Mẹ tôi ngồi khâu áo
1.
Vào một đêm xa quê, nơi đất lạ, người lạ, nhà lạ, ngoài trời mịt mù tuyết, tơi bơi gió và trong lòng cồn cào một nỗi nhớ không rõ nét, tự dưng thèm có giọt men lăn dài qua cuống họng. Một ngụm nhỏ. Nhấp nháp. Ngậm trong miệng. Men loang dần. Ấm áp. Một cốc nhỏ, một người ngồi, một Đường thi ngũ ngôn tứ tuyệt. Chỉ cần có thế, đã đủ. Chỉ cần có thế, đã say. Đôi lúc nghĩ rằng, Đường thi ấy như một thứ rượu ngon lưu giữ lâu năm, từ đời này qua đời nọ. Càng về sau, rượu ấy càng ngon. Càng đằm. Càng về sau, Đường thi càng gợi nhớ về một sự trọn vẹn, chỉn chu. Cũng như rượu, thêm một giọt là tràn, thiếu một giọt là vơi. Thay chữ này là hỏng. Đổi chữ kia là xoàng. Nó đã thế, hãy giữ nguyên như thế.
Đêm đầu từ Đà Nẵng tiễn mẹ, quay về Sài Gòn. Mới thấy rằng, đã có một sự trống trải, chống chếnh, trống rỗng, không gì bù đắp nổi. Cứ như hạt bụi lơ lững trong căn nhà. Bèn tự níu, tự ghì lại bằng cách đọc Đường thi. Đọc bài thơ chỉ 30 từ để ru lòng đằm lại. Dịu lại nỗi nhớ quay quắt. Nhắm mắt lại thấy. Nằm mơ lại nhớ. Thấp thoáng bóng mẹ. Chập chờn thấy mẹ. Chỉ thầm gọi “Mẹ ơi” đã đầm đìa tiếng nấc.
Bây giờ, lúc này, hiện tại, y đã là nhà thơ Mạnh Giao (751-814) - gã con trai đi chơi xa trong lòng bồi hồi nhớ mẹ. Du tử ngâm. Khúc ngâm của gã con trai đi chơi xa. Đi chơi thì vui quá đi chứ. Thiên nhiên, trời xanh, mây nước, rượu đỏ, men tình, váy ngắn, ngất ngây, lãng quên thời gian thâu đêm suốt sáng. Vậy cớ gì lại nhớ đến hình bóng mẹ già tựa cửa ở quê nhà? Đó là lúc gã cầm cái áo của mình, quan sát đường kim mũi chỉ, mới hay mẹ mình đã khâu/vá rất kỹ lưỡng, từng chút một.
Với một tâm hồn nhạy cảm, gã cảm động biết rằng, do nghĩ chuyến này con mình đi chơi xa, lâu về nên bà mẹ càng chu đáo. Sự chăm sóc tận tụy ấy, thể hiện tấm lòng của mẹ. “Từ mẫu thủ trung tuyến/ Du tử thân thựợng y/ Lâm hành mật mật phùng/ Ý khủng trì trì quy”. Khổ thơ này, y chọn lấy bản dịch của Lê Lưu Nguyễn: “Áo ấy thân con mặc/ Chỉ này tay mẹ khâu/ Con đi mẹ nhíp kỹ/ Mẹ sợ con về lâu....”. Sở dĩ chọn bản này bởi có một từ rất Quảng Nam: “nhíp” - tức khâu cho liền lại.
Rõ ràng, gã đàn ông đàn ang ấy vẫn độc thân, nếu có, đã là công việc của cô vợ. “Áo anh sứt chỉ đường tà/ Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu/ Áo anh sứt chỉ đã lâu/ Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng”. Hình ảnh chiếc áo rất quen thuộc trong ca dao Việt Nam và trở thành biểu trưng của tình yêu đôi lứa, tình cảm vợ chồng. Lúc mới gặp nhau, anh chàng này tỏ tình: “Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen”; anh chàng nọ liều lĩnh khiến cô nàng la toáng lên: “Thôi thôi buông áo em ra/ Để em đi chợ kẻo mà chợ trưa”; anh chàng kia dò hỏi khôn khéo: “Áo đen năm nút viền tà/ Ai may cho bậu hay là bậu may?”. Đã yêu thì trai cũng như gái. Gái cũng bóng gió xa gần, chứ sao? “Áo anh ai cắt ai may/ Đường tà ai đột, cửa tay ai viền?”- nếu người khác may cho, tức đã có nơi có chốn, còn nói năng gì nữa?
Lúc tình đã bén, lại là: “Em lén phụ mẫu, may cho tình nhân cái áo/ Năm bảy bữa rày, cơm cháo không ăn/ Anh tình nhân ơi, chịu phiền nhận áo bận chăng?/ Bởi em may ở dưới bóng trăng, không có đèn”. Cô nàng may áo dưới ánh trăng lờ mờ sáng, sợ vụng, không khéo, do đó, mới hỏi. Lúc duyên đã vẹn, lại là: “Anh về để áo lại đây/ Canh khuya em đắp gió tây lạnh lùng”. Chiếc áo mong manh ấy, đắp được gió à? Chỉ là một cách nói về sự “quen hơi” của nhau. “Thia lia quen chậu, vợ chồng quen hơi”. Tình cảm thể hiện qua chiếc áo. Một khi sử dụng hình ảnh ấy cũng là lúc người ta muốn gửi đến thông điệp về “trao thân gửi phận”. Phận ấy, duyên ấy đang che đậy bằng tấm áo bề ngoài.
Trở lại với bài thơ của Mạnh Giao. Hai câu cuối, kết lại bằng câu tự hỏi: “Ai rằng lòng tấc cỏ/ Đền được ánh xuân đâu”, ngẫm lại thấy bùi ngùi, rầu rầu bởi vì rằng, “Thùy ngôn thốn thảo tâm/ Báo đắc tam xuân huy”. Ai dám nói tấm lòng của tấc cỏ có thể báo đáp được ánh nắng ba tháng xuân chan hòa, ấm áp? Tấc cỏ là gì? Ba xuân là gì? Hãy nghe nhà thơ Tản Đà giải thích: “Ba xuân như mẹ cha/ Tấc cỏ như thân ta/ Nhờ xuân, cỏ xanh tốt/ Có cỏ xuân vui hoà/ Ta nay như cỏ xuân/ Ngày ngày chơi trước sân/ Nghĩ sao trong tấc dạ/ Cho vui lòng hai thân”. Những người con hiếu thảo đều quả quyết có thể, chẳng hạn, nàng Kiều: “Hạt mưa sá nghĩ phận hèn/ Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân”. Ừ, cứ cho là thế, nhưng rồi một khi ba/mẹ đã về cõi khác, cõi của mây trắng, của trùng trùng tiếng kinh cầu tiễn biệt, liệu còn có cơ hội nữa không?
2.
Thế nào là hạnh phúc?
Sự hạnh phúc của một mái gia đình không gì to tát, lớn lao lắm đâu, tưởng dễ dàng, ai cũng có nhưng nếu không có sự tâm đầu hợp ý của vợ lẫn chồng, làm sao khi lớn lên đứa con có thể nhớ lại: “Cho tôi lại ngày nào/ Trăng lên đầu ngọn cau/ Mẹ tôi ngồi khâu áo/ Bên cây đèn dầu hao/ Cha tôi ngồi xem báo/ Phố xá vắng hiu hiu” (Phạm Duy). Sung sướng thay, anh em y đã có được tháng ngày đầm ấm ấy.
Trở lại với bài thơ của Mạnh Giao. Khi con đi xa, tại sao bà mẹ chọn lấy áo của con nhíp thật kỹ, chu đáo? Sao không quan tâm đến thứ khác? Đơn giản, xưa cũng như nay, cái áo vẫn là sự thể hiện bề ngoài rõ nét nhất. “Quen sợ dạ, lạ sợ áo”. Chẳng bà mẹ nào muốn con mình phải có lúc phải tức tưởi: “Cha đời cái áo rách này/ Mất chúng, mất bạn vì mày áo ơi!”. Tội nghiệp thân con. Không phải ngẫu nhiên, ngày xửa ngày xưa bốn đức tính cần thiết nhất của người phụ nữ được xếp thứ tự: “Công, dung, ngôn, hạnh”. Công là thêu thùa, may vá. “Gái thời chăm chỉ trong nhà/ Khi vào canh củi, khi ra thêu thùa”.
Mẹ y may vá khéo lắm. Lúc đã gần đất xa trời, thỉnh thoảng lại gọi: “Q ơi xỏ kim cho mẹ”. Mắt đã yếu không thể xỏ sợi chỉ qua lỗ kim nhỏ xíu, nhưng bà cụ may vá thì khỏi chê, dù rằng, có lúc không cần thiết nữa. Áo đã rách, dù chưa rách nhưng đã cũ, thay áo mới chứ việc gì phải tỉ mẩn từng đường kim mũi chỉ? Thế nhưng, mẹ y vẫn nhíp, cứ khâu, cứ vá như một niềm vui, như một cách tằn tiện mà tình nết ấy đã có từ thời trẻ. Dám nghĩ rằng, đứa nhóc nào thế hệ y cũng đã từng nhìn thấy mẹ mình ngồi khâu vá. Hình ảnh thân thiện ấy, sao lại không đưa vào sách giáo khoa hỡi các nhà giáo dục? Có đấy chứ. Nếu không, làm sao y có thể nghe cô giáo đọc cho viết bài Chính tả thời lớp Ba học môn Quốc văn?
“Đồng hồ điểm mười hai tiếng. Tôi bỗng thức giấc, thấy mẹ tôi vẫn ngồi khâu bên ngọn đèn con, tay đưa mũi kim thoăn thoắt.
Bên ngoài gió bấc thổi rít từng cơn, hắt mưa vào cửa kính rào rào. Bỗng em Vân cất tiếng khóc the thé. Mẹ tôi ôm em vào lòng cho bú, khe khẽ ru nhưng vẫn cắm cúi khâu.
Thấy mẹ thức khuya quá, tôi hỏi: “Mười hai giờ đêm rồi, sao mẹ chưa đi ngủ? Trời rét thế này, mẹ ngồi khâu mãi làm gì?”. Mẹ tôi âu yếm nói: “Con ngủ đi chứ! Mẹ cần khâu xong để mai con có ấm mặc đi học”.
Thì ra mẹ tôi chỉ lo tôi bị rét mà không hề nghĩ đến sự vất vả của mình bao giờ”.
Nhân vật xưng “tôi” ấy có là anh, là chị, là em? Này em, có phải khó quên nhất còn là ngày khai trường, mẹ gọi dậy sớm hơn mọi ngày, mặc cho em chiếc áo sạch sẻ, thẳng thớm? Hẳn em đã nghe lời mẹ dặn dò: “Cố gắng học cho ngoan, cho giỏi con à”. Nếu nhà nghèo, em lại mặc áo cũ của anh. Mẹ lại bảo: “Chà, áo của anh Hai cũng vừa vặn. Trông con bảnh tỏn ghê”. Có phải lúc ấy em mè nheo, không chịu đến trường, vì không có quần áo mới? Mẹ em hứa, sau mùa thu hoạch bắp sẽ sắm cho em một bộ mới kẻng. Nhưng rồi thời tiết thất thường, mưa ủng đất, lũ ùa về. Bao nhiêu công sức của mẹ đổ xuống dòng sông cuồn cuộn nước trắng xóa.
Thế là đêm đêm mẹ lại lặng lẽ ngồi bên ngọn đèn dầu khâu, vá lại chiếc áo của anh Hai cho em. Trông cũng vừa vặn. Chỉ tiếc trên túi áo một vết mực tím đã loang, mẹ giặt mãi vẫn không sạch. Mẹ lại bảo: “Anh Hai con học giỏi, con mặc áo của anh Hai thì chắc hên lắm đây!”. Mà, ngay cả chiếc cặp da của anh Hai em cũng cũ mềm. Một quai đeo đã đứt. Ừ, cũng chẳng sao. Nhà mình nghèo thì chịu vậy thôi. Còn đỡ hơn con Tí, thằng Tèo phải đi chăn trâu, có được ê a đến lớp đâu. Em cố mím môi cười khì cho mẹ vui lòng. Ngày tháng đó, bây giờ, em muốn quay trở lại, có được chăng? Chỉ nhủ thầm “Mẹ ơi” đã phía sau lưng đã ngàn trùng xa lắc…
Còn nhớ, ngày trước tại căn nhà của ba mẹ trên đường Triệu Nữ Vương, còn có cái giếng. Lúc giặt quần áo cho cả nhà, sau khi đã phân loại, mẹ y nhanh nhẹn múc từng gàu nước đổ vào vào thau. Rồi xắn quần lên tận đầu gối đạp mạnh, nhồi qua ngồi lại nhiều lần lần. Bọt xà phòng tràn ra ngoài thau. “Q ơi! Ra phụ mẹ”. Nào có phụ gì đâu. Lại hào hứng đùa nghịch lấy ống đu đủ nhúng vào nước xà phòng, ngửa cổ lên trời, chu môi thổi ra từng chiếc bong bóng nhỏ xíu. Lấp lánh sắc màu. Thuở ấy, những chiếc bong bóng ấy, chỉ bay lững lơ rồi vỡ. Lạ thay, nay lại khác, lại mường tượng thấy nó nguyên vẹn và lững thững bay theo mẹ về trời…
Lại nhớ đến bài Học thuộc lòng năm học lớp Bốn. Thời nhỏ, sợ thầy cô giáo dò bài nên dẫu không nhìn vào sách vẫn thuộc, vẫn nhớ; lúc đã xa mẹ, vẫn nhớ là nhớ về ngày tháng êm đềm của hoa niên đã vời vợi chìm sâu trong cõi nhớ: “Nhận quần áo, chìm trong thau nước ngập/ Rồi đôi tay nắm từng chiếc xát vò/ Một lát sau thau sủi nước đục dơ/ Trên ván sạch, mảnh áo quần trống trải/ Xà phòng xát ngấm dần vào thớ vải/ Tay mẹ cầm bàn chảy đánh lại qua/ Từng áo quần vắt mạnh, nước đục ra/ Đoạn lại nhúng vào những thau nước khác/ Rồi lại vò, lại chà và lại vắt/ Ba bốn lần đồ thơm sạch, trắng sao”. Gieo hình ảnh về tình mẹ qua những mẩu chuyện nho nhỏ, đời thường đã là một bài học giáo dục khó quên. Làm sao quên, đã có một/nhiều lần đứa trẻ nào không tự nhắc nhở: “Quần áo sạch, nhờ mẹ lo mới có/ Giữ quần áo lâu bẩn: phận làm con/ Ước mong sao tôi chóng lớn khôn hơn/ Để giặt giũ áo quần thay mẹ”?
3.
Một khi mẹ đã đi xa, cầm trên tay chiếc áo, còn hiển hiện đấu vết tình cảm trìu mến của mẹ. Người con nghĩ gì? Nhớ gì hỡi Q? “Áo ấy thân con mặc/ Chỉ này tay mẹ khâu/ Con đi mẹ nhíp kỹ/ Mẹ sợ con về lâu....”. Lúc còn mẹ, gã du tử ham hố đi chơi xa, đi chơi lâu quên béng mẹ già cửa nhẫm tính từng ngày con quay về. Bây giờ, còn có ai đợi chờ, ngong ngóng từng ngày nữa đâu? Chỉ nghĩ đến thế, đã thấy một cảm giác bơ vơ như đêm hôm khuya khoắt giật mình nghe tiếng gió ngang qua cửa sổ, lùa qua tiếng lòng thầm gọi: “Mẹ ơi” rồi bật ra nỗi nhớ không cùng: “Cách xa không vói được/ Cắn áo để tức mình/ Khóc cho trào máu mắt/ Ôm mộng để làm thinh” (Hàn Mặc Tử).
Nỗi lặng thinh ấy, có ai hiểu thấu lòng mình?
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|