THƠ Thơ rời LÊ MINH QUỐC: Khai bút 2013

LÊ MINH QUỐC: Khai bút 2013

 

leminhquoc-DANG-DUONG

Lê Minh Quốc qua cái nhìn của hoạ sĩ Đặng Dương

 

Hăm chín Tết với quê nhà

Máy bay lướt sóng la đà trên mây

 

Tôi về như một bào thai

Đi trong bụng mẹ phút giây tượng hình

 

Chân trời cửa mở phiêu linh

Một mình tôi với một mình sóng đôi

 

Vườn xưa Hiện Tại chỗ ngồi

Trầm hương thấp thoáng mặt người Hôm Qua

 

Tình gần? Gần lúc chia xa

Người xa? Thưa dạ, đang là có nhau

 

Tôi về ngoãnh lại Nghìn Sau

Thấy lau sậy trắng bể dâu luân hồi

 

Bỗng nhiên tôi gặp lại tôi

Từ lòng mẹ bước Vào Đời an nhiên

 

LÊ MINH QUỐC

(Ngày đưa ông Táo về trời)

 

Ghi chú:

Bài thơ này viết vào ngày đưa ông Táo về trời. Đó cũng là dịp tất niên với NSƯT Trịnh Lê Văn, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Đông Thức, Đoàn Thạch Biền, đạo diễn Đinh Anh Dũng, doanh nhân Phạm Thanh Long; nhà báo Nam Đồng, Dương Thành Truyền (Duyên Trường), Nguyễn Minh Nhựt, Lê Minh Đức, Lưu Đình Triều. Vỏn vẹn chỉ có mấy người. Mỗi người đem đến một chai rượu và uống hết. Trên đường về, tạt vào hiệu sách cũ trên đường Trần Huy Liệu và viết bài thơ này.

Câu 3+4: Ban đầu viết:

Tôi về như gã con trai

Đi trong bụng mẹ bào thai tượng hình

Vậy giới tính khác khi đọc, họ sẽ không thấy họ ở đó. Tại sao lại khoanh vùng bạn đọc? Hơn nữa "Bào thai tượng hình" đã là một kết thúc, đã hoàn chỉnh, không cho thấy sự cựa quậy, chuyển động. Vì thế, tôi sửa lại:

Tôi về như một bào thai

Đi trong bụng mẹ phút giây tượng hình

Phút giây ấy gợi lên sự khởi đầu, chỉ mới bắt đầu. Sự vận động ấy, dẫn đến sự hoàn chỉnh để kết thúc. Vậy câu thơ lay động hơn. Sống hơn.  

Câu 5+6:

Chân trời cửa mở phiêu linh

Một mình tôi với một mình sóng đôi

Kiếp người, nghĩ cho cùng, từ cánh cửa này con người ta lại bước vào một cánh cửa khác. Nhiều cánh cửa khác. Có kẻ lọt lòng may mắn bước vào cánh cửa để gặp Thiên đàng; có người khóc oe oe bước vào cánh cửa là cúi đầu sa vào Địa ngục. Con người ta có thể thay đổi cánh cửa này, bằng cánh cửa khác. "Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều" (Truyện Kiều).

Câu 7+8:

Ban đầu viết:

Vườn xưa Hiện Tại chỗ ngồi

Trầm hương níu áo giọng cười Hôm Qua

Sao lại "vườn xưa", nhà tôi ở Đà Nẵng làm gì có vườn. Lẽ ra phải "Nhà xưa" chứ? "Nhà" là nơi chốn ngủ nghỉ, tất bật với thời gian...;  "Vườn" không hẳn thế, không chỉ vậy, mà còn là nơi thư giản, mở lòng ra với thiên nhiên trời đất... với cái nhìn khoáng đạt, thong dong hơn...  

"Trầm hương níu áo giọng cười Hôm Qua" không gợi lên sự giao hòa của cõi âm dương, của trần thế với người đã khuất, nhất là khi người ta về quê ăn Tết, về với sự sum vầy, cội nguồn quê nhà và đoàn tụ. Tôi sửa lại:

Vườn xưa Hiện Tại chỗ ngồi

Trầm hương thấp thoáng mặt người Hôm Qua

Câu thơ có sức nặng hơn về phía tâm linh. Trong lãng đãng hoặc nghi ngút nhang khói, trầm thơm ngày Tết thử hỏi ai lại không có cảm giác nhìn thấy người thân đã khuất của mình, lúc ấy? Như thực như hư. Nhưng không như có. Lờ mờ. Rõ nét...

Câu 8+9:

Ban đầu viết:

Tình gần? Gần lúc chia xa

Người xa? Ừ, vẫn đang là có nhau

Gợi lên điều gì? Một chuyện tình? Mối quan hệ cá thể? Nếu vậy, câu thơ chỉ gói gọn trong một phạm vi riêng biệt, thiếu sức khái quát. Hơn nữa hai câu 6+7 đã sửa, thì không thể giữ nguyên mạch thơ như trước mà phải là sự tôn kính với người đã khuất. Tôi sửa lại:

Tình gần? Gần lúc chia xa

Người xa? Thưa dạ, đang là có nhau

Còn có thể viết thêm đôi lời nữa. Nhưng thôi.

Bởi ngoài kia đã Tết, sắp Tết, đang Tết và trong lòng xao xuyến quá đỗi...

 

L.M.Q

(12g ngày 28 Tết)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com