LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 27.6.2016

ao-tuong-tho-LMQ


Đôi lúc cảm thấy chán. Chẳng muốn phải viết thêm gì nữa. Nhật ký mỗi ngày cũng bỏ bê. Chẳng màng đoái hoài đến nữa. Một ngày, từng ngày, mỗi ngày có quá nhiều sự kiện, làm sao có thể ghi hết? Ghi thì được, nhưng liệu có dám trình bày cảm nhận riêng tư về sự kiện đó không? Nếu không, ghi lại làm gì? Câu hỏi ấy, trả lời ra làm sao? Mà cần gì phải trả lời. Cứ thế, từng ngày lại trôi đi. Xa thẳm trời. Hun hút mây. Vậy thôi. Dấu vết của một ngày rồi cũng tan biến đi. Dấu vết của một đời cũng hư không nốt. Đừng bận tâm.

Mới vừa đi Tam Đảo. Dăm hôm. Đường lên đi lên và không gian nơi đó gợi nhớ một chút gì đó về Đà Lạt. Thật lạ, những chuyến đi ra Hà Nội, nếu ngủ nghỉ tại nhà nghỉ, khách sạn của hội, đoàn thì luôn có cảm giác sống trong thời bao cấp. Phòng ốc tềnh toàng. Máy lạnh/ máy quạt cà giựt cà tang. Chăn gối hôi hám. Ăn cơm chung. Sáu người một mâm. Đủ người là ăn. Không cần quen biết. Nếu bàn ăn bên cạnh, không có ai, cứ việc lấy thức ăn qua bàn mình. Nếu nhân viên phục vụ phát hiện, ắt phải trả tiền, bằng không thì thôi. Muốn bia bọt, phải trả tiền ngay. Mỗi suất ăn chỉ có thế. Thời buổi này, ngay cả đôi dép trong phòng cũng còn bị cắt cụt đầu; hoặc đôi dép trẻ con; hoặc hai chiếc khác nhau. Ấy là nhằm ngăn ngừa khách thuê phòng “chôm” lấy nó. Phải còn lâu, rất lâu nữa, Tam Đảo mới có thể trở thành một địa điểm du lịch đúng nghĩa của nó.

Tham dự hội thảo về 30 năm đổi mới văn học do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Đại khái thế. Thơ đổi mới thế nào? Câu hỏi này không có câu trả lời. Lúc trao đổi với tổ thơ, nhiều ý kiến cho rằng, cần ghi nhận công cuộc Đổi mới từ năm 1986. Lúc đó, nhà thơ được “cởi trói”, mới được viết đúng những điều mình đã suy nghĩ. Đề tài này, chủ đề nọ không còn bị cấm kỵ. Thế là đổi mới. Lấy cái hữu hạn để áp dụng cho cái vô hạn liệu có đúng?

Văn chương là chuyện của muôn đời. Cái muôn đời ấy được soi rọi bằng cái quy định, ràng buộc cụ thể ngắn hạn thì nó chẳng ra làm sao cả. Quay trở về “bản lai diện mục” của thơ mới đích thực là đổi mới. Chứ không phải dựa vào cái nghị quyết này nọ mà cho rằng đó là đổi mới. Có người bảo, cần đạt đến đỉnh cao như thơ Đường; lập tức, có ý kiến cho rằng vậy hóa ra cần gì đổi mới nữa khi quay về với thành tựu của hàng ngàn năm trước? Có người bảo, Đảng “cởi trói” cho văn nghệ, ấy là đổi mới. Vậy thì cái ông Vĩnh biệt tình em, nhà văn Nga có bị trói hay không mà vẫn có tác phẩm mới? Vậy thì ông Đặng Trần Côn có bị trói hay không mà vẫn có Chinh phụ ngâm?

Thật ra, bất kỳ thể chế chính trị nào cũng tìm mọi cách trói văn nghệ sĩ cả. Vấn đề đặt ra là trong hoàn cảnh đó, họ có dám viết và viết ra làm sao mà thôi. Ở Việt Nam, nhà văn Việt Nam thừa tài năng nhưng không có sự dũng cảm, nhẫn nại, dám viết, dám bỏ vào ngăn kéo, chờ thời tiết chính trị thuận lợi mới công bố. Nôn nóng quá, cần danh quá, nhìn chung đó là tâm lý chung của người cầm bút. Vì những lẽ đó, họ phải uốn éo, tự kiểm duyệt, tự thay đổi cho hợp với khẩu vị, cái tạng của người chọn đăng, dù rằng sự thay đổi đó họ không muốn.

Nhìn chung, những tham luận, tranh luận này nọ chẳng mấy ai quan tâm gì nhiều. Từ lâu nay, những cuộc họp thế này, nghĩ cho cùng vẫn là dịp anh em ba miền gặp gỡ nhau, tâm tình, hỏi han nhau. Thế thôi. Những cuộc gặp gỡ có tính cách dăm ba người thân thiết, đôi khi lại ích hơn những đăng đàn phát biểu này nọ. Mà thôi, cũng chẳng nên bận tâm nhiều làm gì. Viết lách là công việc riêng tư, rất riêng tư, khó có thể ai bảo ban được gì cho ai. Mỗi người một kinh nghiệm. Thậm chí, chẳng ai thèm đọc của ai. Biết thì biết vậy, nghe tên là nghe vậy nhưng đã đọc gì của nhau thì “chịu chết”, khó có thể trả lời rành mạch.

Đôi lúc, nghĩ rằng, các loại hình nghệ thuật hiện nay nó phù phiếm quá chăng? Nói như thế, vì sự kiện thời sự mỗi ngày khốc liệt quá, dữ dội quá, kinh khiếp quá nhưng rồi nhà văn đứng ở đâu? Còn nhiều, rất nhiều vấn đề đáng quan tâm hơn cái chuyện đổi mới thơ thẩn lẫn thẫn. Không phải ngẫu nhiên, khi y đọc bài thơ Ngày sống đời thơ đã được nhiều đồng nghiệp chia sẻ, tán thành là vậy. Với trách nhiệm công dân, hơn ai hết chính nhà văn luôn thường trực câu hỏi ấy ở trong đầu. Nếu không, trang viết nhẹ tênh và cũng chỉ là những vật trang sức làm dáng. Sứ mệnh của thơ không cách biệt với Đời. Khó thay. Viết về đời này nhưng đời sau vẫn còn chấp nhận lấy nó, mới là thơ, bằng không chỉ là những câu khẩu hiệu.

Trong Đông Pháp thời báo,  số 778 (6.10.1928), ông Phan Khôi cho rằng: “Một bài thi, một bài văn, hay là một tập thi, một tập văn mà làm cho người ta quý trọng và lưu truyền được là nhờ có đặc sắc về hai đường: một là về đường mỹ thuật, hai là về đường lịch sử. Đặc sắc về mỹ thuật, nghĩa là thơ văn ấy hoặc tả cảnh hay, hoặc tả tình hay, đủ làm cho kẻ đọc đến mà sanh cảm, cũng như trong khi xem một bức vẽ hoặc xem một tấn tuồng mà giục nỗi vui buồn. Đặc sắc về lịch sử nghĩa là trong thi văn có lưu lại những cái dấu vết của xã hội đồng thời với tác giả; đời sau đọc đến có thể nhờ đó mà nhận ra cuộc đời hồi ấy hoặc ít hoặc nhiều, có thể đem thi văn ấy mà đối chứng với những điều nghi ngờ trong lịch sử. Từ xưa đến nay, những tay văn hào bất tử, thường là gồm cả hai mặt đó”.

Từ suy nghĩ này, ông Phan Khôi than phiền: “Hãy đọc cả tập Bạch Vân am thì thấy ra mười bài như một chục, bài nào cũng tả tình tả cảnh, bài nào cũng nói tâm nói tánh, nói gió nói trăng; song không tìm ra một bài nào có dấu vết của xã hội thời ấy cả. Mà thời ấy là thời họ Mạc tiếm nhà Lê, trong xã hội ta xảy ra biết bao nhiêu là việc, thế mà trong thơ ông Trạng ta bỏ hết cả, không thèm nói đến, dầu nói bóng lấy một vài lời cũng không !”.

Vấn đề Phan Khôi đặt ra là đúng, nhưng với trường hợp Nguyễn Bỉnh Khiêm lại không. Thơ của cụ Trạng Trình đã chạm đến vấn đề cốt lõi của muôn đời, vì thế, nó không cũ. Đọc cái muôn đời ấy vẫn nhìn ra được cái cụ thể, dấu vết của một thời thì đó là tài năng, thậm chí “trời cho”. Trong khi đó, đã có những trang viết được ghi nhận đó là hào khí, tâm thế, khí phách của một thời, thời mới xẩy ra đây thôi, nhưng nay đọc lại đã thấy nó lỗi thời. Có cần phải đưa ra thí dụ không? Cần gì, cứ nghe lại ca khúc của một thời thì sẽ nhận ra ngay đó thôi.

Ra Hà Nội lần này, cũng như những lần trước, lại trở về nhà với sự ái ngại là quà tặng của bạn văn. Vẫn sách. Vẫn tác phẩm của bạn. Đã là người sống bằng nghề viết, kiếm sống nhọc nhằn bằng từng con chữ nên càng thấu hiểu về công việc của nhau. Một tập thơ, một tiểu thuyết có bao nhiêu là chữ. Chữ viết ròng rã ngày nay qua tháng nọ, nhưng rồi khi in ra có mấy ai cầm lên đọc? Có mấy ai sẻ chia những gì đã viết? Nghĩ thế, đôi lúc nản quá. Bèn tự an ủi rằng, ném một vốc muối xuống biển, chẳng là gì nhưng rồi số phận mình, cái nghiệp của mình đã thế. Biết làm sao? Để hóa giải, cách tốt nhất hãy yêu lấy cái nghiệp đó. Vậy thôi.

Sáng nay, nhận đọc tập thơ Mai kia mốt nọ mình rời bỏ người ta của Ngô Nguyệt Hữu. Lại thêm một người đặt chân vào nghiệp nữa rồi. Có thể thoát ra nhanh, có thể lún sâu vào đó cho hết một đời. Chẳng rõ nên vui hay buồn nữa. “Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”. Những tập thơ của bạn bè đã ngày một đầy thêm trong tủ sách. Ai tặng sách gì thì không biết, nhưng hễ tặng thơ thì phải đọc cho bằng được, cho bằng hết. Người sống bằng nghề viết lách, có thể viết được nhiều thể loại khác nhau, tuy nhiên, chỉ có thơ mới phản ánh đúng nhất tâm trạng, thần thái của họ. Đọc một câu thơ, có khi hiểu được một con người.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment