Những câu hỏi thú vị
Trong quá trình này, có những câu hỏi thú vị đã đặt ra, thú thật, tôi không thể biết cách lý giải nhưng cũng nêu ra và mong rằng người sau sẽ tiếp tục đi tìm câu trả lời. Chẳng hạn, trong tâm thức của người Việt từ ngàn xưa đến ngàn sau đã tồn tại ý thức tín ngưỡng Tứ bất tử: Thánh Tản Viên, Đức Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Thánh mẫu Liễu Hạnh. Nhưng trước đó, ít ra từ thời Lê sơ (1428-1527), vị trí của Thánh mẫu Liễu Hạnh chính là Từ Đạo Hạnh - "Địa dư chí" của Nguyễn Trãi cho biết. Vậy lúc nào và tại sao có sự hoán đổi này? Nhà sử học Bùi Thiết cũng đã đặt ra câu hỏi tương tự nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Há chẳng phải một điều độc đáo còn đang thử thách giới nghiên cứu đó sao?
Thiết nghĩ, văn hóa của một dân tộc còn thể hiện rõ nét qua lãnh vực căn bản: ăn, ở, mặc - được đặt trong quá trình giữ nước và dựng nước. Dù cùng mục đích phục vụ cho đời sống của cư dân vùng miền đó nhưng chính nét văn hóa của từng dân tộc đã tạo ra sự dị biệt, nói cách khác văn hóa chính là sự quy định then chốt.
Tôi nhận ra rằng có thể khẳng định toàn bộ tư tưởng văn hóa giữ nước của dân tộc ta suốt mấy ngàn năm gói trọn trong chữ "đánh", không bao giờ ươn hèn quỳ gối, mại quốc cầu vinh. Chiến lược dụng binh thiên tài của cha ông ta đánh giặc, còn là nghệ thuật "mưu phạt tâm công" (đánh vào lòng người) mà Nguyễn Trãi đã nêu bật trong "Bình Ngô sách". Và không chỉ lãnh vực này, nhìn sang các vị tổ ngành nghề, ta còn thấy cả yếu tố thần linh nữa. Nếu Lý Thường Kiệt vận dụng "Thơ thần" thì nhân dân cũng tôn thờ những nhân vật thần thoại như một cách biểu hiện cảm quan mỹ cảm, nếu tước bỏ là làm nghèo đi văn hóa Việt.
Nhà thơ, nhà khảo cứu Lê Minh Quốc với cuốn sách “Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt” - công trình khảo cứu mới của ông. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Khi khảo sát, tôi nhận ra rằng thêm một điều rất đáng quý đã thuộc phẩm chất vẫn là "ăn quả nhớ kẻ trồng cây", "uống nước nhờ nguồn" - hễ những ai có công truyền bá, cải thiện nghề nghiệp nhằm nâng cao đời sống thì thế hệ sau bao giờ cũng tôn vinh, biết ơn từ máu thịt. Mà các cống hiến đó phải nhằm phục vụ lợi ích cho cộng đồng, cho tập thể bởi vì rằng, xin nêu trường hợp của Lê Trừng - một kỹ sư tài ba lỗi lạc đã chế ra súng thần cơ sang pháo nhưng khi bị bắt sang Trung Quốc lại truyền "bí kíp" cho quân đội nhà Minh sử dụng chống lại cuộc kháng chiến của anh hùng Lê Lợi thì nhân dân không tôn vinh tổ nghề. Có thêm một điều độc đáo nữa là các ngành nghề, trải qua năm tháng, chính người Việt đã bổ sung, ngày một hoàn thiện hơn.
Văn hóa là tiến trình vận động
Như ta đã biết văn hóa là tiến trình vận động. Vào cuối thế kỷ XX, lịch sử cận đại nước nhà đã ghi nhận sự thay đổi khốc liệt trong mọi sinh hoạt văn hóa, thưởng thức nghệ thuật, có thể lấy từ cột mốc năm 1858 - khi liên minh Pháp, Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng. Sau khi người Pháp chiếm lấy nước Nam, đặt ách đô hộ thực dân, theo đó là du nhập văn hóa phương Tây. Ban đầu, người Việt yêu nước dị ứng với những thứ "xa lạ" đó nhưng dần dần lại thích ứng với những tiện ích, văn minh, nhu cầu tự thân, cần dùng đến, phải dùng đến. Những gì tiên tiến của người ta đem lại, người Việt cũng tiếp nhận - một nhận thức mới trong thời buổi giao thoa Pháp - Việt. Chính nó đã từng bước dẫn đến thay đổi mỹ cảm, tâm lý sử dụng của người Việt trong sinh hoạt hằng ngày và có tác động dẫn đến sự thay đổi trong văn hóa nói chung.
Vậy, những bậc tài danh nào đã tiếp thu và có công khơi dòng văn hóa mới như một cách đặt nền móng từ thuở ban đầu? Để có được câu trả lời, tất nhiên, tôi phải thừa kế, tiếp thu và chọn lọc từ nhiều nguồn tài liệu của người đi trước đã nghiên cứu. Trong chừng mực nào đó, tôi bổ sung thêm những thông tin mới. Chẳng hạn, lâu nay nhiều người cho rằng "Một kiếp hoa" của Nguyễn Văn Tuyên là ca khúc đầu tiên được công bố trên báo chí nước nhà. Thật ra, vinh dự này thuộc về nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát với "Bình minh", phổ thơ Thế Lữ, in trên Báo Ngày Nay số 121 (31.7.1938)...
Khi khảo cứu văn hóa Việt, hẳn chúng ta sung sướng nhận ra người Việt mình cực kỳ cầu tiến và luôn có suy nghĩ tích cực là một khi tiếp thu giá trị văn hóa mới bao giờ cũng chọn lọc, cải tiến, nâng cao những gì mình đã có; nếu chưa có thì làm theo nhưng vận dụng phù hợp với tâm lý, tính cách của dân tộc mình, tùy vào điều kiện thực tế. Việc làm của các tài danh như Cao Thắng, Trần Đại Nghĩa… chế tạo súng hiện đại; bác sĩ Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch… bào chế thuốc Tây là một trong những ví dụ hùng hồn. Rồi nhìn sang cải lương, kịch nói, xiếc, mỹ thuật…, ta thấy những gì?
Đi tìm câu trả lời, tôi đã dành cả hàng chục năm hoặc nhiều hơn nữa nhưng không bao giờ dám nghĩ đã đạt đến sự hoàn chỉnh, đầy đủ. Tuy nhiên, có một điều thích thú khi nghĩ rằng công việc của mình dẫu còn thiếu sót thì người sau sẽ hoàn thiện bổ sung thêm miễn là trong quá trình đó ta luôn tự nhủ lòng: "Chẳng phải công đâu, may khỏi tội/Bao nhiêu chữ đó, bấy nhiêu tâm" (Phan Bội Châu).
Nguồn cổ xúy trực tiếp cho sự phát triển
Đã từ lâu, tôi ghi trong sổ tay câu nói của ông Federico Mayor Zaragoza (Tổng Giám đốc UNESCO giai đoạn 1987- 1999): "Hễ nước nào tự đặt ra cho mình mục tiêu phát triển kinh tế mà tách rời môi trường văn hóa thì nhất định sẽ xảy ra những mất cân đối nghiêm trọng cả về mặt kinh tế và văn hóa; tiềm năng sáng tạo của nước ấy sẽ bị suy yếu rất nhiều. Một sự phát triển chân chính đòi hỏi phải sử dụng một cách tối ưu nhân lực và vật lực của mỗi cộng đồng. Vì vậy, phân tích đến cùng, các trọng tâm, các động cơ và các mục đích của phát triển phải được tìm trong văn hóa... Từ nay trở đi, văn hóa cần coi mình là một nguồn cổ xúy trực tiếp cho phát triển; và ngược lại, phát triển cần thừa nhận văn hóa giữ một vị trí trung tâm, một vai trò điều tiết xã hội".
(nguồn: Báo Người Lao Động ngày 22.5.2020)
Lê Minh Quốc ra mắt "Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt"
Cập nhật: Thứ tư, 27/5/2020 - 20h2'
Bạn bè, đồng nghiệp khi nhận được bưu phẩm khá nặng của Lê Minh Quốc đều tự hỏi: "lại thơ?". Là bởi, sau khi cưới vợ và có con ở tuổi ngoài 60, Quốc hầu như chỉ viết thơ về con. Ấy vậy mà, khi bóc bưu phẩm, mọi người đều ngạc nhiên vì trên tay là bộ sách xấp xỉ 700 trang "Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt". "Quốc viết khi mô hè?", "Công trình biên khảo nghiêm túc thật đấy!"... lại gọi điện qua lại hỏi nhau.
Tác giả và sách "Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt". |
"Từ năm 1998, khi thực hiện bộ sách "Kể chuyện doanh nhân Việt Nam" (10 tập), chúng tôi đã có ý thức hệ thống, sắp xếp lại các câu chuyện về công đức, sự nghiệp của các danh nhân theo từng chủ đề. Bộ sách này chính là nền tảng căn bản được tiếp tục bổ sung, chỉnh lý để hoàn thành Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt" - lời nói đầu phần nào toát lên mục tiêu, tâm huyết của tác giả. Sách được Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM xuất bản quý II-2020, 687 trang, gồm 5 chương, sắp xếp theo thứ tự thời gian: Vua Hùng và Tứ bất tử, Các vị tổ ngành nghề Việt Nam, Những danh tài sáng tạo tiên phong, Vài cột mốc khơi dòng nghệ thuật hiện đại và Nước non nặng một lời thề.
Có thể thấy, so với các tác phẩm đã xuất bản dạng biên khảo như "Người Quảng Nam", "Kể chuyện danh nhân Việt Nam", "Chuyện tình các danh nhân Việt Nam"... "Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt" được Lê Minh Quốc dồn nhiều công sức và tâm huyết hơn cả. Bộ sách không đơn giản lượt kê "mục lục" về truyền thuyết, công đức của các bậc tiền nhân khai sinh, gầy dựng, phát triển đất nước, dân tộc Việt như Vua Hùng, Thành Tản Viên, Đức Thánh Gióng, Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Chử Đồng Tử; các ông tổ ngành nghề mộc, ngân khố, dệt lụa, thêu thùa, dệt chiếu, đúc đồng, in ấn, ca hát; nhưng người tiên phong trong các ngành nghề mới du nhập vào Việt Nam như kéo xe, làm đèn, tráng gương, làm diêm, làm mũ, hồ là quần áo... mà thật sự là những công trình sưu tầm, nghiên cứu, hiệu chỉnh riêng biệt về họ. Sách cũng không bỏ qua những danh tài sáng tạo tiên phong thời cận, hiện đại như Hồ Nguyên Trừng, Cao Thắng, Trần Đại Nghĩa, Thoại Ngọc Hầu, Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, Bạch Thái Bưởi, Trương Vĩnh Ký, Cao Văn Lầu, Phan Khôi... Mỗi nhân vật mỗi dáng vẻ, cốt cách, công đức, nhưng toát lên điểm chung về trí tuệ, vẻ tinh anh, nét văn hóa độc đáo của người Việt trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nói như tác giả chiêm nghiệm: "Khi khảo sát về ngành nghề, các vị Tổ nghề hoặc các nhân vật tiên phong trong lĩnh vực đó thì cũng là lúc ta thấy được sự phản chiếu, các giá trị văn hóa, tinh thần văn hóa của một dân tộc...".
"Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt" mới vừa xuất bản. Một công trình khảo cứu đề cập đến nhiều tên tuổi lớn, thậm chí là tâm linh của dân tộc, và cả nguồn gốc những ngành nghề đã và đang còn tranh cãi... sẽ khó tránh khỏi tranh luận. Lê Minh Quốc nhận thức rõ hơn ai hết về điều này và cho rằng mục tiêu của mình vẫn là "đi tìm câu trả lời". "Khi khảo cứu văn hóa Việt, hẳn chúng ta sung sướng nhận ra người Việt mình cực kỳ cầu tiến và luôn có suy nghĩ tích cực là một khi tiếp thu giá trị văn hóa mới bao giờ cũng chọn lọc, cải tiến, nâng cao những gì mình đã có; nếu chưa có thì làm theo nhưng vận dụng phù hợp với tâm lý, tính cách của dân tộc mình, tùy vào điều kiện thực tế. Việc làm của các tài danh như Cao Thắng, Trần Đại Nghĩa... chế tạo súng hiện đại; bác sĩ Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch... bào chế thuốc Tây là một trong những ví dụ hùng hồn. Rồi nhìn sang cải lương, kịch nói, xiếc, mỹ thuật..., ta thấy những gì?
Tôi đã dành cả hàng chục năm hoặc nhiều hơn nữa nhưng không bao giờ dám nghĩ đã đạt đến sự hoàn chỉnh, đầy đủ. Tuy nhiên, có một điều thích thú khi nghĩ rằng công việc của mình dẫu còn thiếu sót thì người sau sẽ hoàn thiện bổ sung thêm".
Những ai từng đọc Lê Minh Quốc, sẽ hiểu đây là lời ngỏ nghiêm túc. Gọi cho Lê Minh Quốc, tác giả cũng rất "nhẹ nhàng": "Mình cứ tâm huyết mà viết, có tranh luận càng tốt có sao đâu".
Thế Sinh
http://cadn.com.vn/news/68_225469_le-minh-quoc-ra-mat-dau-an-khoi-dong-van-hoa-viet-.aspx?fbclid=IwAR3-9OJnWK9c6KOMDSZU8H7xNEhAkOmgS3P8LKyKmFtc4VFQXAGbx5-rJ9M)
20 năm tìm hiểu cội nguồn văn hóa Việt
Tác giả Lê Minh Quốc: Tôi tâm đắc với đức tính 'mình vì mọi người'
TTO - Nhà báo Lê Minh Quốc dành hơn 20 năm để theo đuổi đề tài khảo cứu về các cá nhân có ảnh hưởng trong lịch sử Việt Nam, kết quả là tập sách Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt vừa ra mắt bạn đọc.
Thế giới sách kỳ này có cuộc trò chuyện với tác giả Lê Minh Quốc.
Người Việt dám làm
* Nếu tính từ loạt sách Kể chuyện danh nhân Việt Nam hồi năm 1998, ông đã có hơn 20 năm theo đuổi đề tài về các cá nhân nổi bật trong sử Việt, ông tâm đắc điều gì nhất từ hành trạng, công đức của các vị danh nhân này?
- Tinh hoa của một dân tộc, nhìn từ những con người cụ thể, dân tộc nào cũng có và thời nào cũng có. Điều này thể hiện qua công nghiệp của họ để lại cho cộng đồng đương thời và có tầm ảnh hưởng mãi đến đời sau.
Khi khảo sát về các danh nhân của non sông nước Việt, có đặc điểm chung khiến tôi vô cùng ngưỡng mộ: dám làm. Một khi nhìn thấy sự vật, sự việc nào đó đã cản trở bước đường tiến hóa của dân tộc, họ sẵn sàng đương đầu chống chọi và thực hiện thay đổi cho bằng được.
Muốn như thế cần trang bị nhiều đức tính, tùy lãnh vực mà các danh nhân có thể hiện khác nhau, nhưng trước hết việc làm đó không xuất phát từ danh và lại càng không phải vì lợi. Mà, mục tiêu của họ có điểm chung vẫn là vì lợi ích của cộng đồng, lấy đó làm mục tiêu cao nhất.
Nếu chỉ chăm bẵm vì lợi, sức mấy mà các ông Trần Chánh Chiếu, Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà… dám bỏ đồng lương làm thuê đang được chủ trả cao ngất ngưởng để lao vào công việc đang đeo đuổi, dù chưa biết sẽ thế nào.
Nếu vì lợi, sức mấy các ông Đỗ Xuân Hợp, Tôn Thất Tùng… dám bỏ cả cơ ngơi, tài sản tại Hà Nội; các ông Đặng Văn Ngữ, Trần Đại Nghĩa… dám trở về nước để đi theo tiếng gọi hào hùng của cuộc kháng chiến.
Nếu vì lợi, sức mấy ông Phạm Ngọc Thạch lúc chế tạo thuốc Tây, trước khi sử dụng cho người khác đã dám thể nghiệm trên thân thể của mình.
Ở các danh nhân đi trước, tôi nhận thấy yếu tố "mình vì mọi người" rất rõ nét. Tôi tâm đắc với đức tính này.
* Với chiều dài và bề dày văn hóa Việt, các cá nhân trong mỗi thời với nỗ lực của mình có tác dụng "khơi dòng" như cách ghi nhận của ông là một điều thú vị. Nhưng ở ta có tình trạng đời trước khơi ra rồi đời sau để cho ách tắc và lại loay hoay khơi các dòng khác...?
- Trong hiểu biết ít ỏi của mình, tôi cảm thấy đáng tiếc nhất vẫn là lãnh vực giáo dục. Đầu thế kỷ 20, các nhà nho cấp tiến như Phan Châu Trinh, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Đào Nguyên Phổ, Võ Hoành, Hoàng Tăng Bí… đã dấy lên phong trào Duy Tân, đã góp công góp sức thực hiện, phổ biến rộng rãi mô hình giáo dục mới, hoàn toàn mới và cách mạng: Trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Mô hình này đã được các nhà Duy Tân tổ chức tại nhiều địa phương như luồng ánh sáng mới trong công cuộc khai tâm, khai trí.
Vậy, tính cách tiên phong của mô hình giáo dục này hướng đến là gì? Xin thưa, học là thực học, kể cả học nghề. Học là để làm người. Học là để làm giàu trong xu hướng "dân giàu nước mạnh". Quan điểm mới mẻ này nhằm thay đổi suy nghĩ đã tồn tại hàng ngàn năm:
Học để thi cử, để tiến thân bằng cách ra làm quan. Không chỉ có lợi cho mình mà còn "vẻ vang" cho cả dòng tộc: "Một người làm quan cả họ được nhờ". Việc học chỉ trói buộc trong một mục đích hạn hẹp, đáng buồn quá đi chứ?
Thay vào đó, tiền nhân đã khơi dòng nhằm thay đổi một mục tiêu của giáo dục như vừa nêu, tiếc thay cho đến nay não trạng cũ kỹ, lạc hậu trên vẫn chưa giải quyết một cách quyết liệt, triệt để.
Phải thật tâm thay đổi
* Bên cạnh hành trạng của các danh nhân Việt, ông thấy vai trò của giới cầm quyền mỗi thời đóng góp vào việc "khơi dòng văn hóa" như thế nào?
- Thời đại nào cũng thế, nếu việc làm vì lợi ích chung của cá nhân, tập thể được nhà cầm quyền hỗ trợ thì cũng là một yếu tố thuận lợi.
Nếu vua Gia Long, Minh Mạng không khuyến khích, không có chính sách đãi ngộ cụ thể, không tuyên dương công trạng kịp thời, liệu các ông Thoại Ngọc Hầu, Nguyễn Hữu Thận, Hoàng Văn Lịch, Võ Huy Trinh… có hoàn thành xuất sắc khát vọng và vai trò tiên phong của mình?
Nếu Toàn quyền Đông Dương không đồng thuận, liệu họa sĩ Tardieu và Nam Sơn có mở được trường mỹ thuật dạy vẽ theo lối phương Tây?
Nếu chính quyền Pháp gây khó khăn, liệu chừng ông Nguyễn Văn Tuyên có thể đi từ Nam chí Bắc cổ xúy cho tân nhạc?
Sau này, trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc, có một điều không thể không nhắc đến, đó là sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho các bậc trí thức khi họ tiến hành nghiên cứu, chế tạo vũ khí, thuốc men… mà trước đó người Việt chưa biết đến.
Nghĩ cho cùng, vai trò của giới cầm quyền đã có tác động, đóng góp nhất định cho các việc làm tiên phong đó.
* Kết nối từ quá khứ đến hiện tại, theo ông, việc nào cần làm tiếp để dòng chảy văn hóa ấy được sâu rộng và bền vững?
- Trước đây, các danh nhân nước nhà đã khơi dòng văn hóa Việt bằng nội lực tự thân trong nhiều lĩnh vực và để lại dấu ấn rực rỡ lâu bền, thiết nghĩ điểm xuất phát căn bản vẫn là lòng yêu nước, thương dân - thể hiện qua việc đặt lợi ích của cộng đồng lên cao nhất.
Nhờ thế, dòng chảy văn hóa mang tính tiên phong đó đã lan tỏa và cộng hưởng. Nay thế nào? Tôi nghĩ, bao giờ, người Việt thật tâm, thật lòng thay đổi, mong muốn khắc phục các hạn chế về thói hư tật xấu như một lẽ sinh tồn, ắt chúng ta có câu trả lời. Mà việc thay đổi phải là công việc bức thiết của một dân tộc, chứ không là một hai cá nhân riêng lẻ.
Cuốn sách hơn 600 trang khảo sát về các ngành nghề, các vị tổ ngành nghề Việt Nam; những danh tài sáng tạo tiên phong trong nhiều lĩnh vực; những nhân vật khơi dòng nghệ thuật hiện đại như Đặng Huy Trứ “đưa nhiếp ảnh vào VN”, Tống Hữu Định “khai phá sơn thạch nghệ thuật cải lương”, Lương Văn Can “khởi xướng nền giáo dục theo lối mới”, Tạ Duy Hiển “hiện đại hóa nghệ thuật xiếc”...
LAM ĐIỀN
(nguồn: Báo Tuổi Trẻ ngày 4.6.2020)