THƠ Thơ trước 1975 LÊ MINH QUỐC: THUỞ MƠ LÀM... THI SĨ - LỤC BÁT NGÀY RỜI XA MÁI TRƯỜNG

LÊ MINH QUỐC: THUỞ MƠ LÀM... THI SĨ - LỤC BÁT NGÀY RỜI XA MÁI TRƯỜNG

Mục lục
LÊ MINH QUỐC: THUỞ MƠ LÀM... THI SĨ
1. Thuở mơ làm... thi sĩ
2. Những bài thơ không có nhuận bút
3. Năm ấy tôi 16
EM TÔI
CHO TRƯỜNG XƯA
HẠ, MÙA PHƯỢNG NỞ
GIÂY PHÚT ÊM ĐỀM
LỄ VU LAN
NGHĨA MẸ NHƯ NƯỚC Ở NGOÀI BỂ ĐÔNG
CHỢT MÙA THU ĐẾN
NGÀY MỚI
CHO TA
LỤC BÁT HỒN NHIÊN
HOA MẪU ĐƠN
CÂY THÔNG
XUÂN QUÊ HƯƠNG
TRẦM TÍCH
NHƯ GIỌT SƯƠNG ĐÊM
ĐI HỌC ĐẦU XUÂN
MẸ VÀ LỊCH SỬ
LỤC BÁT NGÀY RỜI XA MÁI TRƯỜNG
THẦY VÀ MẮT BÉ
LỤC BÁT THIÊN BẤT HỦ
VÀNG SON XƯA
ĐÔNG VỀ CHỢT NHỚ DÁNG XƯA
CỤ ĐỒ NHO
THƯƠNG CHA MẸ
BÉ VÀ DĨ VÃNG
ĐÊM LỄ NOEL
MẸ VÀ NGÀY GIÁNG SINH
MỘNG MƠ
ĐÊM XUÂN HỒNG TUỔI THƠ
XUÂN TRONG TRÍ NHỚ
NGẬM NGÙI
THOÁNG NGẬM NGÙI TRONG NGĂN TIM BÉ NHỎ
ĐÓA HỒNG TUYỆT VỜI CHO GIA ĐÌNH
SUỐI MƠ
HẠNH PHÚC
(KHÔNG NHỚ IN BÁO NÀO, KHOẢNG 1973-1974)
Tất cả các trang

 

LỤC BÁT NGÀY RỜI XA MÁI TRƯỜNG

      Đây là những bài thơ được chọn in trong tập thơ Phù Sa do Gia đình Thiếu Nhi ở Đà Nẵng thực hiện, quay ronéo vào năm 1974. Tôi còn nhớ là ngoài bìa nhờ Huỳnh Hương (nay ở Mỹ) vẽ một cô gái tóc dài xõa tóc đứng trước biển. Chúng tôi có tổ chức vào tận lớp của các trường Tây Hồ, Nguyễn Tri Phương… xin thầy cô cho năm mười phút để giới thiệu về tập thơ và rao bán, thu tiền. Cách làm này khá phổ biến thời đó.

       Đến nay, tôi vẫn còn giữ nhiều tập thơ quay ronéo tương tự, đáng chú ý nhất là tập Trái sầu chín từ nỗi chết của Lữ Tùng Anh. Anh chàng này từ Đà Lạt xuống Đà Nẵng và bán tập thơ này tại trường Tây Hồ, lúc đó, tôi đang học lớp 7. Mở ngoặc, khi viết những dòng này, tôi lên goolge tìm hú họa thông tin về Lữ Tùng Anh, ai ngờ lại gặp trang thơ tác giả này. Chao ôi! Là thế giới mạng. Đóng ngoặt.

      Cỏ Non, bút danh của Nguyễn Văn Sanh, hiện nay ở Đà Nẵng. Anh của Sanh là Nguyễn Văn Nhân cũng làm thơ ký bút danh Bạc Hà. Sau này, Nguyễn Văn Nhân có xuất bản vài tập thơ.

       Hoàng Dũ Linh, bút danh của Nguyễn Văn Phú (Phú De) hiện ở Sài Gòn.

     Hoài Nguyên Giang, bút danh của Nguyễn Phát ở Đà Nẵng, đã chết, đúng như câu thơ Phát đã viết: “Đôi ta cách biệt phương trời”.

       Mừng Hoang Vu, bút danh của Phan Vân Sơn, trưởng gia đình Thiếu Nhi ở Đà Nẵng. Nay vẫn còn ở Đà Nẵng.

      Lương Văn Bình, có thể là tên thật của Hùng Vỹ, trong gia đình Thiếu Nhi ở Quảng Tín, Tam Kỳ. Không rõ nay thế nào, tôi chưa biết mặt.

      Nguyễn Trường Anh tên thật là Nguyễn Lặc ở Diên Khánh (Nha Trang). Sau đó, anh đổi bút danh là Nguyễn Tường Anh. Không rõ nay thế nào, tôi chưa biết mặt.

      Đằng Linh trong gia đình Thiếu Nhi ở Quảng Tín, Tam Kỳ. Không rõ nay thế nào, tôi chưa biết mặt.

     Khi in xong tập thơ Phù Sa, chúng tôi đã gửi tặng nhà văn Nhật Tiến ở Sài Gòn và ông đã chọn trang thơ này in trên báo Thiếu Nhi số 125 ra ngày 1.6.1974.

(Sài Gòn tháng V.2012)

 

1. THIÊN BẤT HỦ

Bé ghi kỷ niệm ngày xanh

Bao nhiêu thương nhớ trên nhành yêu thương

Gọi lòng tình nghĩa vấn vương

Bé ghi lưu bút xanh hương học trò

2.  CỎ NON

Lá me bay, tóc hoa cài

Xếp cho nhung nhớ ẩn hoài ngăn tim

Kỷ niệm chừ cũng làm thinh

Sân ga sáng sớm một mình về quê

3. HOÀNG DŨ LINH

Hạ ơi! Ta gửi đôi lời

Nhắn cùng nhành phượng và mời chú ve

Đừng sầu bi thảm sang hè

Cho tình ta gửi gió nghe trộm lời

4. HOÀI NGUYÊN GIANG

Vòng tay siết chặt bên nhau

Trao nhau lưu bút lệ sầu vương rơi

Đôi ta cách biệt phương trời

Trong ba tháng hạ đầy lời nhớ mong

5. MỪNG HOANG VU

Thơ làm em tặng trường xưa

Rong rêu lá phủ thầy xa, bạn về

Hè sang ve hát lê thê

Còn em sân nắng buồn ghê là buồn

6. LƯƠNG VĂN BÌNH

Mây chiều lộng nắng vàng hoe

Bước chân giẫm nát cây hè phượng rơi

Đưa tay ôm lấy gió trời

Bỏ quên sách vở tình khơi giữa hè

7. NGUYỄN TRƯỜNG ANH

Trong đôi mắt thơ dại khờ

Một niềm lưu luyến mong chờ hè sang

Hàng dương rũ bóng chiều tan

Hàng cây phượng đỏ theo làn tóc mây

8.ĐẰNG LINH

Nhớ thương ơi! Những đợi chờ

Dãy bàn năm cũ phai mờ mực chưa?

Trường yêu xa mấy cho vừa

Tình thương thầy, bạn bây giờ vời xa

(Trong Phù Sa của bút nhóm Trẻ)

(Báo Thiếu Nhi số 125 ngày 1.6.1974)



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com