Những bài thơ không có nhuận bút
Bài thơ đầu tiên của tôi được đăng trên báo vào năm 1972. Lúc đó, tôi còn là một cậu học sinh trung học của ngôi trường Tây Hồ - tên hiệu của nhà ái quốc nổi tiếng Phan Châu Trinh tại thành phố Đà Nẵng.
Không giống như bây giờ, bất cứ một sáng tác nào của bạn đọc được in trên báo đều có nhuận bút, có báo biếu được đóng dấu “kính biếu” son đỏ tươi thơm mùi giấy mới mà khi áp vào lồng ngực thì vẫn còn vọng lại niềm vui. Thời của tôi, điều đó, đừng mơ tưởng đến.
Tuy nhiên, đối với một cậu học trò, được in bài thơ trên báo đã là một vinh dự. Bạn bè nhìn bằng con mắt nể nang. Và trong những lần làm “báo tường” thì bao giờ cũng được thầy giáo chỉ định vào “ban tổ chức” hoặc ưu tiên chọn đăng bài.
Còn nhớ, những buổi chiều tháng chín, dù vòm trời ở miền Trung xám xịt những cơn mưa nhòe nhoẹt, tôi cũng ngoan ngoãn đội áo mưa đi ra những sạp báo. Tay run run. Lòng hồi hộp. Mắt láo liêng. Rụt rè lật từng trang báo, từng trang. Để rồi thất vọng. Để rồi vỡ òa niềm sung sướng. Bài thơ của mình kỳ này có được tòa soạn chọn đăng hay không?
Còn nhớ, những ngày báo ra trễ, lòng nôn nóng. Chờ đợi, chợt nghe văng vẳng bên tai tiếng rao lanh lảnh của những đứa bán báo. “Báo mới đây! Thiếu Nhi! Tuổi Hoa! Thằng Bờm đây!”. Thế là lòng rộn rã, tôi chạy ùa ra đường phố để mua cho bằng được tờ báo mà mình yêu thích.
Bây giờ, thỉnh thoảng được đọc những bản thảo của các bạn để viết “nên vần nên điệu” cho Mực Tím - không hiểu sao, tôi lại thấy bóng dáng của các bạn trẻ ấy là tôi của những ngày đã xa. Đó là tôi miệt mài làm thơ và mua tem để gửi qua đường bưu điện.
Những bài thơ được gửi đi và còn hy vọng sẽ được tòa soạn chọn đăng. Và không hề có nhuận bút. Vậy cũng vui lắm rồi. Mới đó thôi, vậy mà, cứ tưởng đã xa…
LÊ MINH QUỐC
(nguồn: Báo Mực Tím số 106 - 10.1.1994)