Ghi chú: Ký bút danh Tú Hợi
Cùng một chủ đề:
Thêm một tiết lộ động trời về XUÂN TÓC ĐỎ
Bí mật của Xuân Tóc Đỏ lần đầu tiên công bố
Bí kíp làm báo của Xuân Tóc Đỏ
Sự kinh ngạc của Thị Mịch khi lên Kẻ Chợ
Cụ Bá Kiến và Năm Sài Gòn "bàn giao công nghệ"
1.
Vào một ngày “lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những dám mây bàng bạc”, một quan chức cầm được quyết định về hưu. Giữa thanh thiên bạch nhật, đầy đủ bá quan văn võ, bỗng dưng ông ta ôm mặt khóc hư hu và sụt sịt nói rằng: “Năm nay, tôi đã tròn một hoa giáp nhưng ngày mai mới là ngày chính thức… vào đời!”.
Sau khi vòng vo tam quốc, tràng giang đại hải, có thể tóm tắt ông ta nói rằng: Thời còn đương chức nào phải lo lắng gì nhiều, mọi việc đã có bộ hạ lo toan, gánh vác; nếu sai sót, lỗ lã, làm ăn không hiệu quả thì cá nhân mình cũng không hề mất uy tín, dẫu chỉ bé tẹo bằng một sợi lông chân, vì trách nhiệm đó… thuộc về tập thể. Cứ đến tháng nhận đồng lương, khỏe re, chẳng cần phải suy nghĩ gì mệt đầu. Ngày tháng tự nhiên như nhiên, hết ngày dài lại đêm thâu, rồi đúng kỳ hạn là tăng lương, tăng cấp. Đi đâu, về đâu đã có xe công; ốm đau nằm viện đã có cơ quan chi trả; tang ma, hiếu hỉ, sinh nhật, thôi nôi, đám cưới trong nhà đã có bọn cánh hẩu thuộc vai vế đàn em lo tất. Khỏe re.
Còn về hưu, là lúc phải tự lo tất tần tật mọi thứ, phải tự lực cánh sinh thì khác gì bọn trai trẻ “vào đời”? Vì lẽ đó, nhiều người sợ hãi nhất trong mọi nỗi sợ hãi là khi nghe đến hai tiếng “về hưu”.
Dù muốn dù không, ngày đó cũng phải tới. Chẳng khác gì mồi lửa đã đốt vào đầu dây cháy chậm, đến một lúc lửa lan dần đến ngòi nổ là… mình banh chành xác pháo. Vậy thì, ngay từ bây giờ phải biết “nung nấu tâm can, vò võ trán”, bàn mưu tính mưu chước sau khi rời ghế, về nhà đuổi gà cho vợ mà vẫn ấm thân. Vậy, cẩm nang “vào đời” như thế nào?
2.
Thưa, cẩm nang “vào đời” như thế này, có thể áp dụng cho mọi thời đại, không hề lỗi thời, lạc mốt.
Rằng, quan niệm của người Việt ta “sống cái nhà, già cái mồ”, vì thế đang lúc có quyền có thế, tiền hô hậu ủng, tả phù, hữu bật thì hãy tận dụng “cơ hội vàng” để kiếm nhà. Hơn nhau là ở chỗ phải xây dựng cái nhà cỡ biệt phủ, biệt diện, dinh thự ấy ở những nơi oanh liệt, sáng giá, không “dụng hàng” như xây trên đất đai thuộc rừng phòng hộ, rừng đặc dụng… thì mới đáng mặt anh tài.
Với chức quyền đang có, quan hệ rộng đến cỡ ban ngành dọc ngang cũng khắng khít, gắn bó “tình thương mến thương” như anh em cật ruột, ăn chia có nhau, đớp hít có mặt thì hợp thức hóa “sổ đỏ” chỉ là chuyện nhỏ. Không đáng bận tâm. Sau khi “hạ cánh an toàn”, “cái nhà” thích thì ở, bằng không chuyển nhượng thì mới thật “tấc đất tấc vàng”, lời khẳm, tha hồ có của ăn của để. Ấy mới là người nhìn xa trông rộng, biết cách chuẩn bị “vào đời”.
Tuy nhiên, cách đó cũng xưa rồi, những kẻ “thức thời” chốn quan trường hôm nay chọn lựa cách khác: Thu vén, bòn mót, trữ tiền càng nhiều càng tốt, kể cả gửi ngân hàng Thụy Sĩ chắc như bắp rang. Khối vị trong số họ đã chuẩn bị xong biệt thự đắt tiền ở Pháp Mỹ, “thẻ xanh, thẻ đỏ” ở trời Tây để tót ra định cư ở nước ngoài. Đố thanh tra nào có thể phát giác. Không phải lo ấm thân mình, lo là lo cho con cho cái, cho “muôn đời sau” - ấy mới kẻ hiểu “thế thời”!
3.
Tuy nhiên, cũng xin kể câu chuyện này.
Nguyễn Hữu Độ làm quan từ Thượng thư lên đến Phụ Chính đại thần, Cơ mật Viện đại thần. Lúc ngất ngưỡng trên danh vọng với chức Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội-Ninh Bình), Độ đã dùng uy quyền xây dựng Sinh Từ đền nhằm thờ sống mình, tốn hơn một vạn quan tiền. Tuởng có thể lưu danh vạn đời với công trình “để đời” đó. Nhưng than ôi, sau khi Độ mặc áo “sơ-mi gỗ”, chẳng ai thèm lui tới nịnh nọt, nhờ cậy nữa. Cụ Yên Đỗ có câu thơ vịnh: “Ông mất, mũ áo không họp nữa/ Lửa hương lạnh ngắt, lúa mọc đầy”. Do căm ghét thói ăn bẩn, bòn vét, nhủng nhiễu, hạch sách, hối lộ của Độ lúc sinh thời, bọn dân đen khố rách áo ôm trả thù bằng cách chọn làm nơi phóng uế! “Thứ nhất quận công, thứ nhì ị đồng". Quận công Độ cũng ngang ngửa thế thôi.
Trong quyển Giai thoại làng Nho, nhà văn Lãng Nhân chép lại câu nói của Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng (1828-1910) như sau: “Các nhà quan để của cho con, con không chịu học chỉ tiêu xài phung phí, mấy lúc mà hết. Xưa tôi có ông bạn quanh nhà lát toàn cối đá, cả đến bờ ao, lòng ao cũng lát toàn cối đá. Ông ta bảo: “để ruộng, để đất về sau dễ bán cả mẫu, để cối đá phải bán dần từng cái một, lâu dài hơn”. Gần đây hỏi thăm thì cối đá đã bán gần hết. Lại một quan khác làm nhà gỗ mà hai đầu xà cột đều đóng chốt sắt nối nhau, để cho khó dỡ ra mà bán. Nay con cháu cũng luôn cả nhà lẫn đất rồi”.
T.H
(nguồn: TTC 15.11.2015)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|