NGÔ KINH LUÂN: Hồn nhiên bằng hữu

 

Long-1

Phạm Thanh Long là ai (?)

Gọi Phạm Thanh Long là đại gia hay dân kinh doanh lớn đều được. Đại gia thì sao, mà dân kinh doanh thì sao? Chẳng sao cả, đại gia thì lắm tiền. Còn dân kinh doanh thì là thương nhân. Điều đó, không có ý nghĩa gì với tôi. Cốt yếu vẫn là, tiền ai cũng cần, nhưng không phải ai có tiền cũng có thể trở thành bạn. Dân viết lách, không cần tiền của thiên hạ.

Long thì khác. Long không chỉ là bằng hữu, mà còn là anh em. Dẫu cho, Long hơn tôi đúng ba mươi tuổi. Đơn giản, vì Long  chơi rất được. Chơi được đến mức, tôi đặt cho Long cái tên “Người không được quyền chết”.

 

1.    

Lê Minh Quốc là ai (?)

Lê Minh Quốc là một nhà thơ nổi tiếng, không chỉ nổi tiếng mà rất nổi tiếng.  Cũng như không chỉ làm thơ hay mà Lê Minh Quốc viết văn cũng cực hay. Điều đó chẳng liên quan đến việc Lê Minh Quốc có khả năng uống hết hầm rượu của một thương nhân, uống hết bia của một tài chủ. Nếu cần thiết, Lê Minh Quốc vẫn có thể uống hết cả bia và rượu của tất cả các đại lý ở Sài Gòn.

Lê Minh Quốc nhiều việc. Mỗi ngày, có hàng trăm thư điện tử nằm trong hộp thư của Lê Minh Quốc nhờ Lê Minh Quốc thẩm định thơ. Mỗi buổi sáng, Lê Minh Quốc phải cải trang thành người khác để đến Báo Phụ Nữ TP.HCM, bởi nếu không cải trang, Lê Minh Quốc không thể nào đến cơ quan được. Lý do, người hâm mộ vây chật đường yêu cầu Lê Minh Quốc đọc thơ.

Còn tối, Lê Minh Quốc dành hết thời gian để suy nghĩ phải sắp xếp cuộc hẹn với riêng từng mỹ nhân làm sao cho hợp lý. Lê Minh Quốc suy nghĩ đến độ, khi nảy ra kế hoạch, thì mỹ nhân đã đi lấy chồng. Chán đời, Lê Minh Quốc hét lên “ Phồn thực”, “rất phồn thực”… một cách đầy duyên dáng.

Vậy đó, mà lúc say, Lê Minh Quốc nói một câu rất sòng phẳng “Đời anh, chưa thấy tay đại gia nào dễ thương như Phạm Thanh Long”. Người được Lê Minh Quốc khen rất ít. Khen sau lưng lại càng cực hiếm.

Phạm Thanh Long dáng người nhỏ, cái mặt biểu hiện của người lắm tiền, không chạy đi đâu được. Vào quán cà phê, cô nhân viên phục vụ ưu tiên mang trà Lipton cho Phạm Thanh long. Vào quán nhậu, nữ phục vụ phải kéo ghế trước cho Phạm Thanh Long. Ở một số chỗ không phải là quán cà phê lẫn quán nhậu, người ta đánh nhau vỡ đầu để được chạm vào Phạm Thanh Long. Đại loại, Phạm Thanh Long… rất VIP.

Một ngày, có hai mươi bốn giờ, thì Long dành hết mười giờ cho bằng hữu. Sáu giờ cho việc suy nghĩ kiếm tiền. Bốn giờ cho việc mò mẫm công nghệ cao. Và hai giờ cho việc ngủ.

Long đại gia có hai số điện thoại. Một số cực đẹp. Một số, không hiện số. Vì sao lại không hiện số, thì ai mà biết được. Đại gia, có cái quái của đại gia. Không nên để ý tới. Số điện thoại đẹp, Long đại gia để giao dịch. Số điện thoại không hiện số, để gọi cho anh em. Gọi để hỏi “Ăn bánh mì Hà Bá không?”. “Ăn cơm gà Hồng Xương không?”. “Có mấy người để anh mua mang lại”. Tài xế vừa dừng cái BMW, Long xuất hiện. Khệ nệ bưng bê đồ đến, miệng cười cười. Long không chỉ mua đủ mà còn mua dư. Mua bánh mì phải mua thêm chả. Mua cơm gà phải mua thêm xá xíu. Bằng hữu ăn, Long ngồi nhìn đầy thích thú, rất có bản sắc của một đại ca Nam bộ. Hình như, nhìn bằng hữu ngon miệng Long đã cảm thấy vui.

Hỏi Long uống gì? Chắc chắn, Long sẽ nói: “Sáng giờ, anh ngồi sáu quán cà phê rồi. Chủ yếu là mua đồ để anh em ăn cho ngon miệng”.

 

long-2

Doanh nhân Phạm Thanh Long. Ảnh: Giản Thanh Sơn

 

2.

Long rất nghiện công nghệ chính hiệu, không sai được. Điện thoại Iphone 5 mới được chào bán ở Mỹ hôm trước, thì hôm sau, Long  đã đưa cho tôi xem Iphone 5 đẹp long lanh như thế nào.

Quân làm sách, đầu trọc, mặt đẹp trai, xài gái hao khủng khiếp. Quân ngồi với Phạm Thanh Long ở Dinh Độc lập. Đang gào thét: “Em ơi, mật khẩu wifi ở quán mình là gì?” cô phục vụ chưa trả lời thì Phạm Thanh Long khẽ khàng: “Đợi anh xíu”. Dứt câu, mở cặp xách, lôi ra cái wi-fi di động phát sóng cực mạnh. Quân làm sách choáng váng, cứ như Tiên Dung nhìn thấy Chử Đồng Tử lồ lộ dưới cát.

Long ngồi quán khác với mấy anh em nhiếp ảnh. Mấy anh em ngó ngó nghiêng nghiêng cô phục vụ xinh tươi, chụp hết kiểu ảnh này đến kiểu ảnh khác. Chụp xong, lấy máy ảnh chuyển về chế độ xem hình để… khoe. Long lấy máy điện thoại, gọi cho tài xế, bảo: “Mang đến đây ngay”. 5 phút sau, Long rửa ảnh trên giấy lụa tặng cho cô nhân viên phục vụ. Không chỉ cô nhân viên ngất, mà mấy anh em nhiếp ảnh cũng ngất. Riêng về công nghệ, Long chơi cái gì cũng chơi đến… đỉnh. Riêng về thể loại máy tính bảng, Long còn dạy cho đạo diễn Lê Hoàng cách sử dụng. Nhà Long có một bộ sưu tập về thể loại này.

Long còn cách chiều bằng hữu khiếp hơn là cái tật nghiện công nghệ của mình. Long mua đặc sản, dặn người nhà mua đều để tặng bằng hữu. Có bằng hữu nhận quà, mang về nhà tự dưng cáu vì chẳng may cầm nhầm phần ít hơn, gọi cho Long, bảo: “Ông cho đồ thừa, tôi cho chó ăn hết rồi”. Long lẳng lặng, sắm thêm nhiều thứ khác để tặng bằng hữu. Cái chuyện trách móc có phần trịch thượng, Long không quan tâm.

Tôi ngồi với Long nhiều lần, tuyệt nhiên không nghe Long nhắc về chân dài. Nói sáu câu thì bốn câu nhắc về con, hai con nhắc về vợ. Cậy miệng cũng không thấy nói về mỹ nhân hay luyến ái ngoài lề. Long có mê nhan sắc không? Đàn ông nào không mê nhan sắc. Đàn ông lắm tiền còn mê nhan sắc hơn đàn ông ít tiền. Nhưng, Long không phải là bất chấp để theo nhan sắc. Không phải vấn đề là năng lực, chẳng qua là bởi quan điểm thôi.

Nhà Long có lắm rượu. Đủ loại, rượu Tây, rượu ta, rượu vang rượu mạnh, rượu ngâm thuốc, rượu ngâm thảo dược. Long thích nhất là mời anh em về nhà mình uống rượu.

Trước khi uống, Long sẽ cẩn trọng giới thiệu xuất xứ, công dụng, độ cồn, dung tích… của rượu. Đại khái, “Em bị vậy, nên uống thứ này”. “Em muốn vui, nên uống thứ này”. Ai muồn uống bao nhiêu thì uống. Uống xong tiễn khách về, Long sẽ ngậm ngùi: "Đi chơi vui vẻ, nhé. Anh vào nhà, ngủ đây”. Tại sao đến thời điểm đó lại đi ngủ. Vì Long thích ngủ. Có vậy thôi.

Về khoản sành điệu, Long cực sành. Ở Sài Gòn, Long biết nên đi ăn chỗ nào, uống chỗ nào đã hẳn. Ở tỉnh, Long còn biết, nên uống thức gì, ăn thứ gì. Có lần, tôi chứng kiến Long nói chuyện ẩm thực với một thiếu gia khác, Long nói đến mức, thiếu gia chỉ còn biết gật gật gù gù. Mặc cho trước đó, thiếu gia cũng có bàn đến món này, món kia cũng thuộc dạng dân chơi không sợ mưa rơi.

Anh em mấy người, rút ra kết luận về niềm vui của Long, vỏn vẹn có hai niềm vui. Thứ nhất, được gặp bằng hữu. Thứ hai, được trả tiền cho bằng hữu trong các lần ngồi. Bất chấp nhiều hay ít, bất chấp bằng hữu đang cố sức giành trả tiền.

3.

Long không phải khi nào cũng cười. Có lúc, Long suýt khóc. Đó là khi, Long nhớ về tuổi thơ mình. Một tuổi thơ đầy khốn khó. Long nói, đi học với cái quần rách đít may vá chằng chịt, cái áo chẳng khi nào lành. Có lúc, mặc quần thủng đến lớp. Long lại nói, thương nhất là bố anh. Cả đời không biết miếng ngon. Kham khổ từ lúc sinh ra cho đến lúc nằm xuống.

Long vẫn nói, xưa anh ăn cơm độn củ khoai ngứa. Ngứa vô cùng. Thì ai trong thời đó mà không nghèo. Có điều, nhớ được cái nghèo hay không lại là chuyện khác.

Long tiếp tục nói, nhà nghèo quá. Bố mẹ anh sinh mười người con, thì mất hết năm. Sinh anh ra, chạy ăn từng bữa đến độ quên mất chính xác ngày sinh tháng đẻ của anh. Áng chừng anh sinh năm 1953 thì viết vậy, lấy cột mốc với đứa cháu gọi anh là cậu để nhắc về năm sinh của anh. Không biết, có chính xác không nữa.

Vậy nên, khi kiếm được tiền, một tay Long lo hết cho anh chị em ở quê. Ở quê muốn gì, gọi điện thoại vào Sài Gòn cho anh, anh đều lo hết. Từ mua đất xây nhà, sửa mồ cất từ đường, làm lại con lộ ở làng cho đến anh chị gả con. Nơi Long thích đi nhất là về quê. Anh em nói chuyện đi nước ngoài đi xuất ngoại, Long  cứ thủ thỉ: “Đứa nào thích thì về quê anh. Hay lắm”. Có lẽ, niềm tự hào lớn nhất của Long là quê nhà.

Chuyện ở quê, bất cứ thứ gì cũng có sự góp mặt của Long. Vậy mà, cái tư duy của làng xã khiến Long bị sốc. Sốc cũng lâu lâu, ngồi đâu cũng nhắc. Chuyện không vui, tôi không đề cập lại.

Long sốc, không phải vì tiền. Tiền, Long không thiếu. Sốc chẳng qua là bởi, Long không thể nào hiểu được rằng, tại sao mình lại bị đối xử như thế.

Dạo này, Long đang có thú vui khác, ngoài thú vui gặp bằng hữu. Đó là cái thú, quan sát cậu con trai… tán gái. Xưa, không biết Long  tán gái tài đến mức nào. Nay, nghe Long kể hướng dẫn con trai nhắn tin để cưa cẩm phụ nữ có vẻ… tài năng lắm. Long bảo con trai “Tán gái, là một việc hệ trọng. Con cần thêm điều kiện gì, cứ bảo bố. Không nên để phung phí một thời trai trẻ”. Vậy mới kinh!

Vài ngày trước, khi tôi viết lên facebook của mình, Long - người không được quyền chết. Rất nhiều bạn bè bình luận, ai cũng được quyền chết, tại sao Long thì không (?).

Long không được quyền chết, bởi nếu Long chết, anh em sẽ không biết giấu buồn thương vào đâu. Người tử tế đã ít, người tử tế như Long lại càng không được cái quyền bỏ rơi anh em để… muốn làm gì thì làm.

Chơi như vậy là chơi không hay (!)

Bạn đọc lưu ý, bài viết có sử dụng nhiều thủ thuật cường điệu, xin đừng cố gắng hiểu nhầm.

 

NGÔ KINH LUÂN

(Nguồn: ANTG cuối tháng số 136/ 12.2012)

 

Cùng một tác giả:

NGÔ KINH LUÂN: Bằng hữu Sài Gòn

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com