LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 5.7.2016



dap-an-de-thi-thpt-quoc-gia-mon-van-nam-2016-123

 

Từ nay, vác vali ra khỏi nhà, không còn thấy mẹ dặn dò; quay về nhà cũng không thấy mẹ. Mẹ đã về Đà Nẵng. Cũng là cái cớ để về quê nhà thường xuyên hơn.

Vừa về Đà Nẵng, xem chương trình ca nhạc Boléro tại Nhà hát Trưng Vương. Đã chừng hơn 40 năm, kể từ thời còn đi học, nay mới đặt chân vào lần nữa. Nơi này có chừng 1.2000 ghế ngồi, kể cả trên lầu. Nhìn chung đã khác trước nhiều lắm. Bức tường phía ngoài cửa có bức phù điêu bằng xi măng, đắp hình nổi miêu tả cuộc khởi nghĩa oanh liệt của Hai Bà Trưng. Đêm 2.7.2016 chật kín khán giả. Mừng cho nhạc sĩ Lê Quang - người đã thực hiện chương trình này. Các ca khúc Boléro vẫn còn đủ sức hấp dẫn người yêu nhạc. Sức sống nó còn bền theo năm tháng.

Lần này về Đà Nẵng, ngủ nghỉ tại một resort gần với địa giới với Quảng Nam. Nơi này, thực hiện theo mô hình thiền định, tu tập, hòa nhập với thiên nhiên. Bước vào đã thấy các tượng Phật, chuông, cờ phướng, các thư pháp v.v… Chỉ ăn chay. Cấm uống rượu. Hạn chế cà phê, chỉ uống trà. Mỗi trưa, chiều đều có nhạc tôn giáo nhẹ nhàng, thoát tục vang lên, hòa lẫn cùng sóng biển. Tự dưng nản quá. Với y, mỗi một ngày đã là “tu tập” rồi. Sáng, trưa, chiều, tối đều quẩn quanh trong bốn bức tường với sách. Rồi gõ phím. Từng con chữ. Im lặng. Miệt mài. Cần cù từng ngày còn chưa nên “cơm cháo” gì. Tâm trí còn sân si lắm. Chứ dăm hôm ở lại đây cũng chẳng thể nên tích sự gì. Thế mà lại vác xác vào đó. Đáng đời chưa?

Với y, mỗi lần về Đà Nẵng thư giản là muốn được sống cùng bản năng. Như một cách tái tạo lại năng lượng sống. Về quê, một trong những thú vui của nó còn là được thưởng thức món ăn ngon quê mình. Vậy mà phải chay tịnh mỗi ngày. Ngao ngán quá. Bẽ bàng quá. Thôi kệ. Đành chấp nhận chứ sao. Thiên hạ giỏi thật, có thể nghĩ ra mọi cách để thu hút khách, như cái khu resort này. Đã trở lại Hội An. Ở Cửa Đại đã kè xong đất, cát chống xâm thực của biển. Tuy nhiên, đã không còn bãi biển dài thoai thoải thơ mộng như truóc nữa.

Mấy hôm nay, trên mạng xã hội bàn tán ầm ĩ, có nhiều ý kiến khác nhau về để thi môn Văn của kỳ thi phổ thông trung học quốc gia. Đề thi này, trích đoạn bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ:

Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ
Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ

Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh

Như gió nước không thể nào nắm bắt
Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh

Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy
Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn
Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối
Tiếng heo may gợi nhớ những con đường

Một đảo nhỏ xa xôi ngoài biển rộng
Vẫn tiếng làng tiếng nước của riêng ta
Tiếng chẳng mất khi Loa Thành đã mất
Nàng Mị Châu quỳ xuống lạy cha già.

Tiếng thao thức lòng trai ôm ngọc sáng
Dưới cát vùi sóng dập chẳng hề nguôi
Tiếng tủi cực kẻ ăn cầu ngủ quán
Thành Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời.

Bộ GD và ĐT đã chọn văn bản từ tập sách Thơ Việt Nam 1945 - 1985, NXB Giáo dục, 1985, tr.218. Câu thơ gây tranh cãi là: “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa”. Trước đây, các em học sinh được tiếp cận với văn bản: “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa”. Nhiều người cũng đã thuộc như vậy. Do đó, một khi đề thi có khác đi một vài chữ, lập tức nhiều ý kiến phản đối khác nhau mà ai cũng cho mình có lý. Trước nhiều ý kiến tranh luận, gia đình Lưu Quang Vũ có trưng ra bút tích của tác giả nhưng rồi thiên hạ cũng không tin. Đa số cho không thể dùng từ “bùn” trong ngữ cảnh này.

Một loạt câu thơ có từ “bùn” được lôi ra nhằm minh chứng không thể sử dụng “bùn”. Chẳng hạn, “Rủ bùn đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi). Nếu bùn là quý, chẳng ai rủ đâu. Rồi ai lại không nhớ đến câu ca dao: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Sinh thời nhà thơ Phùng Quán rất cực đoan khi đề nghị: “Đuổi câu phản trắc này khỏi kho báu dân gian”, đơn  giả chỉ vì: “Gốc của sen là thăm thẳm bùn đen”, là sen mọc lên từ chỗ thấp kém, tăm tối nhất. Trần Vàng Sao có câu thơ cũng nhắc đến: “Một vết bùn khô trên mặt đá”. Lại nữa, trong tập thơ Xem đêm của Phùng Cung có câu: “Va dấu chân em/ Khô bùn để lại”. Rõ ràng, bùn chẳng “sáng giá” mảy may gì cả. Trong lời ăn tiếng nói của người Việt còn có: Chân lấm tay bùn, Bùn lầy nước đọng, Đánh bùn sang ao, Rẻ như đất bùn v.v… Bùn chẳng hề “sang trọng”, “vẻ vang” gì. Thế mà đem so sánh bùn với tiếng Việt ư?

Vô lý quá đi mất.

Theo tôi, nhà thơ Lưu Quang Vũ dùng từ “bùn” là chuẩn xác và cực kỳ tài hoa.

Thử hỏi, có thể hiểu “bùn” như các câu thơ, thành ngữ vừa nêu trên? Hoàn toàn không. Theo Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931), có nhiều loại “bùn” như bùn hoa, bùn lầy, bùn lu, bùn non… Dù tên gọi khác nhau nhưng ai cũng biết đó là một thứ đất nhuyễn, mịn, đen sẫm do hòa lẫn trong nước lâu ngày, chưa kết rắn; trong điều kiện tự nhiên thì nhão, khi sấy khô thì rắn. Nếu bùn chính là đất đã “thuần hóa” đến mức cao nhất, thì tiếng Việt đã hoàn chỉnh và hoàn toàn có sức mạnh và khả năng đó. Nói cách khác, mọi sự việc/sự vật đều được tiếng Việt diễn đạt rất “chân”, rất “chuẩn” đến mức tuyệt đối. Khi so sánh “Ôi tiếng Việt như bùn…” là tác giả muốn nhấn mạnh đến sự “thuần túy” của tiếng Việt - có khả năng phản ánh đúng bản chất của sự việc/sự vật. Nó có khả năng diễn tả một cách nhuần nhuyễn, chính xác mọi thông tin nếu cần phải thông báo.

Tuy nhiên không chỉ có thế, Lưu Quang Vũ còn rất tinh tế, ý thức khi không dừng lại “như bùn” mà theo anh tiếng Việt còn là “như lụa”. Sự gợi cảm, uốn éo, lả lơi, phóng khoáng, đa dạng… của tiếng Việt cũng như lụa trước gió, luôn linh hoạt, uyển chuyển. Đâu phải bất kỳ trường hợp nào, tình huống nào cũng dùng đúng, dùng “chân” như từ vốn có. Mà người Việt còn có cách “nói trớ” đi nhằm kín kẽ hơn, “mềm hơn”, thanh lịch hơn,  uyển chuyển như lụa. Hễ ai “có tật giật mình”, chứ cần gì phải “nói toạc móng heo”. Trí khôn của người Việt còn là ở cách sử dụng lời ăn tiếng nói.

Và, sức mạnh của tiếng Việt chính là sự kết hợp của cả hai yếu tố: “thật” (như bùn) và “ảo” (như lụa).

Có hiểu như thế và phải thấy rằng, không phải ngẫu nhiên câu kế tiếp: “Óng tre ngà và mềm mại như tơ”. Xin đừng quên, tác giả dùng “tre ngà” tức tre đằng ngà, tức tre có màu vàng tươi, sọc xanh, thường trồng làm cảnh vì sắc màu nó đẹp nên mới có từ “óng”. Tre phải cứng, thẳng, chặt đổ nó không dễ, tất nhiên rồi. Do đó, mới có câu: “Nhất chặt tre, nhì ve gái”, nhằm chỉ hai việc không dễ dàng chút tẹo nào. Câu thơ này cho thấy, sức mạnh của tiếng Việt còn chính là sự kết hợp của cả hai yếu tố “cứng” (như tre) và “mềm” (như tơ) là vậy.

Một thi sĩ “thượng thừa” cỡ Lưu Quang Vũ khi dùng từ ắt có ý, có tứ chặt chẽ. Rằng, tiếng Việt “thật” và “ảo”; “cứng” và “mềm” thiên biến vạn hóa… Có như thế, dù rằng, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ dẫu có chưa hoàn thiện còn phải cải tiến, thay đổi gì gì đi nữa thì không thể phủ nhận một sự thật hiển nhiên: “Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói”. Hai từ “vẹn toàn” đắc địa làm sao.  Cũng trong bài thơ Tiếng Việt, dịp khác sẽ trở lại với văn bản: “Tiếng Việt ơi! Tiếng Việt ân tình”/ “Tiếng Việt ơi! Tiếng Việt xót xa tình”. Đâu là câu đúng của Lưu Quang Vũ?

Bàn về một văn bản, nhất là với thơ, một khi không ý kiến của tác giả, cách tốt nhất phải có khả năng thẩm thấu và biết phân tích. Nếu không, cứ phát biểu theo cảm tính thì cách làm đó rất xa lạ với thơ. Còn nhớ, câu thơ của Tố Hữu: “Người đi quấn áo chen chân/ Ờ sao như đã quen thân từ nào?”. Thế nhưng có nhiều văn bản lại quyết sửa thành “quần áo”. Giết thơ đấy ư? Xin đừng quên ngữ cảnh của câu thơ trên là diễn tả người tù bị xích chung tay trên đường đi đày lên Đắc Lay, vì thế mới có từ “quấn áo” là vậy.

Lại nhớ lúc hội thảo khoa học về nhà thơ Bùi Giáng tại Trường Khoa học xã hội và Nhân văn, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu tâm đắc với câu thơ của tác giả Mưa nguồn: “Ngoài vườn nụ đứng, nụ đằm”. Lập tức có tiếng xì xào cho rằng, anh nhớ sai câu thơ trên, vì theo tiểu đối: “đứng” sóng đôi với “nằm/ngồi” thì hợp lý hơn. Chẳng lẽ cỡ Bùi Giáng mà lại không biết điều đó à? Nghe ra có lý. Nhưng cái lý đó lại trật lấc bởi thi pháp của của Bùi Giáng là bất chấp sự có lý mà cố tình lái qua một hướng khác. Văn bản của anh Nhật Chiêu là đúng vì Bùi Giáng cũng đã từng viết: “Một lần thấy một ra ba/ Một lần thấy một mà ra bốn lần”. Tại sao “bốn lần”? Có như thế mới là “phong cách” thơ của Bùi Giáng lúc cà rỡn, bông phèn.

Trở lại với sự tranh luận về bài thơ của Lưu Quang Vũ, dám quả quyết rằng văn bản của gia đình tác giả trưng là chính xác, chứ không hề “ngụy tạo” như ai đó đã hồ đồ, không có căn cứ. Câu chữ của nó đúng như đề thì của Bộ GD và ĐT đã chọn văn bản: “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa/ Óng tre ngà và mềm mại như tơ”.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment