LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 11.3.2019

1_minh_hoa_cho_thong_tin_BIA_4_

 

Rượu hồng đào trút nhào vô nhạo

 

Kiếm nơi nào nhơn đạo hơn anh

 

Dám quả quyết rằng, hết 99% cho rằng đã… viết sai chính tả. Nhạo là cái quỷ quái gì? Chỉ có thể là nhậu. Vâng, phải là nhậu. Nói gì thì nói, một trong những thói xấu của người Việt vẫn là nhậu thịt chó. Một con vật thân thiết nhất, trung thành nhất với chủ, đột nhiên vào một ngày đẹp trời, ông chủ hứng tình khoái chí bèn ra tay cho nó hóa kiếp. Đọc lại truyện ngắn Nam Cao, y nhớ đến đoạn này: “Con chó vện đã lại nằm thiu thiu bên một gốc chuối. Quả thật, nó đã đến ngày tận số. Hắn đi tìm cái thúng. Hắn rón rén đi vòng lại phía sau đuôi con chó… Ập! con chó giật mình đến thót. Nỗi nguy chụp xuống. Nó bị thu gọn trong cái thúng, không còn chỗ mà giãy giụa”.

 

Thế là xong.

 

Nhà văn Nam Cao không cho biết lúc tì tì đánh chén cày tơ, các bợm nhậu có đọc thơ hay không? Thôi thì, ta hãy đọc lại bài vè… thịt chó của người dân ở miệt vườn Nam Bộ: “Nghe vẻ nghe ve/ Nghe vè thịt chó/ Thằng nào chịu khó/ Bắt nước cạo lông/ Thằng nào ở không/ Rang mè rang đậu”. Chỉ có thế thôi sao? Ăn thịt chó mà không có gia vị thì xem nhưhỏng. Do đó: “Anh nào chịu khó/ Thì đi mua tương/ Cái việc tầm thường/ Ai ai cũng biết/ Muốn cho tươm tất/ Đậu phụng, đậu nành/ Củ sả, củ hành/ Mua ba tiền bún/ Một tiền rau húng/ Một trái dừa khô/ Bỏ tiền hùn vô/ Mua ba chai rượu/ Anh nào háo tửu/ Thì hùn thêm tiền/ Xách rổ đi liền/ Đi mau tới chợ/ Đừng có sớ rớ/ Gấp gấp mà về”.

 

Đọc kỹ, ta thấy gia vị chế biến có khác ngoài Bắc. Cơn cớ làm sao không nhắc đến mắm tôm và lá mơ? Mà lạ nhất vẫn là “Anh nào chịu khó/ Thì đi mua tương”. Sao lại là tương? Không rõ cách chế biến tương ở trong Nam ra làm sao, chứ đã ra phía Bắc thì không thể không thưởng thức: “Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét”. Vậy tương ăn thịt chó ở đây có giống tương Bần? Không sành ăn, y không dám quả quyết. Đã thế, còn  có “Một trái dừa khô” nữa chứ?

 

Chỉ mấy câu vần vè nhưng ta cũng thấy được cái “không khí” rất ồn ào, tấp nập, nhộn nhịp trước lúc chuẩn bị… nhậu! Hãy nghe: “Anh nào có nghề/ Ra tay đập chó/ Anh nào nhúm lửa/ Bắt chảo nước sôi/ Cạo lông sạch rồi/ Đem thui vàng hực/ Anh nào chịu cực/ Món nướng món xào/ Xương sống để sau/ Xương sườn nấu cháo”. Thế họ bày biện ra làm sao? Không rõ. Nhân vật trong truyện ngắn Nam Cao kể khá tỉ mỉ: “Bây giờ thì mọi thức đã xong rồi. Con chó hơi gầy. Nhưng gầy thì cũng tốt. Hai bát tiết canh đông lắm. Ấy là cái điềm lành báo rằng cuộc vui sẽ hoàn toàn. Những miếng thịt ngon thái tái trộn ngay vào hai cái bát chậu thật to cho khỏi lôi thôi. Vẽ vời đơm vào đĩa hẳn hoi thì biết bằng nào đĩa cho nó xuể? Nồi xáo bốc hơi thơm lựng, chẳng cần múc làm gì cho rếch bát”.

 

Sau đó là gì? Hỏi gì mà lạ. Ăn, chứ còn gì nữa? Vâng, nhưng ăn ra làm sao? Hãy nghe bài vè kể từng “công đoạn”: “Ngồi ăn chạo rạo/ Uống rượu bằng tô/ Xương xóc mút vô/ Thịt thà cả rổ/ Kẻ thì ăn tộ/ Người lại gặm xương/ Kẻ nhai be sườn/ Người gặm khu lẳng/ Vừa đi vừa cắn/ Cái miệng chèm nhèm”. Rõ ràng, một cách ăn cực kỳ thô tục, ba bứa, chẳng còn phép tắc gì nữa. Mạnh ai nấy ăn. Chẳng thèm nhớ đến lời dặn dò: “Ăn trông nồi ngồi trông hướng”.

 

Đã ăn thịt chó ắt phải có thêm nhạo chứ gì?

 

Đấy! Lại viết sai chính tả nữa rồi. Phải là nhậu mới đúng. Thử hỏi, nhạo là cái gì mà viết nhầm mãi thế? Rằng thưa, không nhầm đâu ạ. Nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ giải thích: “Nhạo: đồ đựng rượu có quay, có vòi như nhạo rượu, ly rượu”. Ca dao Nam trung bộ có câu: “Rượu hồng đào trút nhào vô nhạo/ Kiếm nơi nào nhơn đạo hơn anh”. Chưa hết, “Uổng công anh chùi nhạo xúc bình/ Tới chừng anh đến, phụ mẫu nhìn bà con”. Thế thì, thời điểm ra đời của bài vè này ắt phải có cái nhạo đựng rượu, có thể chứa  đựng rượu cây lý, ba xi đế, Phú Lễ… gì gì đó, chứ tại sao không?

 

Ừ, đựng rượu bằng nhạo hay chai thì cuối cùng vẫn là để… nhậu. Kết quả rực rỡ ra làm sao: “Té xuống đứng lên/ Lại còn nói bướng/ Xưng hùng xưng tướng/ Chẳng đứa nào say”. Ít có ai đã ngất trên cành quất, mềm như cọng bún lại tự nhủ là say cả. Mà thôi, cãi làm cho với người say: “Uống một ly nhâm nhi tình bạn/ Uống hai ly giải hạn cơn sầu/ Uống ba ly mũi chảy đầy râu/ Uống bốn ly ngồi đâu nói đó/ Uống năm ly cho chó ăn chè/ Uống sáu ly ai nói nấy nghe/ Uống bảy ly làm xe lội nước/ Uống tám ly chân bước, chân quỳ/ Uống chín ly còn gì mà kể/ Uống mười ly khiêng để xuống xuồng”.

 

Vậy là xong chăng?

 

Không. Biết đâu dân nhậu lại đối sử thế này? Thế này là thế nào? Nào dám võ đoán, chỉ xin nêu tiếp một đoạn trong bài vè: “Thằng nào ói mửa/ Thì đạp xuống sông/ Đánh lộn la làng cũng vì thịt chó”. Khổ thân, “Ít say còn hét còn la/ Say nhiều như thể con ma không hồn/ Mày đi ăn uống không khôn/ Thiên hạ người đồn xấu hổ lắm thay”. Một khi đọc văn bản nào đó, bài vè này chẳng hạn, nào phải “ca ngợi” món ăn ngon đâu, qua cách ăn còn là ngầm ý phê phán đấy chứ? Ăn nào cũng là ăn, nhưng sao lại phải lồng vào bài vè thịt chó? Thiết nghĩ cũng là một cách răn đời của người xưa đấy thôi. Hiểu như thế, tức là đọc chữ giữa hai dòng chữ.

 

Trở về với từ nhậu.

 

Xin hỏi, cơn cớ gì mỗi lúc lai rai cùng bia bọt rượu chè nói chung, có kèm theo mồi gọi thì tiếng Việt gọi là nhậu? Nói thật, trước kia, y cứ tưởng như không ít người cho rằng, nhậu là tiếng lóng phổ biến trong giới ăn nhậu, trải theo năm tháng, nó đã co chân nhảy một phát vào… Đại từ điển tiếng Việt (1999).  Oách quá. Nhưng thật ra nhầm tất.

 

Từ năm 1895, Đại Nam quấc âm tự vị đã ghi nhận: “Nhậu: Uống. Nhậu rượu: uống rượu; nhậu nước: uống nước; ăn nhậu: ăn, ăn uống”. Ngay cả Tự vị Annam- Phalangsa (1877) của J.M.J cũng đã giải thích tương tự. Thế thì, nhậu theo nghĩa ban đầu là “uống”, nay hàm nghĩa chỉ các cuộc lai rai với nước có men bất kể thời gian, tất nhiên không thể thiếu… mồi. Mồi gì cũng được, nhưng thời buổi này, chẳng phải lên mặt đạo đức, chỉ xin thổ lộ rằng, nếu tránh, không ăn đến cày tơ, mộc tồn thì vẫn tốt hơn. Nào dám khuyên ai. Chỉ tự nhủ lấy chính mình. Cứ ăn riết, biết đâu về sau nữa giống chó… tuyệt giống thì sao nhỉ?

 

Đúng thế, hiện nay đã có nhiều động vật đã tuyệt tích giang hồ cũng vì sở thích của con người đấy thôi. Y còn nhớ, ngày kia có đọc bài báo nọ đang trên báo nọ có đoạn: “Ngôi nhà nhỏ nằm nép mình bên dòng sông Cà Ty chảy qua thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) là nơi đang cất giữ một báu vật của ông Z: bộ sưu tập bướm khô với hàng ngàn con mà ông đã gìn giữ bao nhiêu năm nay. Dù đã qua tuổi 70 nhưng ngày ngày ông Z vẫn miệt mài ép khô từng cánh buớm và nhiều côn trùng khác bổ sung cho bộ sưu tập”.

 

Đọc xong nổi da gà. Cứ như đọc cái tin về “người tốt việc tốt” mà... buồn! Thuở nhỏ, hồi con đi học mẫu giáo, y đã được cô giáo dạy cho bài nhạc thiếu nhi: “Kìa con bướm vàng! Kìa con bướm vàng! Xòe đôi cánh! Xòe đôi cánh! Bươm bướm bay lên trời! Bươm bướm bay lên trời! Em ngồi xem! Em ngồi xem!”. Và cô cũng dạy là không được giết bướm. Lời dạy này, nay vẫn còn bàng bạc trong các sách giáo khoa. Lớn lên một chút, y lại được cô giáo dạy cho biết vai trò của con bướm, của con ong trong việc giúp hoa kết trái. Giúp như thế nào ư? Xin cứ lật lại giáo trình môn sinh học là rõ. Rồi lớn lên nữa, y lại biết việc không giết bướm và các động vật khác là nhằm thể hiện lòng nhân nữa. Một đứa trẻ lớn lên, nếu không được giáo dục về lòng nhân thì điều gì sẽ xẩy ra?

 

Nay, ông Z kia có “bộ sưu tập bướm khô với hàng ngàn con” quả là đáng kinh hãi thật. Biết bao nhiêu con bướm vô tội đã chết tức tưởi vì một cái thói sưu tập? Thói sưu tập này có đáng khen không? Quyết là không! Thử hỏi con ong, cái bướm có tội tình gì mà phải bị giết? Trong khi chúng ta đang kêu gọi mọi người phải ý thức trong việc gìn giữ môi trường thiên nhiên, môi trường sinh thái thì việc làm của ông Z thật đáng phê phán!

 

Trong khoa học, người ta có thể thí nghiệm thuốc vừa phát minh trên một con vật nào đó (như chuột chẳng hạn), để xem phản ứng của nó trước khi dùng cho con người. Việc làm này là nhằm phục vụ cho sự sống của con người, sức khỏe của cộng đồng; hoặc người ta sưu tập loài vật nào đó để phục vụ cho nghiên cứu khoa học. Còn đây chỉ là thói sưu tập nhằm thỏa mãn một thú vui cá nhân, liệu có đáng để… khen?

 

Hãy trở lại với thí dụ: nếu vì khoái khẩu mà… giống chó tuyệt chủng thì sao?

 

Thì lúc ấy, các câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ có liên quan đến chó cũng trở nên xa lạ với thế hệ hệ sau. Mà nói gì thế hệ sau, theo y, hiện nay đã có những câu liên quan đến chó nhưng chắc gì ta có thể giải thích rành rẽ. Chẳng hạn, chó hoa vông, chó luốc, chó mắm trê v.v… À, còn có cả chó lửa nữa đấy. Đùa. Chó lửa, chẳng liên quan gì đến Sống ở trên đời ăn miếng dồi chó/ Chết xuống âm phủ biết có hay không?” - mà chính là tiếng lóng gọi súng sáu, khi bắn khạc ra lửa.  

 

Xin hỏi thêm một câu: “Thế súng sáu là gì?”. Chịu chết à? Không. Từ điển vi.wikipedia cho biết: “Súng ngắn ổ xoay cũng có thể gọi là súng rulô (phiên âm theo từ rouleau, tiếng Pháp nghĩa là cuộn hay con lăn) là loại súng ngắn có hộp đạn kiểu ổ xoay, thông thường chứa 6 viên vì thế thường được gọi là súng lục hay súng sáu, nhưng cũng có thiết kế sử dụng nhiều đạn hơn”. Thế nhưng, tại sao súng sáu gọi “chó lửa”.

 

Ai biết giải thích giúp.

 

L.M.Q 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment