LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 26.3.2019

51007175_2467829686579629_6273799252007190528_n

 

Làm người, sướng hay khổ? Khó khó thể tìm thấy câu trả lời chung, nhưng dù giàu dù nghèo thì ai ai cũng có nỗi sướng, khổ mà tự họ mới có thể thấu rõ nhất. Tuy nhiên, bất kỳ ai cũng “Có những niềm riêng làm sao nói hết?”. Những niềm riêng ấy, khó có thể thổ lộ với ai khác, chỉ họ mới cảm nhận một cách thấu đáo nhất.  Với y thì thế nào? Những ngày này chăm con còn bé bỏng tựa chồi non mới nhú, y giật mình nhận ra rằng, niềm sung sướng nhất vẫn là lúc được thong thả đùa chơi với con. Sự cựa quậy, quấy khóc của bé, thậm chí khi bé đã ngủ say vẫn là những giây phút kỳ diệu nhất.

 

Tại sao bây giờ mới nhận ra? Có trễ tràng, muộn màng quá không?

 

Hỏi như thế vì bây giờ, y mới dám quả quyết một cách chắc chắn: Trên đời này, có tuyệt tác khiến người ta ngắm nhìn mải mê không chán, mạo muội nghĩ rằng chỉ có thể là lúc ngắm nhìn con cái. Đơn giản lúc ấy, họ được nhìn ngắm nhìn lấy hình hài của chính mình đã được tái sinh lần nữa. Cuộc tái sinh có thật dưới gầm trời này, không chỉ một mà có thể đôi ba lần. Điều này đơn giản quá, ai cũng biết nhưng tại sao lúc đã lục thập, y mới “ngộ” ra? Có trễ tràng, muộn màng quá không? Không gì muộn màng. Không gì quá sớm. Vấn đề quan trọng nhất vẫn là đúng lúc, đúng thời điểm. Tự an ủi như vậy, bởi vì rằng, hành trình nuôi con là một chặng đường dài, bền lòng và nhọc lòng, âu lo và hân hoan.

 

 Hành trình ấy là gì nhỉ?

 

Khi vừa hay tin bạn vừa có con đầu lòng, nhà biên kịch Đoàn Tuấn đã điện thoại chung vui, chia sẻ và tâm tình: “Từ đây, bạn có dịp trải nghiệm cảm giác như bao người khác”. Cảm giác ấy là gì? Thật khó có thể trình bày một cách mạch lạc, rõ ràng và đầy đủ. Đơn giản, chỉ vì y đang chập chững bước từng bước đầu tiên. Từng bước mày mò. Từng bước thăm dò. Ngỡ ngàng. Mới lạ. Chẳng khác gì một người đang bắt đầu tận mắt nhìn thấy hạt mầm đã trổ, mơn mởn lá xanh và từng ngày nâng niu, chăm chút bằng tất cả lòng thành. Rồi ngày sau, ngày sau nữa sẽ thế nào? Câu hỏi này, những ai lúc còn đơn thân độc mã, đang là “lính phòng không” đã có bao giờ nghĩ đến?

 

Thì đấy, hãy nghĩ lại xem, có phải thời trai trẻ, lúc còn hừng hực máu nóng họ những tưởng chừng chỉ cần co chân nhảy một phát là có thể chạm đến trời và trên tay hái đầy mây trắng; những tưởng chỉ cần há miệng ra có thể nốc cạn mọi suối sông trên cõi nhân gian. Và đáng thương thay cũng đáng yêu thay, họ đã mơ mơ màng màng: “Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất/ Không có chi bè bạn nối cùng ta/ Bởi ghen trời, ta ngạo nghễ xông pha/ Lên vút thẳm, đứng trên nghìn đỉnh núi” (Xuân Diệu). Ảo tưởng (hay mộng tưởng?) này rất cần cho người trẻ tuổi. Đã trẻ thì phải có ước mơ. Có ước mơ, mới có hành động. Hành động nào lại không có trở lực chông gai, khó khăn phía trước? Với tuổi trẻ, họ sẵn sàng đối mặt, không nản chí.

 

Lại nghĩ, nếu muốn tạo nên chất men phóng khoáng, vượt lên, sống có ích cho chính mình và cộng đồng thì lớp người trẻ tuổi như y cần… đọc nhiều, thật nhiều thơ Nguyễn Công Trứ. Chủ đề xuyên suốt sáng tác của một nhà nho “chịu chơi” nhất trong các nhà nho lớp trước vẫn là sự khẳng định lấy “cái tôi” trong cõi trời đất. Cái tôi ấy là công danh, sự nghiệp: “Đố kỵ sá chi con Tạo/ Nợ tang bồng quyết trả cho xong/ Đã xông pha bút trận, thì gắng gỏi kiếm cung/ Làm cho rõ tu mi nam tử/ Trong vũ trụ đã đành phận sự/ Phải có danh mà đối với núi sông”. Con Tạo là ông trời. “Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán” (Cung oán ngâm khúc). Ông trời thường ganh ghét, đố kỵ với người có tài chứ gì? Nếu có đi nữa, ta cũng bất sá chứ huống gì người trần mắt thịt.

 

Nói gọn một lời rằng, cái thời trai trẻ ấy, nhiều đấng “nam nhi chi chí” đã nghĩ phải: “Thông minh nhất nam tử/ Yếu vi thiên hạ kỳ”. Thông minh đã đành, nhưng mình phải có gì khác hơn thiên hạ chứ? Ôi! Tuyệt vời cho khát vọng của tuổi trẻ. Đã thế, họ còn nghĩ rằng, sau này, lập gia đình, cưới vợ sinh con đẻ cái thì ngay cả con mình cũng vậy. Ắt phải là bậc kỳ tài trong thiên hạ, thậm chí còn phải hơn cả mình nữa. Con hơn cha là nhà có phúc. Do nghĩ như thế nên không ít phụ huynh cực kỳ kỳ vọng vào con. Họ nghĩ rằng, những gì mình đã làm, con mình sẽ là người nối tiếp rực rỡ hơn, hoành tráng hơn; những gì mình chưa làm xong, con mình sẽ gánh lấy và hoàn thành phận sự vẽ vang ấy.

 

Thế nhưng đến một ngày, ngày cực kỳ đẹp trời, “Trời đẹp như trời mới tráng gương/ Chim ca, tiếng hát rộn ven tường (Hồ Dzếnh) suy nghĩ ấy… đột ngột thay đổi cái xoạch!

 

Ấy là lúc các đấng mày râu… đưa vợ đi đẻ. Lúc thấp thỏm ngoài đợi ngoài phòng chờ, họ đã nghĩ như đã từng nghĩ như trên? Dù có là gì, dù không là gì, dù có lên voi một bước võng lọng ngựa xe, dù có xuống chó khố rách áo ôm thì suy nghĩ của họ vào khoảnh khắc thiêng liêng ấy, kỳ diệu ấy đều giống y chang: “Mẹ tròn con vuông”. Một ước mơ bình thường, rất bình thường mà Tạo hóa đã ban tặng cho loài người từ hàng triệu, hàng triệu năm nay. Được thế đã là một diễm phúc. Hãy cứ như mọi đứa trẻ bình thường khác đã chào đời. Lúc lọt lòng cất lên tiếng khóc khỏe khoắn rồi từng ngày ăn ngoan, chóng lớn...

 

Mối quan tâm của họ đã thu hẹp lại trong một tầm tay. Tầm tay ấy chỉ từ họ đến hình hài bé bỏng đang nằm trong nôi oe óe từng ngày. Trước kia, những ngong ngóng nhìn ra chín nghìn thế giới, bây giờ, chỉ nhìn vào sự sống của chính mình đã tượng hình qua tiếng khóc rôm rã từng ngày bồng bế trên tay. Vì lẽ đó, nói thật y rất khâm phục và ngưỡng mộ những ai vừa lo toan mái ấm, vừa vươn cánh tay phụng sự cộng đồng, dám hy sinh thân mình, hạnh phúc riêng tư vì nghĩa lớn. Tinh thần nghĩa hiệp này, thời nào cũng quý. Họ vẫn nuôi lấy ước mơ đầu đời, không bỏ cuộc nửa chừng.

 

Đọc sử nước nhà, y cực kỳ khâm phục bản lĩnh của anh hùng Đinh Bộ Lĩnh. Dù con do mình rứt ruột sinh ra, nhưng chớ đem ra tạo áp lực khiến ngài phải chùn bước, đầu hàng. Rằng, từ năm 951, nhà hậu Ngô suy yếu dần, các thế lực nổi lên cát cứ nhiều nơi, đánh nhau liên tục để mong giành ngôi đế vương - thiên hạ gọi là “loạn 12 sứ quân”. Giữa lúc nước nhà loạn lạc chia năm xẻ bảy, Đinh Bộ Lĩnh đã tập hợp lực lượng và theo phò Trần Lãm (tức Trần Minh Công). Sau khi chủ tướng mất, ngài đem toàn bộ binh mã về trấn giữ vùng Hoa Lư núi non hiểm trở. Ngài sai con là Đinh Liễn đến chỗ anh em Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn để triều cống. Nhưng khi Liễn đến, anh em vua Ngô bắt giữ và đem quân tấn công vào căn cứ Hoa Lư. Hơn một tháng vây hãm, đánh dây dưa mãi, bất phân thắng bại. Cuối cùng, quân Ngô đem treo Đinh Liễn trên cây dựng trước cổng thành rồi sai người báo với Đinh Bộ Lĩnh: 

- Nếu không chịu hàng thì sẽ giết Đinh Liễn.

Đinh Bộ Lĩnh tức giận quát lớn:

- Đại trượng phu chỉ mong lập công danh nơi chiến trận, chứ có bắt chước bọn đàn bà xót con đâu!

Nói xong, liền sai mười tay nỏ chuẩn bị bắn vào Đinh Liễn. Thấy vậy, anh em vua Ngô kinh hãi bảo nhau:

- Ta treo con hắn lên là khiến hắn đoái hoài thương con mà mau đầu hàng. Hắn tàn nhẫn như thế thì treo con hắn lên làm gì nữa!

Trước thái độ kiên quyết của Đinh Bộ Lĩnh, anh em vua Ngô kéo quân rút về. Từ đó, ai ai cũng khiếp sợ trước mệnh lệnh của ngài. Ngài đã ra quân thì trước sau răm rắp tuân theo, không ai dám trái lệnh.

 

Trong khi đó, biết bao nhiêu người, trong đó có y, nay đã nhạt dần suy nghĩ “yếu vi thiên hạ kỳ” của thời trẻ. Đại khái, từ nay, họ không còn chỉ biết sống thỏa mãn, háo hức, mặc sức theo sở thích, khát vọng riêng tư mà còn cân nhắc, nhìn trước ngó sau vì sự cật ruột: vợ và con. Cũng vì nỗi lòng lo toan chính đáng ấy, có thể “cái tôi” của thời trai trẻ sẽ bị bào mòn dần (hay phát huy cao độ hơn?). Tùy hoàn cảnh mỗi người. Khó có mẫu số chung. Nói chung, một khi có vợ, nói đúng hơn là lúc có con, người ta sẽ khác xưa nhiều lắm.

 

Khác thế nào sau khi đã có vợ con?

 

Mỗi người sẽ có câu trả lời. Với y, đơn giản rằng thật ra… không gì khác. Vâng, không gì khác. Vì rằng, bất kỳ bậc phụ huynh nào một khi đã tạo dựng được mái ấm bình yên, an lành, nuôi con khỏe dạy con ngoan, với họ đã là một sự hài lòng. Ơ hay, điều này, bình thường quá đi thôi, có gì là yếu vi thiên hạ kỳ” ? Ừ, bình thường đấy nhưng chỉ xin nói rằng, những “nợ tang bồng, xông pha bút trận, gắng gỏi kiếm cung…” đã từng canh cánh thời trẻ, xét ra nhọc nhằn ấy cũng chẳng là “cái đinh” gì đâu, nếu so với… từng ngày nuôi con!

 

Mà này, sự đời vốn đơn giản, miễn là hài lòng với những gì đang có. Việc phải ngong ngóng đứng núi này trông núi nọ, thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào? Việc quái gì cứ chạy theo thiên hạ mà quên đi sở trường, sở đoản của mình? Chẳng việc gì phải so sánh với ai khác. Một người nằm ngủ trong resort năm sao đầy đủ tiện nghi, mọi nhu cầu được phục vụ tận răng; liệu có khác gì người nằm ngoài xó chợ? Không khác gì cả, nếu đêm ấy, cả hai cùng ngủ ngon, ngủ đẫy giấc, không bị ai quấy rày lằng nhằng. Ngủ một giấc bảnh mắt từ đầu hôm đến tận sáng “ngon lành cành đào”. Một người tỉ phú lên ngựa xuống xe, tiền hô hậu ủng, tả phù hữu bật, một lời nói ra thiên hạ cúi đầu; liệu có khác gì người không xu dính túi, chật vật áo cơm, giật gấu vá vai, ăn mắm mút dòi? Không khác gì cả, nếu cả hai cùng có những đứa con hiếu thảo, học hành giỏi giang, không ốm đau bệnh tật…

 

Trong cõi trời đất mênh mông vô cùng, rộng lớn vô tận thì mỗi người có nhiều lựa chọn lấy sự hài lòng, có thể người này khác người kia. Không sao cả. Với y, sực nhớ đến nỗi niềm đã thổ lộ từ năm 2001: “nếu có một đứa con bằng xương thịt/ của chính anh/ cuộc đời anh sẽ khác/ như người đi gieo hạt/ chờ đợi ngày mai gặt hái niềm vui/ như người giong buồm ra khơi/ sẽ đem về hạt muối/ cuộc đời anh nhân đôi/ đó là lần đầu tiên hái ngôi sao trên trời/ đặt tên Sự Sống/ những mệt mỏi chán chường hư vô trống rỗng/ bây giờ xa lạ với chính anh/ đó là lần đầu tiên chạm đến mùa xuân/ đặt tên Nhân Loại/ như người nông dân gắn bó với luống cày/ được thu hoạch mùa vàng vĩ đại/ anh biết từ nay anh tồn tại/ vĩnh viễn giữa trần gian/ giọt máu vẫn chảy/ vẫn chảy/ vẫn chảy/ dẫu sau khi anh đã mất đi rồi/ được nhân đôi cuộc đời/ sợ quái gì cái chết”.

 

Nay, y đang được trải nghiệm cảm giác lúc có con/ nuôi con thì cũng chính “yếu vi thiên hạ kỳ” đấy thôi. Bởi lẽ ít ra, đây chính là những ngày được trải nghiệm cảm giác kỳ lạ nhất trong đời người. Cảm giác ấy, bây giờ y mới có thể biết đến. Nâng niu và cảm nhận từng ngày. Há chẳng phải cảm giác chính mình tái sinh đang từng ngày tiếp nối đấy sao?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment