LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 25.6.2013

 

“Vì muốn chàng sử dụng chiếc điện thoại mới do người bạn tặng từ mấy tháng nay có nhiều tính năng hơn sành điệu hơn nên nàng dỗ ngon dỗ ngọt mượn cái “cùi bắp” của chàng săm soi ra chiều yêu thích lắm và đợi lúc chàng quay mặt đi ngay lập tức nàng thả xuống ly bia”.

Trên đường đi làm, câu này chợt vụt đến trong đầu khiến y nhớ lại đêm qua. Đêm của rượu. Rượu của gặp gỡ và chia tay. Rượu của những gương mặt tình bạn.

 

son-dau-kho-nhoRR2

 

Có những gương mặt thoạt nhìn, ta đã thấy tin cậy. Y không tin lắm vào tử vi nhưng rất tin nhân tướng học. Phải gương mặt ấy mới có thể làm được việc ấy. Chẳng hạn, gương mặt cụ Phan Châu Trinh: quyết đoán; gương mặt Huỳnh Thúc Kháng: chất phác; gương mặt cụ Đề Thám: ương ngạnh; gương mặt Nguyễn An Ninh: thi sĩ.

Vâng, khi viết về Nguyễn An Ninh, y tìm hiểu rất kỹ nên mới có nhận xét đó. Không tin ư? Cứ nhìn tấm ảnh Nguyễn An Ninh chụp vào năm 1923, sau khi du học ở Pháp về nước. Mặc áo dài đen. Đôi mắt sáng. Hơi ngước nhìn phía trước. Mái tóc bombé. Môi hơi mím. Tay chống cằm. Tấm ảnh này do photo hình Khánh Ký ở đại lộ Bonard (nay Lê Lợi) chụp. Con người ấy chỉ làm theo sự mách bảo của trái tim và sẳn sàng trả giá cho việc làm của mình. Lúc ra Côn Đảo, y đã cúi đầu thắp một nén nhang trên mộ của một người mà cố TBT Nguyễn Văn Linh khẳng định “nhà yêu nước vĩ đại”.

Đêm qua, gặp lại Nhựt sau một thời gian dài. Vẫn mái tóc xoăn, dài ngang vai, bềnh bồng trong gió. Miệng cười tươi. Có lúm đồng tiền. Gương mặt đẹp trai, thông minh ấy gợi cho y nhớ đến gương mặt của Đức thầy. Một gương mặt của sự hòa hợp và giao hảo đáng tin cậy. Nhựt là người có trí nhớ cực tốt và biết quan sát. Có thể nhớ đến từng chi tiết nhỏ, từng con số. Khi phát biểu một vấn đề gì cũng đều mạch lạc, chỉnh chu từng câu, từng chữ. Hơn cả thế, cũng là một tay "thần sầu quỷ khốc" về tửu lượng.

Trưa ngồi ăn cơm với cá bống kho tiêu. Rất ngon. Tranh thủ đọc bài báo về “Triển lãm Bàn tay thiên thần - Tấm lòng vàng”. Khai mạc ngày 23/6 tại khách sạn Continental Saigon, giới thiệu tượng 39 đôi tay và 1 bàn chân của 40 nhân vật nổi tiếng Việt Nam. Sực nhớ lại chừng mươi năm trước đây, có một nữ Việt kiều Úc mời y đến khu biệt thự ở đường Trương Định (gần Ngô Thời Nhiệm). Chị ấy có nhã ý muốn đổ nhựa bàn tay của y bằng chất liệu đăc biệt. Nhiều nhân vật rất nổi tiếng khác cũng được “vinh dự” này giống như y. Sẽ triển lãm cho thiên hạ chiêm ngưỡng chơi.

Chà, y phổng mũi. Y nổi tiếng quá. Thiên hạ ái mộ quá. Trò chuyện một hồi, nói gần nói xa chẳng qua nói thật. Chị ấy ngỏ lời nhờ cậy y viết một bài in trên báo PN - nhằm giới thiệu trường tiểu học làm theo mô hình giáo dục nước ngoài mà chị đang đầu tư. Để chứng minh “cơ sở hiện đại có tầm quy mô lớn và đầu tiên thực hiện ở Việt Nam”, chị ấy nhiệt tình dẫn y đi xem từng phòng phòng học, giới thiệu líu lo như chim hót. Rồi lại hẹn sẽ thực hiện vụ “đổ nhựa bàn tay” sau khi báo đăng bài viết P.R cho cái trường học này.

Y chỉ nhếch mép cười. Từ đó, không còn gặp lại nữa. Chỉ tiếc hôm ấy mất một buổi sáng vào việc vô tích sự.

Trong tài liệu của y còn giữ được tấm ảnh chụp bàn tay đổ nhựa của danh họa Nam Sơn. Sau khi viết bộ Kể chuyện danh nhân Việt Nam, y được quen với con cháu của nhiều nhân vật đã thuộc về lịch sử, trong đó có con trai cụ Nam Sơn. Thân tình đến độ, lúc ra Hà Nội y đều đến thăm và ngược lại, khi vào Sài Gòn lại mời ăn nhậu lai rai. Con trai cụ đã gửi tặng tấm ảnh này và cho biết vì quá thương cha nên đã giữ lại bàn tay tài hoa của đấng sinh thành bằng cách đó.

Còn vụ triển lãm này thì sao? Bài báo này cho biết: “Trên trang web của “Bàn Tay Thiên Thần”, chúng ta dễ dàng tìm thấy giá cả thực hiện, ví dụ: khung bàn tay 2 chị em có hình, giá: 2.399.000 VND; khung đôi bàn tay bàn chân có hình, giá: 3.999.000 VND... Như vậy đã rõ, đây là một doanh nghiệp muốn quảng cáo hình ảnh của mình, một hoạt động lành mạnh và bình thường, chứ không phải một triển lãm độc đáo về nghệ thuật, như nhiều nơi đã đề cập”. Bài này in trên báo Thể thao & văn hóa ngày 24/6/2013 của nhà báo Văn Bảy.

Ô hô!

Mất cả buổi sáng loay hoay với chiếc điện thoại mới. Bực mình. Sốt ruột không rõ có ai gọi điện thoại, nhắn tin gì hay không? Ra khỏi nhà, quên cái gì cũng được, người ta cứ phóng xe đi, nhưng cho dù có vội đến cỡ nào thì cũng phải quay lại nếu để quên điện thoại ở nhà. Khi đến một độ tuổi nào đó con người ta trở nên ù ì, ngại làm quen với cái mới. Với y điện thoại chỉ có hai chức năng: Nghe và nhắn tin. Cần quái gì phải dùng để check email, truy cập mạng… Chuyện này, y làm mỗi ngày, hằng giờ. Đã ngồi mòn ghế. Chẳng lẽ, lúc đi chơi bù khú còn phải bận bịu nữa sao? Sung sướng nhất là một ngày được tắt điện thoại. Mới thật sự tự do. Không bị ràng buộc bởi bất kỳ mối quan hệ nào. Há chẳng sướng sao?

Chiều nay phải đi rút tiền để mua lại cái “cùi bắp” quen thuộc. Chắc có người sẽ bảo:

- Há chẳng gàn lắm sao?

 

L.M.Q

 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment