LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 8.5.2016

13100791_10201451330761479_7373797883618055797_n

 

Lâu nay, y đứng bên ngoài biến động của đời sống. Chỉ nhủ thầm, hãy cố gắng làm tốt công việc mỗi ngày. Cũng là một cách thể hiện trách nhiệm công dân. Có những lúc đi xuống phố, nhìn cảnh vật mà nhớ đến câu thơ của Nguyễn Đình Thi: “Ôi những cánh đồng quê chảy máu/ Dây thép gai đâm nát trời chiều”. Lòng buồn rười rượi. Cảm thấy xa lạ với thành phố đã gắn bó từ năm tháng tuổi trẻ, sau khi rời khỏi quân ngũ. Đi ngang qua, không dám nhìn, né tránh, ngoặt sang đường khác. Bỏ mặc ngoài tai những tiếng hô hào chống Trung Quốc, bảo vệ môi trường, tiếng kêu dân oan bị lấn chiếm đất đai… Y không quan tâm đến. Bỏ mặc. Lao theo những công việc cơm áo mỗi ngày.

Rồi có lúc giật mình, tự kiểm qua bài thơ dài, rồi xé bỏ, chỉ còn nhớ loáng thoáng: “Hơn hai mươi năm đi làm báo/ Tâm hồn tôi lơ lửng trên mây/ Tôi phóng sự mây, tôi điều tra gió/ Bài báo đời chưa ráo mực đã phai”. Tất nhiên thôi. Xa lánh đời, thì mong gì có được những bài báo có ích cho đời. Rồi cứ thế, tự bằng lòng, hả hê với chính mình. Một con ốc chui sâu vào trong vỏ. Trú thân an toàn. Mặc bão giông gào thét. Những tiếng kêu của đời sống, oan khốc của bụi bặm nhận sinh không chạm đến đời sống yên tĩnh của y.

Và cứ thế, từng ngày y sống.

Nói thì nói thế, thỉnh thoảng, y cũng ham vui, cũng có mặt nơi đám đông biểu tình. Để làm gì? Chỉ để quan sát như một người khách qua đường. Tất nhiên, không mấy quan tâm. Chủ nhật vừa rồi, có người bảo: “Ngoài phố thiên hạ biểu tình đông lắm”, y ngạc nhiên: “Ủa. vậy à?”. Sau đó, lên mạng xã hội kiểm tra lại, quả nhiên, có thật. Nếu báo chí là tấm gương phản ánh hiện thực của đời sống, rõ ràng nó nhợt nhạt lắm. Tự nó đã có một khoảng cách. Và cũng còn có một khoảng cách giữa báo chí và thông tin trên mạng. Trước ngồn ngộn thông tin. Biết tin vào đâu? Thú thật, y cảm thấy khó khăn. Rồi từ nhận thức, từ những gì đã đọc, đã kiểm chứng từ nhiều nguồn lại càng xác tin rằng, đích thị y là kẻ đang đứng bên ngoài. Bên ngoài hơi thở của nhịp sống đang diễn ra mỗi ngày. Y chẳng biết gì sất.

Thế mà làm báo à?

Với ý thức công dân, đôi lúc, y tự cảm thấy xấu hổ cho chính y. Than ôi, cái sự xấu hổ đó thoáng qua rất nhanh. Rồi chẳng mấy bận tâm nữa. Lại cúi gằm mặt vào trang sách. Thời buổi nào cũng có những văn nghệ sĩ sống trong tâm thế dằn vặt đó. Dằn vặt vì hèn, không dám mở mắt nhìn. Có đôi lúc cảm thấy bất lực, lại thở than: “Hãy sống giùm tôi, hãy nói giùm tôi, hãy thở giùm tôi” (Trịnh Công Sơn). Họ cần một nơi trú ẩn. Miễn an toàn. Rồi tìm cách bào chữa sau. “Tháp ngà văn chương” là cụm từ của nhà phê bình văn học Thiếu Sơn (1908-1978). Nhiều người có suy nghĩ như ông: “Tôi tiếp tục sự nghiêp văn chương và lấy làm tự mãn, tự kiêu là mình đã sống trong Tháp Ngà để tài bồi cho văn hóa” (Tạp chí Đứng Dậy, số 64 - 8.12.1974, tr.21). Trách nhiệm của người cầm bút trí thức, chỉ có thể thôi ư? Để viết được câu đó, phải là lần ở tù từ năm 1972-1974, trước đó ông đã "nằm hộp" nhiều lần. Tiếc rằng, tập sách tương đối đầy đủ nhất: Thiếu Sơn - nghệ thuật và nhân sinh (NXB Giáo Dục - 2008). Tập sách này do em ruột của ông là NSƯT Quang Hưng và PGS-TS Nguyễn Thị Thanh Xuân sưu tầm và giới thiệu. Làm "tuyển tập" về một người, có khi chỉ cần mỗi một bài đó, chỉ 1 trang là đủ; mà thiếu mỗi bài đó, dù ngàn trang vẫn là thiếu.

Gần đây, sau vụ cá chết hàng loạt tại Vũng Án (Hà Tĩnh), lan rộng đến các tỉnh miền Trung, tâm hồn y đã xáo trộn. Đã có một nhận thức khác. Chẳng lẽ cứ trăng hoa tuyết nguyệt mãi sao? Hiện thực dữ dội ấy, không còn là của riêng ai nữa. Số phận của dân tộc đang đối đầu với cá chết, ngập mặn, thực phẩm bẩn… Đâu còn là vấn đề của riêng một ai? Mới đây, Báo Tuổi Trẻ từng có bài viết: "Vận nước trên chiếc bàn ăn". Vậy thì, lúc đó, y đang đứng ở đâu với vai trò của một nhà báo, thiên chức của một nhà thơ? Đã qua rồi cái thời anh chàng nhà thơ: “nghĩa là ru với gió/ Mơ theo trăng, và vơ vẩn cùng mây” (Xuân Diệu). Thật ra mơ thì cứ mơ, nào ai cấm cản gì đâu. Nhưng rồi, tự y cảm thấy chẳng ra làm sao cả. Đừng trách bạn đọc xa lánh thơ, hoặc các loại hình nghệ thuật khác, bởi lẽ tự bao giờ, tự lúc nào người sáng tạo ra nó đã thoát ly khỏi đời sống?

Như một cách tự kiểm, sáng ngày 1.5.2016, ngồi trong phòng cắm cúi viết Nhật ký thơ.

những ngày này giật mình tỉnh giấc
nắng ngoài hiên sao tái nhợt thế này?
tiếng chim hót một màu đen xám ngoét
trên đường phố dòng người như xác chết
con mắt cá ươn đi đứng vô hồn
không bình minh chỉ rặt mỗi hoàng hôn
là những ngày đang sống
tôi dửng dưng đứng bên ngoài biển động
không nghe tiếng sóng
đang rền vang nước mắt chảy ròng ròng
ngư dân nhẫn nại nhọc nhằn
nằm dọc biển bờ cứng đờ như xác cá
ôi đất nước bốn ngàn năm vất vả
một miếng ăn cũng nghẹn họng từng giờ
ngày ngày đối mặt với hư vô
liệu ích gì sức sống của thơ
vần điệu véo von cũng ồn như lý thuyết
có cứu được bãi bờ đang giẫy chết
cá đang nằm xếp lớp xác xương khô?
là xác người hiện hữu phía tương lai
có thể là em, có khi là mẹ
là tôi, là anh, là chị...
những cỏ dại hoa hèn
những tăm tối dân đen
đi về phía đường hầm đâu lối thoát?
ngoài biển Đông điệp trùng tiếng hát
ai hát quốc ca Trung Quốc đẹp vô cùng?
Hoàng Sa ơi máu chảy ruột mềm
Tổ quốc ơi đã lìa da mất thịt
ngày đang sống là oan hồn xám xịt
treo chập chờn trên ngọn sóng thời gian
tình yêu tôi đã bốn ngàn năm
đâu mùa vàng rập rờn hương lúa chín
khỏe khoắn đại dương xanh
đâu trăng rằm hương bưởi
vỗ tay hát nhịp dân ca
cánh cò bay lả bay la
chỉ còn trong giấc mơ thăm thẳm
những ngày tôi đang sống
đất nước như con thuyền bị đắm?
chẳng phải đâu
ngày mai thôi, chỉ ngày mai thôi sẽ rợp trời bóng nắng
lại cùng đinh nhẫn nại kéo thuyền lên
tôi nhủ thầm bằng tiếng Việt thiêng liêng

Sáng hôm nay, trời mát hơn một chút, nhờ vài ngày qua đã có chút mưa trút xuống. Trời xanh trong. Đi ăn bún riêu. Trên đường về, ghé lại quán cà phê đường Hàn Thuyên, mới hay hàng quán không được bán vì có biểu tình. Đành đi tiếp. Đi một đoạn nữa, nhìn qua phía công viên thấy cảnh giằng co giữa gã trung niên với hai thanh niên trẻ cùng mặc áo pull, một đen, một trắng. Bên cạnh có một thanh niên niên khác cầm lấy tấm biểu ngữ đã xếp, kẹp vào nách, chỉ chỏ, nói gì đó, nghe không rõ.

Dù bị túm cổ áo, thanh niên trẻ mặc áo pull trắng vẫn đôi co: “Anh bắt em vì lý do gì?”. Gã trung niên vẫn lôi cổ áo, đằng đằng sát khí, không thèm nói gì, chỉ nghe những tiếng chửi thề. Đôi bên vẫn giằng co, lập tức một cú đấm từ dưới quai hàm dội ngược lên mặt. Thanh niên áo pull trắng ôm mặt đầy máu. Lập tức, đám dân phòng mặc áo xanh lá cây đang đứng phía trước chạy ùa tới lôi kéo. Thanh niên áo pull trắng bị đẩy lên chiếc hơi màu đen.

Còn thanh niên áo pull đen thì sao?

Anh ta bị dân phòng bẻ quặt tay, lôi khỏi công viên, dù bị đẩy ra ngoài lề đường vẫn từ tốn: “Mấy anh cho biết tôi bị bắt vì lý do gì?”. Không một ai trả lời. Một chiếc xe cảnh sát vừa trờ tới, anh ta bị tống lên xe. Dòng người vẫn đi qua, vẫn đứng thản nhiên xem. Y tò mò dừng lại nhìn xem tấm biểu ngữ vừa tịch thu có dòng chữ gì, vì lúc đó, nó được trải ngay dưới đất để một vài người chụp bằng điện thoại di động. Y đã đọc thấy dòng chữ như sau: “Chúng tôi muốn biết sự thật vì sao cá chết?”. Cuối dòng chữ đó, có vẽ con cá chỉ còn trơ lại bộ xương.

Lúc đó, chừng 8g45. Đó là vụ bắt bớ trước nhất của ngày hôm nay. Thiên hạ vẫn dửng dưng đứng nhìn, không một ai dám lên tiếng hoặc can thiệp.

Y không nghĩ sáng nay sẽ có biểu tình. Vì thế, rời khỏi đám đông và bước vào quán cà phê thuộc tòa nhà Metropolitan - đối diện nhà thờ Đức Bà. Khác với mọi ngày, thực khách không được ngồi ngoài sân. Nhìn qua các ngã đường Đồng Khởi, Nguyễn Du đều thấy nhiều hàng rào kẽm gai. Đường Nguyễn Du từ phía Hai Bà Trưng đi về đường Đồng Khởi bị chận lại. Đường Đồng Khởi ngay Sở Văn hóa Thông tin cũng có hàng rào kẽm gai chận ngang. Y ngồi trong phòng máy lạnh và nhìn loáng thoáng ra ngoài, nhìn qua tấm cửa gương. Chỉ thấy có nhiều công an và dân phòng. Không mấy người dân còn lảng vảng ở đó nữa.

Chừng nữa tiếng đồng hồ sau, y rời khỏi quán cà phê, bước ra ngoài.

Thật lạ lùng, đột nhiên nghe gào rú điếc tai. Đó là loa phóng thanh. Nẫy giờ ngồi trong phòng kín nên chẳng hay biết gì. Đại khái, yêu cầu người dân tự giải tán, trả lại sự yên bình cho thành phố, nếu ai quá khích sẽ bị sử lý theo luật pháp. Các loa phóng thanh rất to. Nhìn về phía công viên, đập vào mắt y,  trời ơi,  cả một rừng người. Trên tay họ đều có cầm các tấm bảng nhỏ, hầu hết màu trắng, viết chữ đen. Người biểu tình hô vang những gì? Y không nghe rõ. Bèn đi lững thững qua bên kia công viên, phía đối diện và tiếp tục quan sát. Có một anh chàng nọ, đứng cạnh y vừa gương điện thoại đi động chụp hình, liền bị công an cấm cản. Ngay lập tức, có một thanh niên khác mặc thường phục đến bá vai đẩy đi chỗ khác. Chừng 20 phút sau, đám đông chuyển hướng, họ tràn ra phía đường lộ sát nhà thờ Đức Bà.

Y quay về quán cà phê của tòa nhà Metropolitan và tiếp tục đứng quan sát.

Đã có những cuộc xô xát rất dữ dội xẩy ra. Có nhiều người bị bắt, có nhiều người được giải vây.

Đã có một loạt xe buýt cỡ lớn đậu ngay trên đường.

Đã có nhiều người biểu tình bị bắt, đẩy lên xe buýt, xe cảnh sát.

Đã có nhiều cuộc giải vây ngoạn mục giúp người biểu tình không bị bắt.

Đã có những tiếng vỗ tay, cổ vũ khi xe buýt chở người người biểu tình bị bắt vừa lướt ngang.

Cả một rừng người nhốn nháo, la hét, giằng co với dân phòng; có một rừng người vỗ tay hò reo.

Có tiếng nói của ai đó, đứng bên cạnh y: “Nếu là trước đây, bị đàn áp thế này, bọn sinh viên chúng tôi đã đốt xe buýt rồi”. Bây giờ hoàn toàn không hề có. Chỉ là biểu tình ôn hòa. Nghĩ cho cùng, cái đau nhất nhìn đâu cũng thấy người Việt mình.

Còn nhớ lần nọ, ngồi lai rai với anh bạn thuộc thành viên chủ chốt của tờ báo nọ, anh bảo: “Q còn nhớ cái vụ các anh X, Y, Z đến báo mình không?”. Sao lại không? Ngày ấy, “phái đoàn” gồm nhiều thủ lĩnh của phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh tại Sài Gòn trước 1975, bất ngờ ghé đến tờ báo nọ và họ yêu cầu được gặp ban biên tập. Tiếp hay không tiếp và tiếp như thế nào? Họ cho biết là đến để trình bày quan điểm về vấn đề Trung Quốc kéo dàn khoan án ngữ biển Đông; yêu cầu có phóng viên tham dự tường thuật. Cuối cùng, anh bạn của y được ban biên tập phân công tiếp khách. “Thế anh phát biểu gì sau khi nghe và đọc các kiến nghị đó?”. Ngẫm nghĩ một lát anh nói khẽ, giọng buồn buồn: “Dù gì cũng là anh em đàng mình. Thời trước 1975, mấy ảnh là người lãnh đạo trực tiếp của tụi mình. Khó quá. Trước kia, địch ta rõ ràng, không gì phân vân, lấn cấn khi hành động. Nay, dù gì cũng anh em đàng mình”.

Cái khó chính là chỗ đó.

Nhìn chung quanh, với y, chỉ là người Việt da vàng mũi tẹt. Biểu tình có thật. Dùng vũ lực giải tán biểu tình là có thật, nhưng mục đích cuối cùng là gì,  y hoàn toàn không có thông tin để thấu hiểu. Y chỉ là người đứng phía bên ngoài, vì thế không dám có một kết luận nào. Chỉ biết rằng, dù có vì mục đích gì đi nữa, dù là ai nhưng một khi sử dụng vũ lực để giải tán biểu tình thì quyết rằng, đó không phải là phép ứng xử văn minh của một thể chế đang hướng tới mục tiêu: vì dân, do dân, dân biết, dân bàn dân kiểm tra. Nghĩ thế, có đúng không? Lại biết rằng, năm kia, vụ biểu tình chống Trung Quốc diễn ra trước Nhà hát lớn, y có ngồi ở quán cà phê Continaltan để quan sát. Có gặp rất nhiều người quen, anh em báo chí, văn nghệ sĩ. Lúc đó, người biểu tình cầm cờ đỏ sao vàng, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sáng nay, hoàn toàn không hề thấy. Chỉ là những tấm bảng trắng ghi các câu chữ màu đen lên trên đó. Và hầu hết, họ đều còn rất trẻ. Không gặp một ai quen.

Trên đường về, phóng xe ngang qua Bưu điện, định ghé vào Đường sách - nơi đang diễn ra Những ngày văn học châu Âu đang tổ chức lần đầu tiên tại TP.Hồ Chí Minh từ ngày 8.5 đến ngày 12.5.2016. Muốn tạt vào lắm, đang cầm Thư mời. Nhưng thôi, trưa rồi. Hơn nữa, còn phải vào Bệnh viện Gia Định thăm mẹ đang nằm bệnh. Trên đường đi về. Lại thấy các hàng rào kẽm gai đến nhức mắt. Lẫm nhẫm mấy câu thơ chợt đến:

trong Tháp Ngà văn chương
tôi đã sống những ngày gió lộng
âm vang từng tiếng động
là nỗi cô đơn tủn mủn nhạt phèo
phía ngoài trời biểu ngữ hò reo
tôi cẩn thận bịt tai nhắm mắt
ngoài biển Đông bão giông gầm thét
lật ngược tâm hồn chỉ hằn vết dửng dưng
có những ngày rầm rập bước chân
người xuống đường nhiệt tình như tuổi trẻ
tôi quay mặt vào Tháp Ngà lặng lẽ
rị mọ ngôn từ chữ nghĩa vu vơ
không nghe mùi biển mặn cá khô
đã nhầy nhụa ngay từ trong tiềm thức
chả dại gì đối đầu cùng sự thật
cứ hào hứng nhịp đồng ca
còn đây em nõn nà
váy vẫn ngắn thịt da thơm ngon lắm
mặc kệ phố phường dòng người chết đắm
tôi vẫn lửng lơ
những phận nghèo phiêu bạt về đâu?
chẳng việc gì phải biết
tôi chỉ thấy cành non lá biếc
vẫn xum xuê rợp bóng xuống trong đời
có những ngày đường phố sẫm mồ hôi
đòi quyền sống cho những con cá chết
đòi Hoàng Sa giữa đêm đen mù mịt
tôi vẫn cứ thản nhiên ngoài cuộc
ngoài đời sống
phía bên ngoài cơ cực
hỡi anh em hỡi số phận cần lao
tôi đang đứng nơi đâu?

Buồn khiếp. Ông Phùng Quán bảo: “Lúc ngã lòng tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Y vịn vào đâu? Xin thưa rằng:

ngày mai thôi, chỉ ngày mai thôi sẽ rợp trời bóng nắng
lại cùng đinh nhẫn nại kéo thuyền lên
tôi nhủ thầm bằng tiếng Việt thiêng liêng

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment