi già" làm những chuyến mô tô về miền tây Nam bộ phát học bổng cho các em nghèo hiếu học, đã nghe được nhiều từ lạ, hay và ấn tượng. chẳng hạn, khi ra nông dân đồng, vớt được tôm tép, cá các loại bất kỳ, bỏ chung vào nồi kho lên ăn, gọi là món hủng hỉnh! Sáng nay, tra lại Từ điển phương ngữ Nam bộ (NXN TP.HCM) do Nguyễn Văn Ái chủ biên không tìm ra từ này. Tra thêm Từ điển từ ngữ Nam bộ (NXB KHXH) do Huỳnh Công Tín biên soạn, trang 616 giải thích: “Hủng hỉnh (dt): một loại cá nhỏ ở mương rạch, có dạng như cá lia thia, nhưng không chọi được:

Rô, trê, sặt bướm dầy dầy

Ròng ròng, hủng hỉnh lộn bày lia thia

(ca dao)”


bien-sach-moi-2

Từ trái: Đoàn Thạch Biền, Trần Hoàng Nhân, Ngô Kinh Luân, Hà Đình Nguyên


Câu ca dao này quá hay. Nghe lạ tai. Anh B lại kể thêm, khi xẻ trái dừa ra, thấy phần trắng bên trong dày cộm, gọi cơm dừa; nếu chỉ một lớp mỏng, mềm gọi là… cháo dừa! Lần đầu tiên được nghe hai từ này. Người Quảng Nam ít gọi cơm dừa, gọi cùi dừa. Từ điển do Huỳnh Công Tín chủ biên, có câu nói minh họa “cháo dừa”: “Dừa mới váng cháo mà ăn cái gì, chỉ có uống nước là ngon” (tr.295). Vậy biết thêm từ “váng cháo”. Năm kia, đọc cuốn sách nọ của nhà văn Băng Sơn, biết món xí quách, ngoài Bắc gọi bằng cái tên rùng rợn, cam đoan nghe xong hết dám xớn xác nhào vô bàn nhậu: bốc mã!

Khiếp! Nghe nổi da gà.

Câu chuyện lan man. Lại thơ thẩn về những câu thơ đã găm trong trí nhớ:

Ôi nghìn năm trắng sương mù

Một người úp mặt trả thù thiên cơ

(Hoài Khanh)

Tôi không buồn những buổi chiều

Vì tôi đã sống rất nhiều ban mai

Tưởng là thơ Nguyễn Bắc Sơn, anh B quyết không phải vì xét về phong cách rõ ràng không thể. Đúng vậy. Sáng nay mới biết, thơ của Hoàng Thị Minh Khanh.

Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt

Nghe tiếng cơm sôi đã nhớ nhà

(Phạm Hữu Quang)

Giang hồ nào có ai phong ấn

Mà cũng từ quan, trở lại quê?

(Vũ Hữu Định)

Những câu thơ cứ trôi dài qua trí nhớ của Luân, Nhân, Nguyên, Biền… và té ngã sóng soài trên bàn nhậu. Nhìn kỹ, trên bàn nhậu chỉ có các câu thơ nằm la liệt như chiến sĩ xông pha sa trường. Sực nhớ câu thơ Cuộc đời vui quá không buồn được. Thơ của Tuân Nguyễn? Chắc là thế. Anh B nghiêng vào tai, nói: “Thuở mới vào nghề, có lần tôi gặp nhà văn Mai Thảo. Ổng nói, các cậu có biết vì sao bạn trẻ bây giờ viết không hay hơn thế hệ chúng tôi?”. Anh B chưa trả lời, Mai Thảo nói tiếp: “Chúng tôi xem văn chương như tín ngưỡng, vì thế, khi viết, viết bằng tất cả sự thành tín, cẩn trọng từng chữ, từng câu. Anh em trẻ, nếu xem văn chương như một thứ trang sức, trò chơi, chơi cho vui thì viết thế quái nào hay được”.

Ngẫm thấy đúng.

Chơi với người thông minh, lịch duyệt là mình đã học được đôi điều hay. Có lần, ông Sơn Nam dặn, đừng nhậu với mấy ông cán bộ hưu trí. Ngạc nhiên ghê, hỏi tại sao? Thì mấy ông đã về vườn rồi nhưng vẫn còn “ưu thời mẫn thế” lắm, nhiều ông bất mãn, mượn chén rượu là chưởi vung xích chó, phê bình cái này, ca thán cái nọ, càm ràm chuyện kia… Nghe mệt cái đầu. Nên nhậu với các em trẻ, chúng nó còn trẻ, còn hăng, đầy nhựa sống, nhìn cuộc đời thoáng đạt, nhờ vậy mình cũng lây được cái sôi nổi trẻ trung đó. Nhìn đời thấy vui hơn.

Ngẫm thấy đúng.

Chiều qua đã làm xong kết quả thơ Facebook. Chỉ còn gửi Ban giám khảo xem lại. Lấy ý kiến thống nhất. Đã xem lại bản bon tập thơ. Đã ấn định ngày phát giải. 18.7.2013. Ngày này có hên không? Trả lời anh Long: “Rất hên. Đó là thứ 5.115 tác giả thơ lọt vào chung khảo, có 1.500.000 người tham dự, Ban giám khảo có 5 người, MC mặc áo dài 5 màu và biết 15 ngoại ngữ… Vậy không hên là gì?”. Nói xong, lật tờ lịch treo tường, thấy ghi dòng chữ: “Năm Quý Tị, tháng Kỷ Mùi, ngày Ất Dậu, Giờ Bính Tý, 11 tháng 6 âm lịch”.

Vậy là ổn rồi.

 

nguyen-dong-thuc4

Nhà văn Nguyễn Đông Thức

 

Đêm qua, trời có loáng thoáng mưa.Câu chuyện vẫn ồn ào như bắp rang. Lúc ấy, anh Thức vẫn nhắn tin. Dạo này, mỗi lúc nhậu lai rai lại thấy anh nhắn tin liên tục. Vừa nhắn tin vừa tủm tỉm. Vừa nhắn tin vừa đăm chiêu. Vừa nhắn tin vừa thẹn thùng, kín đáo. Vừa nhắn tin vừa uống bia. Vừa chơi ghita vừa nhắn tin. Hai tay cầm hai điện thoại, cả hai tay cùng nhắn tin. Tóm lại, liên tục nhắn tin. Nhắn tin liên tu bất tận. Cứ đúng 1 phút 9 giây, chuyển đi một tin nhắn. Cứ đúng 2 phút 9 giây, nhận một tin nhắn. Đều như vắt chanh. Chính xác tuyệt đối. Thách các em tuổi teen tham gia cuộc thi “Người nhắn tin nhanh nhất thế giới” với ông Vĩnh biệt  mùa hè. Các em chớ dại. Nốc ao ngay thôi. Bởi ổng có thể nhắn 999, 9 ký tự chỉ trong vòng 0,9 giây! Chính xác tuyệt đối.

Ví như thi với tuổi teen

Ổng đoạt giải nhất tèng teng tức thì

Hehe, về thôi. Khuya rồi.

Cuộc đời vui quá không buồn được.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 6.7.2013

 

Chiều hôm qua mưa. Sài Gòn có mưa, cảm giác đất trời vui tươi hơn. Trong mưa có nắng. Từng vệt nắng sờ sẫm ngoài bờ tường đá. Và mưa. Đôi lúc nắng buồn hơn mưa. Mưa vui hơn. Vui là ngắm mưa giăng nả nớt nũng nà nũng nịu phía bờ sông Sài Gòn. Một chai rượu đỏ. Một tà váy mỏng phất phơ. Một mùi hương ngọt. Ngọt như sóng biển. Ngọt của mưa đêm Bãi Tràm nằm lắng nghe sóng biển vỗ miên man vào ghềnh đá. Cũng đủ lãng quên đời. Trưa qua, họp mãi đến gần một giờ trưa. Ngồi ngẫm nghĩ lan man.

 

photoaqnh_nayjpg

Tử phải: Lê Minh Quốc, em và các cháu - thứ bảy Sài Gòn (6.7.2013)

Nghĩ lại lúc lần đầu tiên gặp nhà văn Tô Hoài là lúc ra Hà Nội dự Hội nghị công tác nhà văn trẻ lần IV, từ 26 đến 17.4.1994. Lúc đó, nhà văn Tô Hoài lên diễn đàn hào hứng kể lại quá trình sáng tác trên 50 năm cầm bút, ghê thật, ông cho biết tác phẩm của ông mà ông yêu thích nhất vẫn là Dế mèn phiêu lưu ký, viết năm 17 tuổi. Sau này khi Phương Nam mua bản quyền của Tô Hoài, lại gặp ông lần nữa, lúc tổ chức ở Hội Nhà báo TP.HCM. Ấn tượng khó phai trong trí nhớ vẫn là bà Tô Hoài. Bà mặc áo dài nền nã, đôn hậu, đẹp lão, ngồi cạnh chồng, chỉ mỉm cười. Có lần, bà kể vài chi tiết với nhà báo nọ, chẳng hạn, bà là người đã chép bản thảo giúp cho chồng: “Tôi có chép lại cho ông nhà tôi ít trang giấy mà đã thấy ê cả tay. Sau đó nhà tôi đọc lại từng trang, lại chữa tiếp, chữa đi chữa lại, kỹ hơn cả nhặt thóc, sạn ở gạo ấy chứ. Có chép hộ truyện ngắn cho ông, tôi mới hiểu viết văn thật cực nhọc, nên tôi chú ý tới việc ăn uống lắm. Cốt sao ông nhà tôi ăn ngon miệng, có sức để viết. Ông thích ăn cá rán. Rau muống phải luộc xanh, có tương Bần, rau kinh giới, ớt đỏ, bầy biện phải đẹp, phải đúng cách”. Đúng quá, nhà văn không chọn chữ thì chọn cái gì?

Trước đây, làng văn Sài Gòn có xuất hiện nhà văn nữ có tên ngộ nghĩnh: Nguyễn Thị Ấm. Cô Ấm được báo chí lăng - xê nhiều, nhất là chị Thế Thanh nhà mình. Sau đó, lặn mất tiêu. Chẳng còn tăm tích. Lạ thật. Chẳng rõ, vì sao? Hay biết rõ mà y chẳng kể? Đọc bài báo đã lâu của Ấm có viết về chuyện vợ chồng nhà văn Tô Hoài lúc “cơm không lành canh không ngọt”. Lần nọ, đang lúc cãi nhau với vợ, tác giả O chuột nổi cáu:

- Thôi! Tôi không ở nhà nữa! Tôi vào ở luôn trong cơ quan cho khỏe!

Nói xong, tưởng vợ sẽ năn nỉ, nhưng bà vẫn im lặng. Thế là “quân tử nhất ngôn”, nhà văn khăn gói lên đường! Ông vào tòa soạn báo Người Hà Nội, lúc này ông đang là Tổng biên tập, giăng màn nằm ngủ. Nhưng nào có ngủ được đâu! Cả đêm ngồi dậy hết uống trà đến đọc sách, ông đâm ra... nhớ nhà! Chẳng lẽ quay về thì cũng “hơi bị” quê nên bấm bụng mà chịu đựng vậy. Trong lúc này, bỗng ông có... cảm hứng làm thơ. Thơ rằng:

Già rồi

Già rồi

Không ngủ được

Già rồi

Không ăn được

Già rồi! Không có tình nhân?

Già rồi! Vợ bỏ, cuộc đời buồn tênh!

Viết xong, ông ông bỏ vào phong bì và... đi bộ về nhà để bỏ vào thùng thư nhà mình! Sáng ra, vợ nhận được bài thơ cảm động quá, vội vàng đến cơ quan tìm ông! Bà bảo:

- Già rồi! Già rồi! Không ngủ được thì về nhà!

Nghe vậy, dù cũng khoái, nhưng ông vẫn làm “cứng”:

- Về thì về!

Vợ bảo:

- Về ngay! Không lôi thôi gì cả!

Nói xong, bà tóm hết áo quần và lôi ông ra khỏi cửa! Vừa ngồi lên xe xích lô, đang khoái chí được về nhà thì bỗng nghe vợ quát bằng câu thơ của ông:

- “Già rồi không có tình nhân?” Cuối câu lại có dấu hỏi to tướng nữa chứ! Thơ hay nhỉ!

Biết vợ đang giận vì câu thơ này, tác giả Dế mèn phiêu lưu ký xụi lơ:

- Thì lâu nay có bao giờ tôi có tình nhân đâu!

Vợ vẫn chưa tha:

- Thế bây giờ thì sao? Thì muốn có tình nhân chứ gì?

Ông ú ớ chưa trả lời, bà “phán” luôn:

- Từ nay chỉ được ngủ ở nhà thôi nhá!

Ông cười khì khì, bởi được ngủ ở nhà, êm ấm với vợ con bao giờ cũng là hạnh phúc của các đấng mày râu! Bài báo này viết thế, chỉ còn nhớ đến thế. Tô Hoài viết nhiều, viết kỹ. Lê Văn Trương viết nhiều, viết có lúc cẩu thả. Đã gặp chị Giáng Vân - con gái nhà văn Lê Văn Trương đôi lần, lúc mà NXB Trẻ lần đầu tiên tái bản sách của ông, tổ chức ở Cung Lao động. Con gái bao giờ cũng yêu cha hơn chăng? Bà Tôn Nữ Hỷ Khương, con gái nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị; con gái nhà văn Nam Cao, Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam… cũng vậy. Gặp họ, trong lúc chuyện, y thấy tình yêu của họ dành cho cha mãnh liệt, vô bờ bến. Vừa rồi, con gái nhà văn Ngô Tất Tố mắng té tát (trên mặt báo) con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, chỉ viết sai vài chi tiết về bố mình. À, cũng có những con rể thật đáng yêu. Trường hợp anh Sơn - con rể nhà văn Vũ Trọng Phụng; ông Cao Đắc Điềm - con rể Ngô Tất Tất, họ đã dành hết công sức sưu tập, in ấn tác phẩm của bố vợ. Người ngoài khó có thể làm tốt hơn. Những trường hợp này chắc chắn còn nhiều. Rất nhiều. Giềng mối gia đình, gia tộc nào cũng hay. Lại nghĩ, nếu có ai đó, dành thời gian ghi chép lại thông tin trên các bia mộ của nhà văn, ắt thú vị. Đã lên mộ của nhà văn Hồ Biều Chánh, tại nhà riêng của ông ở Gò Vấp, quên béng ghi lại chỉ còn nhớ loáng thoáng. Chẳng rõ có phải trên bia ghi câu đối của nhà thơ Đông Hồ khóc Hồ Biểu Chánh không?

“Cay đắng mùi đời”, tiểu thuyết viết sáu mươi ba thiên, “vì nghĩa, vì tình” “tỉnh mộng” ấy “ai làm được”;

“Cang thường gánh nặng”, thanh cần trải bảy mươi bốn tuổi, “thiệt giả, giả thiệt”, “dứt tình” còn “ở theo thời”.

Trên bia Vũ Trọng Phụng có dòng chữ "Vua phóng sự đất Bắc"? Trên bia Nam Cao là một đoạn văn trích truyện ngắn Đôi mắt? Đừng tin vào trí nhớ. Có những chuyện mới xẩy ra, còn sơ sờ ra đó nhưng lúc nhớ lại, khó có thể hình dung ra đầy đủ chi tiết, nếu lúc ấy không chịu khó ghi lại. Vừa rồi đọc bài báo nghẹn lòng, đại khái, chỉ vì miếng đất nhỏ như chó ị mà gã con trai kiện và quyết tâm tống mẹ già 81 tuổi phải vào tù! Những thông tin quái đản, man rợ ấy nhan nhản trên mặt báo, vậy bảo mỗi ngày phải đọc báo là tại làm sao?

Tối qua, dẫn vợ chồng đứa em ở Úc về thăm nhà đi ăn quán Hàn Quốc. Muốn điện thoại rủ một người. Đối ẩm chơi trong không khí gia đình. Lại thôi. Anh em ruột ngồi bên nhau. Cũng không trò chuyện gì nhiều. Mỗi người một đời sống riêng. Mối quan tâm cũng khác. Ít gặp nhau, chẳng hiểu gì nhiều về nhau. Chỉ còn mẹ. Còn mẹ, còn quay về. Sự quay về có ý nghĩa lớn. Mẹ vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Vậy đã là vui.

Mẹ ta nhớ nhiều cổ tích với ca dao

Dù chữ cắn đôi mẹ không biết đọc

Dù không biết chữ, biết đọc nhưng mẹ tính rợ (tính nhẩm) cực kỳ nhanh. Nhanh đến độ các máy điện toán IBM phải gọi bằng bà ngoại. Ngày trước, lương của y, mẹ y vẫn là tay hòm chìa khóa. Nay đã trả qua thẻ ATM nên thôi. Ngoài 90 tuổi nhưng trí nhớ vẫn tốt. Không cần đeo kính cận, vẫn còn đơm nút áo, may vá... Tính tiền đi chợ không thiếu một xu. Chính xác một trăm phần trăm. Khách khứa, bạn bè đến nhà chơi là luôn thay bộ quần áo mới tươm tất, sạch sẽ, dù chỉ ở sau bếp không bước chân ra phòng ngoài. Bất kỳ cái gì của y cũng không thể lọt khỏi tay. Những trang viết tháu, viết nháp đã xé bỏ, ném xuống đất, mỗi lần dọn phòng làm việc, mẹ y vẫn thu nhặt từng tờ, cẩn thận vuốt thẳng nếp, xếp ngăn nắp rồi đặt riêng một nơi. Em y về thăm mẹ. Sau này, mẹ mất, cuộc trở về hẳn sẽ không thiêng liêng như bây giờ. "Về Sài Gòn thấy nhịp sống vội vã và trẻ trung. Ở bên kia, một tuần trôi qua y hệt nhau. Không có gì thay đổi. Chỉ sực nhớ đến thời gian, khi cuối tuần được nghỉ ở nhà". Em y nói. Đời sống ấy hầu như không biến động. Êm ả. Bình yên. Lặng lẽ. Những ly rượu nâng lên. Ngà ngà say. Câu chuyện đứt quãng. Thời trẻ, y cũng có bạn cùng chung chiến hào, sống chết có nhau, ngang tầm đạn mong manh sinh tử, vậy mà mươi năm gặp lại chẳng biết nói chuyện gì. Mỗi người một đời sống khác. Vòng đời cứ thế xoay mãi. Rốt cuộc trên hành trình đi về phía thời gian, con người lọt lòng sinh ra đơn độc, cuối cùng chỉ là một sự đơn độc, chẳng ai có thể hiểu được điều thầm kín sâu thẳm nhất của tâm linh:

Hai chân đã giẫm trên trái đất

Sao vẫn chông chênh một lối về?

Cát bụi ngày sau, ai thắp nến

Dẫn cái linh hồn ghé thăm quê?

Y tự hỏi y. Sáng nay, một ngày thứ bảy đã đến. Nắng vẫn tốt tươi.

Không có câu trả lời.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 5.7.2013

 

“Nàng đánh tôi đau quá, tôi bật tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú… Có ai ngăn cản được tiếng lòng tôi?”. Văn xuôi Hàn Mặc Tử lung linh ánh sáng. Đọc thoáng qua. Nhớ. Đã nhớ. Quan niệm về công việc làm thơ của một ngôi sao băng vụt qua vòm trời thi ca Việt Nam hiện đại, một lần lóe sáng. Rực rỡ. Chói lòa. Chỉ một lần và không quay trở lại nữa. Tôi hiểu làm thơ là khai thác từ nội tâm, tiềm thức chính mình. Một làn roi quất nghiến trong trí nhớ, từ nàng, sẽ vọng lên những câu thơ hoặc máu lệ; hoặc hân hoan ca ngợi một niềm mặc khải từ trời cao rót xuống đời đời. Cứ thế, những câu thơ đã viết. Nhớ Hàn Mặc Tử. Đã nhớ.

 

bien-nhau-R

Từ trái: Đoàn Thạch Biền, Trần Hoàng Nhân, Lê Minh Quốc, Nguyễn Đông Thức (ảnh: Đinh Thu Hiền)

 

Không làm thơ thì hãy đọc sách. Làm sao có thể kiên nhẫn đọc hết những quyển tiểu thuyết dày cộm. Thời sinh viên, ngấu nghiến đọc. Những gì đã đọc, đọc nhiều nhất vẫn là thời máu xanh lòng tơ chưa vướng víu bụi bặm, tị hiềm, cơm áo ghì tâm hồn sát rạt xuống mặt đất. Tâm hồn còn lững lơ trên mây. Treo ngược cành cây. Đọc nhẹ nhàng. Thong dong. Bây giờ lười đọc. Đọc nhanh và vội. Chỉ hay đọc báo. Dễ tiêu hóa. Đọc một quyển tiểu thuyết phải có có khoảng khắc dọn lòng mình và bắt đầu sống với thế giới của nhân vật.

Trên giường nằm là hai cuốn sách viết về sex. Tình dục. Ngoại tình. Tác giả là đàn bà. Đàn bà viết văn. Đàn ông viết văn về đề tài này có thể không phải chịu áp lực nào. Đàn bà lại khác. Tự họ phải vượt  ra ngoài định kiến của xã hội và của chính họ.  Và họ cần có một người phải cảm thông. Ấy là chồng / người tình chia sẻ với trang viết. Nếu không ngòi bút chỉ dừng lại. Cựa quậy khó khăn.

Giải mã dục vọng - nguyên tác Lust in translation là tác phẩm thú vị của nữ nhà báo Pamela Druckerman, NXB Thời Đại vừa ấn hành qua bản dịch của Lâm Thanh Tùng. Cô nhà báo này “điều tra” về chuyện ngoại tình. Tại sao ngoại tình? Đọc đi. Nhiều tình tiết hay. Trang cuối cùng: “Chắc có rất ít đàn ông dám cầu hôn một người phụ nữ viết sách về ngoại tình như tôi, nhưng anh ấy không những cưới tôi mà còn đọc qua mọi trang bản thảo. Tôi sẽ luôn mang ơn trí tuệ, lòng dũng cảm, sự nhẫn nại và tình yêu anh ấy dành cho tôi”. Rõ ràng, cần có sự cảm thông.

Mấy lần lai rai, anh B lúc cao hứng lại ca quyển 50 sắc thái - nguyên tác Fifty shades of grey - NXB Lao Động ấn hành qua ản dịch của Tường Vy. Sáng qua, vào nhà sách tìm mua cho bằng được. Đang đọc. Trang đầu tiên: “Dành tặng Niall, chồng tôi. Cám ơn anh đã chịu đựng nỗi ám ảnh của tôi, luôn bao dung như một vị thần, và đã cùng tôi sửa bản thảo đầu tiên”. Tiểu thuyết này viết về tình dục, các động thái, tâm lý, tâm trạng của con người khi mây mưa trăng hoa tuyết nguyệt trên cõi thiên đàng là căn phòng khép kín. Viết chi tiết. Nói như nhân vật Grey: “Đừng tốn công lo lắng về cảm  giác, về tội lỗi, hay vì lẽ đúng sai, Ana, Em và tôi là những người trưởng thành tình nguyện đến với nhau và chúng ta làm những việc đó chỉ có hai chúng ta biết, đằng sau cánh cửa đóng kín. Em hãy giải phóng tâm trí để lắng nghe thể xác của mình hơn”.

Cả ba tập dày đến gần 2.000 trang in. Chữ nhỏ. Bao giờ đọc xong?

Đêm qua, lai rai với anh Biền, Thức, Nhân. Thêm vài người bạn. Cũng là gương mặt cũ. Chỉ là cái cớ để “rửa sách” tái bản của anh B. Cho nó vui. Có cái cớ nhậu, mới không áy áy bởi đã phí phạm thời gian. Muốn hân hoan tửu lượng phải tìm một cái cớ. Dù chính đáng hoặc không. Phải có cái cớ. Nếu không, lúc tan canh gió lộng ngoái nhìn lại trên bàn thấy ngổn ngang ly chén xen kẽ giọng cười tiếng nói hầm hố lộng ngôn là lại có cảm giác phí phạm thời gian đã trôi qua. Câu chuyện lan man đến sự cẩu thả, lười đọc của nhiều nhà báo. Cụ thể, trong tác phẩm Ve vãn Sài Gòn, Chị Đẹp viết: “Nếu lấy một cái compass và dùng Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố làm một cái tâm, xoay một vòng trong bán kính độ chừng 1 cây số, đó có lẽ là Saigon trong suy nghĩ của rất nhiều người...”. Rõ ràng, rành mạch, cụ thể như thế nhưng có nhà báo viết trong mục Tin sách lại bảo, “lấy cái la bàn xoay một vòng trong bán kính độ chừng…”. Ai nấy cũng cười. Chua chát.

Cuộc trò chuyện xoay quanh về ngày 1.8. Sinh nhật của danh sĩ Nguyễn Sáng, của bà cụ. Mẹ anh Thức. Bà Tùng Long. Ngày cụ mất, mẹ của T.H.Trinh - một độc giả ái mộ bà cụ đã báo tin cho y. Lúc ấy, anh em đang ở Hà Nội. Sáng qua, ra nhà sách mới biết, sách của bà cụ đã tái bản. Đang in hai quyển nữa. Làm cái gì đó nhân dịp này. Không biết có kịp không? Nếu được thì hay quá. Vui quá. Mà cũng là sinh nhật của y. Chị P.M.Thúy bảo, ủng hộ hết mình, các anh cứ làm đi. Cái khó vẫn là tìm một chỗ tổ chức ra mắt sách cho đàng hoàng. Ở Sài Gòn chuyện này hơi bị khó.

Sáng qua, ra nhà sách tìm mua cuốn Con gái vốn phức tạp của anh Thức, gửi về Đà Nẵng tặng người bạn nhưng trên kệ sách đã không còn. Mua quyển Đại Việt sử ký toàn thư do Đông A in. Khổ lớn. In đẹp. Nặng 4,5 ký lô. Mua vì khâm phục người làm sách đã đầu tư xứng cho một bộ sử rất có giá trị. Mua như một cách biểu lộ sự hoan nghênh của người đọc dành cho người làm sách, bởi bộ sách này, thư viện y đã có nhiều bản in trong thời gian khác nhau.

Ghét nhất vẫn là câu nói qua điện thoại hoặc tin nhắn của những người chưa đủ tình thân, đại loại: Chúc mừng anh/ em vừa ra sách mới; rất thích sách của anh/ em; nhớ... gửi tặng anh / em một quyển; nhớ gửi về địa chỉ là...; nhớ nha!

Có mà điên.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

Trang 53 trong tổng số 58