LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 10.12.2017



24862164_810553412463358_5551402071256323193_n

 

Đã đọc Nhật ký qua các tập Ngày trong nếp ngày, Ngày viết mỗi ngày, Ngày sống đời thơ, Ngày đi trên chữ ắt nhận ra, thỉnh thoảng y đã tẩn mẩn ghi lại dấu vết lời ăn tiếng nói của tháng ngày đang sống. Ghi để làm gì? Sự thay đổi của một xã hội, còn phản ánh qua ngôn ngữ/ngôn từ chứ không chỉ khảo sát từ những vấn đề to tát chẳng hạn, kỷ cương, luật pháp, chính sách… có ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, nếp sống toàn dân. Mới đây, cũng lời ăn tiếng nói đang phổ biến, khi đọc/ nghe cái câu vừa xuất hiện, y đã ngẩn tò te. Bèn vận dụng trí khôn ngoan đã từng đọc nhiều sách, nghe ngóng nhiều nơi nhưng rồi cũng bù trấc.

Rằng, “5c, 6 ệ, 5 d” là gì?

Xếp nó vào dạng “thành ngữ” mới ra lò hay công thức toán học?

Nếu các nhà làm từ điển tài ba cỡ nhà truyền giáo Đắc Lộ, Huình Tịnh Paulus Của, Lê Văn Hòe, Lê Ngọc Trụ, Lê Văn Đức, Thanh Nghị… từ các thế kỷ trước sống lại e cũng chào thua. Mà cũng phải thôi. Họ không đồng hành cùng chúng ta, làm sao có thể nắm bắt? Tựa như có nhiều vốn từ/ ngữ phổ biến thời đó, nay tìm lại đôi lúc ta cũng ngắc ngứ, đơn giản chỉ vì không còn ai sử dụng nữa. Thời gian đã phủ lên đó lớp bụi mờ lãng quên. Lạ thay, có những từ đồng hành gần đây nhưng rồi đâu phải ai cũng hiểu, ai cũng có thể giải thích rõ nội dung và nhất là nó đã ra đời trong hoàn cảnh nào, lý do tại làm sao?

Trong bài viết Làm nghiêm để lấy lại lòng tin trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 10.12.2017, khi phát biểu về vấn đề Quy trình bổ nhiệm đúng mà sao cán bộ sai?, ông Lê Như Tiến - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã “bật mí” về “công thức” rặt các con số “5c, 6 ệ, 5 d” như sau: “Đúng là việc sử dụng cán bộ theo công thức 5 "ệ" (quan hệ, tiền tệ, hậu duệ, đồ đệ, trí tuệ), 5 "c" (con cháu các cụ cả) đang rất phổ biến. 5 "ệ", 5 "c" đè lên các nguyên tắc khác, dẫn đến hậu quả 5 "đ" (đố đưa đi đâu được)”.

Chỉ ghi đến đây thôi, không dám có thêm lời bình, Vì rằng, trong thời đại đang sống có những điều kỳ quặc đã trở nên bình thường. Riết rồi, chẳng gì đáng ngạc nhiên. Trước kia, kỳ thi nọ ở tỉnh nọ ra đề cho các em học là bàn về chuyện ca sĩ Sơn Tùng đau răng. Báo chí phản ứng ầm ầm. Nay lại một ca sĩ khác cũng nhảy xổm vào đề thi, hầu như báo chí không mấy quan tâm nữa, xem như đã bình thường. Xét rằng, tình thần phản biện trên báo chí dường như đã “chuyển giao” cho các trang mạng xã hội rồi chăng?

Thật khốn khổ khốn nạn cho các bậc phụ huynh khi biết rằng, con cái mình phải “Nung nấu tâm can vò võ trán” với cái đề thi chết tiệt này: “Chi Pu tên thật là Nguyễn Thùy Chi, cô bắt đầu nổi danh từ cuộc thi Miss Teen 2009, hiện là một hot girl được nhiều bạn trẻ yêu thích. Tháng 10 vừa rồi, Chi Pu tung MV Từ hôm nay đánh dấu chuyển mình trở thành ca sĩ. Ngay lập tức, cô vấp phải nhiều tranh cãi trên mạng xã hội.

Hương Tràm là người đầu tiên đưa ra quan điểm mạnh mẽ: ‘Không biết hát thì đừng mang nghề ca sĩ ra để kiếm tiền. Tóc Tiên, Thanh Lam, Thu Minh, Quốc Thiên, Văn Mai Hương cũng có cùng quan điểm. Không chỉ vậy, ảnh chế về cô xuất hiện ở khắp nơi. Những clip xuyên tạc được thực hiện thu hút hàng trăm nghìn lượt xem.

Mặc dư luận ‘ném đá’, giọng ca Từ hôm nay cho biết cô không bị ảnh hưởng nhiều bởi điều này. Hiện, cô vẫn tiếp tục luyện tập thanh nhạc để chứng minh con đường ca hát mình chọn là đúng, mỗi tháng cô sẽ ra mắt một MV.

Hãy hóa thân vào Chi Pu, viết một bài văn tự sự có sử dụng yếu tố biểu cảm kể về một ngày của mình sau khi ra mắt MV Từ hôm nay”.

Đôi khi chẳng thiết phải Nhật ký nữa. Bởi những trò hề nhảm nhí, nhố nhăng bất kỳ ai có nhận thức một chút, chưa đến nỗi phải tạm trú ở nhà thương Biên Hòa cũng thừa biết rằng không nên nói/viết/đề xuất vấn đề đó nhưng rồi nó vẫn cứ diễn ra, chẳng lẽ, mỗi ngày phải ghi nhận rồi bình luận về nó? Có mà ngộ độc chết tươi. Hãy tập cách bình tâm và phớt lờ, cái đề thi nêu trên mà một thí dụ; “đấu tố” nhân vật Chí Phèo để đòi loại bỏ ra khỏi sách giáo khoa là một thí dụ; cải cách chữ Quốc ngữ của Bùi Hiền là một thí dụ v.v… Điều đáng nói hơn cả là sự quái gỡ kỳ quặc đó lại xuất phát từ những người có ăn có học, chứ không phải hạng cùi bắp dốt nát i tờ… Thế thì, bao nhiêu năm các con em chúng ta đã được học hành, học tập từ các bậc nhà giáo uyên bác và  đáng kính ấy?

Mà nào đã hết đâu. Thì cũng báo Tuổi Trẻ ngày 7.12.2019 thông tin rằng: “Giờ vào lớp quá sớm, học trò đờ đẫn vì thiếu ngủ”. Có phải học để làm quan hay không mà từ trước 6 giờ sáng các em học lớp 1 phải thức dậy chuẩn bị đến trường? “Tương tự, tại TP.HCM, hầu hết các trường THCS, THPT đều quy định 6h45 học sinh phải có mặt ở trường. Nhiều trường lấy luôn giờ này là giờ bắt đầu vào tiết 1”. Thậm chí “Để ngăn ngừa tình trạng học sinh đi học muộn, một số giáo viên còn ra "quy định riêng" với lớp mình, là học sinh phải có mặt vào 6h40!”. À, chuyện này không mới, còn nhớ Nhật ký mấy năm trước đã ghi nhận. Dù các bậc phụ huynh la oai oái nhưng nay, có thay đổi gì đâu, “vũ như cẩn”, dẫm chân tại chỗ.

Nhân đây, cũng trích lại từ số Tuổi Trẻ vừa nêu trên để xem học sinh các nước trên thế giới đã vào lớp học có gì khác ta? “Vào tháng 5 năm nay, Singapore có một cuộc tranh cãi về giờ đi học. Hầu hết các trường tại Singapore bắt đầu giờ học lúc 7h30, nhưng trường nữ sinh Nanyang Girls’ High School đã gây chú ý khi dời thời gian vào lớp trễ 45 phút: 8h15. Lý do trường này đưa ra là học sinh cần ngủ đủ giấc để đảm bảo sức khỏe, có buổi sáng tỉnh táo.

Tại Trung Quốc, ở các thành phố lớn, phát triển như Bắc Kinh, Thượng Hải, học sinh thường đi học muộn (ít nhất 8h mới nhập học), và kết thúc lớp học vào khoảng 3h chiều, sớm hơn 2 giờ so với mặt bằng cả nước. Cách thức bố trí thời gian này tương đồng với hầu hết các quốc gia châu Âu, khi giờ nhập học phải sau 8h sáng, và thường kết thúc lúc 14h30- 15h.

Riêng tại Phần Lan, quốc gia nhiều năm nay được ca ngợi về chất lượng giáo dục, có những trường mở đầu ngày học từ 9h-9h45 (mặt bằng chung là 8h-9h sáng), và kết thúc lúc 14h. Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Mỹ cũng khẳng định mốc vào học 8h sáng hiện nay là quá sớm, khuyến cáo các trường chỉ nên cho học sinh vào lớp sau 8h30.

Năm 2014, tờ Herald Sun cho biết bộ trưởng giáo dục Úc Martin Dixon ủng hộ việc linh hoạt giờ giấc vào lớp hơn. Lấy ví dụ, trường điểm Melbourne High School cân nhắc giờ khởi đầu lớp học là 9h30, trong khi Trường Templestowe bắt đầu tận 10h30 sáng”.

Trong nhiều việc làm cần thay đổi, hầu như những ai đó được phong “tổng tư lệnh” của ngành nào đó thường nghĩ đến những việc đội đá vá trời. Trong khi đó thân phận dân đen chỉ ước gì thay đổi từ những việc nhỏ nhặt nhất, sát sườn nhất. Được thế đã là may, chứ cần gì phải những gì to tát mà phù phiếm. Mà việc nhỏ làm không xong thì kham sao nổi việc lớn? Theo dõi thời sự hằng ngày, dễ dàng nhận một điều là có những việc ì ạch, trì trệ quá lâu, dù công luận đã lên tiếng ầm ầm. Thế thì, đôi lúc lại tự hỏi: Đâu là tiếng nói của báo chí nhằm tác động thay đổi một vấn đề nào đó cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn?

 Khi Chế Lan Viên viết: “Quanh hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê/ Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ”. Dửng dưng mọi việc. Không quan tâm gì sất. Có phải đó lúc con người ta quá ngao ngán với hiện thực trần trụi đã diễn ra từng ngày chăng? Có phải đó lúc con người ta cảm thấy mệt mỏi đến bất lực, biết rằng không thể thay đổi được điều gì tốt đẹp hơn, chi bằng chui vào cái tôi tủn mủn nhỏ bé để tìm quên chăng? Nói gì thì nói, sống trong một xã hội tốt đẹp, văn minh, người đối sử với người như đồng loại thì con người ta mới quan tâm đến các giá trị văn hóa chăng? Bằng không chỉ là những vặt vãnh xoay quanh miếng cơm manh áo chăng?

Hằng ngày, y vẫn ngồi một chỗ, cùng bàn phím viết nhì nhằng nhưng đôi lúc cũng thoát ra “tháp ngà văn chương”. Đi xuống phố. Gặp bạn bè nọ kia cùng “buôn dưa lê”. Thật lạ, hầu như không một ai quan tâm, nhắc đến một hai sự kiện văn hóa vừa diễn ra. Biết đâu vẫn có người quan tâm đấy chứ? Ừ, hy vọng là thế. Ghi lại kẻo quên: Hát Xoan Phú Thọ và nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Rằng, tại Jeju, Hàn Quốc, chiều ngày 7.12.2017 trong kỳ họp thứ 12 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003, Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam đã được chọn. Ngày 8.12.2017 sau khi được UNESCO đưa ra khỏi danh mục bảo vệ khẩn cấp, Hát Xoan Phú Thọ cũng ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Báo Thể thao & Văn hóa ngày 7.12.2017 cho biết: “Theo tiêu chí của UNESCO, để được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, hồ sơ Bài Chòi của Việt Nam đã đáp ứng được 5 tiêu chí, chẳng hạn: “Nghệ thuật Bài chòi là một hoạt động văn hoá quan trọng trong cộng đồng làng xã, đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng, được truyền dạy chủ yếu trong trong gia đình, làng xóm, hội, câu lạc bộ và trường học. Việc thực hành di sản Nghệ thuật Bài Chòi thúc đẩy sự bình đẳng về giới tính cũng như sự tôn trọng lẫn nhau giữa các cộng đồng. Việc ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi khuyến khích đối thoại giữa các cộng đồng, các nhóm người và cá nhân; tạo cơ hội trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giữa những người thực hành, qua đó làm phong phú kiến thức và kỹ năng liên quan đến việc thực hành các hình thức nghệ thuật...”.

Sức hấp dẫn của bài chòi, theo y vẫn còn là sự độc đáo “bình cũ rượu mới”. Các con bài, thể lệ chơi vẫn giữ như cũ nhưng trong quá trình chơi, tùy theo cách hô của anh hiệu mà nội dung khác đi. Dù chuyển tải nội dung khác đi nhưng vẫn phải ra con bài đó. Nó được liên tục làm mới. Mỗi thời mỗi khác. Mỗi nơi mỗi khác. Nội dung của “hô thai” có hấp dẫn, có gây vui nhộn hay không còn phụ thuộc vào khả năng ứng biến ngẫu hứng/ chuẩn bị trước của anh hiệu. Khi đọc các sách nghiên cứu về bài chòi, ắt gặp những câu quen thuộc được xếp vào hàng “kinh điển”, tuy nhiên, không chỉ dừng lại đó mà nó còn biến hóa liên tục. Nhờ vậy, người chơi/người tham dự luôn thấy mới mẻ, không nhàm chán do các câu hô thay đổi, không lặp lại.

Năm kia, nhiều năm kia đi chơi Hội An, y đã chú tâm mua các con bài sử dụng chơi bài chòi, nhưng lại không tìm ra. Trong khi đó, cũng chỉ là thứ quen thuộc nơi nào cũng có. Thế mới biết, mặt hàng lưu niệm của ta nghèo nàn biết chừng nào. Ít có sự đột phá, tạo ra được nét biểu trưng văn hóa của địa phương đó, vùng đất đó.

Thông thường vào dịp cuối năm báo chí trong và ngoài nước lại bình chọn nhân vật tiêu biểu của năm. Ở nước Đại Nam này, y đề cử "nhân vật" nào nổi đình nổi đám nhất trong năm? Chỉ có thể là ông BOT chăng? Chỉ có thể là ông Táo/cái lò được đốt nóng bằng củi khô lẫn củi tươi chăng? Đã sắp hết một năm. Lại những ngày viết báo Xuân, báo Tết. Lại những ngày, “Ngồi buồn vọc với sắc màu/ Tím reo đỏ hát rầu rầu nắng mai/ Từ trong một đã là hai/ Kìa hiên Lãm Thúy nọ vai Thúy Kiều/ Tiền Đường xô dạt bóng xiêu/ Vớt lên Dĩ Vãng những chiều rỗng không/ Vẽ chơi lưu dấu bụi hồng/ Bàn tay mười ngón phiêu bồng nhẹ tênh”.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment