LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 25.12.2018

 

205800cf09e75ca

 

Người Việt yêu thơ, không chỉ thế, họ còn có khả năng làm thơ, thậm chí mở miệng ra, dù không chủ đích nhưng nếu cần vẫn nhịp nhàng vần, du dương giai điệu. Do đâu? Tha hồ cho các nhà nghiên cứu về tính cách người Việt tranh luận, với y, đơn giản là do ngay từ lúc nằm nôi, đứa bé đã được tắm trong suối nguồn của lời mẹ ru con, bà ru cháu. Các bà mẹ quê dù mù chữ, cái chữ cắn đôi cũng không biết nhưng lại thuộc làu làu ca dao, tục ngữ, nhớ như in các áng văn bác học lẫn bình dân như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, vè Mụ Đội, Chàng Lía, Phạm Công - Cúc Hoa, Thạch Sanh-Lý Thông… Nhớ bằng cách truyền miệng từ đời nay sang đời khác. Mạch suối nguồn văn hóa ấy đã tồn tại tiếp nối qua nhiều thế hệ, bây giờ và mãi mãi.

Sở dĩ có được ý kiến này là do khi khảo sát các nhà văn thuở bé học văn như thế nào để về sau lại trở thành nhà văn, hầu hết họ cho biết đã yêu thơ văn qua lời ru từ thuở nằm nôi, chập chững bước đi. Nhờ thế, về sau, có người dù công chúng không gọi nhà thơ nhưng họ cũng biết làm thơ đấy.

Trước hết, y muốn nhắc đến Thạch Lam - dù viết không nhiều nhưng cảm xúc của ông nhìn sự vật bao giờ cũng giữ được nét tươi xanh mơn mỡn. Không già theo thời gian. Không mòn theo năm tháng. Đọc Thạch Lam, bao giờ cũng gợi cho y cảm giác của sự thưởng thức nắng ngọt đầu mùa. Và kìa, năm ấy, mùa xuân đến, Thạch Lam cũng đã làm thơ. Xin chép lại như một tư liệu văn học dành cho các bạn yêu thơ lẫn các nhà nghiên cứu. Tựa bài thơ “Ngày Xuân hái hoa”. Xin lưu ý, cứ 2 câu là xuống dòng:

“Ngày Xuân chị em đi hái hoa/ Vườn mai, đứng dưới gốc mai già/ Hoa mai trắng xóa trong Xuân tươi/ Một chị, một em Xuân mấy mươi/ Gió Xuân!  Dịu dàng tà áo bay/ Gió Xuân! Hoa mai tan tác bay/ Em tay nâng giỏ, chị vin cành/ Bẻ đóa hoa mai với gió xanh/ Ngày Xuân cánh hoa đượm hạt móc/ Hái hoa, hoa rụng vương mái tóc/ Tiếc hoa nên hái giỏ hoa đầy/ Một giỏ hoa Xuân nặng chĩu tay/ Người về tiếc Xuân biết còn ai?/ Còn lại trong vườn Xuân với mai”.

Thơ hay quá. Mà này, có phải thơ Thạch Lam, hay do y bịa ra đấy? Xin thưa, nếu không tin cứ vào thư viện tìm mượn tập 9 Văn hóa ngày nay do Nhất Linh chủ trương tại Sài Gòn vào thập niên 1960 ắt rõ. À, trong đời sống, có những địa danh dù chưa một lần ghé chân đến, nhưng mỗi lần nghe vang vọng thì ta lại cảm thấy tâm hồn nhói lên một điều vui buồn gì đó không rõ rệt. Và cứ nghĩ những ai đã sinh ra trên vùng đất này cũng đều biết làm thơ. Với y, có thể đó là Hà Nội, Hội An và Huế... hoặc dòng sông Seine mơ màng chảy dưới chân cầu Mirabeau trong thơ Apollinaire; hoặc “Mùa địa ngục” chỉ có trong âm vang của thi ca Arthur Rimbaud...

Và Huế, thiên nhiên nơi ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn con người trở thành thi sĩ, trong đó có nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Ông kể về thiên nhiên ấy như tự tình với người tình: “Ở Huế, mùa hạ thường có những cơn mưa bất chợt. Có khi vào buổi sáng, thường là vào buổi chiều. Một thứ chiều chưa chiều lắm, mưa chưa kịp tạnh hẳn, nắng đã đột ngột bừng lên, sáng bằng một thứ ánh sáng trong vắt như pha lê, như những mảng thủy tinh long lanh trong vườn qua những kẽ lá, qua những khoảng cách chật hẹp giữa những hàng cây. Không ai đã đặt tên cho cái màu nắng ấy. Cả tôi cũng vậy. Chính bản thân nắng ấy có tên là nắng thủy tinh. Cái tên cúng cơm của một thứ tinh thể vô nhiểm ở một phút giây màu nhiệm khi được lọt lòng từ thiên nhiên”.

Và một người bụi bặm một cách trong trẻo là Bùi Giáng một lần đến nơi ấy đã nhặt được mấy vần thơ lấp lánh đến diệu kỳ: “Vào thôn xóm trọ một mùa/ Qua xuân tới hạ ghé chùa chiền hoa/ Cô nương mắt ngọc răng ngà/ Nhìn Bồ Tát gọi rằng là: Dạ thưa/ -Dạ thưa phố Huế bây giờ/ Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”. Lần đầu tiên bài thơ này in trong tạp chí Tư Tưởng, số 1 - cơ quan luận thuyết của Viện Đại học Vạn Hạnh - phát hành ngày 15.3. 1971. Và Trịnh Công Sơn, ta không ngạc nhiên với một con người đã ý thức “Sống chết mong manh như thân cỏ hèn mọc đầy núi non”, đã thấm nhuần những lời kinh âm vang đưa linh hồn đi về “Bàng hoàng lạc gió mây miền, trùng trùng ngoài khơi nước lên sóng mềm”. Thì người ấy gần với thi ca lắm.

Bóng dáng của Trịnh Công Sơn quá lớn, thế hệ y và trước đó, sau đó đã được chia xẻ, được an ủi và được nuôi dưỡng tâm hồn bằng âm nhạc của ông. Ông từng nói: “Tôi chỉ là tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình vể những giấc mơ đời hư ảo”. Trong hư ảo ấy, nhiều đôi lứa đã gặp trong đời thực biết bao hoa trái của ông dâng tặng cho Đời. Từ thập niên 60 của thế kỷ XX và sau này, nhan sắc lộng lẫy của người nhạc sĩ ấy mãi mãi vẫn còn ám ảnh trong tâm trí biết bao người...

Không chỉ là người đã để lại trần gian này thông điệp “Quê hương, Tình yêu và Thân phận”, Trịnh Công Sơn còn vẽ, làm thơ. Một bài thơ của ông gần với “chìm khuất trong ta một lời nói vu vơ, chìm khuất sương thu là một đóa thơm tho” - mà y còn nhớ: “Nỗi đau ngày ấy là em ạ/ Là chút hao mòn của bể dâu/ Bể dâu sông bãi con thuyền bé/ Trong cõi vô thường nhẹ cánh chao”. Trong cõi vô thường ấy, có lần ông sực nhớ: “Năm xưa phố lục mây hồng/ Giờ đây Bùi Giáng phiêu bồng nơi đâu?”. Hỏi như vậy, cũng giống như có một lúc nào đó, lúc “buồn bã với những môi hôn”- ta cũng hỏi như thế về Trịnh Công Sơn.

Những tài năng này không mất đi, họ là bụi, gió, mưa, nắng... hiện diện đâu đó trong trí nhớ của ta. Bởi lẽ, ngay lúc giẫm hai chân trên trái đất này, Trịnh Công Sơn cũng đã: “Hôm nay làng xóm vô thường/ Có người đang đứng bên đường ngủ quên”.Ngủ quên” ư? Thì chẳng có lúc, ông nhìn thấy “trung niên thi sĩ” Bùi Giáng là “kẻ đã chìm vào cơn hoang mê bất tận của cuộc đời này” đó sao? Và lúc tỉnh ra, ông lại thấy: “Đường xa mỏng mộng vô thường/ Trái tim chợt tỉnh tôi nhường nhịn tôi”. Và cũng có lúc tự nhủ với riêng mình: “Năm năm mươi tuổi tôi ngồi/ Thiên thu hãy giúp tôi bồi đắp tôi”.

Tại sao lại như thế? Tại sao? Hơn ai hết, Trịnh Công Sơn là người luôn ý thức với câu hỏi dằn vặt “Tôi là ai mà yêu quá cuộc đời này”? Là ai ư?  Điều đó không quan trọng mà “Hãy cứ vui chơi mọi ngày... lòng ta dăm con hạc gầy vút bay...”. Bởi lẽ, theo ông khi ta hiện diện trên cõi đời này thì đó chỉ là “cõi tạm”. Điều này cho thấy Trịnh Công Sơn, cũng như Bùi Giáng dù không phải là một tín đồ suốt đời nghiên cứu về kinh Phật nhưng lại rất am tường triết lý của đạo Phật. Ông lại viết: “Trăm năm cứ gõ vô cùng tận/ Lặng lẽ nơi đây một tiếng cười”.

Một đời người, nghĩ cho cùng, trước đó Nguyễn Gia Thiều cũng đã nhìn ra một cách đau đớn: “Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”. Biết vậy, biết sao không “cần có một tấm lòng” cho nhau? Để làm gì? Để sống nhẹ nhàng hơn, sống đẹp với nhau hơn. Đơn giản vậy thôi. Cuối cùng là “để gió cuốn đi”. Đừng bận tâm. Rồi có một lần, như trong đạo Phật gọi là “duyên”, Trịnh Công Sơn lại gặp nhan sắc xa xăm từ hoa niên tươi trẻ, ông lại viết về duyên hội ngộ này dưới một mùa tuyết trắng: “Bỗng nhiên gặp lại nơi này/ Những khuôn mặt cũ một thời có nhau/ Ngày xưa phố cổ ngọt ngào/ Ngày nay xứ lạ điệu chào ngẫu nhiên”

“Phố cổ” nào vậy? Là Huế. Huế của những mùa “nắng thủy tinh”, của những mùa “mưa vẫn mưa bay”. Để rồi có lúc ngẫu nhiên, ông băn khoăn: “Quế Hương là quế hương nào/ Trời hiu hiu gió ta vào mùa đông/ Ta xưa ở Huế/ Có dòng sông/ Hôm nay ở Huế người không có người/ Bạn bè mỗi đứa một nơi/ Bóng ta phố cũ sóng đôi một mình”. Một mình đi với một mình. Thân phận ấy khiến ta nhớ đến hình ảnh kẻ lưu đày, là chàng Sisyphe hàng ngày nhọc nhằn đầy tàng đá lên núi cao và thả tay cho lăn xuống vực, để rồi lại lập cứ lập lại suốt một kíp người. Đó cũng là thân phận của thi sĩ.

Với Trịnh Công Sơn, ước mơ cuối cùng của ông chính là để lại một thông điệp về cái Đẹp - thông qua tác phẩm của mình - trước khi vĩnh viễn rời bỏ cõi trần gian này. Trong thế kỷ chúng ta, Trịnh Công Sơn là một trong số ít ỏi, rất ít ỏi đã hoàn thành sứ mệnh của chính mình trước lúc về lại cõi vô thường. Vì lẽ đó, ông không mất đi, mà “chìm dưới đất kia một người sống thiên thu”. Và đã từng nhắn nhủ: “Khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình. Hãy hát đi đừng e ngại. Dù hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy cũng là một phần máu thịt của bạn rồi”. Trong tâm thức của nhiều người, trong đó có y, không phải bây giờ, mà từ đã lâu lắm rồi, đã ý thức ca khúc của ông đã là một phần máu thịt trong đời sống tâm linh của chính mình... Mà thật ra không chỉ có âm nhạc, còn có cả thơ của Trịnh Công Sơn nữa. Mà thật ra ca từ của ông chính là những vần thơ kỳ diệu.

Sự kỳ diệu ấy, còn ở nhiều người nổi tiếng khác. Xưa nay, chưa từng nghe ai nói đến thơ của nhà văn Hoàng Đạo - một trong những nhân vật chủ chốt lẫy lừng của sáng giá Tự Lực Văn Đoàn. Vậy, ta hãy đọc thơ của tác giả Mười điều tâm niệm nhé? Xuân đang đến. Nắng đang ngon. Vội gì. Không vội, vì đôi lúc y bâng khuâng tự hỏi: “Thơ có vận vào người đọc thơ, làm thơ?”. Ông Nguyễn Du bảo là có đấy. “Quan rằng: Chị nói hay sao/ Mỗi lời là một vận vào khó nghe”. Ấy là Vương Quan trách Thúy Kiều, lúc chị em nô nức du Xuân. Với Hoàng Đạo, là có đấy. Người anh ruột là nhà văn Nhất Linh đã kể lại mùa Xuân cuối cùng của em mình, lúc cả hai chạy qua Trung Quốc. Họ đón Xuân tại làng Bạch Hạc heo hút, hẻo lánh tại tỉnh Quảng Đông.

Xa quê, buồn rầu thăm thẳm, ngoài chưng bày vài chậu cúc vàng, họ còn viết câu đối đỏ cho đầy đủ phong vị của cái Tết cổ truyền Việt: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ”. Ngày đó, Hoàng Đạo viết: “Tĩnh chỉ thanh u xứ/ Nhàn quan thiên hạ Xuân”. Nhất Linh tự tay viết dán trong nhà và dịch: “Ngồi yên ở một nơi thanh u/ Nhàn nhã ngắm Xuân thiên hạ”. Hỡi ôi, “Câu ấy diễn đúng cảnh của hai anh em chúng tôi vì ở một nơi hẻo lánh và cũng tả đúng cái cảnh ngắm Xuân thiên hạ (Xuân ở hải ngoại). Nhưng cũng báo trước cái chết của Hoàng Đạo”, Nhất Linh cho biết.

Tại sao?

Mùa Xuân năm ấy, trong bài thơ Khai bút cuối cùng đón Xuân, Hoàng Đạo viết: “Nhất chiêu, thừa Bạch hạc” (Một sớm cỡi con hạc trắng). Bạch hạc là tên làng, anh em họ đang dừng chân trên bước đường phiêu lãng, mà bạch hạc cũng là con hạc trắng. Thơ Thôi Hiệu đời Đường có câu: “Hạc vàng đi không ở lại”. Mọi việc đã dự báo trước chăng? “Hạc vàng đi mất từ xưa/ Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay” (Tản Đà dịch). Kể lại câu chuyện này vào mùa Xuân năm Kỷ Hợi - năm y vừa lọt lòng mẹ cất tiếng khóc oe oe, Nhất Linh ngậm ngùi viết bài thơ tưởng niệm em mình.

Bài thơ như thế nào, sao lâu nay chưa hề nghe ai nói đến? Đã thế, lại còn chuyện anh em nhà Tự Lực Văn Đoàn cũng làm thơ mà thơ hay nữa chứ. Có thật hay y bịa chuyện mua vui? Thôi thì, Xuân đang đến, vội gì. Những tư liệu văn học độc đáo này, y hẹn sẽ trở lại vào dịp tới. Chịu khó chờ nhé?

Vâng ạ.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment