Có gì ở Sài Gòn để mà ve vãn...?
Quả là e ngại, thậm chí thấy mình bất thường khi vào hiệu sách rồi chỉ mua đúng một cuốn sách này. (“Ve vãn Sài Gòn” của Chị Đẹp, Tủ sách Tuổi trẻ và NXB Trẻ xuất bản 2013, 184 trang).
Lúc đầu tôi thấy cái tên tác giả hơi buồn cười và quê quê, cải lương. Chị Đẹp! Hẳn là người rất tự tin, hoặc người biết tự giễu mình, ấy cũng là sự tự tin. Nhưng dẫu sao giữa bao cái bí danh/nickname/bút danh/nghệ danh… hay giả danh gì gì đi nữa: Kiểu choang choang những tên kiểu Tàu - Hương Cảng, có kèm tí Mỹ, có chút tây hoặc mập mờ, giả nai… có lẽ cái tên Chị Đẹp lại thân mật, dễ thương giàu tinh thần dân tộc, đề cao sự bình đẳng giới…
Tất nhiên tôi chưa được đọc gì của/về Chị Đẹp, nhưng nhìn vào bìa gập biết đấy chỉ là bút danh của một blogger và tác giả đã đưa đến bạn một cuốn trước đó là “Sóng đưa nước”. Vả lại cái tên sách “Ve vãn Sài Gòn” cũng khiêu khích, mời gọi tôi mua, dù đã lâu nay từ ve vãn có cái gì đó không đẹp, mục đích không thật “đàng hoàng”. Bìa sách với định kiến của tôi cũng “tầm thường”, “tỉnh lẻ”, dù hình vẽ cô gái ở bìa về sau mới biết đích thị là tác giả, nhờ cái ảnh nhỏ giới thiệu bên trong…
Thật sự tôi chưa thích gì lắm với loại văn chương, dù mạng đang là bệ phóng đưa bao người thành người viết (writer lẽ nào chỉ nên hiểu là nhà văn cho oai, hẳn cũng bởi dân mình thích nhà/gia, nên mấy tay máy quèn cũng được/tự gọi là nhiếp ảnh gia chẳng hạn). Đã có không ít cuốn tạp văn, truyện ngắn, truyện dài và cả tiểu thuyết nữa được “xuất bản” trên mạng trước, sau đó mới sang bản in giấy. Với hầu hết các tác phẩm như thế, có lẽ nhiều bạn đọc lớp già như chúng tôi chỉ dám trân trọng và không dễ đến gần.
Nhưng với “Ve vãn Sài Gòn” tôi có sự tin và thích thú để đọc hết. Có lẽ là sự khác lạ của cuốn sách. Nó cũng là một sự “tổng hợp” để lôi cuốn người đọc, nhất là khi văn hóa đọc (sách) đang xuống dốc như hiện nay. Chị Đẹp đã đưa vào sách những hình ảnh đen trắng cũ về Sài Gòn của tạp chí Mỹ danh tiếng “Life” rồi từ các nguồn (không rõ) của Google và của vài tác giả người Việt cũng như cả ảnh đen trắng chụp chính mình (?).
Ở đầu mỗi chương đều lấy thơ (hoặc ca từ của bài hát) làm đề từ, có cái hợp, có cái không (như trước chương “Sài Gòn ăn” dùng thơ Hàn Mặc Tử có lẽ không hợp lý, dù hai câu có ăn và đói). Trong tập tạp văn này - tôi mạnh dạn gọi thế - Chị Đẹp còn trích dẫn nhiều tác giả. Có nhà văn (và tất nhiên có nhiều blogger khác nữa…) để có thêm cái nhìn đa chiều, cái nhìn khác và đó là một cách làm sách gây được hiệu quả nhất định.
Viết về một thành phố lớn nhất cả nước như Sài Gòn vậy mà không dễ. Từ xưa đến nay hình như không có nhiều cuốn sách (không hư cấu - nonfiction) về cuộc sống và con người Sài Gòn. (Nếu tôi nhớ không nhầm, thì đáng chú ý gần hai mươi năm trở lại đây chỉ có tác giả Minh Hương với hai tập “Nhớ… Sài Gòn” (tập 1 - 1994, tập 2 - 1998). Có lẽ cũng như ca khúc, sách về Hà Nội là vô địch chăng?).
Đọc “Ve vãn Sài Gòn”, tôi thấy Chị Đẹp đã khôn ngoan chỉ chọn một góc nhỏ Sài Gòn, nhưng rất nổi tiếng, một số nơi như là những biểu tượng của thành phố này và đã có mặt trong nhiều tác phẩm văn học và điện ảnh trong và ngoài nước.
Sự lựa chọn của tác giả “lấy một cái compass và dùng UBND thành phố làm trung tâm, xoay một vòng trong bán kính độ chừng một cây số, đó có lẽ là Sài Gòn trong suy nghĩ của rất nhiều người” là thực tế trong cuốn sách này. (Hình như dân (ở) Hà Nội (như chúng tôi) cũng thường nghĩ thế. Lấy Bờ Hồ làm tâm - nhưng bán kính có lẽ phải là hơn một cây số - thì sẽ ra Hà Nội chăng?).
Từ đây, Chị Đẹp trải lòng ra với nỗi niềm nhung nhớ với những mảnh nhỏ của ký ức: Vẽ Sài Gòn, Sài Gòn ở, Tiếng Sài Gòn, Sài Gòn ăn, rồi đêm, giọt, Noel… ở Sài Gòn; là phụ nữ nên tác giả còn có hẳn một chương Đàn ông Sài Gòn và cuối cùng là cảm nhận của một cô bạn Mỹ vừa chia tay người chồng Sài Gòn về Sài Gòn, chương cùng tên cuốn sách “Ve vãn Sài Gòn”.
Tôi không biết tác giả có tên là Chị Đẹp kia có đẹp thật không, nhưng tin một điều văn chương khá… đẹp. Chắc chắn rồi, những nơi chốn tác giả nhập cuộc, những suy nghĩ, tâm hồn và sự đồng điệu của tác giả về Sài Gòn cho bạn đọc thấy đó là một người từng trải, có điều kiện để so sánh, để thể hiện và có phong thái của một người đàn bà có “đẳng cấp”, “sành điệu” hay nói một cách khác hơn, thuộc tầng lớp trung lưu (trở lên), một người quý phái mới trong thời buổi nhìn đâu cũng thấy hỗn loạn giá trị như chuyển động Brown…
Chị Đẹp viết tinh tế, sắc sảo và không thiếu nụ cười giễu nhại nhỏ nhẹ nhưng đầy cay đắng, chua chát. Tác giả có cách yêu Sài Gòn rất riêng: “Từ đấy tôi yêu Sài Gòn hơn. Sài Gòn đã đi trong bụng tôi bằng một cách ngọt ngào như thế đấy. Sài Gòn thơm ngát mùi kẹo của một thời tuổi thơ. Sài Gòn dài hay ngắn, to hay nhỏ tùy thuộc vào hình thù thỏi kẹo và thời gian tôi ngậm những hạt đường cô kết lại với nhau rồi tan chảy thật nhiều màu sắc trong miệng…”. Sau này tác giả xa Sài Gòn, sang Mỹ nhiều năm, rồi lại trở về Sài Gòn, nhưng tình yêu Sài Gòn thì vẫn thế, có thể chỉ màu sắc và độ ngọt ngào ngắn dài khác nhau.
Nếu là một người đọc khó tính, dù ở Sài Gòn hay ở thành phố khác, có thể cho rằng tác giả có phần cực đoan khi nhận định hay trích dẫn các tác giả (là nhà văn có tiếng, hay là những đoạn viết trên Facebook nào đó) về (thế nào là) người Sài Gòn, hoặc so sánh Sài Gòn với Hà Nội.
Hoặc giả, đi vào một chỗ toilet sạch sẽ thơm tho và thú vị nữa, đúng là thích thật thì đâu phải là điều đặc biệt để mà khó quên Sài Gòn (tr.65 và tr.125). Điều đó cũng không sao, bởi tác giả có quyền nói thẳng những gì mình yêu, ghét, thích và không thích. Tôi cũng không cho rằng: “Elizabeth Gilbert (1) nếu có dịp về thăm thành phố này, sẽ viết được cuốn Eat Pray Sex”.
Nhưng có lẽ nhiều bạn đọc sẽ đồng cảm với nỗi niềm tiếc nuối của tác giả về Sài Gòn: “… chung quanh cái rốn của Sài Gòn có rất nhiều căn nhà chờ đập. Đập một cách thản nhiên không thương tiếc. Chả có gì gọi là kỷ niệm của người này là sự phiền toái của người khác. Quá khứ của một lớp người này là một thời xa lạ của một lớp người khác. Con người tạo nên kỷ niệm cho chính họ và chẳng ai quan tâm đến chuyện xót xa của người khác cả”.
Đọc “Ve vãn Sài Gòn” thấy tác giả luôn là người hoài cổ, hay chính xác hơn là người tân hoài cổ. Sài Gòn biến đổi nhanh quá, mà nhiều thay đổi ấy khó có thể gọi là phát triển, chưa nói đến sự “phát triển bền vững”. Tác giả đã nhớ tiếc ngay cả những gì đẹp đẽ chỉ mới đây thôi đã lại bị cuốn đi bởi cơn lốc kinh doanh đất vàng - nhà mặt phố, cũng như sự tha hóa của không ít người ở nơi thành phố này. Không thể không suy nghĩ khi tác giả chua chát nhận xét: “Có lẽ cô bạn Mỹ của tôi nói đúng, Sài Gòn không còn là một nơi để người ta trụ lại. Sài Gòn bây giờ chỉ là một nơi tụ lại mà thôi”.
Nhân đây, tôi muốn nói rằng, tôi thích cách tác giả đưa cô bạn Mỹ của mình vào trong sách. Cô bạn Mỹ có thật hay chỉ là cái tôi khác của tác giả thì cũng không quan trọng. Chỉ biết, tác giả đưa vào rất khéo léo ở nhiều chương, mỗi khi cần “đối thoại”, “tranh luận” để kiểm nghiệm chính mình, nhiều khi chỉ là trò chơi tâm lý nước đôi. Và tác giả đã rất khôn ngoan khi cho cô gái Mỹ “nói” những lời/viết cuối kỳ cho cuốn sách, dù có thể có người phản đối rằng, “một người Sài Gòn đâu phải là Sài Gòn”, vì thế hai câu nói ấy hình như không là cùng một vấn đề để kết luận.
Theo tôi, cuốn sách này có phần đóng góp của nhà văn Nguyễn Đông Thức - một nhà văn tôi quý mến. Anh không làm “nhiệm vụ” như Kim Thánh Thán, Mao Tôn Cương và cũng không chỉ làm việc còmmen (comment) tùy hứng và đã đưa ra những nhận xét, đóng góp, gợi mở cho từng chương sách, thậm chí có cả những lời khuyên chân tình, rất có lý cho người viết. Đến nỗi tôi thấy anh viết khéo, nhưng thẳng thắn như… người đàn ông Sài Gòn.
(1) Tác giả Mỹ Elizabeth Gilbert là tác giả cuốn tự truyện “Eat, Pray, Love” đã được dịch sang tiếng Việt “Ăn, cầu nguyện và yêu” (Nhã Nam và NXB Phụ nữ 2009, tái bản 2011). Chị Đẹp “nghĩ” bà sẽ viết tác phẩm ''Ăn, cầu nguyện, tính dục'' khi đến Sài Gòn.
(2) Có lẽ như nhiều bạn đọc, tôi hơi ngại cuốn sách này vì tác giả dùng tiếng tây nhiều quá, mà không chú giải gì hết. Ngoài ra, cũng có chỗ tôi nghĩ người viết (hay người đánh máy) sai, thí dụ như tr.135 Grivral (viết đến 4 lần) có phải là Givral? Nhưng tôi không dám chắc, vì có khi tác giả chơi chữ chăng? Cũng như tác giả đã chơi chữ rất thú vị: Karaoke thành karaOK!
Y TRANG
(nguồn: báo LĐCT - Số 31 - Thứ năm 01/08/2013/ http://laodong.com.vn/Lao-dong-cuoi-tuan/Co-gi-o-Sai-Gon-de-ma-ve-van/130398.bld)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|